Nối mạch đất thiêng

(Baohatinh.vn) - Nằm ở phía Tây nam của Hà Tĩnh, Hương Khê được lịch sử lưu danh là vùng đất với nhiều chiến tích hào hùng. Không chỉ là nơi dấy nên ngọn cờ hồng của lòng yêu nước trong quá khứ mà hiện tại, Hương Khê đang nỗ lực từng bước “thay da đổi thịt” để hòa nhịp vào sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước...

Dòng chảy lịch sử trầm mặc

Cách đây gần 150 năm vào khoảng tháng 10 năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức (tức tháng 11/1867), vua nghe theo lời tâu của quan tỉnh Nghệ An mà cho phép lập huyện Hương Khê. Trải qua một vài lần thay đổi địa phận hành chính, đến nay, Hương Khê là huyện có diện tích lớn với 21 xã và 1 thị trấn, chiếm hơn 1/5 tổng diện tích đất đai toàn tỉnh.

Hồ Bình Sơn (Ảnh: Minh Chiến)
Hồ Bình Sơn (Ảnh: Minh Chiến)

Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, lịch sử lưu danh Hương Khê là vùng đất giàu lòng yêu nước. Hai chữ “Phù Lê” được vua Lê ban để đặt tên cho một ngọn núi hùng vĩ nơi đây cũng chính là ghi nhận những đóng góp của nhân dân Hương Khê trong sự nghiệp chống giặc Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tinh thần dân tộc của nhân dân huyện miền núi một lần nữa lại dâng cao khi tất cả đồng sức, đồng lòng xây dựng căn cứ địa, làm dinh, làm trại cho quan quân Hàm Nghi. Việc vua Hàm Nghi hạ chiếu trên mảnh đất này đã làm lòng dân phiến động, như một ngọn gió thổi bùng ngọn lửa yêu nước. Việc xây đắp căn cứ Sơn Phòng ở xã Phú Gia là một chiến dịch, một chiến công vĩ đại của nhân dân Hương Khê lúc đó. Để xây dựng Sơn Phòng cần huy động sức người, sức của lớn, nên mỗi hộ dân đã đóng góp gần một phần ba tài sản của mình cho công quỹ. Bà con bán trâu, ruộng, lúa ngô... ai ai cũng xem đây như trách nhiệm của một người con khi đất mẹ lâm nguy:

“Về bán roọng (ruộng) bán nương

Tru (trâu) ba con bán một

Bò ba con bán một

Chộ (nhìn thấy) đồng điền lúa tốt

Nhủ (bảo) gặt rẹ (rẽ) chia ba

Lúa đồng Vại Phú Gia

Để làm dinh, làm phố

Lập chợ tỉnh Sơn Phòng

Hào lũy đắp chưa xong...”.

Mặc dù về sau, khi vua Hàm Nghi bị bắt, công trình xây dựng dang dở, không được sử dụng nhưng căn cứ Sơn Phòng một thuở vẫn là minh chứng hơn mọi lời nói cho quyết tâm hy sinh vì Tổ quốc của nhân dân Hương Khê.

Tinh thần bất khuất của người dân Hương Khê là truyền thống quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có biết bao người dân đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ đội quân Khê Thứ dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng đến phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh sục sôi những năm 1930-1931 và an toàn khu trong kháng chiến. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vùng Hương Khê được Ủy ban kháng chiến Trung bộ chọn làm an toàn khu (gọi tắt là ATK), là nơi đặt các cơ quan hậu cần, công xưởng, trường học, nơi sơ tán của các gia đình cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, 500 cán bộ, học sinh từ Bình - Trị - Thiên được sơ tán ra Hương Khê để xây dựng khu căn cứ và một trường THPT. Trường Trung học Hương Khê - Bình Trị Thiên hay trường TH Gia Phổ trở thành nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước sau này.

Thác Vũ Môn. (Ảnh: Minh Chiến)
Thác Vũ Môn. (Ảnh: Minh Chiến)

Khi kháng chiến chống Mỹ nổ ra trên cả nước, Hương Khê là địa phương hứng chịu rất nhiều bom đạn. Đường Đồng Lộc lên Khe Giao, qua phà Địa Lợi đi vào Quảng Bình là con đường ra mặt trận ác liệt đã bị cày tung, không biết bao nhiêu bom đạn kẻ thù đã trút xuống. Di tích trạm tiền phương Đoàn 559 trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Hương Đô đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Một Hương Khê kiên cường trong chiến tranh, một Hương Khê không lùi bước trước bom đạn của kẻ thù. Và hơn tất cả là một Hương Khê biết vươn lên trong hiện tại.

Một vùng nước biếc, non xanh

Đặt chân đến Hương Khê, vẻ đẹp của núi rừng và khe suối ở đây hẳn sẽ làm nhiều người lưu luyến mãi. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tráng lệ từng làm say lòng nhiều tao nhân, mặc khách. Hương Khê là vùng đất địa linh bởi địa hình sông núi tôn nghiêm cùng những yếu tố phong thủy đặc thù. Những huyền thoại, cổ tích dân gian, những vết tích lịch sử lưu dấu... Tất cả đan kết lại với nhau tạo nên màu sắc vừa huyền bí, vừa hùng vĩ. Câu chuyện cá chép hóa rồng không biết có từ thời nào, nhưng sách “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi lại như sau: “Tương truyền hàng năm, cứ đến ngày tám tháng tư, cá chép vượt suối này và con nào vượt được thì hóa rồng. Phường chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới. Đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần”. Câu chuyện ấy gắn với địa danh thác Vũ Môn càng trở nên thần bí.

Lễ rước báu vật, sắc phong vua Hàm Nghi vào ngày 7 tết hàng năm. Ảnh tư liệu
Lễ rước báu vật, sắc phong vua Hàm Nghi vào ngày 7 tết hàng năm. Ảnh tư liệu

Hương Khê có con sông Ngàn Sâu lượn quanh 9 khúc. Đây chính là một trong những con sông cổ nhất, tiêu biểu nhất của nước Việt. Đoạn sông chảy qua Phương Mỹ, Phương Điền đến Cửa Rào là đoạn quanh co, gấp đến 9 lần, gọi là chín khúc Hội Nai. Đây là đoạn sông có nhiều phong cảnh đẹp, nhà cửa dân cư thấp thoáng trên sườn đồi. Những bãi sắn, nương ngô nối tiếp nhau trải dài tạo cảm giác yên bình đến nao lòng. Chính vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của khúc sông này hứa hẹn tiềm năng du lịch và hứa hẹn trong tương lai không xa, nơi đây có thể trở thành nơi nghỉ ngơi, giải trí cho khách du lịch phương xa.

Nói đến vùng đất Hương Khê, nhiều người sẽ nhắc ngay tới đền Trăm Năm, hay còn gọi là đền Trầm Lâm vì đây được xem là tối linh trong số các miếu thờ của huyện miền núi này. Đền được xây dựng để thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc. Khi chưa bị chiến tranh tàn phá, đền Trầm Lâm còn giữ được vẻ đẹp uy nghiêm, trầm mặc, bốn bề cây cổ thụ xanh tươi. Chỉ duy có màu nước của giếng Trăm Năm trải qua bao cuộc xoay vần của vũ trụ vẫn xanh như ngọc.

Với hơn 72% diện tích đất lâm nghiệp, Hương Khê được đánh giá là địa phương có thế mạnh về rừng. Núi rừng ở Hương Khê không chỉ tạo ra cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hứa hẹn tiềm năng du lịch mà còn mang lại những giá trị kinh tế to lớn. Rừng ở Hương Khê được chia làm nhiều loại. Những khu rừng nằm sát biên giới Việt - Lào, có nhiều loại cây còn giữ dáng vẻ nguyên sinh, từ những cây gỗ cao vút đến các tấm thảm địa y màu rêu nguyên thủy, từ các loại thực vật thông thường đến các loại động vật đã được ghi vào sách đỏ như: voọc, sao la... Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại rừng tạp, nứa tre xen lẫn sim, mua. Loại rừng tạp này bà con có thể khai hoang, phục hóa, hoặc kiếm củi, kiếm rau hay làm nơi chăn thả trâu, bò cũng vô cùng thuận tiện. Có thế mạnh về rừng nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm cao trong việc trồng rừng và giữ rừng.

Đua thuyền trên hồ Bình Sơn. (Ảnh: Minh Chiến)
Đua thuyền trên hồ Bình Sơn. (Ảnh: Minh Chiến)

Những loại rừng trồng mới xuất hiện như rừng thông, rừng cao su, rừng tràm, rừng vàng tâm... mặc dù chưa nhiều, chưa phải là màu sắc chủ đạo khi nói về bức tranh rừng ở Hương Khê nhưng cũng đủ để nói lên khả năng gìn giữ và tái tạo các khu rừng theo những dự án lớn ở Hương Khê. Phong trào xây dựng trang trại, vườn đồi, khuyến khích giao đất, giao rừng để phát triển sản xuất cũng là biện pháp để khai thác đúng tiềm năng của rừng. Thêm vào đó, việc kêu gọi đầu tư vào lâm nghiệp ở Hương Khê sẽ tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.

Con người Hương Khê không chỉ biết khai thác thế mạnh của tự nhiên mà còn biết dựa vào đó để cho ra những sản phẩm tạo nên thương hiệu cho quê hương mình. Bưởi Phúc Trạch - cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao là một minh chứng rõ nét. Từ năm 1938, loại quả này đã được tặng thưởng mề đay trong đấu xảo quả ngon do người Pháp tổ chức. Chính chất lượng ngon, đảm bảo đã tạo nên thương hiệu lâu bền cho loại quả này. Năm 2002, Bộ NN&PTNT công nhận bưởi Phúc Trạch là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm, cấm xuất khẩu giống. Đến năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Không chỉ có bưởi Phúc Trạch là niềm tự hào của bà con nơi đây, cam bù, cam Khe Mây cũng đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Với lợi thế về đất đai và các điều kiện tự nhiên thuận lợi khác, Hương Khê tìm lối đi cho riêng mình để xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng với nhiều quyết sách hợp lý được triển khai đã từng bước đưa kinh tế vườn đồi trở thành ngành sản xuất chính, gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Hương Khê được nhớ đến với lịch sử đấu tranh của những thế hệ cha anh kiên cường và được biết đến là vùng đất đầy tiềm năng đang được đánh thức và hứa hẹn bước tiến dài trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast