Cho một mùa bình yên, khang thái

(Baohatinh.vn) - Chúng tôi tìm về địa chỉ du lịch danh nhân - đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu vào một ngày mưa tầm tã. Ấy vậy mà, như thường lệ, người dân tứ xứ vẫn nườm nượp về đây mang theo đức tin vào hiền tài và lòng hân hoan trẩy hội. Đức tin sẽ giúp con người xích lại gần nhau, vun đắp thêm sức mạnh, để một mùa lễ hội đi qua, mùa no ấm lại về trên vùng đất ghi nhiều chiến tích lịch sử.

Lời xưa vọng lại

Đến với đền Bà Hải (đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu), lòng tôi thanh thản lạ. Ngôi đền tọa lạc bên chân núi Ô Tôn (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh), hướng ra cửa bể theo thế “tọa sơn, đạp thủy” đã là nơi gửi gắm niềm tin của cư dân vùng biển hàng trăm năm. Người ta tin, ngôi đền thiêng, nơi gắn với hình ảnh một quý phi toàn tài, nhân đức sẽ trấn giữ biển trời, phù hộ cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, tôm, cá đầy khoang. Cũng đúng thôi, dân tộc mình thời nào cũng vậy, thường tin vào sức mạnh của các bậc hiền tài. Đó không chỉ là niềm tin, sự ước vọng mà cao hơn là giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó, cốt lõi là tinh thần quý trọng người tài, đức của nhân dân. Thế mới hiểu, vì sao, trên dải đất này, hàng nghìn năm qua có biết bao ngôi đền thờ nhân thần, quanh năm khói tỏa. Ở một vị trí đắc địa, trấn giữ nơi biên ải xưa, đền Lê Khôi tọa lạc ở núi Nam Giới (Thạch Hà) cũng hiện diện một ứng xử trong chiều hướng tương tự.

cho mot mua binh yen khang thai

Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu thu hút du khách thập phương dịp đầu năm mới

Sách viết về Nguyễn Thị Bích Châu đã có nhiều, lời truyền tụng về bà cũng lan tỏa hàng trăm năm. Bà được người đời sau biết đến với hình ảnh một quý phi đẹp người, đẹp nết. Thông thạo kinh sách - điều thật lạ trong bối cảnh xã hội xưa trọng nam, khinh nữ, khi mà sự nghiệp học hành chỉ dành cho nam giới - trăn trở cho thế nước, lòng dân, bà đã nhiều lần khuyên nhà vua tỉnh thức. Giữa bối cảnh chính sự rối ren, vua tôi tranh nhau quyền lực, bà Bích Châu đã mượn 2 chữ “kê minh” để gióng lên một tiếng gà báo sáng. Báo sáng là thức tỉnh, để tránh sự u muội, tối tăm. “Kê minh thập sách” của Nguyễn Thị Bích Châu ngắn gọn, súc tích, bao quát hầu khắp các vấn đề quốc gia đại sự. Đọc lại 10 kế sách của bà khuyên dụ vua, nhiều điều đến hôm nay và ngàn năm nữa vẫn là lẽ phải. “Bền gốc nước trị kẻ bạo tàn cho lòng dân được yên”, “Giữ đúng quy định, xóa bỏ phiền nhiễu thì triều cương không rối”, “Trị kẻ lạm quyền, tránh họa ngầm cho nước” - những điều đầu tiên trong “Kê minh thập sách” đã như là sự phóng chiếu bối cảnh ngày nay.

Giá như giữ đúng quy định, xóa bỏ phiền nhiễu thì đâu đến nỗi tham nhũng tràn lan như trung ương đã chỉ ra trong những năm qua. Giá như không “phiền nhiễu”, không khuất tất làm gì có những Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, rồi những vụ án ngân hàng thất thoát hàng ngàn tỷ. Rồi nữa, bà Bích Châu khuyên: “Chấn chỉnh học hành, lễ nghĩa cho sáng tỏ đất trời”, thì cũng tưởng như bà đang nói cho thì hiện tại. Nền giáo dục với những căn bệnh trầm kha, chúng ta đã rõ; lễ nghĩa như hiện tại thì chúng ta cũng dễ tường. Những hiện tượng đạo đức xuống cấp trầm trọng như hiện nay, đó phải chăng là lễ nghĩa giữa đất trời này có nơi, có lúc chưa được thông xuôi, sáng tỏ v.v… Giữa bối cảnh rối ren, nội tình u ám, ấy vậy mà, khi nhận được “kê minh” của bà Bích Châu, vua Trần Duệ Tông đã thốt lên: “Không ngờ một người đàn bà lại thông tuệ đến thế! Thật là một Từ phi (vợ Đường Thái Tông) ở trong cung của trẫm vậy!”.

Không chỉ tài sắc, biểu lộ lòng trung với vua và lo cho vận nước, bà Bích Châu còn là tấm gương nghĩa liệt. Cái chết của bà nơi biên ải vẫn còn truyền tụng trong dân gian cho đến hôm nay. Trong tâm thức nhân dân mà cốt lõi là quý trọng người hiền tài, bà được phong là Loan Nương Thánh mẫu. Mà bản chất của Mẫu tức là mẹ - biểu tượng của tình thương yêu, che chở, đức hy sinh.

Nối vòng tay yêu thương

Kỳ Anh những năm tháng biển động vẫn chưa đi qua. Lòng người vẫn còn phân vân vì nhiều lẽ. “Lễ hội 640 năm Nguyễn Thị Bích Châu do UBND thị xã tổ chức với sự tham gia của 12 phường, xã trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động trong phạm vi lễ hội, chúng tôi mong muốn, thông qua đó, người dân sẽ xích lại gần nhau thêm nữa, nối rộng thêm tình đoàn kết, vun đắp sự bình yên và cùng nhau vươn tới những mục tiêu tốt đẹp” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh giãi bày. “Lễ hội cũng là dịp để tôn vinh công đức của bà Bích Châu, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, góp phần giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời, qua đó, quảng bá hình ảnh thị xã Kỳ Anh trong mắt bạn bè” - ông Vĩnh cho hay. Cũng theo lời Phó Chủ tịch UBND thị xã, đến nay, 5 tiểu ban phục vụ lễ hội đã được thành lập như: an ninh trật tự, lễ nghi, tổ chức hoạt động hội…; các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phần việc của mình.

Cửa bể Kỳ Anh sóng vẫn ầm ào, tựa như bối cảnh ngày nào bà Bích Châu ngã xuống. Ấy vậy mà, trên khúc sông đầy sóng và gió ấy, mặc trời mưa tầm tã, các đội thuyền của các xã vẫn thi nhau tập luyện. Trên bến thuyền, người dân chen nhau hò reo tiếp thêm động lực; trong ngôi đền tĩnh mịch khói hương. Ông Lê Văn Huân - Phó Trưởng BQL đền chỉ cho chúng tôi đường đua thuyền tổ chức vào hôm sau. Ông vui vẻ: “Lễ hội sẽ diễn ra từ mùng 3 - 8/3 với nhiều hoạt động. Mấy hôm nay, nhân dân phấn khởi lắm. Họ vẫn vào lộng, ra khơi nhưng luôn hướng về lễ hội. Ngày nào họ cũng tập luyện chèo bơi để sắp tới thi đua. Ngoài đua thuyền, lễ hội còn tổ chức thi đánh cờ người, bóng chuyền, kéo co… Đứng cạnh ông Huân, ông Nguyễn Quang Thanh (một ngư dân xã Kỳ Ninh) nói: “Khởi đầu năm mới, dân chúng tôi thường đến đền để hương khói cho bà, tuy vậy, đến lễ hội, chúng tôi vẫn tham gia hết mình các hoạt động. Xong lễ hội rồi thì ai lo việc người ấy. Nghe nói, năm nay có chương trình nghệ thuật, màn sử thi Nữ trung hào kiệt Ngọc Bích Trần triều kể về bà Bích Châu, dân chúng tôi rất háo hức để xem diễn thế nào”.

Rời bến thuyền trong ồn ào, náo nhiệt, chúng tôi ngoái lại nhìn khúc sông trong mù mịt mưa. Trong hình dung của chúng tôi, khúc sông ấy, từ đằng kia đến bến này, sáng ngày chính lễ, nghi lễ dạo thuyền hầu sẽ diễn ra chắc sẽ thu hút đông người. Theo lời kể, con thuyền đi trước với cờ xí tán lọng mang biểu tượng thuyền rồng uy nghiêm và giàu sức mạnh, theo sau là các thuyền đua, thuyền ngư dân đánh cá. Các thuyền sẽ ghé bến vào đền, mang theo tất cả sự hội tụ đất trời, linh khí trên sông và cả những niềm tin về bình yên khang thái. Chúng tôi tin, mùa bình yên trên đất thị xã Kỳ Anh sẽ lại về.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast