Ai lên Hương Sơn qua miền Linh Cảm…

(Baohatinh.vn) - Không phải là địa giới trên bản đồ hành chính nhưng từ nhiều thế kỷ nay, với người Hương Sơn (Hà Tĩnh), Linh Cảm chính là “cột mốc” để từ đó xác định “biên giới” của quê nhà, của những chuyến đi xa, của những chuyến trở về…

Trong nhiều chuyến trở về quê nhà, tôi thường theo bố ra sông. Con sông Phố chảy qua làng tôi hiền hòa bên dãy Thiên Nhẫn vững chãi. Dòng sông quê trầm tích trong nó hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện mà tôi tìm cả một đời cũng không hết. Nhưng, chỉ nghe chuyện từ các thế hệ người thân của tôi thôi cũng đã đủ chất chứa trong lòng mình tình yêu sâu nặng với quê hương.

Ai lên Hương Sơn qua miền Linh Cảm…

Cầu Ghềnh Tàng bắc qua sông Ngàn Sâu ngược lên Hương Sơn vẫn thường được người dân gọi là cầu Linh Cảm. Ảnh: Đình Nhất.

Hàng vạn năm trước, Hương Sơn không phải là vùng đất biệt lập có địa giới như ngày nay. Hương Sơn xưa nằm trong một vùng đất rộng lớn bao gồm nhiều vùng đất khác của Hà Tĩnh và Nghệ An. Đến kỳ Đại Trung Sinh, khu vực này có sự chấn động mạnh tạo nên các dãy núi có tính chất trung gian và dãy núi Thiên Nhẫn chạy từ Thanh Chương (Nghệ An) về Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã ngăn cách hai huyện Hương Sơn và Nam Đàn (Nghệ An). Đến kỳ Đại Tân Sinh, vỏ trái đất có kiến tạo mới. Mặt đất Hà Tĩnh bị kênh, tạo ra thung lũng Ngàn Phố như hiện nay. Bước vào Kỷ Đệ Tứ (Kỷ Nhân Sinh), biền lùi xa hàng trăm cây số, khu vực này trở thành lục địa.

Từ vùng xuôi muốn lên Hương Sơn thì phải vượt qua sông Ngàn Sâu hoặc qua ngã ba Tam Soa. Xưa, người ta di chuyển bằng thuyền bè, đến thời hiện đại thì các phương tiện qua phà, rồi cầu. Dù bằng phương tiện gì thì người quê tôi cũng quen gọi vùng “biên giới” ấy là Linh Cảm. Cách đây hơn một thập kỷ, khi đọc hồi ký của bố, tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện gắn liền với tên gọi Linh Cảm.

Bố tôi nói: Linh Cảm vốn là vương hiệu mà khai quốc công thần Đinh Lễ được phong tặng dưới triều Lê (thế kỷ XV). Người dân Tùng Ảnh (Đức Thọ) và vùng hạ Hương Sơn ghi nhớ công ơn của Linh Cảm đại vương Đinh Lễ nên thường gọi các địa danh, công trình xung quanh đó bằng tên Linh Cảm như núi, bến phà và ngày nay cầu Ghềnh Tàng cũng được Nhân dân trìu mến gọi tên là Linh Cảm.

Linh Cảm không chỉ đặc biệt ở tên gọi mà đây còn là điểm biên giới sông nước duy nhất trong dằng dặc đường biên giới toàn là núi non hiểm trở của Hương Sơn. Từ Linh Cảm ngược lên Hương Sơn, qua bao xóm làng trù mật là các xã vùng biên giới, khó ai có thể hình dung được đó là “nội hàm” của địa hình như cái lòng chảo, xưa kia là cánh rừng già mênh mông Hương Sơn.

Ai lên Hương Sơn qua miền Linh Cảm…

Nhịp sống mới ở thị trấn Phố Châu - Hương Sơn. Ảnh: Ánh Dương

Nhớ lại trong một lần lên đò ngang sang Thiên Nhẫn thăm mộ tổ tiên, chú tôi từng nói: “Các cụ thường gọi quê ta là thung lũng Ngàn Phố cháu ạ. Thung lũng ấy có hình thang lệch và được khép kín bởi dãy Trường Sơn cùng các nhánh núi lớn nhỏ của nó. Chú đã có lần được nhìn lại điệp trùng núi non ấy trong lần hành quân qua Lào chiến đấu, ngày trở về, được nhìn lại quê nhà vẫn bình yên sau chiến tranh, mừng vui khôn kể”.

Thực ra, trong cái thung lũng điệp trùng núi non tưởng như cằn cỗi mà chú tôi nói ấy là sự âm thầm tưới mát của hệ thống khe suối. Cùng với sông Ngàn Phố, hệ thống khe suối ấy tạo nên cho Hương Sơn nhiều cảnh sắc phong thủy hữu tình, đã tưới tắm các làng quê tạo nên những vùng hoa thơm, quả ngọt, tạo nên những miền địa linh sinh ra nhiều bậc tuấn kiệt giúp nước, giúp đời, tạo ra nhiều làng quê yên ả, thanh bình với những nét văn hóa mộc mạc…

Ai lên Hương Sơn qua miền Linh Cảm…

Sông Ngàn Phố cùng hệ thống khe suối tạo cho Hương Sơn nhiều cảnh sắc phong thủy hữu tình. Ảnh: Ánh Dương

Một trong những nét văn hóa mộc mạc mà tôi yêu thích nhất chính là phương ngữ quê tôi. Đến thế hệ của tôi, rất nhiều ngữ vựng vẫn được người quê tôi dùng trong cuộc sống hằng ngày mà để hiểu được nó, chúng tôi mất hàng buổi “hầu chuyện” các bậc cao niên. Đó là: chin (chân), cân (con), cổ vả, trắp vả (đùi), đệt (rơi), tịa (đĩa), đàng quan, đàng cấy (đường lớn), đi ngước (đón người nhà đi đâu về), khau (gàu múc nước/dọn bể), kiên răng (ghê răng, ê răng), vàng (vung nồi), nhin (nhân), chỉn (chỉ)… Hoặc, bây giờ, khi theo bố về quê, nhiều người nhắc đến các ông, các bà tôi vẫn gọi là anh cháu, ả cháu, anh chắt, ả chắt. Trong đó, ả cháu/anh cháu dùng để gọi người phụ nữ/người đàn ông đã có con đầu lòng mà cố của đứa con ấy đã mất; ả chắt/anh chắt là để gọi người phụ nữ/đàn ông đã có con đầu lòng mà cố đứa con ấy còn sống…

Cũng từ trong những làng quê nhiều phương ngữ ẩn chứa dấu tích của đời sống lao động vất vả ấy, có rất nhiều dòng họ, nhiều bậc tuấn kiệt được ghi danh vào bảng vàng đất nước như: Khai quốc công thần nhà Lê Nguyễn Tuấn Thiện, Hiến sát sứ Nguyễn Kính Hài, Hoàng giáp - Thượng thư Nguyễn Văn Lễ, Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tiến sĩ Đinh Nho Công, Hoàng giáp - Phó sứ Đinh Nho Hoàn; Tiến sĩ - Thượng thư - Nghĩa quận công Tống Tất Thắng; Hoàng giáp Phạm Huy, danh sĩ Lê Hầu Tạo, Thượng thư Đào Hữu Ích, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện; các danh tướng: Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi, Văn Đình Dận, Cao Thắng, Lương Hiển...; các nhà cách mạng: Hà Huy Giáp, Lê Xuân Đồng, Lý Chính Thắng, Lê Bình…

Ai lên Hương Sơn qua miền Linh Cảm…

Cam bù - một trong những sản vật quý của miền đất Hương Sơn.

Hôm nay, khác với mọi lần, trước khi vượt qua đất Đức Thọ, trở về quê nhà, tôi nán lại trên cây cầu Ghềnh Tàng mà người quê tôi vẫn gọi là cầu Linh Cảm. Có một chút cảm xúc riêng tư lặng lẽ dâng lên trong tim khi đây là cây cầu mà chú ruột tôi là kỹ sư xây dựng đã tham gia thiết kế và thi công; khi từ đây tôi có thể nhìn xuôi theo dòng Ngàn Sâu để tìm lại bến phà Linh Cảm - nơi bố tôi đã từng có bao cuộc ra đi, bao cuộc trở về đầy nước mắt trong kháng chiến chống Mỹ.

Bến phà Linh Cảm có một sứ mệnh lịch sử to lớn là nhịp cầu cho đường 15 vào Nam được liền mạch, để những đoàn quân, những chuyến hàng từ hậu phương kịp vô tiền tuyến. Tôi cứ mường tượng về những ngày kháng chiến chống Mỹ tại bến phà Linh Cảm trong câu chuyện mà bố tôi, chú tôi vẫn thường hay kể. Đây là nơi mà các công nhân, các chiến sĩ an ninh và lực lượng thanh niên xung phong đã từng lao ra giữa làn bom đạn cứu xe, giữ cho những chuyến phà qua sông an toàn. Đây là nơi những chiến sỹ pháo xạ cao ở trận địa đóng gần đó đã chiến đấu và hy sinh khi máy bay Mỹ kéo đến quần đảo, bắn phá. Chiến tranh đã qua đi, những dấu vết xưa không còn nữa nhưng tôi tin, đất trời, sông núi mãi lưu giữ những ký ức đó trong những vỉa tầng vô hình của một miền đất.

Nhìn lại quê hương Hương Sơn trong quá trình 190 năm thành lập tỉnh, tôi càng thấy tự hào. Trong quá khứ, các thế hệ cha ông đã nối nhau lập nên những công trạng hiển hách, bao thế hệ người dân Hương Sơn đã gắn bó và yêu thương miền quê nhiều núi đồi, không ngừng chiến đấu với thiên tai, giặc giã, không ngừng lao động sản xuất để tạo nên những giá trị độc đáo về văn hóa, KT-XH.

Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Hương Sơn và toàn thể Nhân dân đã tập trung thu hút, xã hội hóa đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các ngành, nghề thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với doanh nghiệp hóa sản phẩm, xã hội hóa đầu tư, liên kết hóa sản xuất, góp phần tăng trưởng nông nghiệp ở mức cao.

Ai lên Hương Sơn qua miền Linh Cảm…

Nhung hươu - đặc sản nổi tiếng của Hương Sơn, là nguyên liệu để huyện có thể phát triển công nghiệp chế biến.

Tôi chạy xe theo con đường 8A cũ, luồn sâu giữa quê nội, quê ngoại của tôi, nhìn suốt dãy Thiên Nhẫn, nhìn những làng quê yên bình, trù mật và nhớ lời Bí thư Huyện ủy Bùi Nhân Sâm từng nói trong một cuộc trò chuyện: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực thực hiện các mũi đột phá mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Trong đó, về kinh tế sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng theo giá trị sản xuất đạt 13,14%; cơ cấu các ngành kinh tế theo giá trị sản xuất: nông nghiệp 19%; công nghiệp, xây dựng 32%; thương mại, dịch vụ 49%; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm… Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM; xây dựng 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt NTM kiểu mẫu; đến năm 2025, có tối thiểu 180 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và 1.500 vườn mẫu; xây dựng thị trấn Phố Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV; 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Hương Sơn còn được gọi là núi thơm. Nhìn về quá khứ, soi vào hiện tại và những ước vọng của người Hương Sơn, tôi tin, qua Linh Cảm, người ta sẽ bước chân vào một miền thung lũng mãi mãi đượm thơm hương đất, tình người...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast