Về nghe câu hát xứ Voi

(Baohatinh.vn) - Nằm dưới chân núi Tượng Lĩnh, các xã Kỳ Bắc, Kỳ Phong và Kỳ Tiến (Kỳ Anh) từng là điểm dừng chân mộ binh, luyện khí, thuần tượng của vua Quang Trung khi mang quân ra dẹp loạn phía Bắc. Từ ý nghĩa đó, các địa phương này đã hình thành một vùng văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc với rất nhiều đặc trưng tương đồng cả về tự nhiên và xã hội mà ngày nay người dân vẫn quen gọi là vùng Voi (xứ Voi), trong đó, Kỳ Bắc từng là một thị tứ của cả vùng.

Từ truyền thống yêu văn nghệ

Kỳ Bắc là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, trong đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ nói chung và phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) nói riêng được coi là món ăn tinh thần gắn bó thiết thực với đời sống người dân từ bao đời nay. Những giá trị văn hóa truyền thống của người Kỳ Bắc được bồi đắp theo năm tháng với những câu ca, tiếng hát, điệu hò luôn vang lên, kể cả trong dịp hội hè cũng như trong cuộc sống thường ngày.

Chính từ trong lao động và thông qua các hình thức sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, Kỳ Bắc hội tụ đầy đủ các loại hình dân ca, dân vũ, hò vè, ví, giặm và đến nay, vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đã xuất hiện nhiều ca nương, ả đào, anh cả, anh hai nổi tiếng, góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để Kỳ Bắc trở thành nơi ươm mầm các tài năng VNQC.

Về nghe câu hát xứ Voi ảnh 1

Câu lạc bộ Dân ca xứ Voi phối hợp với ngành Giáo dục truyền dạy diễn xướng dân ca cho thiếu niên nhi đồng.

Tôi may mắn được sinh ra trên mảnh đất Kỳ Bắc giàu truyền thống văn hóa, nổi tiếng với phong trào VNQC. Tôi lớn lên trong bầu sữa ngọt ngào của mẹ hòa lẫn những câu dân ca làm say lòng người, được thưởng thức các chương trình ca múa, nhạc kịch ấn tượng do các bậc đàn anh, đàn chị trong đội văn nghệ xã thể hiện. Những câu ca, điệu hò, ví, giặm đằm thắm, ngọt ngào, sâu lắng tình người vẫn còn đọng mãi trong tôi. Không chỉ các tiết mục hát xướng tập thể, hò vè đối đáp song đôi, nhiều vở diễn dài hơi do đội văn nghệ xã Kỳ Bắc dàn dựng mang tính nghệ thuật cao như: “Đốm lửa núi Hồng”, “Thoại Khanh, Châu Tuấn”, “Tiếng mõ ông Seo”, “Chuyện người hàng xóm”… sau khi biểu diễn trong xã, được đưa đi công diễn khắp nơi, tạo dấu ấn trong lòng công chúng trong và ngoài huyện.

Đến bản sắc văn hóa

Từ phong trào ca hát cộng đồng của thế hệ cha ông đã hình thành phong trào VNQC ngày nay, được địa phương quan tâm gìn giữ, phát huy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hoan - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Kỳ Bắc là xã văn hóa thuộc trung tâm KT-XH vùng ngoài của huyện Kỳ Anh. Tổ chức hành chính của xã được phân bố theo 6 xóm, gồm: Nam Tiến, Đông Tiến, Hợp Tiến, Lạc Tiến, Phương Giai và Kim Sơn.

Hiện nay, cả 6 xóm đều đạt danh hiệu văn hóa, gần 90% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Các xóm đều có đội văn nghệ, mỗi năm, vào các ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, các đội chủ động tổ chức liên hoan văn nghệ cộng đồng sôi nổi. Đội văn nghệ xã tổ chức dàn dựng nhiều vở diễn quy mô, có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Đặc biệt, người dân trong làng vẫn còn thuộc làu nhiều làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và thuần thục cả cách diễn xướng theo phong cách dân gian độc đáo. Từ phong trào văn nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều hạt nhân góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã. CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Bắc có 25 hội viên, do nghệ nhân Trần Khánh Cẩm làm chủ nhiệm. CLB đã xây dựng được nhiều chương trình biểu diễn giành giải cao tại các hội diễn của tỉnh và quốc gia. Nhân dịp đầu xuân 2015, CLB được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời phục vụ biểu diễn múa hát sắc bùa tại thủ đô Hà Nội, được nhân dân ngưỡng mộ, khen ngợi. Gần đây, CLB tiếp tục giành nhiều giải cao tại hội diễn dân ca các tỉnh Bắc miền Trung năm 2015 diễn ra ở Huế, được nhận bằng khen của ban tổ chức.

Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm năm nay gần 80 tuổi, tóc bạc, chân mỏi, gối mềm nhưng cụ vẫn ngày ngày trên chiếc xe đạp cà tàng lặn lội gần trăm cây số từ miền biển đến vùng núi để sưu tầm những câu ca, lời hát cổ… Chính cụ là người góp công lớn trong việc làm sống lại điệu hát sắc bùa và các làn điệu khác như hát ru, ví o Nhẫn. Ngoài ra, các vở kịch dân ca, kịch thơ do cụ sáng tác và dàn dựng đã giành rất nhiều giải thưởng của tỉnh, ngành, khu vực… Cụ còn mở lớp dạy nhạc lý cơ bản cho học sinh THPT. Cụ Cẩm chia sẻ: “Suốt cả đời tôi gắn bó với sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của quê nhà chỉ với tâm nguyện truyền dạy lại những câu ca cổ của cha ông và động viên con cháu bảo vệ di sản quý đang ngày càng mai một”.

Ngoài cụ Cẩm, ở Kỳ Bắc còn có nhiều gia đình cả 3-4 thế hệ đều tham gia phong trào VNQC với tinh thần nhiệt huyết và luôn đóng vai trò trụ cột của đội văn nghệ xã. Trong đó, gia đình ông Hạnh Tín với những cái tên như Nguyễn Tiến Thắng, Nguyễn Tiến Phúc, Nguyễn Tiến Xuân rất gần gũi với người yêu thích ca hát trong vùng.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast