Vọng Tố Như

(Baohatinh.vn) - Nghệ thuật đích thực xưa nay luôn là những giá trị còn lại qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Không đâu khác, chính những tác phẩm nghệ thuật đích thực đã khiến cho tuổi tên của người tạo ra nó trở nên bất tử. Chúng ta hướng về Nguyễn Du là vì thấm thía quy luật ấy!

Hình ảnh Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc trong vở chèo “Dòng lệ Tố Như” - công trình nghệ thuật được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào.
Hình ảnh Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc trong vở chèo “Dòng lệ Tố Như” - công trình nghệ thuật được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào.

Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, có truyền thống hiếu học và văn chương. Không chỉ là kết quả của cuộc tình giữa quan Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm với người con gái tài sắc trẻ hơn mình đến 32 tuổi, mà Nguyễn còn là kết quả của sự chung đúc của hai miền quê, hai vùng văn hóa xứ Nghệ và xứ Kinh Bắc, của sâu đằm, trắc ẩn với mềm mại, hào hoa. Hình bóng đất Thăng Long văn hiến nơi ông được sinh ra, hình bóng và nét đặc sắc văn hóa quê nhà Hà Tĩnh, hình bóng và lời ăn tiếng nói ý nhị của miền quan họ, những trải nghiệm “thập tải phong trần” nơi quê vợ Thái Bình, những cảnh đời trông thấy trên đường làm chánh sứ… đã thấm quyện trong từng trang thơ Nguyễn rứt lòng sinh hạ.

Thiên tài ấy cũng sinh ra và lớn lên, nếm trải và cảm nghiệm, trưởng thành và bầm dập vào giai đoạn lịch sử đầy ba động với nhiều “cuộc bể dâu” dữ dội. Cuộc đời sóng gió trong thời đại sóng gió giúp ông hiểu và gần gũi với “thập loại chúng sinh”, học rộng, hiểu sâu giúp ông thấu suốt thế cuộc, để rồi chữ Tâm và chữ Tài cùng thăng hoa trong bút lực dồi dào… Những tác phẩm của Nguyễn Du, do đó, thể hiện cái nhìn hiện thực, chiều sâu tư tưởng nhân văn sâu sắc, đồng thời, đặt ra nhiều vấn đề có giá trị xuyên thời đại. Chúng ta hướng về Nguyễn Du bởi cụ có tầm vóc vĩ đại ấy!

Thật khó tìm ra một người Việt Nam trưởng thành mà không thuộc một câu thơ nào đó của cụ Nguyễn Du. Những câu thơ của cụ đã hóa thân vào tâm thức văn hóa Việt suốt mấy trăm năm. Cùng với dòng sữa mẹ ngọt ngào, người Việt còn được nuôi lớn nhờ bầu sữa văn hóa nghìn năm dạt dào. Nguồn sữa nhân văn ấy, hơn 200 năm qua càng thêm mãnh liệt nhờ sự hóa thân của văn chương cụ Nguyễn.

Vọng Tố Như ảnh 2
Một tiết mục tại hội thi chung kết Liên hoan ngâm thơ Kiều, diễn trò Kiều năm 2015. Ảnh: Quang sáng

Những câu Kiều da diết, đắm say, những áng thơ chữ Hán giàu trầm tích lay động tận thẳm sâu lòng người… rồi những sinh hoạt văn hóa dân gian nảy sinh từ những tác phẩm giàu giá trị ấy,… tất cả góp phần làm nên cái phong phú, đậm đà bản sắc của đời sống văn hóa tinh thần dân tộc Việt.

Nguyễn Du và những tác phẩm, đặc biệt là Truyện Kiều, là thành tựu tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, gắn với văn hóa Việt Nam, là một trong những nét đặc trưng nổi bật để bạn bè thế giới biết và nhớ đến dân tộc này. Chúng ta hướng về Nguyễn Du cũng vì niềm tự hào ấy!

Nhân loại vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Sự yêu quý, ngưỡng mộ, ghi nhận ấy về Nguyễn Du như nhắc nhủ, thôi thúc ta đọc, tìm về với cụ để phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa chỉ dân tộc này mới có. Chúng ta hướng về Nguyễn Du còn vì ý thức trách nhiệm ấy!

Trong bài thơ chữ Hán nổi tiếng Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du viết rằng: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Chữ “khấp” (khóc) không chỉ là tiếng lòng đồng điệu, tri âm của cụ Nguyễn với tài sắc Tiểu Thanh, với những kiếp người tài hoa bạc mệnh, với nỗi oan khuất, khổ đau muôn vẻ của kiếp người. Đó còn là lời mong mỏi hậu thế nghe và cảm được tiếng khóc ấy, để làm sao cho những tiếng khóc như thế không còn… Nguyễn Du không mong mỏi, không cần ai khóc mình, có lẽ đúng như Chế Lan Viên viết: Ông chỉ mong ta bền một chữ tâm/ Nhỏ một giọt sương người bên khóe mắt/ Cái Nguyễn chờ là giọt lệ hồi âm… Chúng ta hướng về Nguyễn Du từ những rung động thẳm sâu ấy!

Vọng Tố Như là tâm thế hướng về, hình dung về cụ, là thắp nén tâm hương mong đến gần hơn với di sản văn chương – văn hóa mà cụ để lại cho hôm nay và mai sau, cho Việt Nam và nhân loại!

Hình ảnh Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc trong vở chèo “Dòng lệ Tố Như”. Đây là công trình nghệ thuật được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

THCS Hoàng Xuân Hãn – Đức Thọ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast