Văn hóa Hà Tĩnh trong dòng chảy ngàn năm

Suốt một thiên niên kỷ qua, kể từ ngày nhà Lý dời đô về Đại La, Thăng Long đã chứng tỏ là nơi hội tụ của 4 phương đất nước với sức sống mãnh liệt của dòng chảy văn hóa Việt. Tinh hoa của trăm miền đã vế đây, góp phần dệt nên bản sắc Việt Nam không thể mai một, không thể trộn lẫn, nhất là trong thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay.

Đánh dấu nền văn học viết ở thế kỷ X, cùng với nhiều chính sách phát triển văn hóa, giáo dục như lập Văn Miếu Quốc Tử giám, mở khoa thi đầu tiên, văn học thời Lý - Trần đã đặt nền móng cho nền văn học Việt Nam với nhiều tác giá tiêu biểu như Lý Thường Kiệt, Mãn Giác Thiền sư, Khổng Lộ Thiền sư, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… Tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, tình yêu thiên nhiên và con người… là những giá trị to lớn mà văn học, văn hóa thời Lý - Trần đã truyền lại cho hậu thế.

Đền Đô được khởi dựng từ thế kỷ XI - nơi thờ 8 vị vua triều Lý

Đền Đô được khởi dựng từ thế kỷ XI - nơi thờ 8 vị vua triều Lý

Nối tiếp mạch nguồn ấy, trong những thế kỷ tiếp theo, trên bầu trời Việt Nam xuất hiện vô vàn anh hùng, danh nhân, nhà văn hóa, nhà bác học, nhà chính trị, quân sự tại giỏi mà tiếng tăm đã vượt ra ngoài bờ cõi như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu v.v… Họ là những vì sao Khuê lấp lánh hội tụ và tỏa sáng những phẩm chất cao đẹp, tâm hồn cao thượng và trong sáng, tinh thần nhân nghĩa hy sinh của dân tộc Việt Nam. Họ đã làm đẹp thêm văn hiến Thăng Long, văn hiến Việt Nam.

Hà Tĩnh là mảnh đất nhỏ bé ở phương nam nhưng lại là vùng căn cứ vững chắc cho những cuộc khởi nghĩa Lê Lợi chống quân Minh, là nơi cung cấp hiền tài và vật lực cho đoàn quân Quang Trung hành quân ra Bắc đánh quân Thanh, nơi vua Hàm Nghi nương náu ban chiếu Cần Vương… Nơi đây, người dân yêu nước nồng nàn, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, một lòng phò vua giúp nước. Dù vương triều Lý ở xa nhưng ảnh hưởng của văn hóa Lý - Trần đã lan rộng đến vùng đất này. Trên đường kinh lý về phương Nam, đây là nơi dừng chân thưởng ngoạn và là nơi che chở cho nhiều đoàn của nhà vua và triều đình. Nhiều ông vua đã để lại dấu tích trên vùng đất này Người được nhân dân Hà Tĩnh lập đền thờ nhiều nhất là Lý Nhật Quang và Tô Hiến Thành, Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo), công chúa Liễu Hạnh. Bên cạnh đó là quan Hoàng Mười, Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (*), Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, vua Hàm Nghi…

Núi Hồng, sông Lam
Núi Hồng, sông Lam

Là vùng biên trấn phương Nam xa xôi, tưởng như ánh sáng văn hóa của Tràng An, Kinh Bắc với ca trù, hát xoan, quan họ, với nền văn học viết phong phú đồ sộ khó có thể lan toả tới nơi này. Nhưng kỳ lạ thay, nơi vùng đất khô cằn và đầy gió bão, "mưa thối đất, nắng đỏ trời" này cũng chính là nơi con người hiền hòa và giàu có về tâm hồn. Đây là quê hương của các điệu hát ca trù, ví phường vải, ví đò đưa, hò chèo cạn, hát sắc bùa… Là nơi sản sinh nhiều anh hùng và nhiều thi nhân hiến dâng tài năng tâm huyết cho nền văn hiến Việt Nam. Đó là Mai Thúc Loan chân đất áo vải xưng đế, là Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu phò vua đánh giặc Minh vói bản lĩnh "chết vinh hơn sống nhục", là cha con Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh lập thư viện sách, mở trường học, viết văn, đi sứ cho nhà vua…

Thế kỷ XVIII, đất nước nở rộ nhiều tài năng và mảnh đất này đã dâng cho đất nước nhiều dòng họ văn chương khoa bảng ở Tiên Điền, Tùng ảnh, Trung Lễ, Thạch Châu… Nổi danh là đại thi hào Nguyễn Du. Ông là sự kết tinh của văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Kinh Bắc với văn hóa Tràng An để rồi hòa nhập vào văn hóa thế giới với khuôn mặt không thể trộn lẫn. Với những tác phẩm chất chứa tình thần nhân đạo, trái tim đầy rung cảm và tài năng văn chương lỗi lạc, Nguyễn Du đã làm đẹp thêm văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long, đúng như Giáo sư Vũ Khiêu đã viết "Nguyễn Du là hiện tượng từ trước đến nay chưa từng có, mai sau chắc gì đã có".

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Nếu không có sự giao thoa với văn hóa các vùng miền, khó có thể tìm thấy gương mặt Tố Như, cũng như khó có thể tìm thấy một Đại danh y đồng thời là nhà văn lớn Hải Thượng Lãn Ông hay một Nguyễn Công Trứ vừa là Doanh điền sứ vừa tuớng lĩnh lại là thi nhân, Nguyễn Thiếp được mệnh danh là La sơn phu tử lại là quân sư cho Nguyễn Huệ đánh giặc, Phan Đình Phùng là Đình nguyên tiến sĩ lại vừa lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Huy Cận vừa là nhà thơ và Bộ trưởng Bộ Canh nông, Xuân Diệu là nhà thơ tình yêu của thế giới. "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa", chiến đấu hết mình và yêu thương cũng hết mình, tài hoa nhưng độ lượng, dũng cảm và tự trọng, hiếu học và khiêm nhường, đó dường như là một nét tính cách đặc trưng của con người Hà Tĩnh đã làm phong phú thêm bản lĩnh và côt cách của con người Việt Nam.

Thế kỷ XX, trước những đau thương và biến động của lịch sử dân tộc, mảnh đất này lại một lần nữa làm rạng danh văn hóa Thăng Long bằng hình ảnh hào hùng của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bằng sự xả thân cho phong trào cách mạng, cho Đảng của người anh hùng Trần Phú, Lý Tự Trọng, Hà Huy Tập, Trần Thị Hường, 10 cô gái Đồng Lộc… Hiến dâng tuổi trẻ cho cách mạng, giữ vững tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nhận cái chết về mình một cách thanh thản, không nuối tiếc vấn vương, đó là phẩm chất của người xứ Nghệ, cũng là phẩm chất anh hùng của dân tộc Việt Nam: "Tuốt gươm không chịu sống quỳ, tuổi xanh chẳng kể, sá chi bạc đầu"

Nghìn năm với những biến thiên của đất trời trong những đổi thay lớn lao của thời đại nhưng như mạch nguồn chảy không ngừng không nghỉ, văn hóa Hà Tĩnh vẫn âm thầm tưới tắm, làm đầy thêm, phong phú thêm dòng chảy của văn hiến Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast