Nhớ quê…

Thành phố sớm nay trời trở gió. Gió quạt rào rạt trên những hàng cọ phía sau khu phòng trọ. Tôi nhìn ra phía ấy qua những cái lỗ bé tí của chiếc xuyên hoa và chợt nôn nao nhớ không gian mênh mông, khoáng đạt của quê nhà Sơn Mỹ xa xôi...

Thuở ấy, những ngày trời nổi gió, trẻ con chúng tôi đã trái lời dặn phải ngồi yên trong nhà của người lớn mà rủ nhau chạy ra con đường bao quanh làng đón gió và say sưa ngắm sóng lúa dập dờn.

Những cành cọ quê nhà...

Những cành cọ quê nhà...

Nhà của nội, chỗ ngày xưa chúng tôi đã sống, đã đi qua những ngày nắng cháy, những mùa mưa lũ, những buổi đói kém, những bữa cơm no... giờ chỉ còn là thềm đất phủ đầy rêu. Tôi mường tượng rằng phía dưới những tàng rêu xanh đó là ngồn ngộn cả một trời kỷ niệm nên chẳng bao giờ dám dẫm lên tấm thảm xanh mềm mại ấy. Nơi đó cất giấu những tháng ngày nhọc nhằn nhưng êm đềm giữa tình quê đậm đà. Tôi nhớ rất rõ từng ngóc ngách ngôi nhà chúng tôi đã gắn bó. Chỗ cuối bậc thềm phía sau là chỗ cái chum nước, ngày nhỏ mỗi lần nước vơi đi tôi vẫn thò đầu vào đó để hát, tiếng hát từ trong chum nghe vang vang như giọng của ai đó, không giống giọng của mình. Góc kia là chỗ đặt cái cối xay lúa, ngày nhỏ tôi vẫn phụ giúp bà nội bằng cách xúc lúa đổ vào, còn phía sau là chỗ để cái cối chày đạp dùng giã thức ăn cho lợn, phía trong cái cối là chiếc thuyền thúng và cái thang dài để dùng mỗi lần lũ về. Hồi đó những cơn lũ về không tin tức, cũng không hề có một sự hỗ trợ nào, làng xóm cùng nhau chống chọi, cùng chia cho nhau củ khoai, hạt gạo mỗi lúc nước về mênh mang ruộng đồng, bờ bãi...

Bình yên làng quê...

Bình yên làng quê...

Có lần tôi cùng o út trở về và sống lại mấy ngày ở đó. Ở quê thời thế cũng đã đổi khác. Điện về nên không còn thấy ánh đèn dầu leo lét, nhà nào cũng có tivi nên chẳng còn cảnh tối tối mấy nhà quây quần bên nhau uống nước chè xanh và chuyện gẫu. Trẻ con cũng không tìm nhau chơi những trò chơi dân gian như chúng tôi hồi trước. Thoáng chút hụt hẫng nhưng âu đó cũng là thuận theo lẽ tự nhiên... Tuy nhiên khi màn đêm buông xuống, tôi mới biết rằng quê nhà thương mến vẫn còn lại những điều mãi mãi không bao giờ mất đi. Đầu tiên đó là tiếng hát ru của một bà mẹ trẻ vọng lại từ một nhà đầu làng. Dường như bây giờ chỉ ở quê người ta mới hát ru con như thế. Thoảng đâu đó bên tôi tiếng hát xa xa, êm đềm và đầy nỗi niềm gửi gắm của nội mỗi lần ru lũ cháu chắt chúng tôi ngủ: “à ơi, con ong làm mật yêu hoa, con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời, con người muốn sống con ơi, phải yêu đồng chí, yêu người anh em, à à ơi...”. Đêm quê tịch mịch, tất thảy mọi việc đã được dừng lại nhường chỗ cho sự nghỉ ngơi, chỉ còn bầy côn trùng vẫn say sưa rỉ rả bản hoà tấu của mình từ lòng đất và những lá cọ vẫn lộp bộp chuyền nhau những hạt sương đêm. Tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, tiếng rơi của một tàu cau khiến tôi tỉnh giấc, tôi vẫn nghĩ đó là tiếng sinh nở của loài cau. Cũng là âm thanh khiến tôi tỉnh thức nhưng không giống với tiếng còi xe nơi thị thành, tiếng tàu cau rơi mang trong nó thật nhiều nỗi niềm. Ngày ấy, vào dịp này, mỗi lần có tàu cau rơi là nội tôi mừng lắm vì thể nào Tết cũng có cau bán thêm tiền lo Tết, chú tôi vui vì ngày mai mình có cái mo còn thơm nồng mùi cau để đùm cơm với muối vừng mang đi học ăn, còn chúng tôi thì đã có thêm những cái tàu đồ chơi mới... Tang tảng sáng, tiếng bầy vịt cạc cạc kêu từ cái ao đầu ngõ đã đưa tôi trở về những đêm tuổi thơ xa lơ, xa lắc. Đó là bầy vịt của ông già bên xóm, có lẽ đây là bầy vịt cháu, chít mấy đời của những bầy vịt năm xưa. Bầy vịt không phải của nhà tôi nhưng lại rất gắn bó với mọi người bởi nó chính là cái đồng hồ báo thức của chúng tôi. Cứ mỗi lần bầy vịt thức giấc là chúng tôi cũng trở mình, lục đục dậy chuẩn bị cho một ngày mới. Chính bà nội tôi là người tạo ra thói quen đó cho cả nhà.

Tiếng vịt kêu sáng ấy khiến tôi chạnh lòng nhớ nội miên man. Cả một đời lam lũ, tính tuổi đời bằng những mùa gặt hái, điểm thời gian qua tiếng vịt kêu... liệu ở chốn vô thường xa xăm kia, những thói quen quê mùa cực khổ ấy có còn theo nội…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast