Vọng tiếng quê hương

(Baohatinh.vn) - Lần đầu làm quen với vợ chồng Hoàng Văn Vinh - Nguyễn Thị Ánh trong chuyến họ về thăm quê hương cách đây 3 năm, tôi đã có cảm giác gần gũi, thân quen...

Lần ấy, tôi đi tìm người giúp đỡ cho 3 gia đình khó khăn trong tổ máy gạt Uông Xuân Lý từng chiến đấu ở Đồng Lộc. Anh Vinh hiểu tấm lòng tôi và hứa sẽ giúp. “Với Hà Tĩnh quê hương, anh còn nhiều việc phải làm, trong đó, điều anh trăn trở nhất là làm sao dịch được Truyện Kiều ra tiếng Nga. Cần có một nhóm dịch giả giỏi và tâm huyết”.

Ông Hoàng Văn Vinh (người mang cà vạt đỏ) cùng đoàn đại biểu Hà Tĩnh bên lề lễ ra mắt tác phẩm Truyện Kiều dịch ra tiếng Nga
Ông Hoàng Văn Vinh (người mang cà vạt đỏ) cùng đoàn đại biểu Hà Tĩnh bên lề lễ ra mắt tác phẩm Truyện Kiều dịch ra tiếng Nga

Như để giải thích vì sao mình nặng lòng với điều này, anh đưa tôi đọc bài thơ anh sáng tác: Cánh võng mẹ ru. Bài thơ bằng thể lục bát, có những câu thật cảm động:

Bao năm trở lại quê nhà

Mẹ không còn nữa, mẹ là quê hương

Vẫn hàng tre biếc Xuân Trường

Vẫn bờ cát trắng hàng dương thuở nào

Nương khoai ruộng lúa thấp cao

Sông Lam một dải, sóng xao đôi bờ.

Với một người con bao năm vật lộn mưu sinh nơi xứ người, đắng cay, ấm lạnh đều nếm trải như anh, lời ru của mẹ cũng là tiếng của quê hương tha thiết, đằm sâu, ru vỗ tâm hồn. Sóng của những dòng sông nơi nước Nga xa xôi luôn gợi nhớ đến sông Lam một dải, sóng xao đôi bờ. Tiếng gọi ấy luôn vang vọng trong tâm can, thôi thúc anh trở về đáp nghĩa với quê mẹ đất cha, bởi:

Con đi muôn dặm quê người

Cũng từ cánh võng lời ru mẹ hiền.

Rất nhiều hoạt động nghĩa tình của anh với quê hương đã thể hiện niềm khao khát ấy. Để khởi xướng trong cộng đồng người Việt và doanh nhân ở Nga đóng góp xây dựng đài phun nước nghệ thuật ở Ngã ba Đồng Lộc, vợ chồng anh đã ủng hộ 400 triệu đồng. Rồi đóng góp phục dựng Văn Miếu Hà Tĩnh 2,5 tỷ đồng, ủng hộ quỹ khuyến học, hỗ trợ đồng bào các vùng bị thiên tai hàng trăm triệu đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hội người Việt tại thành phố Ekaterinburg và tỉnh Svetdlov, không chỉ đóng góp, anh còn vận động kiều bào, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, tạo nên phong trào tình nghĩa của cộng đồng người Việt ở Sveldov hướng về quê hương.

Biết năm 2015, Hà Tĩnh và cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, mong ước đưa Truyện Kiều quảng bá rộng rãi tại Nga lại càng thôi thúc trong anh. Từ thuở còn đi học, những bài giảng của cô thầy đã cuốn hút anh. Càng trải qua nhiều cảnh ngộ, anh càng thấm thía tâm trạng của các nhân vật, những lời dạy từ Truyện Kiều và càng cảm nhận tầm vóc lớn lao của Đại thi hào Nguyễn Du. Vậy mà, Việt kiều tại Nga nhiều người không nhớ, nhiều người chưa biết Truyện Kiều, nhất là thế hệ trẻ sinh ra bên ấy và người Nga lại càng không biết.

Anh ngỏ lời với Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga lúc ấy là Phạm Xuân Sơn, cũng là người con Tiên Điền (Nghi Xuân). Thế là, năm 2013, sau chuyến đưa các doanh nghiệp ở Nga về ủng hộ Hà Tĩnh và viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh quyết định ký hợp đồng tài trợ cho nhóm dịch giả Truyện Kiều ra tiếng Nga do TS Nguyễn Huy Hoàng, người con quê hương Can Lộc hiện đang sống tại Mátxcơva làm chủ biên với số tiến 50.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ VND).

Cùng chung tình cảm quê hương, tình yêu với Nguyễn Du và Truyện Kiều nên khi nhận hợp đồng này, anh Hoàng hết sức lo lắng bởi tìm người để dịch một tác phẩm tiếng Việt với nhiều điển tích, điển cố, thành ngữ, tục ngữ sang tiếng Nga mà lại bằng thơ là không mấy dễ dàng. Vậy nhưng, với sự cộng tác tích cực của nhóm dịch giả Việt - Nga, các anh đã tìm thấy con đường đi, đó là dịch sang văn xuôi tiếng Nga, hiệu đính chú giải, sau đó, tìm một nhà thơ Nga dịch sang tiếng Nga. Các anh đã “chọn mặt gửi vàng” cho nhà thơ trẻ Va-si-li Pa-pốp.

Vọng tiếng quê hương ảnh 2
Nhà thơ Vasili Popov trả lời phỏng vấn báo chí trong buổi ra mắt Truyện Kiều bằng tiếng Nga tại Hà Nội ngày 6/11 vừa qua

Khỏi phải nói niềm vui sướng của Hoàng Văn Vinh và nhóm dịch giả khi bản dịch thơ Truyện Kiều sang tiếng Nga hoàn thành và ra mắt độc giả, giới nghiên cứu Nga - Việt. Sau lễ ra mắt tại Viện KHXH Việt Nam, Hoàng Văn Vinh, TS Nguyễn Huy Hoàng và Va-si-li Pa-pốp đã về quê hương Hà Tĩnh bái lạy cụ Nguyễn Du và gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

Nói về sự kiện này, Hoàng Văn Vinh xúc động: “Dù đi khắp góc biển, chân trời, đối với tôi, quê hương vẫn là người mẹ lớn. Sinh ra trên quê hương Nguyễn Du, từng học tập dưới mái trường mang tên Đại thi hào, tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với quê hương. Tiếng mẹ, tiếng quê hương được thể hiện tinh túy nhất, đẹp nhất là trong Truyện Kiều. Chuyển tải được vẻ đẹp ấy sang tiếng Nga, tôi vô cùng phấn khởi vì nước Nga là quê hương thứ 2 của tôi. Truyện Kiều dịch ra tiếng Nga là cầu nối văn hóa giữa 2 dân tộc. Xin cảm ơn nhóm dịch giả và Va-si-li Pa-pốp”.

Hoàng Văn Vinh (SN 1960, quê Xuân Trường, Nghi Xuân), từng là sinh viên Học viện An ninh Mátxcơva, Liên xô (cũ), Giám đốc Công ty Rồng vàng Nga (Zolotoi Drarkon), Chủ tịch Hội Người Việt tại thành phố Ekaterinburg, Chủ tịch Hội Người Việt Svetdlov, hiện sống tại thành phố Ekaterinburg, tỉnh Svetlov - Liên bang Nga.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast