Từ Trung thu độc lập đầu tiên…

(Baohatinh.vn) - Sau niềm vui chào đón ngày khai trường, những ngày này, trẻ thơ trên khắp mọi miền quê lại háo hức với đèn lồng, đèn xếp, với bánh ngọt và mâm ngũ quả chờ đợi giờ phút trông trăng, phá cỗ đêm Trung thu. Trong thời khắc cùng chung niềm vui với sự đủ đầy của con trẻ, các bậc cao niên lại rưng rưng nhớ về mùa thu cũ - Trung thu độc lập đầu tiên của nước nhà.

Từ Trung thu độc lập đầu tiên… ảnh 1
Bác Hồ vui Tết Trung thu với thiếu niên nhi đồng. Ảnh tư liệu

70 năm đã trôi qua, nhưng Tết Trung thu độc lập đầu tiên đã trở thành dấu ấn thiêng liêng khắc sâu trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt. Chỉ sau 3 ngày khi thư Tết Trung thu với nền độc lập của Bác Hồ gửi tới thiếu nhi toàn quốc, thì ngày 20/9/1945, Báo Cờ giải phóng - Cơ quan Trung ương của Đảng đã đăng bài viết của nhà báo Thép Mới, nhan đề Trung thu độc lập đầu tiên.

Với chúng tôi, lứa tuổi sinh ra sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, dẫu không được chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy, không được học trong chương trình sách giáo khoa bài học ấy nhưng qua các tài liệu văn học, Trung thu độc lập đầu tiên qua ngòi bút của nhà văn, nhà báo Thép Mới với vầng trăng sáng “… không còn vẻ yếu ớt và lạnh lùng…” của mùa thu đầu tiên sau đêm trường nô lệ vẫn luôn hiện hữu mỗi độ Tết Trung thu về.

Với văn phong mạch lạc, lối viết giản dị, giàu tình cảm, dễ đi vào tâm trí thiếu nhi, nhà báo Thép Mới đã thay lời anh bộ đội đứng gác ở doanh trại - nơi biên cương Tổ quốc tâm sự cùng các em nhỏ về nỗi khổ nhục thuở thiếu thời chịu cảnh mất nước, làm một bầy trẻ con nô lệ của một nước nô lệ. Đêm nay, anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới Trung thu và nghĩ tới các em…

Nghĩ về thuở mất nước, tác giả tâm sự: … Phần đông các anh trưởng thành trong tăm tối, sống không Tổ quốc, không lý tưởng, không ngày mai. Ngày tháng trôi qua tầm thường, tẻ nhạt. Nếu không có cách mạng, kiếp người lại chỉ là loài bò sát nép mình trong hang ẩm ướt… Qua Trung thu độc lập đầu tiên, Thép Mới cũng đã thổi một tư duy mới, một luồng gió mới vào lớp thanh, thiếu niên thời Cách mạng tháng Tám, đồng thời, cổ vũ thế hệ trẻ Việt Nam hãy tin tưởng vào tiền đồ xán lạn của dân tộc, vững bước đi lên cùng cách mạng mùa thu: Đêm trăng sáng, các em hãy nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai. Các em ạ, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống rộng rãi và tươi đẹp vô cùng. Mươi, mười lăm năm nữa thôi, các em lớn lên sẽ thấy, cũng ánh trăng này, trên dòng thác đổ làm chạy máy phát điện mãnh liệt của nước nhà. Các em sẽ thấy, cũng ánh trăng này ở giữa biển rộng, trên con tàu lớn cắm cờ đỏ sao vàng. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít và cao thăm thẳm, rải trên những đồng lúa mênh mông, hay đuổi theo những đoàn tàu băng băng chạy trên đường sắt ngút ngàn. Biết đâu chẳng có những em sẽ cưỡi máy bay vui Trung thu giữa trời cao, càng ngắm rõ chị Hằng hơn?…

Từ Trung thu độc lập đầu tiên… ảnh 2
Múa lân là nét đẹp truyền thống trong mùa Trung thu.

Với nhãn quan, niềm tin của một nhà báo - một trí thức trẻ, với tình yêu nước nồng nàn và ngòi bút cháy bỏng lý tưởng cách mạng, một tương lai huy hoàng của đất nước đang từng bước hiện hữu. Từ công cuộc đổi mới, diện mạo của đất nước đã từng bước đổi thay. Dưới bàn tay, khối óc, với sức người, sức của, những công trình thủy điện lớn đã mang dòng điện thắp sáng trên mọi miền quê. Với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, những vùng nông thôn xa xôi chuyển mình trở thành những công trường, nhà máy rộn ràng, tấp nập. Trên các bến cảng, ngoài khơi xa những con tàu công suất hàng trăm mã lực với cờ đỏ sao vàng tung bay trước mũi, tự tin vươn ra biển lớn khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Bức tranh cuộc sống đủ đầy mà người lính từng mơ ước dưới ánh trăng thu năm nào nay đã hiện hữu khắp các miền quê trên dải đất hình chữ S này.

Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trẻ em, từ sự quan tâm của các bậc làm cha, làm mẹ, thiếu nhi Việt Nam ngày càng được hưởng một cuộc sống đẹp đẽ. Đó là được học tập, vui chơi, được sống trong sự quan tâm, trong tình yêu thương của toàn xã hội. Thế nên, trong niềm vui chung của Trung thu độc lập đầu tiên, Thép Mới cũng đã nhắc nhở các em về trách nhiệm đối với tương lai đất nước: ... Đời sẽ là một bản đàn rực rỡ có muôn vạn âm thanh. Các em sẽ viết bài thơ bằng sắt thép và bằng lửa đỏ lòng trai: bài thơ của xây dựng ấy. Trăng đêm nay sáng quá. Trăng đêm mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em và nghĩ tới các em, nghĩ tới ngày mai của các em…

Hôm nay, trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền rừng núi đến hải đảo xa xôi, trẻ em đã có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, được hưởng những Tết Trung thu với niềm vui tròn đầy như vầng trăng cổ tích. Trong giờ phút chung niềm vui phá cỗ trông trăng, những người con đất Việt lại rưng rưng nỗi nhớ mùa thu cũ. Nhớ đến những năm tháng lầm than trong đêm trường nô lệ, nhớ đến ánh trăng vằng vặc của Trung thu đầu tiên để thêm yêu, thêm quý cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên đất nước độc lập. Nền độc lập mà cả dân tộc đã phải trả bằng cả máu, nước mắt và sự hy sinh của các thế hệ cha anh.

Mùa Trung thu thứ 70 của nước Việt Nam độc lập. Với các em nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước, Trung thu dường như không chỉ là dịp để các em thêm một lần được cảm nhận sự quan tâm của toàn xã hội, được phá cỗ, trông trăng mà sau niềm vui ấy, ánh trăng như còn nhắc nhở các em trách nhiệm lớn lao trong học tập, tu dưỡng, luyện rèn để góp phần giữ vững nền độc lập, xây dựng nước nhà ngày càng phát triển như thế hệ cha anh hằng mong ước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast