Từ con đường tơ lụa trên biển đến phố cổ Phù Thạch

(Baohatinh.vn) - Giao lưu, hội nhập cộng đồng cư dân này với cộng đồng cư dân khác, quốc gia này với quốc gia khác là nhu cầu tự thân, tất yếu không chỉ thời đương đại mà từ xa xưa, thời cổ đại cách đây hơn 2.000 năm.

Phó Giáo sư-tiến sĩ sử học Hasuda Takashi (thuộc Trung tâm Nghiên cứu xuyên Đông Á, Viện Nghiên cứu khoa học nhân văn, xã hội và giáo dục, ĐH Niigata - Nhật Bản) đã trao tặng Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh 4 văn bản cổ rất quý hiếm minh chứng cho mối quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Tĩnh cách ngày nay hơn bốn thế kỷ (Ảnh: Laodong.com.vn)

Phó Giáo sư-tiến sĩ sử học Hasuda Takashi (thuộc Trung tâm Nghiên cứu xuyên Đông Á, Viện Nghiên cứu khoa học nhân văn, xã hội và giáo dục, ĐH Niigata - Nhật Bản) đã trao tặng Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh 4 văn bản cổ rất quý hiếm minh chứng cho mối quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Tĩnh cách ngày nay hơn bốn thế kỷ (Ảnh: Laodong.com.vn)

1. Bắt đầu từ thế kỷ thứ III, Trung Quốc nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và lụa trở thành vật phẩm quý dành cho vua chúa và hàng ngũ quý tộc không chỉ ở Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới. Một con đường thông thương buôn bán được hình thành bắt đầu từ Phúc Châu, Hằng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc), qua Mông Cổ, Ấn Độ, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp… quanh Địa Trung Hải và đến tận châu Âu… Những “thương nhân lạc đà”, những người Trung Quốc mang vải lụa, gấm vóc, sa nhiễu đến Ba Tư, La Mã, đồng thời, những doanh nhân khác tìm đường đến Trung Hoa. Nó vừa là con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, cũng là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng, như cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây. Sau này nó được gọi là Con đường tơ lụa (*). Đến thời nhà Minh (Trung Quốc), con đường buôn bán này bị vương triều này khống chế và bắt nộp thuế rất cao khiến các thương gia tìm đến những con đường vận chuyển trên biển và vào khoảng thế kỷ IX–X, Con đường tơ lụa trên biển hình thành với các đội thuyền đầy ắp hàng hóa của thương gia Ả Rập, Bồ Đào nha, Anh, Pháp, Hà Lan…

Theo một tài liệu cổ, ở Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển qua Luy Lâu, Hà Nội, Vân Đồn, Hội An, Cù Lao Chàm, Óc Eo, Phù Nam… Trước khi hình thành Con đường tơ lụa trên biển, từ đầu Công nguyên, Cửa Đại - Hội An (Chiêm Thành cũ, Quảng Nam bây giờ) đã có những giao dịch ngoại thương. Nhiều thư tịch cổ ghi nhận trong một thời gian khá dài, Chiêm Cảng - Lâm Ấp Phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự phồn vinh của kinh thành Trà Kiệu và khu đền tháp Mỹ Sơn.

2. Khi Chiêm Cảng - Lâm Ấp Phố trên đất Chiêm Thành hưng thịnh thì ở Cửu Chân: “Năm 54 TCN, Thái thú là Ích Xương đã sai người đi thu vét sừng tê, ngà voi, bắt dân làm nô tỳ đem về nước bán, tặng vật trị giá trên 100 vạn quan tiền” (theo Đại Việt Sử ký toàn thư, T.2). Điều ấy nói lên rằng, đầu công nguyên, đường thủy ở Hà Tĩnh chưa được khai thác. Mãi đến thế kỷ thứ IX–X, vào giai đoạn hình thành Con đường tơ lụa trên biển, “Miền Hà Tĩnh có bờ biển dài, nhiều cửa biển đẹp, do đó, nghề đánh cá trên sông, trên biển phát triển” (Lịch sử Hà Tĩnh; T.1, tr. 94).

Do đặc điểm địa hình, Hà Tĩnh là vùng đầm phá lớn trước biển và gần núi. Các dòng sông đều bị ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Những dòng sông ngắn và dốc men theo chân núi. Đó là điều kiện thuận lợi để tàu thuyền vào ra và hình thành nên các cảng thị. Ngày nay, số lượng các cửa sông - cảng thị Hà Tĩnh ít hơn ngày xưa. Ví dụ ở Kỳ Ninh, Kỳ Anh ngày xưa có 3 cửa sông thông ra biển, nay chỉ còn mỗi Hải Khẩu. Ở Can Lộc, sông Nghèn mở ra cửa Bình Lộc, Thiên Lộc, nay chỉ còn lại Cửa Sót.

Ở Cửa Khẩu (Kỳ Anh), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Sót (Thạch Hà), Cửa Hội (Nghi Xuân), các nhà khảo cổ đã phát hiện những mảnh gốm có niên đại thế kỷ IX–X đến XVIII ken dày trong cát. Đấy là đồ gốm men vàng xanh của lò gốm nam Trung Quốc, gốm Chăm-pa, Thái Lan, Triều Tiên, Itxlam… đồ sứ Chăm-pa, Trung Quốc, Ả Rập. Chứng cứ ấy nói lên rằng, một thời, có thể là từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIV, các cửa biển Hà Tĩnh đã là những thương cảng đón nhiều tàu buôn của thương gia nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt là rất nhiều gốm thời Trần, thế kỷ XIV có màu vàng ngà, màu xanh ngọc, bên trong có hoa văn mây, hoa in chìm đã có mặt ở 32 điểm trong vùng Đông Nam Á, Nhật Bản và cả vùng cận Đông xa xôi. Điều ấy cho ta nghĩ tới: 1. Hàng hóa gốm ấy ra đi từ các thương cảng Hà Tĩnh; 2. Thời Trần, Hà Tĩnh là một vùng đất buôn xa, bán gần qua các thương cảng; 3. Các thương cảng Hà Tĩnh là nơi dừng chân của các con tàu trên lộ trình của Con đường tơ lụa trên biển.

Năm 1567, triều đình nhà Minh bỏ chủ trương bế quan tỏa cảng, cho thuyền buôn vượt biển buôn bán với các nước vùng Đông Nam Á. Tiếp đó, năm 1570, Nguyễn Hoàng nắm quyền trấn thủ Quảng Nam, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài, thì Hà Nội, Phố Hiến, Hội An, Cù Lao Chàm, Vijaya, Chăm-pa, Óc Eo của Việt Nam mới lại là thương cảng sầm uất của Con đường tơ lụa trên biển. Và các thương cảng Hà Tĩnh càng trở nên tấp nập, thịnh vượng.

Điển hình cho sự giao lưu buôn bán tấp nập, thịnh vượng ấy là thương cảng Cửa Hội - Sông Lam. Từ Hội Thống, tàu thuyền theo dòng chảy của sông Lam vào Xuân Phổ, đền Huyện (Nghi Xuân). “Nơi đây là một khu vực đô hội, dân cư đông đúc, trên bộ dưới sông phong cảnh hữu tình, buôn bán phát triển (…). Sự phát triển kinh tế và giao thương buôn bán, nhất là từ thế kỷ XIII đã góp phần gắn bó các cư dân cùng quê hương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa trong vùng” (Lịch sử Hà Tĩnh, T.1,

Tr. 136).

Khi người Hoa không chịu sống dưới triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) ào sang Việt Nam lập nghiệp, xây dựng các cộng đồng Minh Hương xã thì Triều Khẩu, Phù Thạch (Đức Thọ) trở thành một chấm son trên Con đường tơ lụa trên biển ở miền đất Hà Tĩnh.

Phù Thạch thuộc đất làng Vĩnh Đại, huyện La Sơn (nay là xã Đức Vịnh, Đức Thọ), ở bờ Nam sông Lam, đối diện với chợ Tràng, xã Triều Khẩu, phía dưới Lam Thành (nay thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ở bờ Bắc). Mé sông có tảng đá lớn, lúc thủy triều xuống thì nổi lên mặt nước nên có tên Phù Thạch.

Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (1757-1828) chép: “Chỗ sông Minh chảy vào có đá nổi, bên đông đá có đò, gọi là bến đò Phù Thạch. Trên bến đò có phố buôn của khách trú. Nhà cửa san sát, thuyền bè tấp nập”. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép: “Đến đây có sông Phù Thạch, phía Đông có bến đò là chỗ cư trú của khách buôn phương Bắc, nhà cửa, thuyền bè tấp nập gọi là phố Phù Thạch”.

Thế kỷ thứ XIII, XIV, đời Trần, Phù Thạch đã là một thắng địa có tiếng ở Xứ Nghệ. Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn miêu tả trong bài thơ: Qua đò Phù Thạch: “Triều lên triều xuống dòng xuôi ngược/ Mây hợp, mây tan núi nổi chìm/ Nốc cá nhấp nhoi làn sóng tỏa/ Chùa sư thấp tháng bức đồ in”. Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) thì viết, trong Mai đình mộng ký: “Phồn hoa nổi tiếng thị thành/ Nay Phù Thạch phố là danh lịch triều”.

Trên phố, dưới sông, bến Phù Thạch luôn tấp nập tàu thuyền ra vào buôn bán. Nhiều thuyền buôn nước ngoài theo Con đường tơ lụa tới đây đổ hàng, cất hàng. Ở Hoa Viên, Phục Lễ (Triều Khẩu) có phố người Nhật, có chợ Tràng buôn bán đủ các mặt hàng Xứ Nghệ, của Đàng Trong, Đàng Ngoài, của nước ngoài như thuốc bắc, lụa, gấm tàu, bút mực, sách tàu, cúc mã não, chè ô long, sâm cao ly, gốm Itxlam, Ấn Độ, Trung Quốc.

Từ năm Gia Long thứ 3 (1804), trấn lỵ Nghệ An chính thức dời ra Vĩnh Yên (Vinh), người Hoa chuyển ra tỉnh Nghệ. Tiếp đó, bờ sông Lam bị xói lở, một phần đất phố Khách bị đổ xuống sông. Những ngôi chùa “thấp thoáng, bóng trúc che (thơ - Bùi Huy Bích) cũng không còn. Thương cảng Cửa Hội và phố Phù Thạch có lịch sử 150 năm chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Nó là bóng dáng một thời vàng son của thương nghiệp giao lưu quốc tế trên đất Hà Tĩnh hàng trăm năm trước.

Ngoài sự đóng góp về kinh tế, cảng thị Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Hà Tĩnh từng là phên dậu, thắng địa của Tổ quốc. Trong các cuộc chiến tranh Chăm-pa – Đại Việt, các cảng sông Hà Tĩnh là nơi che chắn, nơi xuất phát, nơi trở về của vua chúa, quân lính các triều Trần – Lê.

Trên nền tảng của kinh tế cảng thị do sự giao thoa với các nền văn hóa khác nhau: Việt – Chăm (Cửa Nhượng với cư dân Bồ Lô); Việt – Hoa (Phù Thạch), Việt - Nhật (Triều Khẩu), đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa Hà Tĩnh; đồng thời, với tính chất cộng cảm của giao lưu trên sông nước, các cảng thị Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bản sắc văn hóa vùng, miền đậm đà.

Là một miền đất hẹp, thủ thì đới Thủy (giáp sông Lam), vĩ thì đạp sơn (giáp Đèo Ngang), biển và núi chạy song song với nhau, đăng đối hài hòa giữa tĩnh và động, nhu và cương, thu vào thì thâm hậu thiết tha, mở ra thì tìm cách kê đệm cho thiên hạ. Rất nhiều sông chảy ra biển. Suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh bao giờ cũng mở, mở ra bốn phía, mở ra biển lớn. Các cảng thị trên đất Hà Tĩnh - những dấu chấm trên Con đường tơ lụa huyền thoại – là một minh chứng cho sự năng động, sáng tạo, phát triển của Hà Tĩnh từ thủa “trên bến, dưới thuyền” đến ngày nay là cảng nước sâu, Khu kinh tế Vũng Áng... hướng tới một trung tâm công nghiệp và TM-DV Bắc Trung bộ cùng sự giao lưu với hàng trăm quốc gia…

__________

(*) Con đường tơ lụa tên gọi do nhà địa lý học người Đức Ferdinand vonRichthofen khai sinh giữa thế kỷ XIX, tuy nhiên, người đặt những viên gạch đầu tiên xây nền móng của con đường này là Trương Khiên Trung Quốc, thời nhà Hán (206 TCN - 220).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast