Tình ca du mục

Hay là, chúng ta về vùng quê của em? Mọi khi, nghe Xaminia nói như vậy, kiểu gì Toản cũng sửa lỗi, bởi ở câu này, chữ vùng là không cần thiết.

Nhưng lúc này, anh đang rất lo cho tương lai của cả hai người. Ai học được chữ ngờ, đột nhiên sau một đêm, tất cả đảo lộn hết. Nhà máy chỉ còn một tuần nữa là đóng cửa. Không ai có thể cản được lũ quét, và cũng không ai cản được lịch sử. Ông giám đốc đã đi xin lỗi từng phân xưởng, bắt tay từng công nhân. Ông bảo, nếu được toàn quyền quyết định, ông sẽ cầm cự đến hơi thở cuối cùng, bởi nhà máy này, không chỉ là công việc làm ăn, mà còn là một phần của cuộc đời. Lúc bắt tay Toản và Xaminia, ông gần như phát khóc, bởi chính ông là người làm chủ lễ đính hôn. Toản coi ông như cha. Không chỉ vì ông tốt với anh cũng như với mọi công nhân khác, mà bởi ông đúng như những gì anh hình dung về người Nga chân chất, hiền lành nhưng cũng đầy nhiệt huyết.

Toản đặt tay lên vai Xaminia, khẽ bóp nhẹ. Anh nói bằng tiếng Nga, để cho cô hiểu được hết ý của mình:
- Anh phải về Việt Nam, em ạ. Còn cha mẹ, còn anh em. Phong tục ở Việt Nam là vậy, anh chẳng thể làm khác được. Em nhận anh là chồng, thì em phải theo anh.

Xaminia thở dài. Không phải vì cô chán nản, mà vì cô không hình dung được cuộc sống ở Việt Nam sẽ như thế nào. Còn nếu về lại nơi cô sinh ra, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cha mẹ cô có một đàn gia súc lớn, mà chỉ riêng tiền bán sữa cũng đủ chi tiêu cho một đại gia đình. Nếu Toản về, sẽ được coi như con trai trong nhà, được chia cho một phần gia súc, rồi mọi người sẽ giúp vợ chồng cô dựng cái lều đầu tiên trong cuộc đời du mục, và cũng là cái lều cuối cùng. Buổi tối, mọi người lại quây quần bên nhau, đàn hát và uống rượu cho đến lúc say mèm. Xaminia thích Toản cùng về với cô, bởi anh có giọng hát vang rền. Chỉ có ở nơi núi rừng, nơi thảo nguyên, giọng hát của anh mới là tuyệt vời nhất.

Tình ca du mục ảnh 1

- Em thì thế nào cũng được - Xaminia nhìn Toản chăm chú - Nhưng em nghĩ cho cuộc sống sau này của chúng ta. Em sợ rằng, về bên anh, sẽ không được như anh nói. Chứ em là dân du mục, ở đâu có người mình yêu thương, có gia đình, thì đó là nhà.

- Sao em không tin những gì anh kể về quê hương anh, về gia đình anh, tại sao? - Toản nói mà như hét lên.
Xaminia không đáp, đi ra ngoài để tránh cuộc cãi vã vô ích. Không phải cô không tin những gì Toản kể, về đất nước nhỏ bé nằm cạnh Thái Bình Dương, mà bởi cô không hình dung ra cuộc sống ở đó sẽ ra sao. Qua đài báo, cô chỉ biết đó là một đất nước anh hùng, không khuất phục bất cứ thế lực bên ngoài nào. Nhưng đổi lại, đất nước ấy đang kiệt quệ, đến mức mà tất cả thanh niên đều tranh nhau đi ra nước ngoài lao động, tằn tiện từng đồng để gửi về quê nhà. Xứ sở của cô cũng chẳng giàu có gì nếu xét theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng không ai đói khát cả. Sở dĩ cô đi làm công nhân, là bởi sự khát khao muốn vượt qua dãy núi quê nhà, để đến với những vùng đất mới. Cha mẹ và các anh cô không hề ngăn cản, bởi họ cũng muốn cô đem lại một điều gì đó khác lạ cho gia đình.

Cô và Toản vào nhà máy làm việc cùng một ngày. Lúc nhìn thấy cô, Toản như người mất hồn. Ngày ấy, Xaminia trẻ trung, tóc tết bím hai bên đen nhánh, da trắng hồng, đầy sức sống. Toản không ưa con gái tóc vàng hay hạt dẻ, là bởi những màu ấy xa lạ với anh. Trái lại, đàn ông Nga cũng không thích những cô gái như Xaminia. Sau ánh mắt đầu tiên ấy, Toản bắt đầu tìm cách chinh phục trái tim người con gái có vẻ đẹp mà theo anh, là rất lạ.

Sau đúng một đêm trăn trở, Toản quyết định tán bằng âm nhạc. Lúc còn ở nhà, anh luôn là tâm điểm của mọi buổi sinh hoạt trong khu tập thể. Ngày ấy, điện mất thường xuyên, hoặc giả nếu có thì chỉ đủ cho bóng đèn sáng một cách le lói như con đom đóm đực, nên thanh thiếu niên thường tụ tập đàn hát. Ăn cơm xong, Toản xách cây guitare ra trước cửa nhà, bập bùng. Chỉ ít phút sau là thanh niên nam nữ, thậm chí cả trẻ con, tụ tập thành một vòng tròn. Buổi đàn hát thường là bắt đầu bằng một vài bài nhạc vàng mà đám thanh niên nghe trộm từ những dàn máy mang từ Sài Gòn ra như để ngọt giọng, rồi kế tiếp là những bản disco mạnh mẽ mà tươi vui, và kết thúc bằng những bản anh hùng ca. Nếu hôm nào có rượu quê mang lên và ít lạc luộc, thì có thể sẽ kết thúc bằng nhạc thiếu nhi, tất nhiên là lời chế. Đại để như bé bé bằng bông hai má hồng hồng thì sẽ là bé bé bằng nhôm hai má bằng chì hai chân bằng sắt hai tay bằng đồng. Đúng ra, nếu không đi xuất khẩu lao động, Toản sẽ thi vào trường nghệ thuật. Con nhà nòi, lại có năng khiếu, nên chuyện Toản thi đỗ chỉ là thủ tục. Mà nếu Toản có kém về năng khiếu thì cũng chẳng sao, giám khảo đa phần đều là người quen. Đánh trượt, ra vào gặp nhau cũng ngại.

Toản nhờ một bạn người Nga chép lời và dạy anh phát âm bài Tình ca du mục. Có sẵn men yêu đương, Toản học như lên đồng, chỉ một buổi tối là đã thuộc lòng. Khi anh bạn người Nga khen, Toản chỉ cười mà không đáp. Phần vì anh coi đó là điều hiển nhiên, phần vì ngượng. Cả một thế hệ được dạy là phải khiêm tốn khi nhận lời khen, thành thử Toản không thể cư xử khác.

Tập xong, Toản mượn cây guitare ở phòng nghỉ nhà máy, vác trên vai rồi ra trước sân, đối diện với dãy nhà Xaminia ở để trình diễn. Ngay khi đoạn nhạc dạo nổi lên, Xaminia đã mở cửa, nét mặt phấn khích đến độ hồn nhiên, và vừa nhảy vừa hát. Đến giữa bài thì mảnh sân nhỏ đã thành một sân khấu lớn. Hết bài Tình ca du mục, Toản chuyển sang bài Triệu triệu đóa hồng. Cả đám say sưa hát, say sưa nhảy múa, đến mức ông giám đốc cũng bật dậy hòa theo mà không kịp thay quần áo, chỉ quấn tạm cái chăn nhỏ quanh người.

Đêm nhạc tàn, Xaminia ghé tai Toản hỏi, nếu em là cô gái đó, liệu anh có bán căn nhà để mua cho em hoa hồng không. Toản cười đáp, anh không mua hoa hồng mà chỉ mua cho em triệu túp lều để nếu em đi chăn gia súc ở bất cứ nơi nào, em cũng có chỗ nghỉ. Xaminia nháy mắt, rồi hôn Toản một cái lên má. Hôn xong, cô bỏ chạy. Toản đuổi theo ngay lập tức, vì anh ý thức được rằng khi phụ nữ bỏ chạy mà lại đứng im thì quả là một sự ngu ngốc. Xaminia chạy độ chục bước thì dừng lại, giả vờ thở mệt. Toản cũng giả vờ mệt theo, bởi anh do dự không biết làm gì sau đó. Rồi hai người cùng nhìn nhau, cùng phá lên cười...

Kí ức đẹp đẽ dội về khiến Xaminia dịu lại. Cô quay vào phòng, Toản đang ngồi thừ ra. Xaminia ngồi xuống cạnh Toản, dịu dàng:
- Thôi được rồi, em đồng ý. Miễn là anh đối xử tốt với em.
Toản ôm chầm lấy Xaminia:
- Tất nhiên rồi, em yêu ạ.
- Nhẹ nhàng thôi anh, kẻo con chúng ta thức giấc.
Toản gật đầu. Từ khi Xaminia mang bầu, anh nghe lời cô gần như tuyệt đối. Trước kia, khi cha mẹ anh chưa xây nhà từ tiền của anh và cả của Xaminia gửi về, thì có lẽ Toản cũng đã gật đầu mà đi theo cô để sống cuộc đời du mục. Nhưng khi đã có nhà cao cửa rộng, cuộc sống du mục nay đây mai đó không còn hấp dẫn anh nữa. Anh phải về nước, để cho mấy thằng bạn hồi trước dè bỉu cảnh nghèo nhà anh phải lác mắt ra. Chúng nó ở trong nước, chắc gì đã có nổi cái xe máy mà đi. Trong khi nhà anh, mỗi người một cái xe máy, đi từ nhà ra chợ cũng phóng xe, đi bộ làm gì cho mỏi chân.

Anh đứng lên, sửa soạn chăn đệm cho Xaminia. Nhìn tấm chăn, đột nhiên Toản thấy lòng se sắt. Tấm chăn này là quà của ông giám đốc dành cho đôi vợ chồng trẻ, cũng là cặp đôi đầu tiên trong nhà máy đến với nhau. Đợi Xaminia ngủ say, Toản lấy giấy bút, viết thư cho gia đình. Sáng mai, có người về nước, anh nhờ gửi về để gia đình biết mà chuẩn bị đón tiếp. Vừa viết vừa nghĩ, đến dòng chữ con của cha mẹ, Toản mới ngẩng đầu lên. Trời đã sáng.

Nghĩ đến cảnh phải chia tay nhà máy này, Toản thấy nghẹn trong cổ, trong ngực. Anh len lén mở cửa rồi đi ra ngoài sân. Anh rùng mình vì cái lạnh của mùa đông xứ bạch dương, và cũng vì cái lạnh trong lòng. Toản vung tay làm mấy động tác thể dục rồi ngồi xuống cái ghế đá đặt dưới gốc cây sồi. Ngồi được vài phút thì ông giám đốc đến, ngồi cạnh anh. Hai người, một già, một trẻ, im lặng hồi lâu.

- Cháu chẳng biết bao giờ mới được gặp lại bác, gặp lại mọi người.
- Yên tâm đi, con trai. Quả đất tròn mà - ông giám đốc khẽ mỉm cười - Ta sẽ ghi cho con địa chỉ, khi nào con có dịp, đến thăm lão già này. Hoặc nếu ta có thời gian, và có tiền, ta sẽ sang Việt Nam thăm con.
- Cháu về nước, ổn định rồi sẽ viết thư mời bác sang chơi. Tiền thì cháu lo được. Gia đình cháu cũng nghe kể nhiều về bác, nên khi bác sang, sẽ như người thân trong nhà.
Ông giám đốc mỉm cười, vỗ vai Toản:
- Thôi, lo việc đi. Chắc ta sẽ không tiễn con trai được. Càng đến ngày chia xa, càng nhiều việc.

Và quả thật, đến ngày về nước, Toản cũng không gặp được ông giám đốc để chào từ biệt. Ông bận đi lên Mát để giải quyết công việc. Khiến trong suốt thời gian chuyến bay, Toản áy náy lắm. Xaminia an ủi anh, rằng đó là chuyện vặt, miễn là tấm lòng vẫn nghĩ tốt về nhau.

Cả gia đình đón hai vợ chồng Toản bằng một bữa tiệc linh đình. Mời từ họ hàng ở quê cho đến bà con khối phố, từ bạn bè Toản cho đến bạn bè em trai Toản. Tổng cộng là ba mươi mâm, gần bằng một đám cưới nhỏ. Với vốn tiếng Việt kha khá, Xaminia không mấy khó khăn trong giao tiếp, nhưng vì còn lạ nên cô chỉ nghe là chính. Trong bữa tiệc, bố Toản đứng lên phát biểu khi đã ngà ngà say:
- Tôi xin cảm ơn trời đất đã cho tôi có một đứa con biết đi xa làm ăn báo hiếu bố mẹ.

Ai nấy vỗ tay rào rào. Đợi tiếng vỗ tay ngớt, bố Toản lại nói như hét:
- Tôi cảm ơn đất nước Liên Xô đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam - ông chỉ tay vào ngực rồi hét to - Nếu không có đất nước Liên Xô thì bây giờ tôi còn phải mặc áo bông chứ đâu có áo lông thú mà mặc.
Một ông già cải chính:
- Áo này của Đông Đức gửi về mà ông.
Bố Toản gạt đi:
- Đông Đức kệ Đông Đức, miễn tôi mua bằng tiền con tôi gửi từ Liên Xô về.
- Giờ thành Nga rồi ông ạ - một bà vừa nói vừa nhai trầu.
- Đối với tôi, Liên Xô vẫn là Liên Xô, Liên Xô không bao giờ mất - mắt bố Toản long lên sòng sọc - Liên Xô vẫn còn trong mỗi cái tủ lạnh, mỗi cái bàn là. Và ở nhà tôi, Liên Xô còn là đôi loa S90, còn là tất tần tật những gì mà con trai tôi gửi về cho cha mẹ bên này.

Thấy bữa tiệc đã đến hồi kém vui, Toản dắt tay Xaminia lên phòng. Anh sợ rằng, nếu cô nghe hết câu chuyện, cô sẽ không còn nhiều thiện cảm với những người cùng dòng máu với chồng mình.
Nỗi lo sợ của Toản là có cơ sở. Vào đến phòng riêng, Xaminia đã lắc đầu bảo:
- Em nghe được hết những gì mọi người nói. Em chán. Hình như ở đây, người ta không làm gì.
Toản thở dài. Anh cũng nhận ra điều đó. Không phải ngày nghỉ mà cha mẹ anh cũng mời được từng ấy người đến nhậu nhẹt, từ gần trưa cho đến chiều, và thậm chí sẽ đến đêm. Đi xa nhiều năm, dần dần, Toản không quen với cảnh nhậu nhẹt khi đang là ngày làm việc.

Đợi không khí đoàn viên lắng xuống, Toản mới hỏi cha mẹ về tiền nong. Anh cố chờ lúc Xaminia đi ngủ để cô không thể nghe được cuộc hội thoại này.
Bố Toản nhìn con trai mình như thể nhìn sinh vật ngoài hành tinh:
- Ơ hay, vừa mới về cứ nghỉ ngơi đi đã con ạ. Chuyện làm ăn tính sau. Bao nhiêu năm con vất vả rồi.
Toản hơi ngạc nhiên. Trước khi đi xuất khẩu lao động, chưa một ngày nào là anh thấy bố mình nghỉ ngơi cả, không làm việc này thì làm việc khác. Vì ông như thế, nên ông bắt cả gia đình phải chăm chỉ theo. Cho nên, đến trước khi Toản đi, gia đình vẫn có đồng ra đồng vào, tuy không dư giả gì.

- Con muốn kiếm cái gì đó để làm nên mới hỏi bố mẹ tiền.
- Thế lần này về mang được bao nhiêu? - Mẹ Toản nhìn con mình chăm chú. Hỏi xong, bà ngửa người ra sau, dựa vào tấm lưng của bộ sofa giả da.
- Chẳng được bao nhiêu mẹ ạ. Mua quà xong là hết.
Hai ông bà cùng bật dậy, cùng nhìn Toản chăm chú. Rồi cùng trở lại tư thế ban đầu.
- Vớ vẩn thật. Liên Xô là anh Hai mà vớ vẩn quá! - Bố Toản đập tay lên thành sofa - Không đền bù cho con nhà người ta vài trăm ngàn rúp là sao.

- Về được nhà là may lắm rồi bố ạ - Toản thở dài - Nếu bố mẹ còn tiền, cho con mượn để làm ăn. Con cũng chẳng muốn thế, nhưng bất đắc dĩ thôi.
- Tiền thì bố mẹ dồn vào xây nhà, mua xe rồi con ạ - mẹ Toản đáp - Trong nhà giờ chẳng còn, mấy tháng nay con có gửi về đâu.
- Hết sạch ạ? - Toản như không tin vào tai mình nữa.
Mẹ Toản gật đầu.
- Trời đất ơi! - Toản gần như phát khóc - Một nửa số tiền đó là của vợ con đấy. Trong thư, con chẳng bảo thế là gì. Bố mẹ tiêu tiền của con cũng không sao, nhưng sao lại đi tiêu hết tiền của cô ấy.

Nói xong, Toản bỏ ra khỏi nhà. Anh không muốn tiếp tục to tiếng, dù sao Xaminia vẫn đang ở trong nhà.
Bàn chân đưa Toản đến khu vườn hoang, nay đã rào lại. Nhìn vào trong, anh không tìm lại được những cảnh vật đã quen thuộc với mình. Bỗng anh thở dài, là bởi ngay cha mẹ mình, anh cũng thấy xa lạ dần. Xa lạ từ lúc nhìn thấy mẹ anh ngồi tỉa móng tay, còn bố anh thì gác chân lên bàn đọc báo, những cảnh mà trước khi đi, chưa bao giờ anh nhìn thấy.

Đứng một lúc, Toản quay về. Anh len lén chui vào trong chăn. Xaminia quay lại, nhìn anh chăm chú:
- Anh có dự tính gì cho ngày mai không?
- Ngủ đi - Toản nói mà như gắt lên.
Xaminia cố nén tiếng thở dài. Toản ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường. Nghĩ sao đó, Xaminia nói:
- Sáng mai, em sẽ đi chợ, nấu cho anh ăn. Nghe nói ngày mai, bố mẹ anh đi chơi đâu đó từ sớm. Đừng nghĩ gì anh ạ, mọi việc rồi sẽ tốt. Chỉ cần có chúng mình bên nhau.

Toản ôm chầm lấy Xaminia. Cô khe khẽ hát. Tiếng hát nhẹ nhàng, êm dịu đưa anh dần vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, anh thấy mình cùng Xaminia cưỡi trên một con ngựa, rồi đi vào một thung lũng đầy hoa. Xaminia xuống ngựa, hát ru anh giữa thảo nguyên lộng gió.
Và Toản tỉnh dậy, không bằng tiếng chim hót hay bằng tia nắng đầu ngày, mà bằng tiếng động mạnh. Anh mở mắt ra. Xaminia mặt lấm tấm mồ hôi, đầy vẻ bực dọc:
- Em không chịu nổi nữa rồi. Người ta bán cho em đắt gấp đôi. Em hỏi, thì người ta mắng em rằng, người Liên Xô giàu có thế, viện trợ cho người Việt Nam bao nhiêu máy bay tên lửa còn được, mà đi chợ cứ mặc cả từng đồng. Em không hiểu nổi. Khi còn ở nhà máy, lúc nào anh cũng ca ngợi, nào là người Việt Nam chăm chỉ, mà sao em thấy từ bố mẹ anh cho đến mọi người ở đây, ai cũng lười quá thể.

- Em nói thế mà nghe được à - Toản gắt lên, chủ yếu là anh không muốn nghe Xaminia nói nữa.
Xaminia im lặng. Dù rất bực dọc, nhưng cô luôn tôn trọng chồng mình, vả lại, ở hoàn cảnh này, nói nặng lời với nhau cũng chẳng ích gì.

Nằm lười trên giường một lúc, Toản bò dậy. Đi xuống bếp, anh tiến lại gần Xaminia. Cô không nhìn anh, bởi đang dở tay xào món thịt bằm mà anh vẫn thích ăn khi còn ở nhà máy.
- Không đủ gia vị, nhưng chắc chẳng đến nỗi nào đâu anh ạ - Xaminia có vẻ như đã đỡ bực hơn.
- Cảm ơn em!
Phải nửa phút sau Toản mới thốt được lên câu này. Về đến nhà, tự nhiên anh thấy mọi câu đáp quen thuộc ấy như có vẻ lạc lõng. Lần đầu tiên là lúc anh nhận cốc nước từ tay cô em dâu, khi buông từ cảm ơn ra, cô bé nhìn Toản ngạc nhiên lắm. Những lần tiếp theo cũng vậy, khiến anh phải chọn từ khác để nói, cốt sao bật được ý định của mình.

Nhìn các món ăn lần lượt được bày ra bàn đúng theo cách hồi còn ở nhà máy, Toản thở dài. Mới có hai tháng, mà mọi thứ như đã xa quá xa. Xaminia rót rượu ra cốc thủy tinh. Toản uống một hơi hết sạch.
- Không đúng kiểu lắm, nhưng em đã cố.

Toản gật đầu. Anh hiểu, Xaminia luôn cố gắng làm mọi việc tốt nhất. Rượu này, phải được uống bằng ly bạc, hoặc nếu không có điều kiện thì phải để trong ly nhôm. Tất nhiên, nếu uống theo kiểu Trư Bát Giới ăn nhân sâm thì kể cả đựng trong bao tải cũng chẳng sao.
- Chắc anh phải tìm việc gì đó để làm.
- Không cần đâu anh - Xaminia lắc đầu - Lấy tiền mở một cửa hàng, em sẽ chỉ cho anh cách bán. Bà ngoại em là người bán hàng giỏi nhất vùng, từ nhỏ em đã theo bà học nghề.
- Làm gì còn tiền.

Vừa nói dứt lời, Toản thấy như xây xẩm mặt mày. Xaminia nhìn anh chăm chú.
Mất một lúc lâu, Toản mới trấn tĩnh lại được. Xaminia thủng thẳng:
- Anh không nói, em cũng đoán ra được. Cũng đơn giản thôi, nhìn ngôi nhà này, rồi mọi vật dụng trong nhà, đến cách sinh hoạt của cha mẹ anh, ai cũng có thể thấy mà.
- Thôi được rồi, để anh tìm cách.

Nói là làm, ăn xong, Toản không nghỉ, đi bộ đến nhà người em trai để hỏi vay tiền. Vừa nghe xong, em trai Toản đã thở dài:
- Anh tính, vợ chồng em lương ba cọc ba đồng, lại nuôi cháu nhỏ, lấy đâu ra tiền. Đến cái nhà này, nếu anh không gửi tiền về, thì có lẽ đến lúc chết bọn em cũng chẳng xây nổi.
Em dâu Toản đon đả:
- Thôi thế này bác ạ. Bọn em không có gì, nhưng hồi lấy nhau, lúc đó bác ở bên kia nên không về được, mẹ em cũng cho một chỉ vàng. Coi như em biếu bác để lấy may, khi nào làm ăn khấm khá nhớ giúp đỡ vợ chồng em nhé.
Toản cười rồi lắc đầu. Dù đi xa nhiều năm, anh vẫn hiểu đó là cách từ chối khéo. Vả lại, đây là quà cưới, lẽ nào anh dám nhận.

Đi ra đến cửa, Toản dừng lại một lúc, cốt là để nghĩ xem nên đi đâu tiếp theo. Vẳng từ trong nhà tiếng em dâu Toản:
- Anh thấy em xử lí nhanh không. Vừa đẹp mặt anh, lại vừa không để bác ấy buồn.
Nghe đến đó, Toản rảo bước thật nhanh, bởi nghe thêm cũng chẳng để làm gì. Phận làm anh, lo được cho em cái nhà, Toản cũng lấy làm hài lòng, đến mức là chẳng bao giờ anh nghĩ tại sao lại có cái trách nhiệm đó, tại sao cứ là anh thì phải nhường nhịn em đến độ có những người em, nhất là út, sinh ra hư hỏng bởi được nuông chiều quá đáng.

Đi mòn cẳng, hết mấy bình xăng mà kết quả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Toản chuyển hướng, xin việc làm. Xaminia không bình luận gì, bởi cô sắp sinh con. Dù gì, cũng phải giữ cho tâm trạng thật thoải mái, tránh ảnh hưởng đến đứa trẻ sắp chào đời.
- Em còn một ít vàng để dành, anh bán đi mà lo cho con. Khi nào con lớn một chút, em sẽ về nhà. Nếu anh còn yêu em, thì đi theo em về.
- Mới có thế thôi mà em đã nản à? - Toản càu nhàu cho có lệ. Vì quả thật, anh cũng đang rất bối rối. Anh không làm chủ được hoàn cảnh của mình lúc này.
- Em luôn tính trước mọi chuyện. Em là người nhẫn nhịn. Đến mức mà khi nghe cha mẹ anh nói với nhau, rằng tưởng con dâu mình là người giàu có, ai ngờ nó là con cái nhà chăn dê chăn bò, em vẫn để yên. Mà anh cũng đừng làm ầm lên, chẳng thay đổi được gì đâu. Em muốn, những ngày ở đây được yên bình.

Toản đứng dậy, đi tìm cây guitare. Anh so dây và hát lại bài Tình ca du mục. Xaminia mỉm cười, rồi khe khẽ hát theo. Đến giữa bài thì cô đứng lên, đầy phấn khích.
Toản đánh mạnh quá, hai chiếc dây đàn mỏng nhất đứt ra. Toản chuyển sang gam trầm hơn, làm cho giọng hát của Xaminia như có vẻ cao hơn, nhưng lại ong ong hơn trong căn phòng chật hẹp.
- Em nhớ quê hương mình.
Xaminia nói xong, im lặng như tảng đá. Toản không biết nói sao. Cô nhớ nhà, thì anh cũng vậy. Những ngày tháng vất vả ở bên kia, anh chỉ mong được về với người thân, được tụ tập nói phét ở quán trà đá đầu ngõ, được lang thang từ đầu chợ đến cuối chợ gặp ai cũng chào. Anh thở dài, thầm ước những ngày ở nhà máy không bao giờ kết thúc, hoặc giả kết thúc muộn hơn vào năm đủ cho anh và Xaminia xây dựng được một nền tảng kinh tế đủ mạnh. Đời luôn trớ trêu, đúng lúc anh bảo cô là từ nay sẽ dành dụm cho gia đình nhỏ của mình, thì biến cố xảy ra.

- Nhưng ở đây, em còn có anh.
Xaminia phá lên cười:
- Nếu anh là của em, ở đâu em cũng có anh. Em sẽ mang con theo, vì con ở với em tốt hơn. Hi vọng một ngày nào đó, anh sẽ đàn cho hai mẹ con em nghe bài ca mà ngày đầu tiên mẹ nó thấy yêu bố nó.
Toản gật đầu. Anh đi lên sân thượng, ngồi khóc. Lâu lắm rồi anh mới khóc. Tất nhiên, anh không nhìn thấy cảnh Xaminia ngồi khóc trong căn phòng mà cô sẽ không còn ở nữa trong thời gian tới. Căn phòng đẹp, nhưng không phải chỗ của cô.

Ngày hai mẹ con cô ra sân bay, Toản không đưa tiễn. Đó là ngày đầu tiên anh đi làm sau hai năm ngồi chơi và thậm chí nằm chơi, nên không nghỉ được. Dù đó chỉ là một công việc chán ngắt và thu nhập thì quá bèo bọt, nhưng Toản vẫn không nản. Anh muốn sự khởi đầu của mình thật tốt, làm đà cho những bước sau này.

Mẹ Toản bảo, thôi chia tay cũng là cái hay, ta về ta tắm ao ta cho lành. Bà hăm hở làm mối cho anh, đến mức Toản phát sợ. Bởi ít nhất thì cũng phải để cho mọi việc trở lại bình thường đã. Quên một người con gái bằng cách kiếm một người con gái khác, nhiều khi, là việc dở hơi và tàn ác nhất trên đời.

Thời gian luôn là vị thuốc tiên khiến người ta dần quên mọi thứ. Nhưng với Toản thì không. Anh cũng cố gắng xây dựng một cuộc sống mới, nhưng hình ảnh của Xaminia lớn quá, lại là hương vị của mối tình đầu, đủ chua cay mặn ngọt, nên anh không muốn làm khổ người con gái khác. Hôn nhân không tình yêu cũng vẫn đủ tạo thành một gia đình, nhưng không đủ để người ta sống đúng là sống.

Thường xuyên trong giấc ngủ, những hình ảnh cũ hiện về. Những lúc ấy, Toản bật dậy rất nhanh. Anh ngồi đối diện với bức tường, chỉ ngồi một tiếng, rồi tìm mọi cách để ngủ trở lại. Mỗi lúc, công việc càng nhiều, có buồn mấy cũng phải gác lại để tồn tại, ít nhất là cho qua ngày. Dù anh không hài lòng với cách cha mẹ mình sống hiện tại, nhưng là con, anh vẫn không đành để đấng thân sinh phải lo nghĩ về chuyện tiền nong. Tất nhiên, mỗi lúc anh cho tiền, ông bà lại rủ nhau đi chơi, đi đập phá, với lí do rất hợp lí là chả ăn chả chơi, đến lúc xuống lỗ thì có mang được gì đâu. Ngoài ra anh cũng dành dụm tích lũy để chuẩn bị cho một kế hoạch.

Mải miết làm việc Toản dường như tạm quên đi mọi thứ. Một hôm bị ốm nghỉ nằm nhà, mày mò trên một mạng xã hội Toản tình cờ tìm được trang cá nhân của người bạn Nga ngày nọ dạy anh hát bài Tình ca du mục. Vừa có số điện thoại của bạn, Toản chạy ngay ra ngoài cổng công ty, nạp hai thẻ điện thoại mệnh giá lớn nhất, với suy nghĩ ban đầu là chỉ cần được nghe lại những thanh âm mà lâu lắm rồi, anh không còn được nghe.
Toản sững người ra khi nghe người bạn nói, rằng ông giám đốc đã qua đời. Đến lúc này, anh mới nhớ ra rằng, mình đã nợ ông một lời mời. Và tim anh sực nhói lên khi nghĩ đến mẹ con Ximinia...

Toản rút điện thoại ra, nhắn tin kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng. Đủ để anh đi lang thang khắp thế giới trong vòng nửa năm mà không phải ăn nhờ ở đậu như cách mà các tay chơi du lịch hay sử dụng rồi khoe khắp các diễn đàn mạng cứ như thể đó là chiến tích lừng lẫy. Và đủ để mời ông giám đốc một lần sang Việt Nam chơi với anh và gia đình một cách đàng hoàng. Cơ hội ấy không còn nữa rồi... Nhưng còn Ximinia... Nghĩ đến đó, nước mắt Toản giàn giụa, anh trốn vào WC công ty để khóc. Với chính mình.

Ngay hôm sau, Toản xin nghỉ việc một tháng. Anh đã có địa chỉ của Xaminia. Anh muốn ngày gặp mặt của các cựu công nhân nhà máy, anh và Xaminia cùng có mặt. Chắc chắn thế. Người bạn cùng nhà máy bảo, chúng tao muốn sống lại không khí ngày ấy, ngày mày cầm đàn đến cưa cẩm Xaminia. Lại nói, chỉ cần mày đàn, tất cả chúng tao sẽ tha thứ cho mày tội để cho Xaminia về nước một mình.

Và thế là, suốt cả chuyến bay, giai điệu bài Tình ca du mục ấy cứ văng vẳng trong đầu Toản. Ngay cả lúc anh mệt quá mà ngủ thiếp đi

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast