​Khách đến chơi nhà

Tôi bước ra khỏi chợ. Cái mùi nằng nặng của chợ trưa quyện tiếng ồn ào vẫn đang lởn vởn sau lưng. Hai tay tôi lỉnh kỉnh những túi là túi. Chẳng là trưa nay nhà tôi có khách. Khách ở quê vào.

Minh họa: N.N.Thuần

Minh họa: N.N.Thuần

Quê là quê vợ. Quê tôi thì ở xa, năm thì mười họa mới có người quen ghé thăm. Khách trưa nay là ông chú họ hàng bên đằng mẹ vợ tôi. Ông vào đây khám bệnh tiện thể ghé chỗ chúng tôi cho biết.

Tôi nhìn đồng hồ. Chết chửa! Đã mười giờ hơn! Cũng tại sáng nay dạy hăng quá, quên luôn cả chuông hết tiết. Về muộn. Đi chợ muộn. Lại còn nấu nướng nữa chứ. Chết thật.

Tôi lúi húi treo mớ túi đồ ăn vào cái xe máy sắp chạm mốc đồ cổ của mình và nổ máy. “Ới anh ơi!”. Tôi quay lại: “Có chuyện gì thế ạ?”. “Tiền gửi xe”. Anh chàng trông xe ở cổng chợ nhoẻn miệng cười. Chết chửa! Vội quá quên mất!

Thấy đống đồ để trên bàn bếp, vợ tôi hỏi: “Anh mua chi nhiều rứa? Chú bị tiểu đường có ăn được bao nhiêu mô?”. Tôi cười: “À, ừ... có gì đâu mà”.

Vợ tôi là biên đạo múa. Nếu tự tin một chút thì có thể nói là cũng có tên có tuổi ở thành phố này. Nhưng mấy năm lại đây thì “xô chậu” ế rề. Biên đạo ngày càng nhiều. Người này phá giá người kia. Vợ tôi không chịu “bán tên bán tuổi” nên dần tự chôn chân trong cái lòng tự trọng của mình. Rồi bầu bì, con cái. Đến giờ thì tạm thời đang ở nhà chăm con.

Tôi thay áo quần, xắn tay vào bếp. Chú bị tiểu đường. Tôi biết. Cơ mà mời khách thì cũng phải tươm tất một tí. Hồi nhỏ, nhà tôi hay có khách. Mẹ tôi thường bảo: “Nhịn miệng đãi khách”.

Cái nếp mời khách tươm tất ấy đến lượt tôi cũng không mất đi. Lần nào có khách ở quê vào tôi cũng tự tay chuẩn bị cơm nước. Vợ tôi, hồi chưa sinh con cũng như bây giờ, hầu như bận suốt. Tôi dạy ở trường đại học, lại là cán bộ trẻ nên thư thả thời gian.

Chuyện chợ búa, bếp núc tôi chẳng quản. Có điều chuyện “tươm tất” đôi khi hay làm vợ tôi cằn nhằn. Tôi hiểu. Tiền bạc thường là chướng ngại vật với lòng tốt và là “kỳ đà” trong nhiều mối quan hệ. Khi người ta có một đứa con và chẳng khoản nào trong số tiền nhà, điện, nước, gas... là miễn phí thì người dễ tính nhất cũng dễ cau mày.

Ông chú đến lúc mười một giờ ba mươi. Tôi tất tả đón chú.

“Mời chú ngồi chơi”. “Chú mệt không ạ?”. “Tình hình khám sao rồi chú?”. “Hôm nào chú ra quê lại?”. “Em ơi, chú đến rồi này”. “Chú ngồi chơi, cháu đang dở tay tí ạ”...

Tôi dọn cơm. Chú bảo: “Mi nấu chi nhiều rứa, chú có ăn được mô”. “Dạ, thì... có gì đâu chú”. Cả nhà ngồi ăn. Đứa con gái nhỏ của tôi hết nghịch đũa rồi lại chĩa vào bát canh, bốc cơm rồi lại gõ thìa. Vợ tôi “vật lộn” với nó còn vất vả hơn dựng múa. Mỗi lần cho con ăn như là một lần đi đánh trận.

Chú ăn ít. Ăn từ tốn. Chủ yếu là nói chuyện. (Vợ tôi thì hầu như chẳng ăn vì lo cho con bé). Chú kể nhiều chuyện. (Nghĩa là các chuyện ở quê vợ tôi ấy). Ông Lặc vừa chết vì ung thư gan. Ông ấy nốc rượu như hũ nút. Thằng Tú nhà bà Loan thì vào Nam.

Bình Dương gì đó. À, vợ chồng anh Minh chị Thảo (anh chị họ của vợ tôi) ra Vũng Áng làm thuê rồi. Thằng Thắng nhà ông Quyết đi ăn trộm chó bị người ta đánh gãy chân... Toàn những chuyện chẳng vui vẻ gì...

Đồng làng năm ni bại, đạo ôn hết... Có nhiều cái tên tôi không nhớ hoặc không biết. Những người như chú trở thành chiếc cầu nối chúng tôi với quê nhà. Đi làm xa, xoay xở sống chẳng dễ dàng gì nên những lần về quê của vợ chồng tôi ngày càng thưa. Tự dưng tôi thấy nhớ bố mẹ tôi.

Lâu rồi không về thăm. Thấy thương ông bà cụ. Ngẫm thấy lạ... Mấy câu kiểu như “Con nhớ bố mẹ”, “Con yêu bố mẹ”... càng lớn thì càng khó thốt ra khỏi miệng.

Chú về. Tôi dọn mâm cơm chẳng vơi bao nhiêu xuống bếp. Đã gần hai giờ chiều. Nói chuyện say sưa quá quên cả thời gian. Tôi xếp bát đũa vào bồn rửa, bọc thức ăn còn thừa để vào tủ lạnh. Khi tôi vào phòng thì con bé vẫn đang ngủ.

Tôi nằm xuống, ôm con vào lòng, xoa xoa lưng con. “Mấy tháng ni, tháng mô cũng khách khứa...” - vợ tôi nói. “À, ừ... có gì đâu”. “Từ rày anh đừng mời khách nữa. Ở phòng trọ kiểu ni bất tiện. Tiền bạc thì... Lại còn bao nhiêu thứ phải lo”. Tôi im lặng. “À, ừ... có gì đâu em”. “Anh thì lúc mô cũng có gì đâu, có gì đâu...”.

Yên lặng. Tôi không biết phải nói sao. Đâu phải lúc nào cũng có khách. Lâu lâu mới có người tạt qua cái phòng trọ gia đình chừng 25 mét vuông của chúng tôi. Bạn bè, đồng nghiệp thì đông nhưng năm thì mười họa mới có khách đến nhà. Khi nào có dịp quan trọng, mình mời thì họ đến.

Còn bình thường, có chuyện gì cũng gặp ở cơ quan, ở quán cà phê, không thì quán bia, quán nhậu. Nghĩa là toàn những nơi mà chẳng ai phân định chủ - khách cả.

Dần dần, cái thói quen đến thăm nhau cũng phai nhạt. Tự dưng tôi nhớ ông Nguyễn Khuyến. Tôi nhớ cái làng quê chiêm trũng nghèo khó của tôi. Tôi nhớ mẹ tôi vẫn bảo: “Khách đến nhà không gà thì vịt”...

Con bé bỗng dưng khóc lên. Chắc nó giật mình. “Con ngoan, con ngoan...”. Từ phòng bên cạnh vẳng sang bài quan họ mà tôi đã quên bẵng: “Khách đến chơi nhà là chơi nhà...”

Truyện 1.080 chữ của NGUYỄN ANH DÂN

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast