Phim "Tội ác rừng xanh" đoạt giải Việt Nam Xanh

Ngày 29/12/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao 15 giải thưởng và 10 bằng khen cho 15 cá nhân và 10 tổ chức trong Lễ trao giải Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ tư, tại Hà Nội.

Đạo diễn Lê Hoài Phương đang “mai phục” quay phim tại Núi Ông, tỉnh Bình Thuận. (Nguồn: Internet)
Đạo diễn Lê Hoài Phương đang “mai phục” quay phim tại Núi Ông, tỉnh Bình Thuận. (Nguồn: Internet)

Giải thưởng cao nhất Việt Nam Xanh trị giá 30 triệu đồng đã được trao cho đạo diễn Lê Hoài Phương, giám đốc Công ty điện ảnh Thiên nhiên Việt Nam, thành phố Phan Thiết với phim tài liệu “Tội ác rừng xanh.”

Đạo diễn-NSND Bùi Đình Hạc đã rất xúc động khi nhận xét về tác phẩm đạt giải Việt Nam Xanh: “Bộ phim tài liệu ''Tội ác rừng xanh'' của tác giả Lê Hoài Phương là một lời kêu gọi bảo vệ rừng. Khi xem xong bộ phim này một thành viên ban giám khảo đã nói rằng phải chiếu ngay bộ phim để đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp đối phó, chứ bắt khỉ mà bắt một lúc cả đàn thế này thì chỉ một năm sau khu rừng hết khỉ."

“Đây là một bộ phim được xây dựng công phu, máy quay đã bố trí rất kín đáo để có thể quay được những cảnh rất tự nhiên về đàn khỉ rừng mà bình thường không thể quay được. Tác giả đã chú ý sử dụng những chi tiết gây hấp dẫn cho bộ phim. Những chi tiết trở thành những tình tiết như khi bắt cả đàn khỉ, trói hai tay từng con ra đằng sau như trói người trông rất tội nghiệp. Tác giả đã quay cận cảnh khi bẻ răng con khỉ đầu đàn bằng kìm trông rất dã man, gây ấn tượng mạnh với khán giả,” ông Hạc nói.

Để hoàn thành được bộ phim tài liệu này, đạo diễn Lê Hoài Phương đã phải thực hiện trong ba năm trời ròng rã, tích góp từng cảnh quay để xây dựng thành một bộ phim. Anh đã sống như những người thân với những người săn bắt khỉ, thuyết phục họ cho quay phim và cam kết với họ rằng bộ phim sẽ không có mặt của họ.

Đạo diễn Lê Hoài Phương chia sẻ: “Lúc làm phim tôi không nghĩ sẽ được giải nhưng hôm nay được giả tôi rất hạnh phúc. Tôi xin được nói rằng những bộ phim như thế này tác động rất lớn đến xã hội, môi trường. Qua bộ phim, tôi muốn gửi tới một thông điệp: sự tồn tại của loài khỉ phụ thuộc vào ý thức của con người.”

“Những người sắn bắt thú chỉ là những người nghèo bắt buộc phải mưu sinh, còn những người mua bán động vật hoang dã mới chính là những người đáng lên án vì đó là những người làm giàu thật sự. Những người săn bắt họ hiểu rừng như thổ địa hiểu đất, họ mà bảo vệ rừng thì ai phá được rừng. Vì vậy, Nhà nước nên có biện pháp quy tụ họ lại,” ông Phương nói.

Liên hoan phim Môi trường toàn quốc là sự kiện ba năm một lần. Liên hoan phim lần thứ tư phát động từ ngày 23/9 đến hết ngày 20/11/2010, có số lượng tác phẩm gửi tham dự nhiều nhất và có nhiều đơn vị tham gia nhất trong các kỳ liên hoan từ trước tới nay.

Ban tổ chức đã nhận được 131 tác phẩm gửi tham dự liên hoan phim, gồm 70 phim phóng sự, 35 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 4 phim hoạt hình và 4 phim truyện chủ đề về môi trường.

Trong số những tác phẩm trên, Ban tổ chức đã quyết định trao tặng 1 giải Việt Nam Xanh, 4 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Khuyến khích và 10 bằng khen của cho các đơn vị có nhiều tác phẩm gửi tham dự liên hoan phim môi trường năm 2010.

Những bộ phim tham gia ở liên hoan phim, đặc biệt là những phim đoạt giải cao có nội dung đi vào những vấn đề bức xúc về môi trường, mạnh dạn nêu lên những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý môi trường hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn ít các thể loại phim truyện, hoạt hình mà chủ yếu vẫn là phim phóng sự, phim tài liệu./.

Tháng 3/2008, bộ phim đầu tiên của đạo diễn Lê Hoài Phương “Vàng Anh - loài chim huyền thoại” đoạt giải nhất Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần 3. Tháng 8/2008, đạo diễn Lê Hoài Phương nhận cúp vàng "Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam" (lần 2, do Bộ Tài nguyên-Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng nhiều đơn vị tổ chức).

Tháng 12/2010, phim tài liệu “Tội ác rừng xanh” đoạt giải Việt Nam Xanh trong Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 4.

Đạo diễn Lê Hoài Phương là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam tự trang bị máy móc thiết bị để làm ảnh môi trường, làm phim môi trường vì mục đích phi lợi nhuận.
Nguồn: Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast