Tiếng đàn Chư ra bon

(Baohatinh.vn) - Giữa thăm thẳm nơi chân núi Ka Đay, tiếng đàn Chư Ra Bon, tiếng khèn môi của người Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê) ngân vang làm sống động cả núi rừng. Tiếng đàn ấy đã lưu truyền văn hóa ngàn đời của người Chứt nơi đây.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nhạc cụ dân tộc truyền thống, bà con dân bản đang tích cực trao truyền, rèn giũa cho thế hệ sau.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nhạc cụ dân tộc truyền thống, bà con dân bản đang tích cực trao truyền, rèn giũa cho thế hệ sau.

Bà Hồ Thị Sen không nhớ năm nay mình bao nhiêu tuổi, cũng không nhớ mình biết kéo đàn tự bao giờ. Bà chỉ nhớ rằng, từ thuở xa xưa, khi còn ở trong hang đá, sâu tít tận rừng thẳm thì Chư ra bon đã trở thành người bạn tâm tình, thủ thỉ câu chuyện cùng bà và những người trong họ tộc.

Cây đàn Chư ra bon của người Chứt được chế tác rất đơn giản: chỉ gồm 1 ống nứa, 2 dây cước chạy song song theo ống nứa và 1 thanh nứa mỏng dùng để kéo đàn. Bởi cây đàn thô sơ như vậy nên người Chứt còn gọi Chư ra bon là đàn nứa. Tuy vậy, tùy vào nhịp kéo của người đàn, Chư Ra Bon có lúc réo rắt, lúc du dương.

Tiếng đàn Chư ra bon gọi mùa xuân về.
Tiếng đàn Chư ra bon gọi mùa xuân về.
Tiếng đàn Chư ra bon gọi mùa xuân về.

Bà Sen chia sẻ: Trước khi kéo đàn phải làm ướt thanh nứa, dây cước buộc vào ống nứa không được quá chặt cũng không quá lỏng. Và ống nứa non hay già, to hay nhỏ, ngắn hay dài cũng sẽ đem lại những tiếng đàn khác nhau.

Bên cạnh tiếng đàn Chư ra bon của người phụ nữ Chứt, tiếng khèn môi là lời đối đáp của những người đàn ông. Ông Hồ Phượng là người duy nhất ở bản biết thổi khèn môi, cũng là người đầu tiên sáng tạo ra nhạc cụ này.

Chiếc khèn môi của người Chứt có hình dáng gần giống chữ U, được uốn từ một mảnh đồng mà thành, ở giữa được xuyên một thanh đồng để gảy. Khoang miệng của người thổi chính là cái bầu rỗng cộng hưởng phát ra tiếng to nhỏ, thanh trầm, luyến láy theo ý của người thổi. Âm sắc của khèn môi tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, như là lời tâm tình thủ thỉ, yêu thương, trìu mến mà chỉ người ở gần mới có thể hiểu được.

Ông Hồ Phượng - người duy nhất ở bản biết thổi khèn môi.
Ông Hồ Phượng - người duy nhất ở bản biết thổi khèn môi.

Ông Hồ Phượng - người duy nhất ở bản biết thổi khèn môi.

Tiếng đàn Chư ra bon, tiếng khèn môi được coi như là linh hồn, là nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người Chứt. Mùa xuân về, tiếng đàn, tiếng khèn lại nhộn nhịp, rộn rã hơn. Quanh bếp lửa rực hồng, những bà, những mẹ, những cô gái, chàng trai Chứt lại cùng nhau hòa tấu nên bản nhạc chào năm mới. Và với những đôi trai gái của bản, tiếng đàn còn thay lời trao duyên.

Tuy nhiên, hiện nay, người biết làm đàn và chơi đàn ở bản chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. “Mình vẫn truyền dạy cho con cháu đấy nhưng không phải ai cũng biết chơi đâu” – bà Sen tâm sự.

Theo Trưởng bản Hồ Nam: Đàn Chư ra bon, khèn môi là niềm tự hào của dân tộc Chứt. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nhạc cụ dân tộc truyền thống, bà con dân bản đang tích cực trao truyền, rèn giũa cho thế hệ con cháu mình.

Vượt ra khỏi bản làng, tiếng đàn Chư ra bon và tiếng khèn môi của người Chứt ở bản Rào Tre đã được tham dự Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Xuân về, tiếng đàn dưới chân núi Ka Đay đang ngân vang những thanh âm mộc mạc của núi rừng, mang đến khởi đầu đầy may mắn và vui tươi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast