Niềm tin vào sức sống trường tồn của dân ca ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Paris (từ ngày 24 đến 28/11) với kết quả: dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng chí Nguyễn Thiện - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Hà Tĩnh cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Thưa Phó Chủ tịch, trước khi cùng đoàn Việt Nam sang Paris tham dự kỳ họp thứ 9 Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ DSVH phi vật thể, ông có nghĩ rằng, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại?

Tôi rất tin vào điều này. Vì dân ca ví, giặm có giá trị văn hóa cả về nội dung và nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng dân cư Nghệ Tĩnh. Sức sống của dân ca ví, giặm là rất mạnh mẽ, có sức lan truyền lớn. Theo các chuyên gia thì di sản chứa đựng 21 loại hình âm nhạc tự do và âm nhạc có nhạc điệu cố định. Đặc biệt, hầu hết các làn điệu dân ca ví, giặm đều thể hiện bằng các thể loại thơ ca truyền thống như: thơ lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát, thơ ngũ ngôn.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cùng tham gia với đoàn. (Ảnh: VOV)
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cùng tham gia với đoàn. (Ảnh: VOV)

- Nhưng, điều đó cũng phải bắt nguồn từ quá trình làm hồ sơ nữa phải không, thưa Phó Chủ tịch?

Tất nhiên, mọi sự thuyết phục phải nằm ở hồ sơ. Hồ sơ ví, giặm được hoàn chỉnh và đệ trình vào đầu năm 2013. Tiếp sau đó, diễn ra nhiều hoạt động hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Quá trình xây dựng hồ sơ được tiến hành rất công phu, nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, các câu lạc bộ, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, các cấp, ngành của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Việc xây dựng hồ sơ rất nghiêm ngặt. Số lượng câu chữ phải ngắn gọn, súc tích, nêu bật được giá trị của di sản; phải có băng ghi hình, 10 bức ảnh tiêu biểu tượng trưng và nhiều tài liệu khác.

- Thưa Phó Chủ tịch, khi ngài Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ gõ chiếc búa công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại với sự thống nhất cao của Ủy ban, cảm xúc của Phó Chủ tịch và các thành viên đoàn Việt Nam như thế nào?

Đó là một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi và anh em đoàn Việt Nam vừa xúc động, vừa tự hào. Trong hội trường sang trọng, với cách bố trí ánh sáng, âm thanh hiện đại, di sản của dân tộc được xướng tên trước đông đảo đại diện của các nước, điều này bạn cũng có thể tưởng tượng được niềm vui sướng như thế nào, nhất là khi di sản ấy được sinh ra, lưu truyền tại quê mình - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, đất học, đất thơ.

Dân ca ví, giặm là phương tiện làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, phương tiện vui chơi giải trí, nơi thổ lộ tâm tình của người dân xứ Nghệ... (Ảnh: Thiên Hùng - Life TV)
Dân ca ví, giặm là phương tiện làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, phương tiện vui chơi giải trí, nơi thổ lộ tâm tình của người dân xứ Nghệ... (Ảnh: Thiên Hùng - Life TV)

- Có ý kiến cho rằng, di sản được UNESCO công nhận đã khó, việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản còn khó hơn. Với trường hợp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Hà Tĩnh có kế hoạch như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị đích thực của di sản, thưa Phó Chủ tịch?

Trước hết phải khẳng định rằng: ví, giặm Nghệ Tĩnh có sức sống nội tại của nó. Bản thân nó biến đổi theo thời gian, từ chỗ thực hành lao động sang hình thức sinh hoạt và biểu diễn. Điều này bắt nguồn từ tình yêu ví, giặm thấm trong máu thịt của người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Lâu nay, tỉnh ta đã quan tâm tới công tác bảo tồn ví, giặm, song, thời gian tới, cần tập trung cao hơn. Trước hết là phối hợp với tỉnh Nghệ An để tham mưu Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ và phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc về giá trị của di sản, qua đó, nâng cao lòng tự hào và có ý thức trách nhiệm đối với di sản.

Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu thông qua các nghệ nhân, nhà nghiên cứu dân gian, các viện văn hóa nghệ thuật. Đẩy mạnh việc truyền dạy, thông qua các sinh hoạt cộng đồng, giảng dạy trong trường học. Ban hành chính sách đối với nghệ nhân và các câu lạc bộ. Tổ chức các không gian diễn xướng, các lễ hội, liên hoan... Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để làm tốt công tác bảo vệ và phát huy di sản, làm cho ví, giặm Nghệ Tĩnh mãi mãi trường tồn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững về KT-XH của tỉnh.

- Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phát huy được vai trò chủ thể của người dân đối với di sản?

Đúng thế! Khi các ngành, các cấp cùng chung tay làm tốt các nhiệm vụ trên thì quần chúng sẽ ủng hộ và vào cuộc tích cực. Bởi lẽ, ví, giặm là nghệ thuật dân gian của quần chúng lao động. Nhân dân Hà Tĩnh và Nghệ An ngày nay không những mê nghe hát mà còn rất nhiều người biết hát, biết sáng tác dân ca ví, giặm. Đó là điều mà chúng ta có thể yên tâm trong chiến lược bảo tồn.

- Cảm ơn Phó Chủ tịch đã tham gia cuộc phỏng vấn!

(thực hiện)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast