Hát để tri ân tiền nhân giữ mạch nguồn dân tộc

(Baohatinh.vn) - Hơn 20 năm qua, có một người vẫn lặng lẽ đi dọc đất nước để dâng tiếng hát, lời thơ làm đẹp cho đời. Bà như được ví, giặm sinh ra để rồi suốt đời rong ruổi rộng dài theo từng câu hát, để gìn giữ, chắt chiu và truyền lửa cho di sản văn hóa nhân loại. Đó là nhà thơ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh:

hat de tri an tien nhan giu mach nguon dan toc

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh.

Trên chuyến xe từ thiện cứu trợ bà con vùng lũ, chúng tôi được thưởng thức những làn điệu dân ca ví, giặm do nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh biểu diễn. Dù đã sang tuổi lục tuần nhưng trông bà còn khá trẻ trung nhờ gương mặt phúc hậu, nước da hồng hào và nụ cười rạng rỡ. Đặc biệt, khi cái giọng trầm ấm, nhẹ nhàng của bà cất lên, tôi ngỡ rằng đã quen thuộc từ lâu. Bởi, không chỉ tấm chân tình của người hát mà những điệu ví, lời ru, câu hò thân thương gần gũi.

Sinh ra tại Thạch Liên (Thạch Hà), cái nôi của hát thơ và “lẩy” Kiều nổi tiếng xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh xưa, cái tên Nguyễn Hồng Oanh (tên thật là Nguyễn Thị Hồng Vanh) được cha mẹ kỳ vọng cuộc đời luôn tươi trẻ, viên mãn như vòng tròn màu hồng. Cha bà là thầy thuốc đông y, mẹ là nông dân chất phác nhưng cũng là nghệ nhân hát thơ dân gian của làng. Ngay từ thuở lọt lòng, bà đã được nghe cha mẹ lựa những câu Kiều ru con để rồi chẳng biết từ bao giờ, bà đã cảm nhận được ý nghĩa của những điệu hát thơ kỳ diệu ấy.

Lớn hơn chút nữa, bà được cha mẹ dạy những câu Kiều đầu tiên và hàng chục điệu ví giặm của quê nhà. Bằng sự thông minh, đam mê vốn có, chả mấy chốc, bà đã thuộc lòng Truyện Kiều và bắt đầu “tập tẹ” lẩy Kiều, đối đáp với mọi người trong nhà. “Thuở bé, theo chân cha ra đồng, cứ thấy cha vừa làm, vừa hát nên tôi thắc mắc sao cha không hát ở nhà mà cứ ra ruộng mới hát. Cha tôi cười và bảo, nếu không hát thì lấy sức đâu mà cày. Chính câu nói đó đã nhóm lên ngọn lửa, truyền cảm hứng cho tôi sau này” - Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh nhớ lại.

Bởi nặng lòng với những khúc hát dân ca mà đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dù đã chuyển vào Nam sinh sống nhưng bà vẫn đem lời ca, tiếng hát làm đẹp cho đời. Tiếng hát ấy còn theo bà trong những chuyến về thăm quê hay những chuyến đi từ thiện khắp mọi nẻo đường. Từ trường học, xí nghiệp, doanh trại quân đội, từ các vùng quê đến chốn thành thị..., dù đối tượng là ai, chỉ cần yêu thích dân ca, bà đều sẵn lòng hát tặng vài câu khiến ai cũng trầm trồ, ngưỡng mộ. Một lần đọc những câu thơ “Lời ca tiếng hát cha ông/ Vàng mười bạc bảy cũng không sánh bằng” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà đã nhận ra rằng, những tinh túy của tổ tiên, cha ông để lại cần được bảo tồn vì đó là mạch nguồn vô tận, là sức mạnh của dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Bà đã tổ chức các CLB như: Thơ ca quận 2, Nguyễn Du của Trung tâm Phát triển giao lưu văn hóa khoa học và giáo dục, Ca trù, ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam… tại TP Hồ Chí Minh. Đây là những sân chơi quy tụ những người yêu và hát dân ca để cùng nhau giao lưu, học hỏi, giữ gìn bản sắc dân tộc. Mỗi CLB có ít nhất 40 người sinh hoạt đều đặn hàng tháng, cùng nhau luyện tập hăng say làm nên những chương trình lớn về văn hóa dân gian cho các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT- TH thành phố Hồ Chí Minh…

Năm 2008, bà bỏ tiền túi, dồn công sức, tâm huyết để thu 12 đĩa CD toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng các làn điệu dân ca, ca dao như hò, ví, ngâm thơ… Bà cũng thường xuyên cùng một số nghệ sĩ khác hát, biểu diễn đàn từ, đàn tính, hát then, hát chầu văn… của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hát dân ca vùng Bình Trị Thiên tới Liên khu V và đồng bằng sông Cửu Long…

Yêu tha thiết văn hóa dân gian nên trong người nghệ nhân này luôn đau đáu câu hỏi làm sao để giữ gìn, phát huy được những tinh hoa mà cha ông để lại. Qua các CLB văn hóa dân gian, bà luôn ý thức cần tạo ra nhiều sân chơi, sân khấu cho giới trẻ giao lưu, học hỏi, cũng là nơi để những người đi trước truyền đạt, nuôi dưỡng, động viên, thu hút các cháu tham gia sinh hoạt. Bà từng bật khóc khi UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa thế giới. Mỗi lần nghĩ tới quê hương, nghệ nhân Hồng Oanh luôn tha thiết được có một bộ nhạc cụ dân tộc để các nghệ nhân có điều kiện sinh hoạt.

“Tôi luôn mong muốn có nhiều không gian sinh hoạt văn hóa hơn nữa để không chỉ cho các nghệ nhân có đất sống mà còn mang tiếng hát của họ phục vụ du lịch, vừa góp phần xây dựng quê hương, vừa giữ gìn, bảo tồn bản sắc dân tộc” - nghệ nhân Hồng Oanh tâm sự.

Được lắng nghe những lời hát điêu luyện, thuần thục qua những làn điệu khác nhau, chúng tôi cảm nhận được văn hóa dân gian đang trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là dân ca Nghệ Tĩnh. Tôi hiểu được trong trái tim bà đang căng nhịp đập da diết với dân ca ví, giặm. Người nghệ nhân luôn nở nụ cười ấy đã dành cả cuộc đời rong ruổi rộng dài theo câu hát dân ca.

Nhà thơ, nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh đã xuất bản các tập thơ: “Trăng xuân” (2000), “Sóng hát” (2002), “Đất ngời” (2008); đồng biên soạn tập thơ “Đường về Xứ Nghệ”. Một cuốn sách về văn hóa dân gian, lễ hội, 10 bộ CD về ngâm thơ của các tác gia lớn Việt Nam. Năm 2012, bà là một trong những nghệ sỹ hát thơ được Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú đợt đầu tiên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast