Trung thu nhớ Bác

Trung thu lại đến! Có lẽ mỗi năm chỉ có hai lần đem lại cho lòng người những cảm xúc khác thường.

Ðó là Tết Nguyên Đán, khởi đầu mùa xuân của đất trời, khi mỗi giọt sương, mỗi hy vọng, niềm tin đều long lanh cháy sáng dưới ánh mặt trời. Bàn chân nào cũng muốn đi xa, dòng nhựa nào cũng muốn chảy mạnh. Tôi muốn gọi đó là Tết nhập thế, Tết tình yêu, Tết của mặt trời.

Tết Trung thu là Tết Trăng, Tết hoàn nguyên, Tết tuổi thơ, Tết của những gì trong sáng, cao sâu. Trời làm Tết ấy với

thiên nhiên tinh khiết, dịu dàng để tất cả mọi người được hưởng thụ cái xanh ra xanh của mầu trời, sắc nước; cái vàng ra vàng của lá phong đầu núi, hoa mướp cuối vườn. Bụi trần lắng lọc, bản thể thiên nhiên trong mỗi người dường như được trở về và nhuần thắm lại. Với tâm hồn trong trẻo, ta lại nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ, sống đẹp, sống lành...

Muôn đời trung thu một vầng trăng tròn sáng. Muôn đời vầng trăng nước Việt là cái đẹp dịu dàng, là nỗi thân thương. Thân trúc, nhành trăng, cánh cò là biểu tượng của làng quê nước Việt, là biểu tượng của sự nên thơ. Trăng, "khuôn trăng" là cái đẹp tươi trong, hồn hậu của người con gái. "Ông giẳng, ông giăng" là người bạn "già" vui hiền của mọi bước nhi đồng. Trăng theo nông cụ, trăng vào tư duy "mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa"... Trăng chia sẻ với mọi cảnh ngộ của con người "Vầng trăng ai sẻ làm đôi; Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường" ...

Trăng đẹp với mọi người, thân thiết với mọi người nhưng đẹp đẽ và thân thiết nhất là tuổi nhỏ.

Vầng trăng và hồn thu nước Việt làm nên Tết Trung thu hoa trái ngọt ngào và nuôi lớn hồn Việt trong mỗi trái tim trẻ thơ.

Ngoài vầng trăng thiên nhiên ấy, thiếu nhi Việt Nam từ ngày Cách mạng đến nay còn được dọi sáng bởi vầng trăng vằng vặc tình yêu thương từ trái tim vĩ đại của Bác Hồ, người kết tinh mọi tinh hoa để trở nên Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, biểu tượng của văn hóa tương lai.

Những tư tưởng, thành quả sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ để lại cho đời sau là vô giá để chúng ta tiếp tục thành công sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Tình yêu thương, đặc biệt là tình yêu thương đối với thiếu nhi của Bác để lại cho chúng ta sự vô giá về bài học làm người.

Hạnh phúc con người, trước hết là hạnh phúc cho trẻ em là một mục tiêu canh cánh suốt cuộc đời của Bác. Trong "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" có đoạn: "Vì ông Nguyễn rất yêu trẻ con nên ông nghiên cứu kỹ vấn đề nhi đồng ở Liên Xô... Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con... Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên Tổ quốc Việt Nam. Trái lại, ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như trẻ em Liên Xô".

Bao giờ Bác Hồ cũng dành cho trẻ em, không chỉ trẻ em Việt Nam mà là trẻ em của cả thế giới, sự trân trọng, mối quan tâm đặc biệt.

Một trong những vấn đề mà Bác Hồ nghĩ đến khi mới về nước là thiếu nhi. Báo Việt Nam độc lập số ra ngày 21-9-1941 đăng bài thơ Trẻ con của Bác:

Trẻ em như búp trên cành Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan...Bao giờ đánh đuổi Nhật, TâyTrẻ em ta sẽ là bầy con cưng.

"Thư gửi các học sinh" nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam DCCH (tháng 9-1945) là một áng văn bất hủ, thống thiết, đầy niềm vui và tự hào, để lại một bài học khai tâm, một tình cảm lớn theo suốt cuộc đời của mọi tuổi thơ: "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang... Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em".

Trung thu năm ấy, Bác có bài báo "Tết Trung thu với nền độc lập" đăng trên báo Cứu quốc ngày 17-9:

"Cùng các trẻ em yêu quý,

Hôm nay là Tết Trung thu,

(...)

Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Ðố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là một bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập".

Năm ngày sau, ngày 22-9, Bác lại viết thư:

"Các em,

Ðây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em...

Trước khi các em đi phá cỗ vui vẻ, chúng ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu:

Trẻ em Việt Nam sung sướng!

Việt Nam độc lập muôn năm".

Không Trung thu nào, không ngày Quốc tế Thiếu nhi nào là Bác Hồ không có thư và quà gửi tới thiếu nhi. Thường ngày, Người đòi hỏi phải báo cáo về tình hình thiếu nhi, nhận và gửi thư khen ngợi, thăm hỏi, khuyên nhủ các cháu. Bác còn yêu cầu, kêu gọi các ngành, các cấp, các nhà văn hóa quan tâm đến thiếu nhi. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 21-11-1946, Bác phát biểu: "Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".

Trung thu năm 1951 và Trung thu 1952, trong thư gửi thiếu nhi, Bác Hồ có hai bài thơ vằng vặc tình yêu thương:

Trung thu trăng sáng như gươngBác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồngSau đây Bác viết mấy dòngGửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung.

(1951)

Ai yêu các nhi đồngBằng Bác Hồ Chí MinhTính các cháu ngoan ngoãn,Mặt các cháu xinh xinh,

Mong các cháu cố gắngThi đua học và hành.Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,Tùy theo sức của mình:

Ðể tham gia kháng chiến,Ðể gìn giữ hòa bình.Các cháu hãy xứng đáng:Cháu Bác Hồ Chí Minh!

(1952)

Với mong mỏi tha thiết là mọi trẻ em được vui vẻ, sung sướng trong tuổi ấu thơ; với sự coi trọng thiếu nhi, tức là coi trọng tương lai của dân tộc, của cả thế giới: "Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới"; Bác Hồ thường ân cần khuyên nhủ các cháu cách chăm sóc bản thân, đạo lý làm người, nuôi dưỡng phẩm chất công dân tương lai.

Ngày 24-10-1946, sau khi đi Pháp về, trong Thư gửi các cháu thiếu nhi, Bác khuyên các cháu:

1. "Phải siêng học,

2. Phải giữ sạch sẽ,

3. Phải giữ kỷ luật,

4. Phải làm theo đời sống mới,

5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em".

Ngày 14-5-1961, trong "Thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội Thiếu niên tiền phong", Bác mong thiếu nhi thực hiện mấy điều sau:

- "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Học tập tốt, lao động tốt.

- Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Giữ gìn vệ sinh.

- Thật thà, dũng cảm".

Năm 1966, Bác thêm hai chữ "thật tốt" vào cuối Ðiều 4 và hai chữ "Khiêm tốn" vào đầu Ðiều 5.

N

ăm 1969, ba tháng trước khi đi xa, Bác căn dặn về việc nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ"...

Trong vầng trăng Ba Ðình, xúc động biết bao khi được xem lời ghi cảm tưởng của đại diện Qũy Nhi đồng quốc tế viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quỹ Nhi đồng quốc tế, cơ quan đại diện UNICEF là một tổ chức dành riêng chăm lo cho trẻ em trên toàn thế giới. Song, có thể nói rằng, thành tích của chúng tôi chưa có được bao nhiêu, hơn nữa còn bị chìm đi trước sự quan tâm và tình thương bao la của Chủ tịch đối với các cháu nhỏ".

Sự chăm sóc, tình yêu thương bao la của Bác đã và mãi mãi tỏa sáng lên mỗi cuộc đời. Nhớ Bác, yêu Bác để lòng ta trong sáng hơn trong đạo làm người, trong tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng, đối với Tổ quốc, với đồng bào và cũng đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, một sự nghiệp nhân văn cao cả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast