Ngày đông ấm áp...

(Baohatinh.vn) - Thời tiết bốn mùa thay đổi trong năm tạo nên những nồng độ cảm xúc khác nhau. Từ sang xuân, vào hạ đến cuối thu và chớm đông. Những khoảnh khắc giao mùa tạo ra độ chênh chao với bao cung bậc, bao ấn tượng về sắc màu hoa lá, cỏ cây. Sự vận hành vũ trụ thẩm thấu vào cả thời vụ gieo trồng. Trong sự giao thoa ấy, con người với thiên nhiên có tiếng nói hòa đồng với một linh cảm chia sẻ thấm đẫm như là một tiềm năng của tạo hóa.

Sang xuân tràn trề nhựa sống, hứa hẹn một sự khởi đầu. Vào hạ với tất cả nồng nàn căng nở râm ran từng mạch đất cuối rễ, đầu cành. Bao nhiêu màu hoa đỏ như chỉ chờ nồng nhiệt của khí trời, sắc nắng là bùng nở. Và khi đã cuối thu, tất cả như ngưng lại với những chuyến đò lặng lẽ qua sông chiêm nghiệm với bao hồi ức tĩnh tại, vừa đi qua ồn ào, náo nhiệt để thu hết mọi ưu tư vào một sắc cúc vàng. Và chớm đông khi cái rét ngọt đã thấm về thì bếp lửa bập bùng vun lên trong ta bao ký ức...

Minh họa của Huy Tùng

Minh họa của Huy Tùng

Không biết ai đặt tên cho cái rét đầu đông là rét ngọt. Có chút xuýt xoa khi ngậm cái tái tê của kẹo gió. Có chút thu mình để trỗi dậy bùng nở bao sắc màu quần áo của nhân tạo khi thiên nhiên lặng lẽ nhường ngôi rụng lá, tái hoa. Nhưng đằng sau thớ gỗ xù xì, mạch nhựa sống vẫn âm thầm đọng chảy thành những hổ phách thời gian, cất giữ chút dùng dằng của thu mới qua và xuân chưa tới.

Nhịp cầu vồng mùa đông bắc giữa cũ và mới, rụng và mọc của chuyển động tự nhiên, của vận động con người từ gốc đến ngọn. Bếp lửa ngày đông chính là điểm nhấn hội tụ vừa bập bùng, ảo ảnh, cũng chính là nơi vun lên những niềm vui tí tách, len lỏi vào tâm tư, lan tỏa vào mạch giao cảm khi đốt những lụi tàn, nhen nhóm những tro than, thổi bùng lên hy vọng. Bếp lửa là nơi ta trở về với tuổi ấu thơ mà “chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu – đến bây giờ sống mũi vẫn còn cay” (Bằng Việt).

Không hiểu sao, tôi vẫn thích dùng cụm từ “Bếp lửa ngày đông” hơn là “Bếp lửa mùa đông”. Những khoảnh khắc bất chợt với những ngấn thời gian chia nhỏ như lóng mía, đốt cau cứ từng nấc một để vươn cao và bùi ngọt. Vị ngọt của hương đất, hương đời, trong ngọt có cả bùi và ấm. Có cả chút đắng đót để miếng trầu thêm đậm cho sắc da thêm đỏ, cái kẹo mía thêm giòn, những sợi mật thêm dai. Khác với ánh lửa gas xanh lè hay ngọn lửa hồ quang nhức mắt của hơi thở công nghiệp lạnh lùng có chút gì đó vô cảm, hơi lửa có sóng điện riêng, tần số riêng bằng sự đồng điệu của những nhịp đập trái tim đỏ thắm sắc hồng cầu tình cảm.

Có 2 câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh day dứt trong tôi: “Còn một chút hoa dong riềng cuối dậu – có một ngày sương muối đến mang đi”. Màu hoa dong riềng như một ánh lửa thiên nhiên lẻ loi thắp lên từ đất, tự dâng hiến mình để củ khoai bụ bẫm hơn, thơm bùi hơn giấu sau màu đất giá lạnh sương muối của mùa đông khắc nghiệt. Sức sống của thiên nhiên mãnh liệt đến thế thì sao ta lại không truyền giữ và khơi bùng bếp lửa như một hồi âm đồng vọng giữa héo khô và tươi cháy, giữa mộc đến hỏa đúc cho người một khối kim trong veo, không đọng cặn cát bụi đời thường mà kết tụ thành “Bông hồng vàng” như tên một thiên truyện nổi tiếng của nhà văn Nga Pau-tốp-xít-ki. Những cám vàng li ti, in hình vảy lửa thổn thức tình người.

Trong những ngày giá lạnh đầu đông, ta lại bùi ngùi khi thấy những người bán hàng rong nhen bếp lửa bên hè phố để tiếng rao không khản giọng. Rồi bếp lửa vùng cao của các học sinh đến lớp hơ những con chữ mỏng mảnh, xiêu vẹo trên chính hơi ấm của rừng. Ngoài đảo xa, các chiến sĩ hải quân tựa lưng tìm hơi ấm trong nhà giàn heo hút gió, thèm nghe tiếng lửa ấp úng cơm sôi với bóng dáng mẹ già. Bếp lửa ngày đông đang nhóm trong ta bao niềm tin cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast