Bài ca tuyệt mật

Tôi vừa dẫn đoàn khách từ trong ra, về đến trạm thì nhận được lệnh: phải gửi ngay gùi công văn mật, vô cùng quan trọng xuống trạm khẩu tiền phương trong đêm! Mật thì lúc nào các bố chả tuyệt mật. Khẩn trương lúc nào mà chả khẩn trương! Muốn anh em đi thì cứ nói là đi, việc gì phải chua thêm mấy câu “khổ lắm, biết rồi, nói mãi” ấy nữa. Dù sao tôi cũng phải xuống bếp chị nuôi khua khoắng, nạp cái gì đó cho yên dạ dày, rồi thì đi với đứng trong đêm trong ngày, muốn thế nào cái thân này cũng chịu vậy.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet


Đã mang cái nghiệp giao liên, nhiệm vụ lúc nào cũng khẩn trương tuyệt mật, nếu không có kinh nghiệm mà bình tĩnh, mà đủng đỉnh thì suốt ngày, suốt đêm, vắt chân lên cổ cũng không làm thỏa mãn các bố! Có hôm chỉ mỗi lá thư tình của ông Binh trạm trưởng tán cô y tá, phong bì cũng đề “Tuyệt mật”, “hỏa tốc”, nửa đêm cũng dựng nhau dậy, hối nhau đi, không đi không được, mà đi thì bụng tức anh ách! Tóm lại là phải quen dần, phải “cáo”, nhìn hàng, xách hàng lên, đoán ngay ra trong đó là món gì, cần gấp thì ta chơi gấp, còn không, cứ la cà dọc đường với mấy làng dân tộc quen thân, rồi về báo cáo sau là có biệt kích phục, hoặc gặp đồng bào bị xóc chông dọc đường, phải giúp dân đưa họ về trạm xá, vân vân. Vô thiên lủng những lí do lí trấu.

Minh họa: Thành Chương

Minh họa: Thành Chương

Với những ý nghĩ ấy, tôi ậm ừ với anh Nhiên trạm trưởng rồi lủi xuống bếp. Bếp lạnh tanh. Sao thế nhỉ? Mấy bà chị nuôi cũng biến đâu cả. Tôi lục trong dàn bếp vớ được mấy nắm cơm liền thủ hai nắm vào túi mìn c’lây-mo, cái túi đa dụng của cánh giao liên, rồi chơi thêm nắm nữa, vừa đi lên nhà chỉ huy vừa “tọng”. Đúng là tọng! Ăn vụng phải biết chùi mép. Nhưng mà tôi cứ chén vì tôi đang cần “nạp năng lượng” để đi làm nhiệm vụ khẩn! Không ngờ mấy nắm cơm ấy là phần của cái thằng tôi, để cho tôi đi và các bà chị nuôi đã phải nhận nhiệm vụ đi gùi mấy gùi công văn khẩn, xuống hướng khác rồi.

Anh Nhiên buộc gùi cho tôi, chuẩn bị cả nước, cả ruốc, cả đèn pin, thấy tôi trốn đâu, anh gọi ời ời. Té ra tôi đã mò xuống bếp và anh lao xuống gặp lúc tôi vừa ăn vừa thở vừa đi lên. Anh quát như quát giặc, còn tôi vẫn cứ “măm” cho hết nắm cơm. Anh bảo tôi quay xuống bếp mà lấy hết đem đi. Tôi càng tỏ ra ấm ớ, lấy xong hai nắm kia nữa rồi mò xuống vòi nước gội cái đầu. Anh xồng xộc chạy xuống nắm tay tôi kéo lên: “Cậu có đi ngay không thì bảo! Nếu sáng mai không có hàng cho các thủ trưởng dưới đó lo cho anh em, thì cậu bị tước quân tịch, hiểu chưa!”. “Vâng”, tôi đáp và khoác gùi lên vai. Gùi công văn gì mà nặng thế nhỉ? Dứt khoát công văn thì không nặng thế này. Nhưng mà đạn thì phải nặng hơn.

Thuốc tây, vải vóc, dụng cụ quân y, quân trang, tất tật tôi đã gùi qua hàng trăm lần. Nhưng lần này hàng đóng đai đóng kiện, bọc ni lông rất kỹ, lại được đích tay trạm trưởng buộc quai, giao nhiệm vụ. Anh Nhiên lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề. Vẻ mặt anh căng thẳng, nhưng lại dúi cho tôi lọ thuốc tăng lực và bảo: “Mày đi cho đến nơi đến chốn, nếu có chuyện gì thì cả tao và mày đều mất gáo, ra tòa án binh”. “Vâng”. Tôi cứ “vâng” đại rồi đi.

Đêm bắt đầu bao trùm xuống núi. Đường xuống trạm khẩu nếu đi ban ngày, gùi cỡ ba chục cân thế này, tôi bươn chừng bốn giờ thì tới. Nhưng đi đêm thì phải gấp đôi thời gian. Làm quái gì mà phải lo. Tôi tính ngay ra bài tính trong đầu: đến làng Đê Tăng Chà vào nghỉ nửa tiếng, đổi đôi pin lấy con gà, đem xuống trạm liên hoan với thằng Châu, thằng Chung đồng hương đồng khói. Cứ đảm bảo đúng bốn giờ sáng - đó là tính theo cách tính kỹ càng của tôi - có hàng cho các bố là được chứ gì. May mà lúc chiều, khi giao đoàn khách cho trạm ngoài, tôi đã tranh thủ ngủ được cả tiếng đồng hồ, thành thử bây giờ leo núi, mệt thì khỏi nói, nhưng tôi không bị buồn ngủ. Buồn ngủ là ớn nhất. Có hôm vừa đi vừa ngủ, hẫng chân, ngã bươu cả trán.

Tôi vừa đi vừa nghĩ tới anh Nhiên. Anh ta tính khí cứ đùng đùng, được cái quát thế nhưng lại hay nịnh anh em. Có cái gì ngon là dúi cho. Anh sợ ông Biền Binh trạm trưởng cứ như sợ cọp. Chả biết vì sao lại thế nhỉ? Tôi thấy ông Biền cũng hiền, cũng dễ chịu, cũng “quần chúng” chứ đâu có khó khăn gì. Tôi rất ghét cái tính anh Nhiên mỗi khi nói chuyện với ông ta, lúc có mặt thì khúm na khúm núm, lúc vắng mặt thì một “cụ” hai “cụ”. Gọi thủ trưởng là “cụ” nghe nó cứ hèn hèn thế nào ấy.

Có lần tôi bảo anh Nhiên: “Tại sao anh gọi ông Biền là “cụ” gọi thế để làm gì?”. Anh cười: “Tớ quen như mọi người vẫn gọi”. Một “Bá cáo cụ”, hai “Bá cáo cụ”, tôi nghe mà lộn cả ruột! Kể cũng buồn cười, tôi cũng biết tính khí tôi cứ hay để ý vặt. Hồi mới về trạm, anh Nhiên gọi tôi là “cậu”, tôi nghe đã thấy trái tai, ngứa miệng liền đốp lại anh rằng, nhà tôi với anh không có họ hàng gì, đừng cậu cậu cháu cháu thế bất tiện cho công việc. Gọi nhau là mày tao nó thân mật hơn. Lúc họp, cáu lên thì mới gọi nhau là “đồng chí”. Anh cười hì hì: “Tớ quen rồi. Tính tớ thế”. Cái gì cũng “tính tớ”, chơi trò ấy với ai thì được, chứ với tôi là tôi “chơi” lại liền. Tôi bảo: “Tính anh thế còn tính tôi là không thế”. “Ừ, ừ, xin lỗi. Tớ sẽ gọi cậu là mày”.

Các bạn đã đi đêm một mình bao giờ chưa? Đã đi đêm mà không nghĩ ngợi lung tung thì vất vả lắm. Phải tếu táo với chính cái thằng mình, nó mới đỡ mệt. Tôi buồn cười thay cho ông Biền mê chị Ngọ y tá ở bệnh xá binh trạm. Mê mà không dám ngỏ lời, lại cứ gửi “công văn”, quà là gì nhỉ: Lúc lọ tăng lực, khi lọ thuốc vắt, lúc quyển điều lệ Đảng, khi dăm ba gói lương khô “bảy linh tư”, nhờ anh Nhiên chuyển. Anh Nhiên nhờ tôi. Tôi đưa cho chị Ngọ. Chị Ngọ chia cho tôi một nửa, chẳng tỏ ra xúc động gì. Cũng không hề phản đối, chỉ bảo tôi. “Anh Biền tội ghê”. Tôi xui: “Chị viết thư bảo ông ấy gửi cho mấy cân đường, dăm hộp sữa”. Chị Ngọ mắng tôi: “Mày chỉ được cái lợi dụng”. Ôi dào, có chị ta lợi dụng thì có. Không yêu người ta mà cứ ậm ờ, ngậm miệng ăn tiền, lại còn nói phách!

Đấy, tôi nghĩ lung tung thế nên đã tới chỗ rẽ vào làng Đê Tăng Chà, chắc phải khuya hung rồi. Tôi ngồi tôi nghĩ. Giờ vào làng, chả ai còn thức, lớ khớ du kích “đoàng” cho một phát thì toi. Hay là ta sang làng Đê Nghe Tỉ hãy đổi gà. Làng ấy gần Khẩu, họ không cần đổi chác, nhưng pin con thỏ thì họ thích vô cùng. Đôi pin con thỏ ông Biền tặng chị Ngọ, chị Ngọ tặng tôi, tôi có gì là chỉ nghĩ ngay tới đổi gà, đổi gạo chén cho sướng cái bụng. Tôi vần bao hàng định đi tiếp. Nhưng máu tò mò nổi lên khi gùi hàng cứng ngắc thế này mà anh Nhiên bảo là “công văn mật”. Hay ta xem thử cái gì? Có thể là sách báo, giấy tờ chứ công văn qué gì? Đúng rồi! Có khi là tiểu thuyết, là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nếu đúng cái khoản này thì nhất định tôi phải thó vài cuốn.

Thằng Chung, thằng Châu bạn tôi lúc nào cũng mê sách báo. Khi vào Nam chúng tôi mỗi thằng mang chục quyến tiểu thuyết, hàng chục quyển Văn nghệ Quân đội để đọc đi đọc lại cho “đỡ tê”. Bây giờ mà vớ được những khoản ấy thì chỉ có nhất! Tôi lấy dao găm ra, lựa thế, gỡ cái nút đầu tiên. Vẫn không gỡ được, đành rạch bao, xem thử cái đã. Tôi soi đèn pin, rạch ngang trên miệng bao, cố moi thử. Cái gì mà cứng thế nhỉ? Không phải là đồ kim loại, không phải thuốc men mà đích thị là một loại giấy. Nhưng có vẻ không phải sách. Hay là truyền đơn? Hay là tranh cổ động? Thôi thì đã rạch ra rồi thì cứ làm thêm nhát nữa. Mình chỉ ăn trộm sách báo, còn bất cứ thứ gì cũng không thèm màng.

Nghĩ thế nên tôi rạch tiếp. Tôi thò tay vào. Tôi rạch ra. Tôi soi đèn pin. Thật là bất ngờ! Đúng là khiếp quá. Từ tối tới giờ tôi coi thường quá. Thế này mà dám to gan định la cà với lại tạt ngang tạt ngửa. Nếu có chuyện gì thì đúng là phải tước quân tịch, phải ra tòa án binh, phải mất gáo thật! Không phải chỉ có mình tôi mà anh Nhiên cũng toi, ông Biền cũng toi! Cả cái trạm của chúng tôi cũng sẽ chẳng ra gì nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hối hả khoác gùi lên vai, tự nhủ, thôi nhé. Bây giờ thì cố mà đi cho nhanh, cố mà đến cho sớm. Tiền chứ có phải chuyện đùa đâu. Tôi đang gùi một gùi tiền xuống cho các thủ trưởng lo chiến dịch cho đơn vị dưới cửa khẩu, đâu phải chuyện đùa.

Và thế là tôi không còn nghĩ ngợi được gì cho hóm hỉnh nữa. Tôi cắm cúi bước, bụng bảo dạ, mình đang gùi cả cái gùi dạ dày của anh em trên vai trước giờ ra trận chứ không phải bỡn.

Nhà văn TRUNG TRUNG ĐỈNH
(Báo Văn nghệ số 17-18/2013)

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast