Những buổi ngày xưa vọng nói về!

(Baohatinh.vn) - Lịch sử đã nhiều lần chứng minh: Hà Tĩnh là vùng đất cổ. Bởi vậy, càng trải qua bao năm tháng, với bao lớp gió bụi, rêu phong cùng các biến động tự nhiên dữ dội như sự bồi lắng của phù sa, quá trình biển tiến..., những gì của cha ông càng nằm lại sâu hơn trong lòng đất.

Điều này lý giải tại sao, thi thoảng, trong lúc triển khai các công trình xây dựng, nhiều tổ chức, cá nhân đã phát hiện được những cổ vật, những lớp hiện vật có giá trị.

Trăm ngả đường, một nẻo đến

Có hàng trăm ngả đường, hầu hết là ở sự tình cờ, các hiện vật được giới thiệu đến những người làm công tác bảo tàng, để rồi, chúng được lập hồ sơ, lưu trữ. Việc giới thiệu này hầu hết là tự phát, tự nguyện. Điều đó cho thấy, ý thức của người dân đối với cổ vật ngày càng được nâng cao. Chẳng hạn như, việc phát hiện hàng trăm đồng tiền cổ tại xã Kỳ Tây (Kỳ Anh) với 9 niên hiệu vua Trung Quốc và Việt Nam, cũng do người dân chủ động báo tin. Hay trước đây, một gia đình ở xã Sơn Hòa (Hương Sơn) đào móng nhà phát hiện một bình vôi cổ đã báo tin cho cán bộ làm công tác bảo tàng.

nhung buoi ngay xua vong noi ve

Các hiện vật được tìm thấy trong lần khai quật di chỉ Cồn Cọc (xã Bình Lộc, Lộc Hà).

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho hay: “Trong việc phát hiện các hiện vật có giá trị, thông tin từ người dân chiếm phần nhiều. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như mặt trống đồng niên đại 2.000 năm, bia đá Thiệu Trị... Tất cả đều do người dân phát hiện và thông tin”. Ông Sơn cũng nhấn mạnh tới giá trị của truyền thông trong việc thông tin về hiện vật, từ đó, tạo điều kiện cho những người làm công tác bảo tàng tiếp cận, làm các thủ tục liên quan. Mong muốn của những người làm công tác bảo tàng - ông Sơn bảo - khi phát hiện được các hiện vật có giá trị, người dân cần báo ngay với những người có thẩm quyền để tránh tình trạng “chảy máu cổ vật”. Người dân khi phát hiện hiện vật có giá trị sẽ được trả công xứng đáng theo luật định; được lưu danh.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh còn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện lý thú liên quan đến đường đi của cổ vật cũng như nhiều cá nhân sản xuất các hiện vật giả cổ (như gần đây có một đối tượng người Bắc rao bán bộ bình giả cổ tại xã Cẩm Lạc - Cẩm Xuyên, có khắc niên chế Đại Thanh). Chẳng hạn như khi phát hiện các khẩu súng thần công, một khẩu do Công an Thạch Hà thu giữ được. Khi bị bắt, đối tượng khai thêm có 2 khẩu nữa đang được cất giữ tại Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên). Khi đến Cẩm Lĩnh, việc thương lượng rất khó khăn, thậm chí, có lãnh đạo xã còn nói: “Để chúng tôi đem đặt ở đài tưởng niệm liệt sỹ”. Theo cách của ông Sơn kể, tôi hình dung, hàng trăm hiện vật trong bảo tàng là hàng trăm câu chuyện riêng lẻ về số phận của nó, cũng như những con đường để chúng được hội tụ cùng nhau trong bảo tàng, từ đó, giúp người đương đại mở mang nhận thức về những gì cha ông đã để lại trên mảnh đất này.

Tiếng ngày xưa vọng về

Giá trị của hiện vật chính là giá trị của độ lùi thời gian. Qua hiện vật, người ta hình dung ra những thế giới xung quanh mà nó đã từng dự phần, có thể nó là vật để trao đổi (tiền cổ), có thể là thứ được tầng lớp trên sử dụng (bình vôi, nậm cổ)... Việc phát hiện hiện vật có độ lùi hàng thế kỷ ở nhiều nơi khác nhau đã thêm bằng chứng chứng minh Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có nhiều biến động trước đây. Trong rất nhiều hiện vật được phát hiện, một điều thú vị là đã có 6 nơi phát hiện được tiền cổ thuộc các huyện Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê. Điều đó cho thấy, trước đây, Hà Tĩnh từng có nhiều hoạt động giao thương buôn bán. Và, cũng có thể, tại những nơi phát hiện tiền cổ từng có thương gia lớn như tại Việt Xuyên đã phát hiện được 4 tạ tiền đồng.

nhung buoi ngay xua vong noi ve

Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học) phân tích các minh chứng khoa học tại hố khai quật trong khuôn viên di chỉ Thạch Lạc (Thạch Hà).

Bên cạnh các hiện vật được người dân phát hiện, nhiều hiện vật qua khai quật của các đoàn khảo cổ đã cho thấy những thời kỳ sinh động trước đây. Năm 2013, Khoa Lịch sử (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) và Viện Khảo cổ học tiến hành điều tra, phúc tra các di chỉ đã được phát hiện, thám sát một số di chỉ như: Cồn Cọc, xã Bình Lộc (Lộc Hà); bãi Diền Diền - xã Thạch Tiến, cồn Lôi Mốt - xã Thạch Vĩnh, di chỉ Phái Đông - xã Thạch Lâm (Thạch Hà); di chỉ Khe Lang - xã Đức Dũng (Đức Thọ); di tích Rú Nghèn (Can Lộc) v.v... phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như: 2 rìu đá, nhiều mảnh gốm tiền sử, các đồ gốm men sành thời Trần - Lê (xã Bình Lộc), 2 rìu đá, 1 phác vật rìu, 1 mảnh bàn mài (di chỉ Phái Đông - xã Thạch Lâm), mảnh lá đề trang trí hình tháp (ở di chỉ Rú Nghèn)…

Đây là tiền đề cho việc quy hoạch, lập bản đồ khảo cổ và trưng bày bảo tàng. Cũng trong năm 2013, qua việc đào thám sát 1 hố 4 m2 tại di chỉ Cồn Sò Điệp ở xã Thạch Đài (Thạch Hà), các nhà khảo cổ học đã phát hiện bộ hài cốt người Việt cổ gồm xương sọ, xương ống, răng, một số công cụ đá như bàn mài, chày nghiền. Năm 2015, tại xã Thạch Lạc, Thạch Đài, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội và Trường Đại học Quốc gia Úc tổ chức khai quật di tích khảo cổ học vòng 2 tháng. Kết quả, đã thu được gần 200 hiện vật và một khối lượng lớn các mẫu vật khảo cổ học. Đặc biệt, trong đợt khai quật này, đã phát hiện được 3 bộ di cốt người Việt cổ, có niên đại khoảng trên dưới 5.000 năm. Bên cạnh nhiều hiện vật được chuyên gia đánh giá, phân tích, nhiều hiện vật phải dựa vào khoa học kỹ thuật hiện đại. Vì thế, đã có một số mẫu vật khảo cổ học được đưa ra nước ngoài phân tích, nghiên cứu, nhất là tại di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc.

Đã có nhiều khu di chỉ được quy hoạch trên mảnh đất Hà Tĩnh như Thạch Lạc, cồn Lôi Mốt (Thạch Hà), Phôi Phối (Nghi Xuân)... cùng với đó là vô số hiện vật có niên đại hàng thế kỷ được người dân phát hiện được khi đào móng nhà, làm công trình giao thông... đã góp thêm nhiều bằng chứng để chứng minh về lịch sử vùng đất biên viễn Hà Tĩnh xưa.

Hiện vật đã giúp chúng ta hình dung được cuộc sống cha ông ngày trước, trình độ chế tác các công cụ, môi trường sống (chiến đấu với thú hoang, sử dụng sò điệp làm thức ăn...), quá trình biến động tự nhiên (biển tiến, sông bồi lắng, đổi dòng) cũng như các hoạt động khác như giao thương, giao tranh... Điều đó đã nhân lên lòng tự hào và tình yêu quê hương, đồng thời, nhắc nhở ý thức chung tay bảo vệ các hiện vật để lưu giữ, làm bằng chứng khoa học nhằm giáo dục các thế hệ sau này.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast