Quản lý lễ hội - mỗi nơi một “phách”!

(Baohatinh.vn) - Tại các lễ hội trên địa bàn Hà Tĩnh, mặc dầu những năm gần đây không có cảnh lộn xộn, phản văn hóa như ở một số địa phương khác, song việc quản lý vẫn còn thiếu thống nhất, thậm chí còn chồng chéo giữa các bộ phận trong cùng một đơn vị và phần lễ đang nặng hơn phần hội rất nhiều.

quan ly le hoi moi noi mot phach

Các lễ hội tưởng niệm danh nhân được tổ chức trang nghiêm, lành mạnh.

Nỗ lực của từng ban quản lý

Có mặt tại di tích chùa Hương Tích (Thiên Lộc, Can Lộc), trải nghiệm cùng mạch núi, cáp treo và các cung, am, chúng tôi nhận thấy nhiều nét chuyển biến rõ rệt. Tại bến đò Thiên Hương, du khách được mặc áo phao bảo hiểm, nếu không mặc, nhà thuyền không xuất bến.

Trên đường đi, cảnh tượng người ăn xin ngồi bên đường không còn. Cánh xe lai hoạt động theo tổ tự quản với mức giá 60.000 đồng/lượt, mỗi lượt chỉ được chở 1 người. Cảnh rác thải tập trung hai bên đường như các năm trước đã không xảy ra. Tình trạng buôn bán lộn xộn trước cổng chùa đã được dẹp bỏ. Các quầy hàng được huyện đầu tư hạ tầng, cho đấu thầu bán ở một khu vực nhất định, cách xa cổng chính lên thượng điện. Chạm cổng chùa, sư thầy và một phật tử đứng hai bên, phát cho mỗi du khách một cây hương để đảm bảo an toàn trong phòng cháy…

Ông Nguyễn Huy Quế - Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) chùa Hương Tích cho hay: “Để đảm bảo cảnh quan, an toàn cho các phật tử, du khách, BQL cũng đã thuê hơn 10 người làm nhiệm vụ dọn vệ sinh khu vực chùa Hương. Công an huyện thường xuyên phân công 14 cán bộ, chiến sĩ túc trực đảm bảo ANTT. Với những người ăn xin, trước đó, ban làm việc với xã và giao công an xã chịu trách nhiệm”. Ông Quế cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 8 vạn du khách đến chùa Hương, ước tính, hết mùa lễ hội, số du khách đến chùa sẽ đạt khoảng 15 vạn.

Ở di tích miếu Ao (Thạch Trị - Thạch Hà), năm nay, việc quản lý cũng đã được địa phương thực hiện khá tốt. Sau khi không thực hiện thu phí tham quan, hầu hết người dân đến địa chỉ này đều hài lòng với cách quản lý, vừa đảm bảo thuận tiện cho người dân, vừa duy trì mỹ quan tại miếu.

Tại đền Bà Hải (Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh), công tác quản lý tiếp tục được siết chặt. Đội ngũ thầy lễ được tuyển chọn bài bản, khắt khe nên phục vụ du khách khá tốt, không có hiện tượng chọn khách, chèo kéo khách. Vệ sinh môi trường trong khuôn viên đền luôn sạch sẽ. BQL đền đã đầu tư nâng cấp bãi đỗ xe, đường giao thông dẫn vào đền, hệ thống nhà khách... tạo nên không gian khá thoáng đãng.

quan ly le hoi moi noi mot phach

Sư thầy và thủ nhang chờ đợi trước thượng điện chùa Hương Tích để phát cho mỗi người một cây hương và xin giữ lại từng bó hương của du khách.

Mỗi nơi buồn mỗi kiểu

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực tại các điểm “hút” du khách, song vào mùa lễ hội, tại các di tích vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Tại chùa Hương, các chủ quầy hàng chèo kéo khách viết tấu sớ gây nên tình trạng lộn xộn. Trên thượng điện và các cung thờ, tình cảnh sư thầy và người làm lễ còn chen chúc, trông xô bồ, nhuốm màu vụ lợi thần thánh. Về việc này, BQL cho hay: Quản lý đội ngũ thầy lễ là do trụ trì chùa thực hiện nhưng nhà chùa quá ít người nên chưa đảm bảo. Còn sư thầy thì cho rằng: việc làm lễ chỉ diễn ra ở chánh điện chứ không thực hiện ở các cung nhưng nhiều thầy lễ từ đâu đến làm, nhà chùa không có cách nào để can thiệp.

Tại đền Chợ Củi (Xuân Hồng - Nghi Xuân), tình trạng người đến ăn xin, gây phiền toái cho khách thập phương. Ngoài ra, việc người dân đến quá đông, mang nhiều thứ lễ lạt đến làm lễ cũng gây nên cảnh lộn xộn tựa như chẳng ai quản lý. Đáng nói là, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay song chưa có giải pháp xử lý khả thi, nhất là trong việc dâng lễ, đốt vàng mã. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khá cao.

Tại đền Bà Hải, đơn vị quản lý chưa thực hiện tốt việc hướng dẫn người dân chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường. Vì thế, cảnh người dân chen chúc thắp hương, thắp một lần cả bó hương còn diễn ra, hương rơi vãi dưới đất; việc đặt lễ không theo trình tự trước - sau.

Lý giải những điều này, Trưởng BQL đền Phan Công Đính cho rằng: Dù đã có nhiều cố gắng nhưng do du khách quá đông, khuôn viên đền lại chật, lực lượng quản lý mỏng nên khó xử lý tốt mọi việc. Còn ở đền Võ Miếu (Tân Giang - TP Hà Tĩnh) gần đây đã được bảo vệ nhắc nhở và chia hương cho từng người nên cảnh nghi ngút khói trong điện vào ngày 30, mùng 1 hàng tháng giảm nhưng “do phường chỉ giao chúng tôi đứng trực 2 ngày đó nên những ngày khác đầu năm mới này, hiện tượng du khách tùy tiện mang từng bó hương đang cháy vào chính điện lại tái diễn”.

quan ly le hoi moi noi mot phach

Trò “Sỹ - nông - công - thương” là một nét đẹp văn hóa của ngư dân xã Xuân Thành (Nghi Xuân). Ảnh: Hoài Nam

Thiếu một “phách” chung

Qua những địa chỉ trên, có thể thấy, việc quản lý lễ hội, nhất là nơi gắn với cơ sở tín ngưỡng tâm linh còn mỗi nơi một “phách”. Có thể nhận thấy rõ điều này qua 4 điểm.

Thứ nhất, một việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như cắt cử người hướng dẫn du khách thắp hương đảm bảo trang nghiêm, đúng chỗ, chỉ mỗi người một cây, nhưng lại không phải nơi nào cũng thực hiện và thực hiện không nhất quán. Về điều này, năm 2015, 2016, tại đền Lê Khôi (Thạch Hà) cứ mỗi năm chính lễ, đoàn thanh niên các xã Thạch Bàn, Thạch Hải cử người canh các cửa đền, phần mộ Lê Khôi và chỉ cho phép thắp mỗi nơi 1 cây hương, đảm bảo an toàn, nghiêm túc là một cách điều hành quản lý được du khách đánh giá cao. Tuy vậy, tại các địa chỉ thu hút khách đầu xuân năm nay, đa phần nhà quản lý đều “đổ lỗi” cho lực lượng mỏng.

Thứ hai, chuyện quản lý người ăn xin, tại sao ở Can Lộc lại thực hiện được trong khi Nghi Xuân thì không, dầu khu vực di tích đền Chợ Củi hẹp hơn chùa Hương. Điều này, rõ ràng cho thấy sự thiếu quyết liệt của chính các đơn vị quản lý thuộc địa phương.

Thứ ba, việc dâng lễ, có nơi được quản lý theo trình tự trước - sau, có nơi lại lộn xộn, chen lấn, mất không khí thanh tịnh, thâm nghiêm.

Thứ tư, việc quản lý người viết tấu sớ, tại sao có nơi tuyển thầy lễ, có nơi lại tùy tiện có vẻ như ai viết cũng được, rõ ràng không thể đổ lỗi cho nguyên nhân… mỏng lực lượng. Chưa nói đến chuyện, tại đền Võ Miếu, nhà đền không tổ chức bán sớ, người đi lễ muốn có sớ thì gặp thầy lễ gửi thông tin, tiền sớ và tiền thầy, ở đền hay ở nhà thầy đều được, đến ngày hẹn thầy sẽ mang sớ đến lễ giúp.

Lễ hội thường có 2 phần: Phần lễ và phần hội, song lâu nay, các địa phương đa phần mới chú trọng phần lễ (nghi lễ cúng thần, thánh, Phật) mà đang coi nhẹ phần hội (vui chơi, thể thao). Chỉ khi nào hài hòa được 2 yếu tố này thì chúng ta mới trả lễ hội về với nguyên bản của nó.

5 biểu hiện trên đây chứng tỏ, bài toán quản lý lễ hội của chúng ta còn thiếu sự nghiên cứu sâu sắc và thiếu một khuôn mẫu chung. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về Sở VH-TT&DL. Nếu sở xây dựng một số tiêu chí cơ bản trong quản lý, căn cứ vào đó để đánh giá, tạo cơ sở cho các BQL thực hiện, đảm bảo đồng bộ thì chắc rằng sẽ hạn chế được chuyện quản lý mỗi nơi mỗi kiểu. Hơn nữa, việc để xảy ra tình trạng lộn xộn trong lễ hội còn do chế tài xử lý chưa nghiêm, việc nhắc nhở, hướng dẫn chưa thường xuyên. Sau mỗi lần dư luận bàn tán về sự lộn xộn, nhiều việc đáng lẽ phải xử lý nghiêm túc, ngay tức thì, để năm sau không tái diễn.

Lễ hội bao giờ cũng đậm tính dân gian, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa thỏa mãn nhu cầu cộng cảm, giải phóng tâm hồn con người, lại diễn ra trong không gian rộng nên quản lý không dễ. Song, ngành chủ quản và các địa phương cần chú trọng đầu tư có chiều sâu hơn nữa trong công tác quản lý để mỗi mùa lễ hội tới, phật tử và du khách được trẩy hội và hành lễ trong một không gian an toàn và văn minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast