Biến tướng cầu tài lộc - sự “đứt gãy” của văn hóa lễ hội

(Baohatinh.vn) - Việt Nam hiện có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó, 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm. Nhiều năm lại nay, do nhận thức lệch lạc về tín ngưỡng văn hóa dân gian, văn hóa ứng xử của người dân đã dần làm biến tướng các lễ hội truyền thống, để lại những hình ảnh xấu của con người thời đại mới.

Ném tiền vào... lửa!

Tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Thế nhưng, ngày nay, nét văn hóa này đang bị nhiều người đi khấn lễ lạm dụng, biến tướng. Nhiều người đã bỏ ra hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng để mua vàng mã dâng cúng, sau đó ném vào lửa, gây lãng phí, tốn kém.

Đền Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) vào những ngày đầu xuân không khí tấp nập, đông đúc. Dọc tuyến đường vào đền, các ki-ốt bán vàng mã la liệt, với đầy đủ các chủng loại, từ nhà, xe, thuyền, lộc vàng và những con ngựa giấy khổng lồ. Qua khảo sát, các loại đồ lễ này đều có giá từ hàng chục đến hàng trăm ngàn đồng/loại, nhất là ngựa giấy có giá từ 350-400 ngàn đồng/con. Để sắm được đủ lễ vàng mã dâng cúng thì phải mất đến tiền triệu, vậy mà người mua vẫn nườm nượp, chen chúc nhau tại các ki-ốt.

Vào những ngày cao điểm, lượng khách đến hành lễ đông thì có tới hàng chục chú ngựa giấy được “hóa” tại đền Củi để “gửi xuống cõi âm”.

Vào những ngày cao điểm, lượng khách đến hành lễ đông thì có tới hàng chục chú ngựa giấy được “hóa” tại đền Củi để “gửi xuống cõi âm”.

Tại nhà hóa mã, ngọn lửa luôn rần rật, người dân chen chúc nhau bỏ các tệp tiền vàng âm phủ, ngựa giấy, nhà giấy, thuyền giấy, xe giấy vào lò. Ước tính, mỗi ngày, lượng vàng mã bị đốt ở đây quy ra tiền thật lên đến hàng chục triệu đồng. Theo người phụ trách lò đốt tại đền thì trung bình mỗi ngày có khoảng 4-5 con ngựa giấy khổng lồ được “hóa”, còn nhà, xe, thuyền giấy... thì không đếm hết. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm, lượng khách đến hành lễ đông thì có tới hàng chục chú ngựa giấy được “hóa” để “gửi xuống cõi âm”.

“Nghe bảo đền rất linh nên tôi cùng bạn bè vào đây khấn lễ đầu năm, mong được phù hộ bình an và may mắn. Thấy mọi sắm ngựa, tiền vàng và lộc vàng... nên tôi cũng mua lễ đầy đủ để mong nhận được phù trì, phù hộ...” - anh Nguyễn Văn Tuấn (quê ở Thanh Hóa) chia sẻ. Chính tâm lý phổ biến này đang khiến cho tình trạng lãng phí trong việc đốt vàng mã ngày một trầm trọng. Không chỉ tại đền Củi mà hiện nay, tình trạng đốt vàng mã với khối lượng lớn, gây lãng phí đang diễn ra tràn lan tại nhiều di tích khác như: đền Bà Chúa Lộc (Ngọc Sơn - Thạch Hà), Miếu Ao (Thạch Trị)... và thậm chí là ngay tại các gia đình.

Với quan niệm “dương sao âm vậy” nên vào dịp rằm tháng 7, tháng Giêng, dịp nhà có việc giỗ chạp, việc tang..., các gia đình lại sắm sửa đồ lễ đốt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Những gia đình có điều kiện thì sắm đồ lễ linh đình với đầy đủ các vật dụng như: nhà, xe, điện thoại, tủ lạnh, đô la... Theo đó, các gia đình đã chi phí cho những thứ đồ lễ này không biết bao nhiêu tiền của. Nguy hiểm hơn là việc đốt vàng mã tại các gia đình, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã đất chật, người đông, nhà cao tầng, ngõ hẹp sẽ dễ gây ra hỏa hoạn, cháy nổ, chập điện, khói bụi, ảnh hưởng đến cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Bỏ ra tiền triệu để sắm lễ vàng mã dâng cúng, sau đó, “ném” vào lửa, gây tốn kém, lãng phí.

Bỏ ra tiền triệu để sắm lễ vàng mã dâng cúng, sau đó, “ném” vào lửa, gây tốn kém, lãng phí.

Không thể phủ nhận nét sinh hoạt văn hóa tâm linh này nhưng khi nó đã bị biến tướng, lạm dụng thì sẽ không còn những hình ảnh đốt vàng mã mang tính tượng trưng “Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà chỉ thấy tính thực dụng và sự lãng phí rất rõ. Còn một điều nữa, đa số người đi lễ vẫn chưa biết chỉ đi đền, miếu mới được dâng cúng vàng mã. Về điều này, Đại đức Thích Quảng Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Hà Tĩnh đã phát biểu trên báo chí.

Cơ quan chủ quản nói gì?

Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã tại các lễ hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo đó, việc đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mặc dù vậy, việc xử phạt đối với tình trạng đốt quá nhiều vàng mã tại các lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa vẫn chưa được thực hiện.

Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Nghi Xuân - Nguyễn Long Thiên thừa nhận: Hiện nay, tại đền Củi vẫn đang tồn tại tình trạng đốt vàng mã nhiều, gây lãng phí, tốn kém. Tuy nhiên, để ngăn cấm, xử lý được tình trạng này là hết sức khó khăn. Vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, cơ bản là do ý thức của người đi lễ. Sắp tới, BQL đền sẽ ra một quy chế riêng về vấn đề dâng lễ vàng mã, kèm theo đó là thông tin tuyên truyền cho du khách để từ đó hạn chế bớt tình trạng đốt quá nhiều, gây lãng phí, tốn kém.

(Còn nữa)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast