Cần giải pháp mạnh trong quản lý, tổ chức lễ hội!

(Baohatinh.vn) - Việc khôi phục, bảo tồn, quản lý và tổ chức tốt các hoạt động lễ hội đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhằm góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và khắc phục, tiến tới xóa bỏ tình trạng thương mại hóa lễ hội và các hành vi trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục đang diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay.

Biến tướng cầu tài lộc - sự “đứt gãy” của văn hóa lễ hội (Bài 4):

>> Vật chất hóa văn hóa tâm linh

Tổ chức lễ hội đúng với ý nghĩa là một hình thức sinh hoạt góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh quê hương.
Tổ chức lễ hội đúng với ý nghĩa là một hình thức sinh hoạt góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh quê hương.

Nâng cao nhận thức, khôi phục nguyên bản lễ hội

Để lễ hội được tổ chức đúng với ý nghĩa là một sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân một cách trọn vẹn, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Hà Tĩnh đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nhà, hơn bao giờ hết, các cơ quan quản lý, những người làm công tác văn hóa cần phát huy vai trò quản lý nhà nước, khôi phục, tổ chức lễ hội theo nguyên bản.

Ông Bùi Đức Hạnh - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Ngành sẽ tăng cường nghiên cứu, phục hồi các hoạt động lễ hội dân gian truyền thống nhằm đề cao giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương”.

Theo chúng tôi, ngành VH-TT&DL cần chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và làm phong phú hơn các giá trị mới trong lễ hội, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Việc nâng cao chất lượng lễ hội, nâng tầm quy mô cũng như ảnh hưởng của lễ hội còn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu từ các dịch vụ cho địa phương, tỉnh nhà.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh: “Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta đã để xẩy ra tình trạng “đứt gãy’’ về văn hóa nên chủ thể là Nhà nước cần phải tổ chức lại hoạt động lễ hội cho có trật tự, nền nếp như trước. Phải giáo dục điều này từ trong gia đình, nhà trường, thôn xóm, cơ quan…; đảng viên, cán bộ phải gương mẫu”.

Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, kiên quyết dẹp bỏ hiện tượng thương mại hóa, trần tục hóa, mê tín dị đoan đang ngày càng diễn ra tràn lan, lấn át cả những giá trị văn hóa của lễ hội; chú trọng quảng bá các giá trị lịch sử văn hóa, kịp thời chỉ đạo và uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, để lễ hội ngày càng văn minh, an toàn, hiệu quả.

Lễ hội đua thuyền ở phường Trung Lương. Ảnh: Giang Nam
Lễ hội đua thuyền ở phường Trung Lương. Ảnh: Giang Nam

Siết chặt các hoạt động dịch vụ

Đi đôi với tuyên truyền là công tác tổ chức lễ hội và các dịch vụ. Ngành VH-TT&DL cần ban hành văn bản hướng dẫn việc hành lễ và quản lý dịch vụ tại các đền, miếu, di tích lịch sử văn hóa, bao gồm thắp hương, văn cúng, dâng lễ, xin xăm, xóc thẻ, viết sớ, hầu đồng, rải tiền lẻ, đốt vàng mã…, đặc biệt là trong những ngày diễn ra các lễ hội chính ở các đền, miếu, đình, chùa… đúng như tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Nghị định 75 của Chính phủ và Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy.

Chính quyền các cấp cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, sắp xếp các dịch vụ, các hoạt động vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động này, không để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa và mục đích tốt đẹp của lễ hội.

Cần xử lý nghiêm những trường hợp đốt vàng mã theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”, đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những cá nhân “buôn thần bán thánh”, chèo kéo du khách, tự ý đặt ra các dịch vụ và cách thức hành lễ nhằm trục lợi. Đặc biệt là tăng cường công tác ANTT tại các di tích để tránh tình trạng bạo lực, nạn cướp giật, cháy nổ...

Khuyến khích sự sáng tạo của nhân dân trong các hoạt động văn hóa lễ hội; thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa để tôn tạo các di tích đảm bảo trang nghiêm và mỹ quan; tổ chức lễ hội lớn theo hướng về với nguồn cội, tổ tiên, tri ân tiền nhân và thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh; công khai sử dụng nguồn thu từ lễ hội đúng mục đích... là những việc cần làm để phục vụ tốt công tác bảo tồn di tích và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast