Nguyễn Du qua hành trình đi sứ Trung Quốc

(Baohatinh.vn) - Trong cuộc đời mình, Nguyễn Du có 2 lần đóng vai trò nhà ngoại giao cấp quốc gia. Một lần vào năm 1803, tiếp sứ thần Trung Quốc sang phong sắc vua cho Gia Long; một lần vào năm 1813, trong vai trò chánh sứ. Nếu không bị bệnh và mất vào ngày 10/8/1820, thì ông đã tham gia đi sứ sang nhà Thanh lần thứ 2, làm nhiệm vụ báo tang khi vua Gia Long qua đời.

Mùa đông năm 1803, đương chức Tri phủ Thường Tín, Nguyễn Du được triều đình cử cùng Tri phủ Thương Trường là Ngô Nguyên Viễn, Tri phủ Tiên Hưng là Trần Lưu, Tri phủ Thượng Hồng là Trần Quý Chuyên lên ải Nam Quan để tiếp sứ thần Trung Quốc mang sắc phong cho Gia Long. Trong thư khố, công trạng của đoàn tiếp sứ không được ghi chép nhiều nhưng để lại câu tuyên ngôn về địa giới quốc gia trong bài Cửa Quỷ môn của Nguyễn Du. Trong đó có câu: Núi liền nhau lên cao tận mây xanh/ Cửa ải giữa Bắc - Nam đến đây là chia cõi. Sau chuyến đi này, Nguyễn Du được thăng Đông các Đại học sĩ, vào kinh đô Phú Xuân làm quan văn. Đây là dấu mốc, là cơ sở để ông được nhà vua cử làm chánh sứ. Đến năm 1812, nhà vua thăng hàm Cần chánh điện Đại học sĩ và năm 1813, cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.

Nguyễn Du qua hành trình đi sứ Trung Quốc ảnh 1

Khu lưu niệm Nguyễn Du

Chọn người đi sứ là việc trọng đại vì liên quan đến quốc thể. Người đi sứ phải có kiến văn rộng rãi, làm thơ giỏi, ứng biến nhanh, để chứng tỏ nước mình là nước có văn hóa, không chịu thua kém nước người. Đấy chính là lý do quan trọng chứng tỏ tài năng của Đại thi hào Nguyễn Du. Sử sách chép lại, đoàn đi sứ năm ấy có 27 người, làm nhiệm vụ cống lễ định kỳ. Quan Chánh sứ Nguyễn Du có 5 thư lại. Hai quan Phó sứ Thiêm sự Bộ Lại Trần Văn Đại và Thiêm sự Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong có 8 thư lại, 3 người làm thông ngôn, 2 người ký lục, 1 y sĩ, 5 lo việc ăn uống, y phục và 3 người phục dịch khác.

Trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du có viết: Nước sông gợn sóng trăng sông gợn/ Nhà ai dựa lan can thổi sáo/ Hai mươi bảy người cùng ngoái đầu/ Làng quê đã cách bao lớp núi. Theo sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược xuất bản năm 1971 tại Sài Gòn, đồ cống phẩm gồm 200 lượng vàng, 1.000 lượng bạc, lụa và cấp mỗi thứ 100 cây, hai bộ sừng tê giác, 100 cân ngà voi, 100 cân quế. Cống phẩm được đặt trong các rương hòm, nhựa keo kín các lỗ hở, đồ được chèn bằng những bao ống dăm bào gỗ để hút chất ẩm khỏi mốc, gói giấy bổi chèn cứng để không xê dịch lúc vận chuyển. Đồ cống phẩm trên đường đi chỉ mở một lần bày ra ở đài Chiêu Đức, ải Nam Quan cho quan nhà Thanh xem xét.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa mà chúng tôi tiếp cận từ tư liệu, tổng thời gian đoàn sứ bộ đi từ Huế đến Bắc Kinh rồi trở về mất 14 tháng, chỉ nghỉ lại kinh đô Trung Hoa 20 ngày để thi lễ và sửa soạn ngày về. Đại thể hành trình của đoàn là: khởi hành từ Huế, qua Thăng Long chuẩn bị đồ cống tiến, qua ải Nam Quan sang Trung Quốc, rồi chủ yếu đi đường sông theo dòng Minh Giang và Tả Giang để đến Ngô Châu; ngược dòng Quế Giang đến Quế Lâm, đi vào kênh Hưng An và đến sông Tương; xuôi sông Tương chảy dọc tỉnh Hồ Nam, đến hạ lưu thị trấn Tương Đàm, Tương Âm vào hồ Động Đình nổi tiếng về danh nhân Khuất Nguyên. Tiếp đó, sứ bộ đến Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Từ đây, vì không tiện đường thủy, đoàn sứ bộ theo đường bộ đến Võ Thắng Quang, đến Hà Nam, qua Tín Dương, Yên Thành, Hứa Xương đến Khai Phong, rồi lại theo sông Hà Hoàng, đến Trường Ca, Nghiệp Thành, qua kinh đô nước Triệu xưa là Hàm Đan, qua sông Dịch gắn với câu chuyện Kinh Kha rồi đến Bắc Kinh. Theo dõi hành trình trên, chúng ta đã thấy những khó nhọc mà đoàn sứ bộ phải trải qua, lại phải đấu trí với nhiều bậc tài cao ở xứ người, nếu không khéo có khi chuốc vào tai họa. Vì thế, có nhiều kẻ sĩ khi đi sứ đã viết sẵn lời từ biệt, phòng khi gặp bất trắc, không thể trở về.

Với kiến văn rộng rãi, nặng sự tình với con người nhân thế, Nguyễn Du đã ghi chép lại khá đầy đủ hành trình từ Huế đến kinh đô nhà Thanh. Tại dinh Tuyên Phủ (khu vực chùa Quán Sứ), nơi đoàn sứ trú chân, một buổi tiệc tiễn hành, có đủ các nữ nhạc trong thành Thăng Long, con hát trẻ đến mấy chục người, thay nhau múa hát và có cả cô Cầm (người gãy đàn lừng danh, xưa cung phụng cung vua Lê, thời Tây Sơn được quan tướng thưởng tiền lụa như đất bùn) nay: Chỉ riêng cuối chiếu một người hoa râm/ Nước da vàng vọt, thất thần/ Nét mày phờ phạc không lần điểm tô/ Nhìn người ấy, có ai ngờ/ Tài đàn bậc nhất kinh đô một thời (Long Thành cầm giả ca). Nàng gảy Nguyễn cầm, tức đàn Nguyệt do Nguyễn Hàm đời Tấn chế. Tiếng đàn làm Nguyễn Du xúc động viết bài thơ chữ Hán tuyệt tác, trong đó có những câu tương liên: Đầu ta bạc trắng ai bàn/ Trách gì người đẹp dung nhan héo sầu?/ Mở trừng đôi mắt nhìn lâu/ Gặp nhau chẳng nhận được nhau, thật buồn. Nguyễn Du còn gặp lại trên đường bạn bè cũ, nay đã thành ông, và nguời hát cũ, người yêu của em Nguyễn Ức, nay đã lấy chồng, có ba con và ái ngại thay, vẫn mặc chiếc áo hồng ngày xưa ra đón quan Chánh sứ trong bài Ngô gia đệ cựu ca cơ (Gặp người hát cũ của em). Vượt qua cửa ải nhà Hán (trấn Nam Quan), Nguyễn Du viết Nam Quan trung đạo (Trên đường Nam quan):

Mây năm sắc, chiếu vua ban

Một xe muôn dặm, Nam Quan qua rồi

Bạn đường: tóc bạc mà thôi

Hai mươi ngày chỉ núi đồi bủa vây

Ơn vua chưa báo mảy may

Mưa xuân rắc mỡ, rét dày thấu xương

Cần chi phải hỏi thăm đường

Minh Giang ngược bắc là phương Kinh thành

(Vương Trọng dịch)

Nguyễn Du qua hành trình đi sứ Trung Quốc ảnh 2

Viếng mộ Nguyễn Du (Ảnh: Sỹ Ngọ)

Qua sông Dịch, Nguyễn Du nhớ lại tích xưa khi Thái Tử Đan đưa tiễn Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng. Cao Tiệm Ly thổi sáo, Kinh Kha khảng khái hát hai câu thơ: Gió vi vu chừ sông Dịch lạnh hề/ Tráng sĩ ra đi chừ không trở về. Tác phẩm "Kinh Kha cố lý" (Làng cũ Kinh Kha) từ đó mà ra đời. Bài thơ có những câu gợi nhớ:

Gió se, sông Dịch lạnh lùng

Mặt trời ảm đạm, cầu vồng xuyên ngang

Lời ca khẳng khái tiếng vàng

Kinh Kha qua ải để sang nước Tần

(Vương Trọng dịch)

Đường đi sứ cũng qua nhiều thắng cảnh nổi danh, gắn với nhiều sự tích và các nhân vật văn hóa. Trang bị bằng nền Hán học sâu sắc, Nguyễn Du thường không bỏ qua các di tích lịch sử - văn hóa để cảm khái, hoặc tự tình. Qua sông Hoài, thi sĩ nhớ Hàn Tín, viếng mộ Đỗ Phủ, thăm mộ Âu Dương Tu (một trong 8 nhà văn nổi tiếng đời Tống). Qua đình Tô Tần, thi sĩ đồng cảm với các sử gia Trung Hoa cho rằng, mưu lược của người này cốt là để hưởng phú quý, vinh thân. Qua đài Đồng Tước nguy nga của Tào Tháo xưa, chỉ thấy cái nền gió lạnh, cảnh thu heo hắt. Qua lầu Hoàng Hạc, Nguyễn Du thấy nhớ cái buồn trong thơ Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) mà viết: Nỗi niềm biết ngỏ cùng ai/ Trăng thanh, gió mát hiểu người được chăng? Nhà ngoại giao Nguyễn Du không chỉ cảm nhận sâu sắc giá trị tinh thần mà còn chia sẻ, đồng cảm với những con người nghèo khổ. Qua sông Minh, Quảng Tây, Nguyễn Du thấy thương những người dân cảnh màn trời chiếu đất vì Trận lũ vừa mới rồi, làm nước sông vẩn đục. Đến Hồ Nam, gặp cảnh Trận lụt mới, nước nhiều thêm mấy thước lại thương những thân người gầy yếu, tai nghe vẳng tiếng trẻ con khóc vì đói cơm.

Sau chuyến đi sứ của Nguyễn Du, vua Càn Long có gửi thư cho vua Gia Long khen sứ thần Nguyễn Du là người thâm hậu, biết giữ lễ nghĩa, thuận tình hòa hiếu bang giao. Xét ở góc độ con người bổn phận, Nguyễn Du đã làm tròn trách nhiệm với triều đình, góp phần giữ gìn hòa hiếu hai bên. Ở khía cạnh khác, chuyến đi sứ còn cho thấy thêm phẩm chất tài hoa của Nguyễn Du cũng như nỗi đau đời thường trực.

Bắc hành tạp lục là tập hợp những điều mắt thấy, tai nghe, khẳng định thêm tầm vóc, và cái tâm của cụ Nguyễn.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast