‘Bà ấy biết gì mà làm sếp’ - con ngáo ộp mang tên định kiến

Sống giữa tràn ngập định kiến, phụ nữ luôn trong tình trạng phải vô thức dành một phần năng lượng quý báu của não bộ để đấu tranh chiến thắng cảm xúc lo âu và bị coi thường.

‘Bà ấy biết gì mà làm sếp’ - con ngáo ộp mang tên định kiến

Tác giả Nguyễn Phương Mai

PGS.TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy chuyên ngành Giao tiếp & Quản Trị đa văn hoá với các nghiên cứu và khoá đào tạo liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Chị đã có một thời gian dài làm báo trước khi về công tác tại ĐH Khoa Học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị cũng là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa Con Đường Hồi Giáo.

Mấy năm trước, tôi xuất bản một cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Anh cho chuyên ngành quản trị kinh doanh quốc tế. Để tiện, tôi nộp bản thảo cho nhà xuất bản của trường Amsterdam University Press. Tiếp tôi là biên tập viên trưởng, một phụ nữ có thành tích xuất sắc trong công ty và rất kỹ tính.

Cô nhìn tôi với con mắt dò xét. Vài ngày sau, cô viết email trả lời, dùng một từ khiến tôi luôn khó chịu vô cùng tận: "actually". " You actually can write very well" - Hoá ra chị cũng có thể viết rất hay.

Tôi gọi thái độ kẻ cả này là soft bigotry of lower expectation, tạm dịch là sự kỳ thị bằng việc đánh giá thấp năng lực của kẻ khác. Phụ nữ là những nạn nhân rõ ràng nhất cuả định kiến ấy. Có hàng trăm thí nghiệm chứng tỏ rằng dù năng lực ngang nhau, nhưng nỗi đe doạ định kiến - stereotype threat - khiến cho kết quả công việc trở nên khác nhau rõ rệt.

Gặp một câu khó, một suy nghĩ sẽ ngay lập tức hình thành, rằng: Sao khó thế nhỉ? Sao mình không làm được nhỉ? Hay là tại mình thực sự kém cỏi? Ôi hay là những gì mọi người bảo con gái dốt toán là thật? Chắc là tại mình là con gái rồi...

Ví dụ, phụ nữ thường bị định kiến là kém cỏi hơn nam giới về toán học. Để kiểm tra độ chính xác của định kiến này, các nhà khoa học chia phụ nữ ra làm hai nhóm. Trước khi bắt đầu bài kiểm tra, một nhóm được nhắc nhở rằng phụ nữ nói chung là kém nam giới, còn nhóm kia được thông báo là thực ra đàn ông đàn bà giỏi toán như nhau. Kết quả sau đó hệt như nội dung của lời nhắc nhở: Nhóm thứ nhất thua, và nhóm thứ hai có điểm số ngang hàng nam giới.

Tâm lý học thường giải thích hiện tượng này bằng sự tác động của thiếu tự tin. Thay vì việc sử dụng toàn bộ năng lượng vào công việc, một phần quý báu của năng lượng đó bị cắt ra để giải quyết những nỗi lo âu, sự đe doạ, cảm giác bị coi thường nhen nhóm trong đầu. Gặp một câu khó, một suy nghĩ sẽ ngay lập tức hình thành, rằng: Sao khó thế nhỉ? Sao mình không làm được nhỉ? Hay là tại mình thực sự kém cỏi? Ôi hay là những gì mọi người bảo con gái dốt toán là thật? Chắc là tại mình là con gái rồi...

Những suy nghĩ này thường hình thành vô thức, nên nếu được hỏi, không ai có thể khẳng định là nó đã xảy ra trong đầu, và vì nó xảy ra nên họ lo lắng không thể chú tâm 100% vào công việc.

Chỉ đến khi công nghệ nghiên cứu não bộ phát triển gần đây, chúng ta mới có thể kiểm nghiệm giả thuyết này một cách chính xác nhất. Máy chụp não cho thấy trong nhóm phụ nữ không bị sự đe doạ của định kiến, khi giải toán, phần não được kích hoạt tương ứng với phần não chịu trách nhiệm giải quyết các con toán hóc búa.

Tuy nhiên, với nhóm phụ nữ bị nhắc nhở rằng họ kém hơn nam giới, não họ không chỉ phải giải toán, mà còn bị kích hoạt ở vùng liên quan đến việc điều hoà cảm xúc và phản hồi xã hội. Điều này chứng minh giả thuyết về tác hại của sự đe doạ định kiến là khá chính xác.

Sống trong một xã hội tràn ngập định kiến, phụ nữ luôn ở trong tình trạng phải vô thức dành một phần năng lượng quý báu của não bộ để đấu tranh chiến thắng cảm xúc lo âu và bị coi thường.

Thời buổi này xã hội đã văn minh đến mức ít ai dám nói ra, nhưng định kiến vẫn tràn ngập trong những ánh nhìn, ý nghĩ, và những lời thầm thì sau lưng: Con đấy biết gì mà làm sếp, rằng đàn bà sao lái xe giỏi được, rằng cô ta chả thể kiếm tiền hơn chồng, rằng bà ấy tốt nhất là không nên tham gia chính trường...

Trở lại câu chuyện của cá nhân tôi ở đầu bài. Trong trường hợp này, điều tôi phải đối mặt không những là định kiến giới - tác giả nữ viết sách giáo khoa kinh tế ít hơn tác giả nam, mà còn là định kiến sắc tộc. Thế để nói rằng chúng ta ai cũng có thể là nạn nhân của sự đe doạ định kiến.

Ví dụ, khi đàn ông da trắng khi được nhắc nhở rằng họ chơi thể thao không giỏi bằng đàn ông da đen - một định kiến khá phổ biến - thì giống như bị vận vào người, thành tích của họ cũng bị giảm đi đáng kể. Một ví dụ khác về định kiến dân châu Á giỏi toán, ấy là khi đàn ông da trắng bỗng có kết quả làm toán ... kém hơn hẳn nếu họ biết rằng họ đang phải thi đấu với đàn ông Á châu. Một câu chuyện khác tôi nghe lỏm trên mạng, rằng một anh chàng người Trung Quốc bình thường không sao, nhưng cứ hẹn hò với các cô gái da trắng là lập tức "trên bảo dưới không nghe", xấu hổ vô cùng tận.

Định kiến, do vậy, vừa là sự giả dối, vừa là sự thật. Nếu ta tin định kiến, ta sẽ biến bản thân thành nạn nhân, và tự tạo ra một sự thật đúng y chang như vậy. Nếu ta phủ nhận định kiến và chứng minh ngược lại, ta sẽ trở thành một chiến binh góp phần thay đổi thực tế

Vậy làm thế nào để vượt qua được nỗi lo âu vô thức đó và không để cho một chút năng lượng quý báu nào bị phung phí vào việc phải xử lý chúng?

Trong lớp tôi dạy năm ngoái có một phụ nữ làm quản lý công nghệ của một công ty lớn. Làm việc và lãnh đạo trong một môi trường toàn đàn ông, chị đương nhiên bị định kiến kìm hãm. Để chống lại cảm giác ấy, chị tìm hiểu thật kỹ về các hình mẫu phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực của mình.

Mỗi tháng, chị chọn một người làm wallpaper cho máy tính để cứ sáng mở máy ra là nhìn thấy. Chị đặt mục tiêu rõ ràng: Các người coi thường ta, ta sẽ cho các người thấy ta không hề kém cỏi. Nói cách khác, chị biến lo âu thành hành động, biến nguồn năng lượng mà bộ não lén lút dùng để giải quyết lo âu thành nguồn năng lượng để chiến đấu.

Định kiến, do vậy, vừa là sự giả dối, vừa là sự thật. Nếu ta tin định kiến, ta sẽ biến bản thân thành nạn nhân, và tự tạo ra một sự thật đúng y chang như vậy. Nếu ta phủ nhận định kiến và chứng minh ngược lại, ta sẽ trở thành một chiến binh góp phần thay đổi thực tế, dần dần biến cái thực tế ấy trở thành một sự thật chỉ còn tồn tại ở trong "thì quá khứ".

Bạn chọn làm nạn nhân hay chiến binh?

Theo Nguyễn Phương Mai/Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast