Thiêng liêng giao thừa

(Baohatinh.vn) - Nguyên là bắt đầu. Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới. Tết nguyên đán bắt đầu từ lúc giao thừa. Giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh).

Mâm cỗ cúng giao thừa

Mâm cỗ cúng giao thừa

Chính vì ý nghĩa ấy nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa năm cũ và năm mới thì có lễ giao thừa (hay còn gọi là lễ trừ tịch). Lễ giao thừa bao hàm ý nghĩa trọng đại “tống cựu, nghinh tân” nên được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa. Nhiều năm về trước, đến lễ giao thừa thì chuông trống đánh vang, pháo nổ không ngớt, truyền từ nhà này sang nhà khác, khắp kể chợ, nhà quê.

Cúng ai trong lễ giao thừa? Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính viết: “Tục ta tin rằng, mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới”.

Người xưa sắm lễ giao thừa đều có cúng mặn. Các ông thủ từ lo ở đình, miếu, còn tại tư gia do người gia trưởng trù liệu. Cúng giao thừa xưa chủ yếu là diễn ra ở đình, nhưng có nơi còn cúng giao thừa ở thôn, xóm. Lễ vật cúng giao thừa gồm: một chiếc thủ lợn hoặc một con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu, nước và vàng mã. Lễ vật dù nhiều dù ít bao giờ cũng phải có vàng hương, vàng lá hay vàng thỏi và nhất nhất phải có rượu.

Lễ vật được trần thiết trên hương án trước giờ trừ tịch. Đến giờ phút ấy, chuông trống vang lên, chủ lễ ra khấn, rồi dân chúng kế đó lễ theo. Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ thành hoàng hoặc vị phúc thần tại vị nữa. Tại các chùa chiền, cũng cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật được thay bằng đồ chay, đồng thời với lễ giao thừa, nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh Đức Ông tại chùa. Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân hoặc ở trước cửa nhà.

Ngày nay, ở thôn quê rất ít nơi còn có cũng lễ giao thừa ở thôn, xóm hoặc tại đình, đền. Chủ yếu là làm tại tư gia, lễ vật được bày lên bàn thờ gia tiên.

Không dừng lại ở việc “nghênh tiếp” vị tân vương hành khiển, mà lễ cúng còn là sự vọng nhớ tới ông bà, tổ tiên đã khuất. Cầu mong vị tân vương hành khiển, anh linh tổ tiên phù hộ độ trì cho một năm may mắn, hanh thông.

Vì lẽ đó mà tết Việt không giống với tết của nhiều nước trên thế giới. Thời khắc giao thừa thiêng liêng trở thành thời khắc có giá trị và mang ý nghĩa lớn lao của mỗi gia đình, mỗi con người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast