Dấu tích người tiền sử...

(Baohatinh.vn) - Mỗi mùa xuân về, người Việt Nam dù làm việc, sinh sống nơi đâu cũng luôn hướng về cội nguồn quê hương. Với người Hà Tĩnh, đó là nơi tổ tiên, dòng tộc cha ông khai thiên lập địa, sinh thành ra con cháu.

Nối hai đầu đất nước, Hà Tĩnh hội tụ tinh hoa của các nền văn hóa cổ với dày đặc các di chỉ khảo cổ học kết nối liên tục các giai đoạn lịch sử hình thành của người Hồng Lam từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay. Tiêu biểu như các di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân); Thạch Lạc, Cồn Sò, Bàu Tró (Thạch Hà); Rú Dầu, Cồn Bến Lội (Đức Thọ)…

Bộ đồ gốm cổ chum được phát hiện tại khu di tích Bãi Cọi.
Bộ đồ gốm cổ chum được phát hiện tại khu di tích Bãi Cọi.
Bộ đồ gốm cổ chum được phát hiện tại khu di tích Bãi Cọi.

Trước hết, nói về di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi thuộc địa phận xã Xuân Viên (Nghi Xuân) được phát hiện vào khoảng năm 1974 và đã qua nhiều lần khai quật, thám sát. Đây là một khu nghĩa địa mộ táng của người sơ sử vùng Nghi Xuân - Hà Tĩnh với nhiều tầng văn hóa trầm tích trong lòng đất có niên đại cách nay ước khoảng 2.000-2.500 năm. Đặc biệt, những di tích mộ táng và đồ tùy táng được phát lộ tại đây là kho báu vô cùng quý giá, mặc dù chưa được định danh cụ thể nhưng phần nào đã khẳng định sự phát triển rực rỡ của các cộng đồng cư dân người Việt cổ xưa từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và đồ gốm mà nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều di vật đồ đá, sắt, đồng thau được phát hiện tại các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn Hà Tĩnh.
Nhiều di vật đồ đá, sắt, đồng thau được phát hiện tại các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn Hà Tĩnh.

Các di chỉ khảo cổ học Rú Dầu, Cồn Bến Lội là những chứng tích về sự có mặt của người tiền sử trên đất La Giang. Đây là những di chỉ đá mới hậu kỳ thuộc văn hóa Bàu Tró. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người tiền sử đã lấy đá Rú Dầu (khu vực Đức Đồng, Đức Lạc) mang đến nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh để chế tác công cụ bằng đá. Di chỉ Cồn Bến Lội ở xã Đức Hòa được phát hiện, thám sát lần đầu năm 1983 với di vật tìm được như rìu đá, vòng đá và rất nhiều mảnh gốm hoa văn thừng cùng các công cụ, vũ khí bằng đồng thau độc đáo ở xã Đức Đồng, Đức Tùng… là dấu vết của văn hóa Đông Sơn.

Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc được các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam khai quật nhiều lần và đã phát hiện nhiều hiện vật như: rìu tứ diện, bàn mài, bàn kê, hòn ghè, bi gốm, nồi, bình, vò âu, các đồ trang sức, xương, răng động vật và bộ hài cốt thuộc hậu kỳ thời đại đá mới. Nhiều hiện vật thuộc loại hình công cụ đá, đồ gốm được trang trí hoa văn khác nhau, một số lượng xương, răng động vật khá phong phú. Đặc biệt là hàm răng và bàn chân của cá thể tê giác có niên đại cách ngày nay trên 4.000 năm. Các hiện vật khảo cổ học được phát hiện trên địa bàn các xã Thạch Đài, Thạch Vĩnh (Thạch Hà); Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Hòa (Đức Thọ) và phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) cùng với việc phát hiện 3 bộ xương người Việt cổ, niên đại thuộc thời kỳ đồ đá mới là minh chứng cho sự tồn tại của người Việt cổ ở Hà Tĩnh cách đây khoảng 5.000 năm.

Nhiều đạo sắc, văn tự cổ đang được lưu giữ tại đền Sắc (Thạch Lạc).
Nhiều đạo sắc, văn tự cổ đang được lưu giữ tại đền Sắc (Thạch Lạc).

Cũng tại cánh đồng Bồi Hoa, thuộc thôn 13, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) phát lộ ngôi mộ cổ hình thuyền có niên đại muộn nhất từ thời Lê (thế kỷ XVI - XVII) cùng với một số mộ thuyền trước đó vào năm 2008 và 2009 cũng đã phát hiện được ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) và xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các hình thức mai táng của người Việt cổ và góp phần minh chứng cho bề dày lịch sử xứ Lam Hồng...

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam: thông qua các di vật được phát lộ đã chứng minh cho sự ghi chép cổ sử rằng: “Kinh Dương Vương lập quốc đầu tiên dưới chân núi Hồng Lĩnh (2879 TCN). Cho nên, “Khúc mở đầu của văn hóa Đông Sơn (Văn hóa Việt cổ) là lưu vực sông Lam. Cũng như nhóm người Việt cổ ở vùng sông Lam mới là người Việt Kinh (Kinh Dương Vương - Việt Thường), tên gọi địa danh cùng di chỉ khảo cổ học đã thể hiện điều đó”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast