Phát hiện 24 di tích khảo cổ thời tiền sử tại Gia Lai

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử- Nghiên cứu viên cao cấp, Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết: Sau hơn hai tháng làm việc tích cực, các chuyên gia Viện khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phát hiện 24 di tích khảo cổ thời tiền sử.

Những phát hiện lần này có giá trị báo dẫn cho những phát hiện, nghiên cứu tiếp theo, mở ra triển vọng cho chương trình khai quật hợp tác trong nước và quốc tế.

Đoàn khảo sát địa trạng phát hiện di chí khảo cổ Gò Đá, phường An Bình, thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác (Báo Gia Lai)
Đoàn khảo sát địa trạng phát hiện di chí khảo cổ Gò Đá, phường An Bình, thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác (Báo Gia Lai)

Trong thời gian hơn hai tháng, đoàn đã thực hiện khảo sát, điều tra tại nhiều khu vực thuộc các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê (Gia Lai). Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử thì các mẫu di tích được phát hiện thuộc nhiều giai đoạn khác nhau trong tiến trình lịch sử. Ở giai đoạn sớm nhất đã phát hiện những công cụ bằngđá lớn hình rìu tay, dao cắt, mảng tước, mũi nhọn… tại thị xã An Khê, theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, đây là những công cụ rất khác biệt và cổ hơn rất nhiều so với các di tích thời đại đá cũ hiện biết ở Việt Nam, nhiều khả năng thuộc trung hoặc sơ kỳ thời kỳ đại đá cũ, cách đây hàng chục vạn năm.

Tại giai đoạn thuộc thời kỳ đại Đá cũ, các chuyên gia đã phát hiện 8 di tích tại các huyện Kbang, Đắk Pơ và thị xã An Khê. Các di tích này phân bố chủ yếu ở thềm bậc 2 sông Ba, chủ yếu là các công cụ ghè đẽo thô sơ làm từ đá quartz, granit…tương đối lớn. Trong đó nổi bật là các công cụ rìa lưỡi dọc, rìa lưới ngang, công cụ dao cắt, mảng tước. Đây là những công cụ mang đặc trưng của thời kỳ đại đá cũ, có tuổi từ 1 đến 3 vạn năm trước. Những công cụ này có nét gần với văn hóa Vi Sơn (Phú Thọ) và lớp dưới cùng di chỉ Lung Leng (Kon Tum).

Đặc biệt, đoàn đã phát hiện nhiều di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim Khí là các công xưởng chế tác rìu đá opal tại làng H’Lang, xã Yang Nam huyện Kon Chro. Các di tích được phát hiện nằm cách nhau khoảng 1km, thể hiện mỗi nơi đảm nhận vai trò nhất định trong quy trình chế tác rìu đá như khai thác nguyên liệu, sơ chế, gia công, hoàn thiện và xuất xưởng. Những di tích được phát hiện có niên đại cách đây từ 3000- 4000 năm.

Tại một số huyện miền đông Gia Lai, đoàn khảo sát, điều tra cũng đã phát hiện dấu tích thời đại Kim khí như lưỡi cuốc đá, khuôn đúc rìu đồng, cùng nhiều vết tích xi và các lò luyện sắt dọc hai bờ sông Ba. Đây là những bằng chứng cho thấy vùng đông Gia Lai đã thực sự bước vào thời kỳ đại kim khí từ đầu Công Nguyên.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Phó Viện trưởng, Viện khảo cổ học, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, với những di tích khảo cổ học mới được phát hiện này cần kết hợp với các ngành chức năng cắm biển bảo vệ một số di tích đặc biệt quan trọng có nguy cơ bị phá hủy. Đồng thời nghiên cứu các di tích một cách có hệ thống, làm rõ diễn trình lịch sử, những giá trị nổi bật của quần thể di tích này trong lịch sử dân tộc.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast