​Bằng đại học của Huyền

Huyền sẽ cất nó vào đâu? Huyền không muốn nó trở thành vật kỷ niệm. Huyền không muốn nó bị thời gian vùi lấp. Nhưng Huyền không biết nên cất nó ở đâu trước khi Huyền lên đường.

Minh họa: KIM DUẨN
Minh họa: KIM DUẨN

Huyền đang ngồi bên cửa sổ nhìn ra khu vườn bé nhỏ. Đêm qua mưa gió. Những cánh hoa giấy rụng xuống và ướt mèm vì mưa. Huyền nhìn vào những bông hoa trên thảm cỏ đầy nước. Mẹ đang hục hặc ho dưới bếp. Bà thức dậy từ sớm để lo bữa sáng trước khi Huyền lên xe.

Huyền thật sự không biết cất nó ở đâu. Không đời nào Huyền để nó thành vật kỷ niệm. Nhưng nó có thể là một vật kỷ niệm cho những tháng năm vui buồn. Đúng, kỷ niệm, nó sẽ trở thành một vật kỷ niệm và kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng đôi khi phải quên chúng đi. Huyền lại cầm nó lên, tấm bằng đại học màu đỏ của mình. Huyền nhìn tấm bằng mà lòng ứ nghẹn. Cảm giác lúc này thật khác hẳn với cảm giác khi Huyền nhận được giấy báo trúng tuyển đại học cách đây bốn năm.

Huyền vẫn nhìn ra khu vườn ướt đẫm, Huyền nhìn vào những cánh hoa rụng trong những vũng nước như thể nàng đang nhìn vào thinh không. Huyền nhìn vào những cánh hoa như thể đang nhìn vào số phận của mình. Sự khốn khó trong bốn năm đại học chưa đủ để làm một người con gái mảnh mai như Huyền lớn khôn sao? Huyền lại nhìn tên mình in trên tấm bằng. “Huyền à?” - Huyền tự hỏi mình.

“Tao không biết cất mày ở đâu?” - Huyền đang trò chuyện với mình. Huyền cảm giác khi Huyền cất giấu tấm bằng này đi cũng như thể Huyền đang tự cất giấu chính mình. Cất giấu đi niềm kiêu hãnh, cất giấu đi một thành tích lớn lao. Cất giấu và trốn chạy.

“Tao biết cất mày vào đâu hả Huyền? Cất mày vào đâu?” - Huyền nói trong khi tay đang mân mê tấm bằng đại học. “Bốn năm” Huyền nói và ngửa mặt lên để những giọt nước mắt không rơi xuống, để những giọt nước mắt tự lặn vào trong bởi Huyền biết nước mắt có nhỏ xuống trên tấm bằng này cũng trở thành vô ích.

“Bốn năm với mồ hôi và nước mắt của mày chưa đủ đâu Huyền à. Nước mắt của mày khi mày đi làm thêm, khi mày thức trắng đêm, khi mày làm ôsin, làm nhân viên quán nhậu... trong bốn năm đại học chưa đủ đâu” - Huyền nói với chính mình. Huyền nhớ lại mọi thứ, mọi thứ thật đắng cay.

“Hay là mình cất nó vào sau tấm ảnh của ba trên bàn thờ?” - Huyền nghĩ. Huyền quay lại nhìn vào đôi mắt của ba trên bàn thờ. Huyền nhìn vào đôi mắt ấy như tìm kiếm một niềm hi vọng. Đôi mắt của ba trong tấm ảnh thờ không cho Huyền một chút hi vọng nào dù là bé mọn nhất. “Ba” - Huyền gọi. “Con phải giấu tấm bằng này vào đâu hả ba? Con phải cất nó ở đâu khi nó đã là một vật cản trên con đường sinh tồn của con. Con không thể để lưng mẹ còng hơn, con không thể để mắt mẹ mờ hơn nữa ba à” - Huyền nói trong khi nước mắt của Huyền đang lăn xối xả trên hai gò má nhô cao.

“Nếu muốn được nhận thì mày phải giấu biệt rằng mày đã từng tốt nghiệp đại học. Bằng đỏ? Xuất sắc? Bằng gì cũng chẳng có ích gì cả Huyền ơi, họ chỉ cần những người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc thấp hơn thôi. Nghịch lý ư? Mày đừng suy nghĩ nhiều quá. Sống đã Huyền à...” - Huyền nhớ lại những lời dặn dò của Trang qua điện thoại cách đây bốn hôm. Trang là bạn học hồi phổ thông của Huyền. Huyền nhớ rất rõ ánh mắt thèm thuồng của Trang cái ngày nó nhìn vào giấy báo trúng tuyển đại học của Huyền. Và khi Huyền rạng rỡ để chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên đầy vẫy gọi thì Trang lại vào Sài Gòn làm công nhân ở một xí nghiệp may mặc.

Bây giờ thì mọi thứ đã khác. Sau tốt nghiệp đại học, Huyền lại nhờ Trang xin vào chỗ làm của Trang, nhưng Huyền phải giấu tấm bằng đại học của mình bởi các công ty không tin vào những công nhân tốt nghiệp đại học có thể làm việc chuyên cần và dài lâu với họ.

“Nhưng biết cất nó vào đâu? Hay là luồn nó vào trong chiếc gối của mẹ? Hay là để nó vào sau tấm ảnh thờ của ba? Hay là mang nó theo mình?”. Không, không đời nào Huyền lại mang tấm bằng đỏ theo mình bởi Huyền không muốn nó trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi Huyền đang thở hắt ra trong xí nghiệp may mặc. Nghe tiếng mẹ, Huyền để cuốn sách đè lên tấm bằng. “Đừng đọc sách nữa con, biết nhiều sẽ khổ con à. Kiểm tra hành lý rồi chuẩn bị ăn sáng, nhớ mua thuốc chống say xe. Trước khi đi nhớ thắp nhang cho ba...” - mẹ nói với Huyền trong khi bà đang xếp chăn mền lại. Huyền không nói gì với mẹ.

Ngoài trời mưa lại rơi. Trong khi Huyền ăn sáng thì mẹ đang chăm sóc đàn gà ngoài sân. Nhìn vào tấm lưng còng với chiếc áo nâu bạc màu của mẹ mà Huyền ứ nghẹn. Huyền buông bát rồi nhìn lên bàn thờ. Ánh mắt của ba từ tấm ảnh vẫn nhìn Huyền trìu mến. Nhưng rõ ràng ánh mắt đó không cho Huyền thêm sức mạnh như ngày Huyền bước chân vào đại học. Ánh mắt của ba có lẽ cũng đã thấm mệt hơn qua năm tháng, ánh mắt của ba trên bàn thờ có lẽ cũng đã biết rằng đại học bây giờ không phải là con đường vinh quang.

Huyền tiến lại phía bàn thờ, trên bàn ăn, chén cơm sáng dở dang của Huyền đã nguội lạnh. Huyền thắp nhang khấn ba để từ biệt. “Sống” - Huyền nói. “Sống ba à” - Huyền nói. Khói nhang bay vào mắt Huyền làm nước mắt ứa ra. “Con xin lỗi ba nhưng lỗi không thuộc về con” - Huyền nói rồi gài tấm bằng đại học của mình sau tấm ảnh thờ của ba. “Con xin lỗi ba nhưng đường con đi đã khác với những ước nguyện. Con sẽ không khóc. Khóc làm gì khi nước mắt không thay đổi được thực tại”.

Trời mưa tầm tã. Bóng mẹ khuất dần sau lũy tre mờ mịt. Sài Gòn chắc sẽ nắng nhưng bây giờ miền Trung đang mưa.

Mưa đen đặc.

Truyện 1.164 chữ của LÊ MINH PHONG

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast