Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Lại thêm một tệ nạn

Chúng ta là dân Việt, ăn cơm Việt, ở nhà Việt, tắm trong nền giáo dục, văn hoá Việt... mà nói lại như Tây, ngây ngô, ngọng nghịu

Những biển hiệu như thế này làm "méo mó" tiếng Việt
Những biển hiệu như thế này làm "méo mó" tiếng Việt

Cái được gọi là “tệ nạn” này vẫn đang diễn ra hàng ngày, nhìn đâu ta cũng thấy, quen thuộc đến bình dị. Bình dị đến nỗi chẳng ai còn để ý đến nữa. Có người lại thấy vui vui. Vui vì cuộc sống phong phú quá. Náo nhiệt và tưng bừng quá. Đời thường là thế mà. Nói như ai đó đã nói: “Tất cả mọi dòng sông đều chảy!”

Đó là chuyện bình thường.

Thế rồi, đến một lúc nào đó, bình tâm nhìn lại, ta bỗng giật mình. Hóa ra có những điều tưởng như bình thường, lại không hề bình thường một chút nào cả. Ta vẫn thường quan tâm đến nạn phá rừng, phá môi trường sinh thái. Nhưng có mấy ai để ý đến bầu văn hóa đang bị ô nhiễm. Đặc biệt là tiếng Việt. Chưa bao giờ Tiếng Việt bị tàn phá tàn bạo như hiện nay.

Phải công nhận rằng, những năm gần đây, nhờ công cuộc đổi mới đất nước, người dân Việt Nam, dù không biết ngoại ngữ cũng không hề lạc hậu. Những tác giả đoạt giải Nobel, những tác phẩm vừa gây được tiếng vang trên văn đàn thế giới thì ngay lập tức cũng đã xuất hiện ở Việt Nam với nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản khác nhau.

Trong lĩnh vực báo chí cũng rất phong phú và đa dạng. Chúng ta có báo hình, rất nhiều báo hình, rồi báo nói, báo giấy. Riêng loại hình báo giấy, chúng ta có trên 800 đầu báo. Ấy là chưa kể báo mạng, rồi còn bạt ngàn những trang Blog cá nhân. Cả một rừng Blog. Và rồi cũng đã dần dần hình thành một dòng văn chương Blog.

Nhiều trang Blog có giá trị đã được tuyển chọn rồi xuất bản thành những cuốn sách rất “ăn khách”. Không ít cuốn vừa ra đời đã được tái bản liên tục, như Kí ức vụn của Nguyễn Quang lập, Tớ là Dâu của Joe, mà tôi và nhiều bạn đọc đã viết bài giới thiệu và không tiếc lời ca tụng.

Blog là một trong những loại hình báo mạng được nhiều người tìm đọc. Nhiều trang Blog rất hay. Vui. Hóm. Giàu chất nhân văn và lượng thông tin. Nhưng cũng không ít trang Blog vô bổ, nhảm nhí, thậm chí là độc hại, bởi những thông tin sai lạc, thiếu thiện chí. Người viết cứ viết “văng mạng”, lại không có sự “biên tập”, rà soát, cứ hồn nhiên và vô tư xả lên thinh không, biến không ít trang báo mạng thành những “bãi rác” khổng lồ, làm ô nhiễm bầu khí quyển trong lành của thời hội nhập và mở cửa.

Bởi thế, bài viết “Ngôn ngữ chát, mốt hay sự lạm dụng?” của cô giáo Nguyễn Thanh Mai in trên tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, có thể xem là một ý kiến hay, một vấn đề rất đáng được lưu ý.

Có một sự thật hiển nhiên mà hầu như ai cũng thấy. Cứ lật trang báo, hay bước ra đường là thấy: Tiếng Việt đang bị tàn phá đến méo mó và dị dạng. Thế thì trách chi những trang báo hoang? Trong nhiều trang Blog, tiếng Việt bị bóp nặn đến biến dạng, chỉ với một mục đích nhằm để giải trí, gây cười. Đùa thì được. Vui thì được. Thậm chí còn vui nữa là đằng khác. Vì cuộc sống cũng cần đến những niềm vui. Nhưng khi biến những trò nghịch ngợm tếu nhộn ấy thành văn bản, thành ngôn ngữ chính quy thì lại không hề bình thường một chút nào.

Cô giáo Nguyễn Thanh Mai giật mình thảng thốt: “Gần đây khi đọc, chấm bài văn của học sinh, tôi đã thường xuyên gặp phải hiện tượng các em dùng nhiều kí tự lạ, chữ viết tắt, sử dụng từ ngữ kiểu “số hoá”, kiểu thành ngữ láy vần vô nghĩa: “nhỏ như con thỏ”, “chán như con gián”... Rồi những từ đậm màu sắc ngôn ngữ chát như “híc híc”, “ woa”, “oh gie”. Có em còn cho đó là “mốt của tuổi teen”, nếu bạn nào không nói, viết thế sẽ bị cho là “nhà quê”.

Hiện tượng ngôn ngữ chát “xâm nhập” vào học đường, học sinh ngày càng lạm dụng kiểu viết, kiểu dùng từ như vậy khiến nhiều giáo viên Ngữ văn như tôi thực sự thấy lo ngại. Vậy nguyên nhân của thực tế này là do đâu? Làm thế nào để ngăn chặn, khắc phục, chữa được “căn bệnh” này cho các em?”.

Hoan nghênh cô giáo Nguyễn Thanh Mai và Toà soạn tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Việc gióng lên tiếng chuông báo động như vậy là rất cần thiết. Chuyện các em bắt chước văn phong Blog, hay ngôn ngữ trò chuyện thường ngày là điều dễ hiểu. Ta hãy đáo qua quán nhậu sẽ thấy: “Phan Đình Giót đi!”, “Bắc Kạn nhé!”, “Được! Bao nhiêu cũng được. Tớ sẵn sàng lí chiều chiều!””Xin nâng chén chúc mừng các đồng chí chưa bị Nghĩa Lộ”...

Thôi thì trách chi những anh nát rượu. Ta hãy ngước nhìn khắp các khu phố kia. Những lời quảng cáo, những tấm biển hiệu đã được các cơ quan chức năng của thành phố thẩm định. Chỗ này “Sài Gòn răng”. Chỗ kia “Lẩu dê quán”. Rồi chỗ nọ “Sài Gòn ngân hàng”… Rồi còn hàng trăm biển, nhãn tương tự. Xin bạn đọc lưu ý, đây là biển tiếng Việt, viết bằng chữ Việt, chứ không phải biển tiếng nước ngoài, viết bằng chữ nước ngoài.

Ngay cả những nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng cũng còn gọi “Hà Nội phố”, “Em ơi Hà Nội phố…”. Rồi cũng theo cái “mốt” ấy, có một nhà báo tài danh cũng đã viết bài và “giật” cái tít to đùng trên một tờ báo sang trọng: “Mốt mùa hè - HÀ NỘI VÁY…”

Ngay cả những tác phẩm từng đoạt giải văn chương, có thi sĩ còn viết: “Chiều nay, em nhận được bức thư từ anh”. Rồi lại một thi sĩ nổi tiếng khác miêu tả những người phụ nữ nông thôn: “Người em được quấn bởi tấm áo bông dày”. Những tác phẩm được coi là văn chương mẫu mực mà còn thế. Rồi sẽ đến lúc các em không nói “Tôi ăn cơm”, mà sẽ là “Cơm đã được ăn bởi tôi”.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là công việc của toàn xã hội, của tất cả mọi nhà, mọi người, chứ không còn là chuyện riêng của các nhà văn hay các thầy cô giáo. Bây giờ buồn thay, hầu như rất ít người quan tâm đến điều này. Tôi chợt nhớ Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Người ta kể rằng, thời chiến tranh phá hoại khốc liệt, Mĩ ném bom B52 rải thảm huỷ diệt Hà Nội, cụ Nguyễn Lân chạy ra hầm trú ẩn công cộng của khu phố, nhưng lại thấy trên nóc hầm, người ta viết một câu sai chính tả: “Hầm chú ẩn”. Thế là ông cụ kiên quyết không vào: “Đây là hầm dành cho chú, mà tôi thì đã là bác, là ông rồi!”.

Câu chuyện trên dĩ nhiên là giai thoại. Mà giai thoại thì có thể là thật, có thể là bịa. Nhưng tấm lòng đau đáu của nhà giáo Nguyễn Lân với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là điều có thật. Trước khi giã từ cõi đời, dù đang mang trọng bệnh, lại ở tuổi 97, ông cụ vẫn còn cặm cụi biên soạn bộ Đại Từ điển Tiếng Việt dành cho lớp người sau.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái có biệt tài vẽ phố cổ Hà Nội. Để định danh mảng sáng tác đặc sắc này của hoạ sĩ tài danh, cụ Nguyễn Tuân gọi là “Phố Phái”. Ông cụ gọi là “Phố Phái”, chứ có nói và viết là “Phái Phố” đâu.

Chúng ta là dân Việt, ăn cơm Việt, ở nhà Việt, tắm trong nền giáo dục, văn hoá Việt, hít thở bầu khí quyển Việt, mà nói lại như Tây, mà Tây ngây ngô, Tây ngọng nghịu, Tây “không thõi” tiếng Việt.

Nghĩ mà buồn lắm thay!

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast