Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Một bản Truyện Kiều chép tay có kèm hình vẽ minh họa rất quý hiếm lần đầu tiên được công bố đến công chúng tại Thừa Thiên Huế.

Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Không gian trưng bày bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn. Triển lãm giới thiệu miêu tả đặc điểm, tính chất của Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn thông qua 36 panel được thiết kế phù hợp với không gian trưng bày (Ảnh: Hoàng Hải).

Tại Trường lang Đại Cung Môn, Đại Nội (TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức triển lãm Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn nhằm giới thiệu với công chúng về giá trị của một kiệt tác văn chương của Việt Nam gắn liền với chốn Hoàng cung thời xưa.

Được biết, những bản in Truyện Kiều xuất hiện sớm nhất đều vào thời Tự Đức, vào các năm 1866, 1870, 1871, 1872. Đặc biệt đối với bản chép tay, giới nghiên cứu biết đến 2 bản chép của Nguyễn Hữu Lập (chép năm 1870); bản chép của Trần Bích San (khoảng 1870). Và mới đây nhất, xuất hiện một bản mới có tên gọi “Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn”.

Theo thông tin, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó được Thư viện Anh quốc sưu tập rồi trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, có lẽ bản Kiều này đã bị lấy cắp tại sự kiện thất thủ Kinh đô 1885, khi mà người Pháp cùng quân đội viễn chinh đã tràn vào xâm chiếm Kinh đô, vào Hoàng Thành và lấy đi không ít của cải cùng nhiều báu vật của triều đình Huế.

Đây là bản của Hoàng gia triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật đầu tiên là bìa sách. Trang trí bìa của quyển bản Kiều này hoàn toàn phù hợp với phong cách cung đình, có thể phát hiện nhiều điểm tương đồng ở các bìa loại thể sách (sách lụa), hoặc bìa trên chỉ sách (sách giấy, lịch) của triều Nguyễn.

Bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nên họa tiết dệt hình bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng đưa đến nhận xét đầu tiên, đây là bản của nhà vua “ngự lãm”.

Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Hình ảnh bìa của “Bản Kiều Hoàng gia”.

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, một bản Kiều có nguồn gốc từ Hoàng cung Huế có ý nghĩa rất đặc biệt. Đây cũng là bản sách độc bản được thực hiện rất công phu với các phần chữ Hán, chữ Nôm và đặc biệt là tranh minh họa tương ứng với từng trang được vẽ rất chi tiết. Có thể khẳng định, Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn là một bản Kiều cực kỳ quý hiếm, rất có giá trị đối với văn hóa Huế gắn liền với tên tuổi của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới.

Tham gia tại buổi Triển lãm và thuyết trình Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có những chia sẻ: "Chúng ta chưa nắm được trong tay bản gốc của truyện Kiều, nhưng thông qua buổi triển lãm và thuyết trình này, chúng ta cũng hình dung được lúc đó truyện Kiều đã đi xa và đi đến tận đâu, từ trong Hoàng cung cho đến ra nước ngoài và rồi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là một điều rất đáng quý.

Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ về bản truyện Kiều viết tay trong buổi triển lãm.

Bản truyện Kiều này tôi thấy rằng, đây là một bản chép tay rất rõ ràng. Ai đó đã công phu ngồi chép ra bản này, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, bước đầu có một số suy đoán có liên quan đến một vài chữ trong này làm cho việc suy đoán đó không dễ dàng. Nếu nói là vua Tự Đức chép thì đây là một công việc nặng nhọc của nhà vua vì có hơn 3.200 chữ. Hay có thể là trong dân gian sau này, có những phú hộ có tiền của và yêu văn chương truyện Kiều nên thuê người hoặc tự tay chép bản này".

Chia sẻ thêm về bản truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, cần phải có thời gian nghiên cứu thêm và ông cũng tin rằng đối với áng văn chương là một di sản lớn của dân tộc và cũng đồng thời là một bản văn quan trọng của văn hóa nhân loại thì việc sao chép, nghiên cứu, bổ sung trên những tư liệu liên quan đến bản văn đó là một việc lâu dài.

Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn có lẽ là quyển sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của loại hình sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Du khách tham quan tại Triển lãm Bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

Lần đầu tiên công bố bản Truyện Kiều chép tay cực kỳ quý hiếm

Trao đổi về bản chép tay Truyện Kiều quý hiếm (Ảnh: Hoàng Hải).

Theo dantri

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast