Văn hóa nhận quà

Những ngày này trên khắp các tuyến đường hướng về các xã bị ngập lụt ở Hà Tĩnh luôn đông nghịt chủng loại xe từ mọi miền của Tổ quốc đổ về với những băng rôn đỏ chói “Vì miền Trung”, “Hướng về miền Trung”...

Là những người sống trên mảnh đất thường xuyên phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chúng ta vô cùng xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp, ấm lòng đó, càng hiểu thêm hơn nghĩa đồng bào trong hoạn nạn, khó khăn. Đó chính là nguồn động viên to lớn giúp người dân vùng lũ gượng dậy sau những mất mát đau thương.

Tuy nhiên, qua một số chuyến đi trao quà cùng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, có những việc khiến chúng tôi không khỏi xót xa, buồn lòng. Sáng ngày 23/10, cùng với đoàn từ thiện đến từ Hà Nội, chúng tôi về xã Tùng Lộc – một trong những xã bị thiệt hại nặng sau trận lũ của huyện Can Lộc để trao quà.

Khi xe chúng tôi đến đã thấy khá đông người dân tụ tập ở sân trụ sở UBND xã. Dù đã thông báo trước nhưng xem ra sự điều hành của xã khá lúng túng dẫn đến cảnh tượng lộn xộn, ồn ào. Quà hôm ấy gồm chăn, quần áo cũ, sách vở, nước uống với 200 suất; nếu phát từng người sẽ rất lâu vì hành trình của đoàn còn dài nên chúng tôi trao tượng trưng cho đại diện các xóm.

Ấy vậy nhưng một số người lại nhao lên đề nghị trao tận tay người dân chứ không qua xã. Mỗi người một câu ồn ào, một số người lại tranh thủ bê thùng quà ra chỗ vắng rồi tranh nhau lấy. Đáng buồn hơn, có người nhặt nhạnh trong túi quần áo cũ rồi lớn tiếng chê bai: “Đồ này thì ai mặc, lấy làm chi” rồi vứt ra phía ngoài với một thái độ vô cảm. Chứng kiến những hành động, lời nói phản cảm đó chúng tôi vô cùng xấu hổ. Để có được những món quà đó, các anh, các chị phải đi vận động từng hộ dân, các nhà hảo tâm ở chợ Đồng Xuân, các doanh nghiệp ở Hà Nội, phải bỏ tiền túi góp vào mua quà, thuê xe chở, tiền ăn nghỉ. Thế mà khi món quà đến tay người dân lại không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ khiến người tặng cũng không thoải mái, vui lòng.

Cũng trong ngày 23/10, tại xã Sơn Mỹ (Hương Sơn), khi các doanh nghiệp đến trao quà phải chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn, giành giật hàng cứu trợ ngay trước trụ sở UBND xã, nhiều người đã khóc òa lên…

Dẫu biết đó chỉ là số rất ít, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, cảnh tượng ấy đã làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, nét đẹp nhân văn của con người Hà Tĩnh.

Một món quà dẫu giá trị vật chất không lớn nhưng là tấm lòng, công sức của người tặng, mang ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn, nhất là trong cơn hoạn nạn này. Vì vậy, người nhận phải biết cảm ơn, trân trọng bằng những lời nói, cử chỉ làm ấm lòng người tặng. Đó chính là văn hóa nhận quà!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast