'Á Tế Á ca' thực sự là của ai?

LTS: Á Tế Á ca (bài ca châu Á) là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, từng được trích đoạn trong sách giáo khoa với những câu thơ quen thuộc với nhiều thế hệ học trò như: Non sông thẹn với nước nhà/ Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu!

Thế nhưng tác giả của bài thơ này lại là vấn đề gây tranh cãi, khi người thì cho rằng tác giả là Tăng Bạt Hổ, người thì cho rằng là Phan Bội Châu, người thì cẩn thận đề là “Khuyết danh”. TT&VH xin giới thiệu những thông tin mới nhất từ nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Tác giả là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Nguyễn Thiện Thuật. Nguồn: Wikipedia
Nguyễn Thiện Thuật. Nguồn: Wikipedia

Mới đây, khi lướt xem các báo cũ, tình cờ tôi được biết ngay năm 1938, tên tuổi Tán Thuật (Nguyễn Thiện Thuật) đã được khẳng định là tác giả bài Á Tế Á ca (Bài ca châu Á), còn được gọi là bài Hoán tỉnh quốc dân ca.

Nơi xuất hiện tài liệu nói trên là tuần báo Cười ở Huế. Đây là tờ tuần báo văn chương trào phúng, do Lê Thanh Cảnh sáng lập. Ông Lê Thanh Cảnh khi đó đang làm chủ bút nhật báo Tràng An, ông xin xuất bản tuần báo Cười không phải như phụ trương của Tràng An mà như một tờ báo độc lập. Học giả Trần Thanh Mại được ông Cảnh mời làm chủ bút tuần báo Cười, tình tiết văn học sử (hay là báo chí sử) này, hầu như ít ai biết, cho nên trong các bản tiểu sử và tuyển tập của học giả Trần Thanh Mại, không hề thấy nói việc này.

Ở số 5 (ra ngày 22/4/1938) tuần báo Cười dành 2 trang giới thiệu xuất xứ và in toàn văn 200 câu bài Á Tế Á ca.

Tòa soạn báo Cười giới thiệu với độc giả:

“Chắc quốc dân ta còn nhớ, cụ Tán Thuật là một nhà đại cách mệnh ở nước ta trong khoảng người Pháp mới sang bảo hộ. Cụ theo đảng Cần vương lo việc khôi phục suốt mấy năm trời, chính người Pháp cũng phục tài dõng của cụ. Sau khi đảng Cần vương tan vỡ, cụ lặn lội qua Tàu, rồi sang Nhật, đầu quân giúp Nhật đánh Nga. Khi thắng trận cụ có dự vào tiệc hạ công, được vào bệ kiến ôm chân Nhật hoàng.

Cụ ở Nhật, viết ra bài ca nầy gởi về cho quốc dân khuyên mau mau tỉnh cơn mê mộng lo việc tự cường”.

Tán Thuật tức Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) quê làng Xuân Dục huyện Đường Hào tỉnh Hưng Yên, đậu Cử nhân khoa Bính Tý (1876), được cử làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) rồi được bổ chức Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương. Năm 1881 làm Chánh sứ sơn phòng tỉnh Hưng Hóa kiêm Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây.

Khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882-83), Nguyễn Thiện Thuật kháng lệnh của nhà Nguyễn, tiếp tục tổ chức quân dân đánh Pháp. Ông liên kết với các thủ lĩnh quân sự khác, lập căn cứ chống Pháp ở Bãi Sậy (Hưng Yên), sau đó rút lên Hưng Hóa, Tuyên Quang, cùng Nguyễn Quang Bích tổ chức kháng chiến. Hưng Hóa thất thủ, ông rút lên Lạng Sơn phối hợp với Tuần phủ Lạng Bình Lã Xuân Oai tổ chức kháng cự. Khi thành Lạng thất thủ, 1885, ông trốn sang Tàu. Mấy chục năm sau, khi ông mất (1926) được an táng ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Các trang báo Cười đã in Á Tế Á ca đề rõ tác giả là Tán Thuật (tức Nguyễn Thiện Thuật)
Các trang báo Cười đã in Á Tế Á ca đề rõ tác giả là Tán Thuật (tức Nguyễn Thiện Thuật)

Trong thời gian sống lưu vong, Nguyễn Thiện Thuật đã sang Nhật, đã sống ít lâu ở Nhật, đây là điều mà tòa soạn báo Cười của chủ bút Trần Thanh Mại cho biết. Đặc biệt, Nguyễn Thiện Thuật đã sung quân, làm một võ quan Nhật trong trận chiến Nga - Nhật (1904-1905). Khi chiến tranh kết thúc, ông có vinh dự của một người nước ngoài nhưng lại là một võ quan được dự tiệc khải hoàn, được vua Minh Trị ban rượu mừng thắng lợi.

Đây là lời của tòa soạn báo Cười: “Vua Minh Trị ban rượu thưởng rồi cụ ôm gối Thiên hoàng kể rõ tâm sự của mình”. “Ôm gối” là một nghi thức vinh dự trong trật tự đương thời ở Nhật.

Quá trình “giúp Nhật đánh Nga” này, chính trong bài ca Nguyễn Thiện Thuật đã kể rõ:

Thân phiêu bạt đã đành vô lại,

Bấy nhiêu niên Thượng Hải, Hoành Tân,

Chinh Nga trong lúc hoàng quân,

Tủi mình bôn bá theo chân khải hoàn.

Nâng chén rượu ơn ban hạ tiệp,

Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu:

Trời Nam mù mịt ngàn dâu,

Gió thu như thổi dạ sầu năm canh.

Có lẽ việc được “ôm gối” Thiên hoàng và giãi bày tâm sự vào năm kết thúc chiến tranh Nga Nhật (1905) đã kích thích Nguyễn Thiện Thuật đặt bút viết lại tâm sự mình gửi về đồng bào nơi cố quốc:

Biết bao nỗi bất bình khôn dãi,

Mượn bút hoa gởi lại quốc âm.

Thân già bao quản cát lầm,

Khuyên ai dốc chữ đồng tâm sau này

Rất cần đính chính

Được biết, trong nghiên cứu, ở miền Nam, học giả Nguyễn Hiến Lê trong sách khảo về “Đông Kinh Nghĩa Thục” (1956) đã sớm đặt vấn đề về tác giả của bài Á Tế Á ca: của một giáo sư trong nghĩa thục hay của Sào Nam, hay của Nguyễn Thiện Thuật, hoặc Tăng Bạt Hổ, hoặc Nguyễn Thượng Hiền?

Ở miền Bắc, học giả Đặng Thai Mai đã đưa bài Á Tế Á ca vào phần văn tuyển của sách Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (in lần đầu 1961), văn bản dựa vào bản chép tay ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, về tác giả thì ghi chú: “tên tác giả bài này chưa biết là ai, có người nói là của Nguyễn Thiện Thuật, lại có người nói là của Tăng Bạt Hổ”.

Cho đến gần đây, một số học giả lại đưa tác quyền bài ca này về cho Phan Bội Châu, tuy còn khá nhiều băn khoăn vì những điều vô lý trong các mạch suy diễn.

Và hiển nhiên, từ nay nên trả tác quyền bài Á Tế Á ca (Bài ca châu Á) về cho Nguyễn Thiện Thuật. Với bài ca này, có lẽ Tán Thuật là tác giả Việt Nam sớm nhất đã dành một nửa bài ca của mình, diễn ca về lịch sử nước Nhật từ quá khứ qua thời Minh Trị duy tân đi vào thế giới hiện đại, lấy đó làm tấm gương cho dân Việt noi theo.

Nhưng tất cả những điều ấy đều là hậu quả của sự đứt gãy thông tin giữa các thời đại. Nếu là thông tin thì đó là những thông tin rất muộn so với thời điểm tuần báo Cười ở Huế công bố văn bản bài Hoán tỉnh quốc dân ca, cũng tức là Á Tế Á ca (Bài ca châu Á). Học giả Trần Thanh Mại thực hiện điều này vào năm 1938 ở Huế, không phải trong sự đơn độc để có thể tùy tiện. Rất gần ông khi đó có Phan Bội Châu - ông già Bến Ngự - đang ở ngay thành Huế, đã cộng tác với tuần báo Cười bằng thiên hồi ức rất giá trị (Đôi bạn giang hồ, đăng Cười số 2, ngày 8/10/1937) về ông nghè Liên Bạt (Nguyễn Thượng Hiền). Rồi Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Tiếng Dân, cộng tác với tuần báo Cười ngay từ số 1 (1/10/1937) với bài Cái cười quá khứ, dẫn các bài thơ gắn với nhiều kỷ niệm hoạt động thời trước.

Như vậy, tuần báo Cười ở Huế năm 1937-1938 đưa ra văn bản Á Tế Á ca và xác định đây là di bút của Tán Thuật, có thể nói, là sự thông tin của Phan Bội Châu, hoặc ít nhất, là thông tin lấy từ Phan Bội Châu.

Cho nên, quy tác quyền bài ca này về Phan Bội Châu, như một vài học giả làm gần đây, lại là một phán đoán sai lầm rất cần đính chính.

Lại Nguyên Ân

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast