Nỗi nhớ tháng Năm

Cái nắng nồng nàn của mùa Hạ đã thắp lửa lên những cành phượng vĩ và làm xanh biếc hơn bầu trời, dòng sông, mặt biển. Cả dân tộc ta vừa đi qua những ngày tháng Tư hào hùng và sôi động của lễ hội hướng về Tổ tiên, lễ hội kỷ niệm ngày thống nhất non sông. Âm hưởng của những ngày tháng Tư ngân vọng đã nhen lên nỗi nhớ của tháng Năm.

Cả đất nước, quê hương nhớ về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con xứ Nghệ với khát vọng cứu nước lớn lao đã bôn ba khắp năm châu tìm chân lý, trải bao năm tháng ngục tù, nằm gai nếm mật viết nên trang sử chói ngời của dân tộc trong thế kỷ XX. Người đã đi xa nhưng tầm văn hoá tư tưởng, sự toả sáng của nhân cách, những di sản tinh thần Người để lại vẫn soi rọi tới cả thế giới cũng như khắp dải non sông hôm nay.

Nỗi nhớ tháng Năm ảnh 1

Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình - Ảnh: Internet.

Trong lịch sử hình thành của các vùng đất, xứ Nghệ được coi là vùng biên viễn với khí thiêng sông núi hoà quyện vào dòng Lam, dòng La, vào núi Hồng, Đại Huệ: Núi Hồng ai đắp mà cao/ Sông Lam ai bới, ai đào mà sâu.

Bao đời nay, con người xứ Nghệ, từ những sĩ phu, học giả, anh hùng hào kiệt cho tới những nông phu chân chất cày xới trên cánh đồng cũng đều toát lên khí chất cương trực, nhân ái, trung nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho lẽ phải và chân lý, “Giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”. Đây cũng là vùng đất mà dòng chảy của dân ca, ca dao đã thấm vào bao thế hệ, trở thành ngọn nguồn của tình yêu và lẽ sống, trở thành bản sắc văn hoá: Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục/ Thì mới biết cuộc đời răng là nhục, là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa, là tình, ai ơi…

Tình non nước là tình yêu lớn lao nhất trong trái tim của những con người xứ Nghệ đã trải bao cay đắng, ngọt bùi. Tình non nước hoà quyện vào tình yêu gia đình, Tổ quốc. Khi đất nước quê hương chìm đắm trong màn đêm nô lệ thì nỗi canh cánh trong lòng của các bậc thức giả như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Vương Thúc Quý, Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn…càng cuồn cuộn như nước triều biển Đông.

Sinh ra bên dòng sông Lam thơ mộng, núi Đại Huệ sừng sững, được thụ hưởng dòng chảy văn hoá ngàn đờì của quê hương xứ sở, được truyền lại dòng máu anh hùng nghĩa khí của cha ông, thấm đẫm câu dân ca mặn nồng tha thiết bên cánh võng của người mẹ hiền, lòng yêu nước thương dân, tư tưởng nhân nghĩa như những mạch máu nhỏ từ từ hội tụ trong trái tim lớn của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, nguời thanh niên Nguyễn Tất Thành, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc và vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu Hồ Chí Minh. Vì yêu nước thương dân nên căm giận kẻ cướp nước, đày đoạ nhân dân trong đói rách lầm than.

Khi trái tim bùng cháy thành ngọn lửa thì khối óc được soi sáng. Bước chân xuống chiếc tàu La-tút sơ -Tê-lê-vin, phía trước là biển lớn với sóng gió và bão dông, với xa cách người thân quê hương nhưng chí làm trai thay đổi sơn hà mà Nguyễn Tất Thành đã tự hun đúc từ nhỏ không những không làm anh sờn lòng mà càng thôi thúc anh mãnh liệt: “Tôi muốn đi ra ngước ngoài, xem họ làm ăn ra sao để trở về giúp đồng bào ta”. Anh đã nói với người bạn tên Lê như vậy trước lúc rời bến Nhà Rồng theo đời bồi tàu lênh đênh trên những con sóng.

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh... - Ảnh: Internet.

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh... - Ảnh: Internet.

Khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, cơm áo hạnh phúc cho nhân dân cháy bỏng đã khiến anh đạp bằng gian khó, giúp anh trờ thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên trong Đảng cộng sản Pháp. Những lời lên án đanh thép tội ác thực dân Pháp trong bản: “Yêu sách của nhân dân An Nam” do Nguyễn Ái Quốc viết và gửi tới Hội nghị hoà bình Véc Xây năm 1919 đã làm rung động trái tim những người cộng sản trên thế giói . Và giọt nước mắt của Người rơi trên những dòng chữ của Lê-Nin khi đọc bản “Sơ thảo luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa” đã biến thành niềm tin, sức mạnh, thành minh triết: Người reo lên như nói cùng dân tộc/ Cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi (Chế Lan Viên).

Chặng đường đi tới cơm áo và tự do phải trải qua bao chông gai thử thách, hy sinh ngục tù, máu lửa và nước mắt để đi đến một ngày trọng đại, ngày Người thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền độc lập và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập”

Đã là người Việt Nam, ai mà không trào dâng xúc động cảm kích, tự hào và thương mến khi nhìn thấy vị lãnh tụ giản dị với bộ áo ka-ki và gương mặt gầy đi vì sương gió đứng trên lễ đài cất giọng trầm ấm: “ Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Đó là tiếng của vị Cha già dân tộc nhưng cũng là lời non sông, đất nước vang vọng trong nắng Ba Đinh, vang vọng tới mai sau.

Làng Chùa quê Mẹ - Ảnh: Internet.

Làng Chùa quê Mẹ - Ảnh: Internet.

Tháng 5 này, trong sắc nắng làm xanh thêm bầu trời, dòng sông, mặt biển, làm trái cây vào độ chín, trong phong cảnh thanh bình mùa Hạ với cánh diều no gió và những cánh đồng lúa chín vàng trải tới chân trời, nhớ thương vị Cha già dân tộc, để tỏ lòng biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chi Minh, trong lòng mỗi chúng ta hãy tự thắp lên một ngọn lửa, một nén hương.

Hãy cùng hướng về mảnh đất xứ Nghệ, tới thăm ngôi nhà tuổi thơ của Bác, về thăm lăng Bác giữa thủ đô Hà Nội hoặc tới đặt cành hoa nơi tượng đài của Người, lắng nghe lời Bác dặn dò và luôn tự nhắc mình trong mỗi phút mỗi ngày đừng quên học tập và làm theo gương Bác từ những điều nhỏ nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast