Niềm tin tất thắng trong bài thơ Xuân cuối cùng của Bác Hồ

(Baohatinh.vn) - Cách đây 46 năm, vào giờ khắc giao thừa, nhân dân ta lại lắng mình xúc động nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết và thơ mừng năm mới trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thư và thơ của Người gửi đến đồng bào cả nước súc tích, ngắn gọn nhưng luôn âm vang, giàu ý nghĩa. Bác gửi tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những lời chúc đầu năm tốt đẹp, may mắn. Chúc Tết năm 1969 là bài thơ Tết cuối cùng của Bác. Chỉ với 6 câu thơ thể lục bát, Bác Hồ đã gửi gắm được thông điệp quan trọng nhất đến hàng triệu đồng bào cả nước:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

Với những thế hệ đi trước, việc nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ trong đêm giao thừa trở thành một điều quá đỗi quen thuộc, như một phong tục không thể thiếu, đánh dấu sự “chuyển mình” sang năm mới. Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc Tết đồng bào ta. Trừ bài chúc Tết xuân Nhâm Ngọ - năm 1942, Người viết trong quá trình lãnh đạo mặt trận Việt Minh, 21 bài còn lại được Bác viết trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đến nhân dân cả nước. Những lời thơ mừng xuân của Bác tuy ngắn gọn, cô đọng nhưng luôn đủ ý về tổng kết tình hình năm qua và nhận định tình hình năm mới, kêu gọi nhân dân đồng sức, đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo. Và bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu - 1969 cũng chứa đựng đầy đủ những nội dung đó.

Niềm tin tất thắng trong bài thơ Xuân cuối cùng của Bác Hồ ảnh 1

Bác Hồ chúc tết các cháu thiếu niên nhi đồng. (Ảnh tư liệu)

Ngay trong câu thơ đầu, Bác đã nhắc lại thành quả nhân dân cả nước đạt được trong năm cũ: Năm nay thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi vẻ vang mà Bác muốn nói đến ở đây chính là cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Đêm giao thừa và đêm mùng một Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não của kẻ thù. Sau gần 2 tháng, quân dân miền Nam đã làm tan rã và tiêu diệt khoảng 15 vạn tên địch, phá 600 ấp chiến lược và giải phóng thêm 100 xã với hơn 1 triệu dân. Những con số “biết nói” ghi nhận những thắng lợi mà nhân dân ta đạt được sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đủ để minh chứng cho thắng lợi vẻ vang trong vần thơ chúc Tết của Bác.

Trên đà thắng lợi đó, Người gửi gắm niềm tin chắc thắng vào tương lai: Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Quả đúng như vậy, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 như “sét đánh” đối với quân xâm lược, gây chấn động dư luận Mỹ. Phong trào đấu tranh ở miền Nam ngày càng sục sôi, vươn mình mạnh mẽ đi đến toàn thắng vào năm 1975.

Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Người nhắc lại mục đích cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta:

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Vì độc lập, vì tự do, đó không chỉ là chân lý của vị lãnh tụ mà ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh tinh thần để làm nên chiến thắng oanh liệt của toàn dân tộc. Dưới con mắt tài tình của vị lãnh tụ tối cao, Bác còn chỉ ra chiến lược chiến đấu: trước đánh cho Mỹ cút, sau đánh cho Ngụy nhào. Cấu trúc ngôn ngữ của 2 câu thơ lục bát trên đã thể hiện rõ quan hệ nhân quả: vì độc lập, vì tự do thì nhân dân ta buộc phải đánh bại quân xâm lược. Cách dùng 2 động từ mạnh trong cùng một câu cút, nhào đã nhấn mạnh gấp đôi sự thất bại thảm hại của kẻ thù. Việc vận dụng khẩu ngữ cút, nhào nhuần nhuyễn trong câu thơ cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt khéo léo của Người.

Hào khí của người lãnh đạo đã “truyền lửa” vào những vần thơ Xuân để kêu gọi nhân dân cả nước quyết chiến, quyết thắng:

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

Câu thơ như mệnh lệnh, như lời hiệu triệu sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Hai chữ đồng bào trong lời thơ của Người hơn lúc nào hết thể hiện sự thống nhất, cùng chung chí hướng của “con Rồng, cháu Tiên”. Tinh thần lạc quan luôn là tiếng kèn xung trận, thôi thúc cả nước lên đường vào trận chiến mới. Sau những lời kêu gọi chiến đấu, câu thơ cuối là dự báo tương lai sum họp đã thành hiện thực vào mùa xuân năm 1975.

Trong sự nghiệp sáng tác văn thơ, ngòi bút của Người dành nhiều “ưu ái” hơn cho mùa xuân. Không chỉ là trong 22 bài thơ chúc Tết mà còn trong rất nhiều những câu thơ khác. Bởi ở Người, có sự giao thoa giữa tâm hồn thi sĩ và tinh thần, ý chí người chiến sĩ cách mạng. Mùa xuân trong thơ Người là mùa xuân khởi đầu một năm của đất trời nhưng cũng là mùa sáng bừng sức sống của dân tộc, của tinh thần cách mạng lạc quan, vượt lên mọi vất vả, gian nan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast