Xuôi miền Xuân Giang

Trải dài theo dòng Lam giang là các xã: Xuân Lam, Xuân Hồng, Xuân An, Xuân Giang, Tiên Điền, Xuân Hải (Nghi Xuân)… Trong dòng chảy miên man của con sông ấy đã lắng đọng trầm tích của những vùng đất trong suốt cả chiều dài phát triển. Trong đó, mảnh đất Xuân Giang in đậm dấu ấn thời hoàng kim của một trung tâm huyện lỵ với sự trù phú, tấp nập của khung cảnh trên bến dưới thuyền.

Quá khứ - rạng danh

Thời gian thấm thoắt trôi đi nhưng qua những câu chuyện kể của các bậc cao niên, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xuân Giang hôm nay vẫn luôn tự hào về quê hương - nơi một thời được mệnh danh là trung tâm thương mại của huyện lỵ, với sự giao thương tấp nập trên bến Giang Đình – một trong Nghi Xuân bát cảnh. Tương truyền, địa danh này gắn với sự kiện hồi hương của tể tướng Nguyễn Nghiễm (vị quan thời Lê trung hưng, người có công ổn định tình hình Bắc Hà và tham gia chiến dịch đánh chiếm Phú Xuân của Đàng Trong năm 1774-1775).

Non nước Hồng Lam. Ảnh: Quang Vinh
Non nước Hồng Lam. Ảnh: Quang Vinh

Giai đoạn giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, bến Giang Đình trở thành kho tập kết và trung chuyển hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến. Bất chấp cảnh bom rơi đạn nổ, người dân Xuân Giang vẫn một lòng bám trụ với bến sông quê để bảo vệ, kịp thời bốc vác hàng hóa cho những chuyến đi về. Hòa bình đã mang lại sự bình yên cho những chuyến ngược xuôi, đem lại sự no ấm, hưng thịnh cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Nói về thời hoàng kim nhất của Xuân Giang, ánh mắt của các bậc bô lão trong xã vẫn lấp lánh một niềm tự hào. Bến Giang Đình ngày đó không chỉ là nơi hẹn hò, tụ hội của biết bao tao nhân mặc khách mà còn là trung tâm giao thương của người dân khắp các vùng miền. Xuôi dòng sông Lam, những mặt hàng của núi rừng Hương Khê, Đức Thọ; vùng Hưng Nguyên, Hưng Hòa, Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An)... đã theo những chuyến thuyền buôn về với chợ Giang Đình. Cũng từ đó, các mặt hàng nông sản, nồi đất, hàng hải sản của Nghi Xuân lại theo những cánh buồm ngược về với những miền quê.

Năm 1991, thôn Hồng Tiến, Lam Thủy (Xuân Giang) - nơi có bến, có chợ Giang Đình và đền Huyện được cắt về thị trấn Nghi Xuân. Mất đi trung tâm giao thương buôn bán, nhịp sống của người dân Xuân Giang dường như trở nên trầm lắng hơn. Cảnh tấp nập giao thương của một thời vàng son giờ đây chỉ còn lại trong miền hoài niệm, trong những câu chuyện kể của lớp người đi trước.

Hiện tại - trăn trở

Trong sự phát triển đi lên của huyện nhà, Xuân Giang được xem là một trong những xã còn nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Lưu chia sẻ: “Các xã vùng bãi ngang của huyện thì có dự án bãi ngang, miền núi cũng có những chính sách quan tâm của khu vực miền núi, các thị trấn có chương trình chỉnh trang đô thị. Riêng chúng tôi chẳng thuộc vùng nào, chẳng có dự án nào nên khó khăn lại càng chồng chất thêm”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn đã tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân. Vẫn biết lấy sức dân để lo cho cuộc sống của dân là chính, nhưng khổ nỗi việc huy động nội lực chẳng đáng là bao khi người dân vẫn còn phải tất bật mưu sinh. Chạy đua với thời gian, huy động sức người, sức của nhưng đến nay, Xuân Giang mới chỉ đạt được 6/19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện tại, 5.600 nhân khẩu trên địa bàn xã chủ yếu sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng do không có hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng nên việc sản xuất của bà con chủ yếu nhờ trời.

Thời gian qua, từ việc phát huy nội lực, xã đã làm được 560m kênh mương nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Trước thực trạng ấy, người dân ở một số thôn như: Hồng Khánh, Hồng Thịnh Đông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sang trồng hành tăm. Qua vài mùa sản xuất, niềm vui đã về với người dân một nắng hai sương. Họ hăm hở đầu tư, mở rộng thêm diện tích, nhưng ngày vui “ngắn chẳng tày gang” khi thời vụ năm nay hành tăm rớt giá, bà con lại thêm một phen khốn đốn.

Trước đây, dòng chảy của sông Lam không chỉ mang đến cho bà con Xuân Giang cuộc sống ấm no qua việc giao thương mà còn hứa hẹn những mùa cá đầy khoang cho ngư dân ven bờ. Đã một thời, nghề đánh bắt trở thành tiềm năng lợi thế, là mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế của địa phương, thế nhưng, những năm gần đây, do ngư trường ngày càng cạn kiệt, sản lượng đánh bắt thấp trong lúc giá xăng dầu tăng, nguồn thu không đủ để bù chi đã khiến ngư dân không còn mặn mà với nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 144 tàu thuyền nhưng chủ yếu là công suất nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ. Thời gian gần đây, nhờ chính sách của tỉnh về cải hoán tàu thuyền, đã có 2 gia đình mạnh dạn đầu tư nâng cấp 1 tàu lên 90 CV và 1 tàu 300 CV. Nhưng thực tế, việc đánh bắt cũng chẳng khả quan hơn. Từ đầu năm lại nay, tuy là thời vụ chính nhưng sản lượng đánh bắt của xã chỉ được 230 tấn (trong lúc sản lượng đánh bắt cả năm 2012 đạt 700 tấn).

Nông nghiệp, ngư nghiệp thất bát đã khiến cuộc sống của người dân Xuân Giang càng thêm khó, nhưng trong suy nghĩ của đội ngũ cán bộ xã lại có thêm một nỗi trăn trở, lo âu đối với 167 hộ dân ở thôn Hồng Lam - mảnh đất nằm chơ vơ giữa bốn bề sông nước.

Dẫu cách bến, cách đò nhưng thôn Hồng Lam (Xuân Giang 2) lại được nguồn phù sa bồi đắp để nơi đây sớm trở thành vựa lạc, vựa đay của xã. Những năm 80, dân số của Xuân Giang 2 lên đến gần 2.000 người, nhưng sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988 và đặc biệt là thời điểm cầu Bến Thủy được hoàn thành đưa vào hoạt động thì việc đi lại bằng tàu thuyền không còn sôi động như xưa, dân bắt đầu ồ ạt kéo nhau di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Và cho đến thời điểm hiện tại, toàn thôn chỉ còn 167 hộ.

Con đò mới băng băng lướt sóng thoáng chốc đã đưa chúng tôi cập bến thôn Hồng Lam. So với trước, cơ sở hạ tầng ở đây đã được đầu tư nâng cấp đáng kể, mạng lưới điện, đường, trường học đã được đầu tư nâng cấp. Nhưng bức tranh cuộc sống nơi đây vẫn nhuốm vẻ vắng lặng, bởi dưới mỗi nếp nhà giờ chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.

Nạn sa tặc, sự cuồng nộ của thiên tai và dòng chảy con sông mỗi năm lại lấy đi của ngôi làng khoảng 2 ha đất canh tác, chỉ để lại một lớp cát ở bãi bồi nhưng chẳng thể sử dụng được cho mục đích gì. Nghề dệt chiếu truyền thống một thời giờ đây cũng bị mai một do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Lo ngại trước cuộc sống bấp bênh giữa muôn trùng sông nước, những người con thôn Hồng Lam dẫu yêu quê đến mấy cũng phải lần lượt theo con cháu tha phương vào Nam.

Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng thôn cho biết: “Dân số của làng bây giờ thưa thớt hẳn. Những gia đình dẫu đang bám trụ nơi đây nhưng đều đã lo liệu sẵn cho mình một tư cơ ở miền Nam”. Hỏi thăm ông Túy – người thôn trưởng tiền nhiệm đã từng trăn trở vận động bà con bám trụ với làng thì được biết, ông đã di cư vào Nam theo con cháu cách đây không lâu. Tất cả cũng chỉ vì nguy cơ lở đất, thiên tai đe dọa cuộc sống dẫu với những người già, tâm niệm “lá rụng về cội” luôn đau đáu trong lòng, chẳng dễ gì lìa xa được quê hương. Cũng vì thế hệ thanh niên trong làng đi tìm kế mưu sinh xứ khác nên thôn Hồng Lam đang phải đối

mặt với nguy cơ già hóa. Đến thời điểm hiện tại, toàn thôn có 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, riêng năm học 2013-2014 này, thôn chỉ có 1 em vào lớp 1. Số lượng học sinh ít nên dù đã đầu tư trường lớp để học sinh bậc tiểu học không phải cách trở đò giang, nhưng việc nâng cao chất lượng giáo dục quả thực hết sức khó khăn. Để động viên bà con, chính quyền cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc đầu tư 1 con đò mới trị giá 75 triệu đồng thay thế con đò mục nát để người dân tiện bề đi lại.

Ráng chiều nhuộm đỏ. Chia tay những người dân trên bến vắng, lòng chúng tôi chạnh buồn khi ngoái nhìn những ánh mắt đau đáu của bà con. Ẩn hiện ngoài xa kia là những con thuyền hút cát đã bắt đầu chuẩn bị cho chuyến “ăn đêm”. Lòng sông đang từng ngày bị “rút ruột”, nguy cơ sạt lở đất lại càng gia tăng, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast