Nguyễn Du và sự bất tử của một thiên tài

(Baohatinh.vn) - Trong cuộc ra mắt bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga ngày 6/11/2015 tại Hà Nội, nhà thơ, dịch giả người Nga Va-xi-li Pa-pov có một tự bạch ngắn gọn nhưng ấn tượng: dịch xong Truyện Kiều, ông thấy mình trở thành một “người khác”. Điều gì đã khiến một thi sĩ của xứ sở Bạch Dương, quê hương của A.Pushkin và L.Tolstoi thấy mình đổi khác nếu không phải bắt nguồn từ sự quyến rũ của văn chương Truyện Kiều và tinh thần nhân văn cao cả của Nguyễn Du?

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du tạo được sức lan tỏa sâu rộng, nhân lên niềm tự hào của quê hương.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du tạo được sức lan tỏa sâu rộng, nhân lên niềm tự hào của quê hương.

Đúng thế, toàn bộ di sản nghệ thuật của Nguyễn Du chính là sự kết tinh văn hóa và vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam được thể hiện qua những vần thơ tinh tế của một trình độ nghệ thuật bậc thầy. Với gần 30 bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài, Nguyễn Du đã vượt mọi giới hạn không gian và thời gian để trở thành bất tử. Ông đã trở thành một huyền thoại nghệ thuật không chỉ trong phạm vi đất nước mình mà còn là một huyền thoại của văn học thế giới. Đó cũng là lý do vào tháng 10/2013, tại Paris, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 37C/15 quyết định năm 2015 là năm thế giới vinh danh 108 danh nhân văn hóa, trong đó, có Nguyễn Du.

Đại thi hào Nguyễn Du (1765–1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt tại kinh thành Thăng Long. Quê ông ở Tiên Điền, Nghi Xuân - vùng đất nức tiếng hiếu học, đỗ đạt, tài hoa. Với trí thông minh và sự mẫn cảm hơn người, lại mang trong mình dòng máu của 3 vùng văn hóa nổi tiếng là Thăng Long, Xứ Nghệ và Kinh Bắc, Nguyễn Du đã sớm chứng tỏ được tài năng nghệ thuật thiên phú.

Trái tim nhạy cảm của ông ngay từ thời trai trẻ đã nhuốm đầy nỗi trắc ẩn trong Thác lời trai phường nón hay Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ... Nhưng cuộc sống nhung lụa không dài, bão táp loạn ly đã bứt Nguyễn Du khỏi gốc rễ quý tộc, cuốn ông vào những đảo điên thời thế. Trải qua không ít lần chạy loạn, tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ của dân đen, Nguyễn Du đã thấu hiểu nỗi đau của chúng sinh, nhất là phụ nữ. Không chỉ tham dự trong tư cách của một nhân chứng, bản thân Nguyễn Du chính là một nạn nhân của xã hội. Bởi thế, ông đặc biệt xót tiếc cho những kẻ tài hoa bạc mệnh.

Ông nhận thấy mình là kẻ cùng hội cùng thuyền với Khuất Nguyên, Tiểu Thanh, Thúy Kiều... Những tao loạn và mâu thuẫn của thời cuộc, sự trớ trêu oan nghiệt của kiếp “tài tử đa cùng” và những chìm nổi đời mình đã làm nên khối mâu thuẫn lớn và khối cô đơn khổng lồ Nguyễn Du, buộc ông phải đứng trước hàng loạt lựa chọn: hoặc “mũ ni che tai” và làm một ông quan thanh liêm, ẩn nhẫn; làm một thi sĩ cung đình hay làm một nghệ sĩ của nhân dân? Nguyễn Du đã biết khước từ một cách chính xác và biết lựa chọn một cách đích đáng. Là một nhà nho, ông đã ra làm quan và làm quan to, nhưng không thấy ông mặn mà với chức nhiệm “phụ mẫu”.

Ông cũng không chấp nhận vai trò của một thi sĩ cung đình phù hoa, tẻ nhạt. Ông chọn con đường trở thành nghệ sĩ của nhân dân. Tinh thần khoan dung văn hóa của người Việt và tấm tình từ bi của nhà Phật đã ngấm vào ông, kết thành một phương cách ứng xử lấy thiện làm đích, coi mỹ làm phong thái và coi chân là gốc rễ trong cốt cách văn hóa cá nhân. Trong cuộc sống nhiễu nhương “ma đưa lối, quỷ đưa đường”, Nguyễn Du mang trong mình nỗi băn khoăn, bất lực: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên”. Chính thực tại xã hội đen tối mà Nguyễn Du “trông thấy” và trải nghiệm đã làm thay đổi quan niệm nhân sinh của ông, giúp ông có điều kiện phản tư lại những lời dạy của thánh hiền.

Bắc hành tạp lục và những thi phẩm trên đường sang thiên quốc đã khiến Nguyễn Du thức nhận một thực tế tàn nhẫn: té ra, ở đâu cũng có giàu nghèo, ở đâu cũng có bất công và tàn bạo. Hào quang của chế độ phong kiến mạt kỳ đã rơi xuống trong cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du, cho phép ông giải ảo nhiều nhầm lẫn, ngộ nhận. Tiếng khóc vĩ đại của Nguyễn Du không thể tách khỏi quá trình thức nhận có những mặt đi trước thời đại ấy. Vì đi trước thời đại, nên nỗi đau và sự cô đơn của Nguyễn Du càng chồng chất.

Xuất phát từ tầm cao tư tưởng và mỹ học tiến bộ nhất của thời đại, với cái nhìn “thấu sáu cõi”, trong chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Du, tình yêu thương và khát vọng giải phóng con người đã trở thành nguồn mạch chủ đạo. Đây là yếu tố cốt lõi tạo nên những giá trị xuyên thời đại và mang tầm phổ quát trong di sản nghệ thuật Nguyễn Du, đưa Truyện Kiều trở thành bách khoa thư về đời sống.

Về Nguyễn Du, ngay từ những năm còn đánh Mỹ, Chế Lan Viên đã có một khái quát sắc sảo: “Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Đây là một đánh giá rất cao về tầm vóc của Nguyễn Du trong cái nhìn của một thi sĩ hậu bối. Lịch sử cho chúng ta hiểu hơn sức mạnh Nguyễn Du là sức mạnh của văn hóa, sức mạnh của chủ nghĩa nhân văn. Văn hóa Việt qua Nguyễn Du mà trở nên sâu thẳm và tiếng Việt, qua thiên tài Nguyễn Du mà trở nên tinh tế, uyển chuyển bội phần. Chữ nghĩa Nguyễn Du bao giờ cũng bao hàm một trữ lượng văn hóa lớn, chất chứa những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về cõi thế và đời sống tâm linh. Cũng bởi thế, trong hoàn cảnh nào và trong không gian nào, người ta cũng có thể lẩy Kiều, vận Kiều, bói Kiều.

Đến nay, 2 thế kỷ đã trôi qua nhưng những câu thơ Kiều vẫn có khả năng ứng nghiệm với tâm trạng của con người hiện đại. Sự ứng nghiệm ấy không chỉ đối với người Việt đang sinh sống trên quê hương bản quán mà ứng nghiệm ngay cả với những người Việt xa quê. Vậy yếu tố nào đã tạo nên sự kỳ diệu ấy của ngôn ngữ nghệ thuật Nguyễn Du? Người đọc, tùy vào trải nghiệm và sự lịch lãm cá nhân mà có cách trả lời khác nhau. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là Nguyễn Du đã tạo ra cuộc “hôn phối” kỳ diệu giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân, giữa nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy và bút pháp tả cảnh ngụ tình.

Cảnh nào trong thơ cũng trĩu tình, dù đó là Truyện Kiều hay Văn tế thập loại chúng sinh... Ngôn ngữ của Nguyễn Du vì thế là ngôn ngữ mở, tự nó là một sinh thể tràn đầy năng lượng. Để đạt được sự kỳ diệu ấy, Nguyễn Du đã thực hiện sự dung hợp văn hóa nhuần nhuyễn, qua dung hợp mà tích lũy năng lượng sáng tạo dồi dào. Trong Nguyễn Du, ta bắt gặp ba trong một: một nghệ sĩ vĩ đại, một nhà tư tưởng lớn, một tâm hồn nhân văn sâu sắc có khả năng “cảm tới nghìn đời” như Mộng Liên Đường chủ nhân từng nhận xét. Tất cả mọi tinh túy trong thiên tài nghệ thuật của mình đã được Nguyễn Du biểu đạt bằng một thể thơ minh triết Việt Nam là thể thơ lục bát. Có lẽ vì đi đến tận cùng dân tộc mà Nguyễn Du đã bắt gặp nhân loại và chính ông đã thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa lớn.

Bản thân cuộc đời Nguyễn Du và những kiệt tác của ông, đặc biệt là Truyện Kiều đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ đời sau. Có thể nói, trong lịch sử văn học dân tộc, chưa một ai đạt đến tầm cao và mức phổ cập như Nguyễn Du đã từng có. Điều đó một lần nữa xác nhận Nguyễn Du là định nghĩa đầy đủ nhất về tầm vóc của một thiên tài. Và trong tư cách của một thiên tài, Nguyễn Du đồng nghĩa với sự bất tử.

(Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast