Bạn cũ

Buổi trưa ngày 1 tháng 5 năm 1975. Cả thành phố còn đang ngây ngất trong niềm vui giải phóng, chợt có tiếng người la thất thanh ở một hẻm gần đường Công Lý cũ: “Có người chết”, “Có người bị ngộ độc!”.

Hàng xóm đổ xô tới một căn nhà mang số lẻ. Rồi xe cấp cứu thét còi hối hả lao tới. Người ta khiêng ra xe một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, gầy ngẳng, mặt xanh ngắt, trên mép có một hàng ria nhỏ. Nhiều người nhận ra đó là một viên trung tá ngụy cũ. Hàng xóm xôn xao. Người ta cho biết vợ con người này đã đi Mỹ. Một mình anh ta ở lại, mấy ngày nay như một cái xác không hồn...

Ngộ độc thật hay tự vẫn? Vì nỗi đau mất vợ, mất con? Hay còn vì những lẽ gì nữa?

Nạn nhân đã được đưa tới bệnh viện của thành phố. Những bác sĩ giỏi nhất của Giải phóng đã tập trung cứu chữa. Nạn nhân được tẩy bao tử và chích đủ các thứ thuốc. Các bác sĩ áp dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết. Một tia sáng le lói. Nạn nhân vẫn còn giữ được chút hơi thở mong manh...

Mùa xuân năm 1954. Đã nhiều năm qua đi. Mặt trận Điện Biên Phủ - Sáng hôm đó đầy sương mù. Cứ điểm đồi Độc Lập bị tiêu diệt đêm trước như một xác người bị đâm chém nhừ nát, đẫm máu, vẫn còn nằm đấy.

Một đơn vị nhỏ của ta phòng ngự ở đó.

Cả một tiểu đoàn lê dương Pháp cộng một đại đội quân dù ngụy với bốn xe tăng đã được lệnh Đờ Cátxtơri tiến ra phản kích hết sức quyết liệt, nhằm chiếm lại căn cứ đã thất thủ. Các đợt phản kích đã liên tục kéo dài từ tám giờ sáng tới trưa, nhưng hai xe tăng đã bị phá hủy, hơn một đại đội lê dương bị loại khỏi vòng chiến đấu, đại đội dù ngụy bị thiệt hại tới một nửa. Đờ Cátxtơri buộc phải cho lực lượng còn lại rút lui. Tuy nhiên, khi rút vào phía trong, bọn lính nhảy dù ngụy đã bắt được một thương binh chúng ta, khi anh bị ngất đi sau một loạt trọng pháo từ Mường Thanh dội xuống trận địa. Người thương binh bị trúng đạn ở cánh tay phải và cả ở sườn trái.

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng

Chỉ huy trưởng đại đội dù ngụy này là một viên trung úy hai mươi bốn tuổi. Anh ta cùng đơn vị thất trận trở về, lê đi không nổi, đôi giày nhảy dù đã bê bết bùn đất.

Bộ quần áo trận tả tơi và cũng nhuộm đầy bùn. Chiếc mũ sắt cầm lỏng nơi tay, tóc rũ rượi, anh ta bước vào lều bạt, gieo mình xuống một chiếc giường vải. Đầu óc anh ta còn hỗn loạn đủ trăm nghìn tiếng nổ. Trong mắt anh ta còn tràn ngập máu người và ngùn ngụt khói lửa. Toàn thân anh ta rã rời và ớn lạnh. Anh ta nhăn mặt lại, cố quên đi, cố xua đuổi mọi nỗi hãi hùng.

Nhưng lũ lính đã vào báo cáo là có một tù binh, một “thắng lợi phẩm”.

Quát lên một câu chửi thề tục tĩu, mắt ngầu đỏ, anh ta đuổi lũ lính đi, rồi úp mặt xuống chiếc khăn dù để cố ngủ, cố quên đi tất cả. Nhưng lát sau, biết không thể không giải quyết vụ này, anh ta đành phải gượng ngồi dậy:

- Cho nó vào đây xem sao!

Mấy tên lính đem chiếc cáng thương tới. Vén lá bạt, viên trung úy mệt nhọc, cau có, miễn cưỡng bước ra.

Trên cáng vải, một người đang nằm thiêm thiếp. Đó là một người mảnh dẻ, và cũng trạc hăm bốn, hăm lăm, gương mặt xanh mét màu sốt rét rừng và cả vì mất máu; mái tóc bết đầy bùn; tấm áo trấn thủ thì đẫm máu và đã bị mảnh đạn cào xé nhiều mảng.

Viên trung úy bỗng sững người. Đôi mắt hơi lồi của anh ta càng như lồi thêm ra. Cái miệng với đôi môi khô trắng, há hốc. Anh ta thở gấp. Rồi hấp tấp tiến lại, quỳ xuống, vội vã lục lọi các túi áo của người thương binh. Hai bàn tay trắng trẻo, ngón dài như búp măng - tay của những chàng trai yếu ớt và được nuôi dưỡng đầy đủ - dường như run lên vì quá hồi hộp trước một mảnh giấy đã sũng nước và nhòe nhoẹt bùn non.

Nguyễn Văn Dị

Sinh 1930, quê quán: Nghi Tàm - Hà Nội

Đại đội phó đại đội 3 - tiểu đoàn 4 - Trung đoàn Tam Đảo - đại đoàn Thép.

Thấy viên trung úy đứng sững, một tên lính tò mò, rụt rè hỏi:

- Thưa trung úy, có lẽ... trung úy... biết người này?

Như choàng tỉnh khỏi một cơn mộng dữ, viên trung úy quay lại, trừng mắt, nạt lớn:

- Cút! Ai cho mày đứng đây? Đồ con lợn!

Hồi lâu sau, khi đã tỉnh lại và được băng bó sơ qua, người thương binh được lệnh vào trong lều vải để “trung úy chỉ huy trưởng đại đội trực tiếp hỏi cung”. Các binh lính xung quanh bị đuổi ra hết, vì “lý do cơ mật”.

Hai người ngồi đối diện; ở giữa là một chiếc “bàn” làm bằng những hòm đạn xếp chồng lên nhau. Trong lều vải tối mông lung, nhưng cũng đủ nhìn thấy rõ hai bộ mặt hết sức khác nhau. Một người gầy yếu, xanh xao, một người trắng trẻo, mập mạp, no đủ. Một người đã trút bỏ bộ đồ trận lấm láp, nhàu nát, thay vào đó là một bộ khác còn hoàn toàn phẳng phiu, thơm tho và được may cắt một cách cực kỳ khéo léo; còn người nọ, vẫn chiếc áo trấn thủ rách tơi tả và đầy máu, vẫn đôi giày vải sũng nước, đầy bùn và chiếc quần rộng thùng thình xắn cao quá gối như kiểu dân cày. “Anh Dị! Phải tôi đây!” - “Anh Cường trố! Vâng, tôi đây!...”.

Hai người nhận ra nhau. Trước kia họ đã là một đôi bạn từ nhỏ. Tuy không thân nhưng họ cùng học một trường, cùng qua tiểu học rồi trung học.

Thời tiểu học, họ đã cùng vào “Sói con” - hướng đạo sinh. Đã cùng nhau vui vẻ hát những bài của ta và của nhi đồng Pháp, mà cho đến bây giờ vẫn chưa ai quên: “Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm...” và “Này em Giắc, hãy ngủ đi!...”. “Dưới ánh trăng, anh bạn Piero của tôi...”. Khi gần hết trung học, phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản phát động như một làn gió mới tràn ngập khắp các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, thì họ lại cùng nhau say sưa hát “Thăng Long thành xưa...”, “Bạch Đằng giang...” và “Này thanh niên ơi...”. Máu trong tim họ đã có một thời cùng dạt dào chảy theo một hướng và nóng hổi tình nghĩa đồng bào, cùng tinh thần ái quốc... Đến khi quân Pháp quay trở lại gây hấn, chuẩn bị đánh chiếm lại Hà Nội và cả nước ta, Hà Nội được lệnh tản cư. Phải chia tay nhau, họ đã ngậm ngùi cùng hứa “Sẽ có ngày gặp lại”. Dạo ấy Cường theo cha mẹ về Hưng Yên. Dị vẫn ở lại. Kháng chiến bùng nổ. Dị mặc nhiên trở thành một người lính của trung đoàn Thủ đô. Còn Cường, sau đó đã theo gia đình hồi cư về Hà Nội. Đến năm 1949, anh ta theo học trường Vũ bị Thủ Đức...

Đã bảy tám năm qua, cuộc chiến ghê gớm đã cuốn mỗi người theo một xoáy lốc khác nhau. Có bao nhiêu người đã bị nghiền nát, và bao nhiêu người đã được sàng lọc lại? Và không thể nào ngờ hôm nay hai người bạn cũ lại gặp nhau như thế này, ở đây - ở ngay cái Điện Biên sôi bỏng này...

- Anh Dị ạ, tôi biết nói gì với anh bây giờ nhỉ? Anh đừng nhìn tôi bằng con mắt thù hận như vậy!

Người bị bắt hơi nhếch miệng cười.

- Trời, nom anh cười, thật càng không sao lẫn được nữa! Anh không khác trước là bao, những cái năm lớp nhì, lớp nhất trường Hàng Than ấy...

- Anh vẫn chưa quên hả?

- Quên sao được anh! Chao ôi, thời thơ ấu bao giờ cũng đẹp...

- Cái đó cũng còn tùy...

- Tôi vẫn nhớ tôi hay quay cóp bài của anh. Nhưng nhớ nhất cái lần chúng tôi đánh nhau với bọn thằng Tôn ở Hàng Đường. Anh đã nhận tất cả mọi chuyện để tôi khỏi bị đuổi học... Hồi đó, tôi nhút nhát lắm, không được như anh...

- Thôi, chuyện cũ...

- Anh trước là người giàu tình cảm lắm mà! Tôi vẫn nhớ như thế...

Cường vừa nói vừa đưa bao thuốc thơm ra. Dị lắc đầu:

- Tôi con nhà nghèo, không quen những thứ này từ nhỏ. Điều này chắc anh cũng vẫn nhớ.

Cường hơi ngượng, đặt bao thuốc xuống. Rồi chép miệng:

- Anh Dị ạ, tôi thật không ngờ chúng ta lại gặp nhau trong cảnh ngộ này... tôi không muốn đối xử dữ dằn với anh, như là... thường lệ.

Dị gật đầu:

- Tôi có nhận thấy điều đó.

Cường có vẻ hả dạ:

- Anh hiểu bụng tôi, vậy tôi... có thể giúp anh...

Đôi mắt Dị như bật sáng:

- Có thật thế không?

- Thật chứ! Anh Dị ạ, tôi có thể sẵn sàng bảo lãnh cho anh khỏi bị... mọi điều không hay xảy ra khi người Pháp đã biết là anh bị bắt vào đây...

Đôi lông mày Dị thoáng nhíu lại, như chưa hiểu rõ:

- Anh cứ nói tiếp đi!

- Anh sẽ được cứu chữa vết thương và được đưa về Hà Nội. Và anh sẽ yên ổn làm ăn sinh sống...

Dị ngồi thẳng người dậy, cắt ngang câu nói của Cường:

- Như vậy có nghĩa là...

- Phải, có nghĩa là anh thôi đừng trở lại hàng ngũ Việt Minh kháng chiến làm gì nữa.

- Ôi! Nghĩa là tôi phải từ bỏ... tất cả?

- Không phải. Chỉ có nghĩa là... anh thôi đừng hoạt động.

- Thì cũng vậy thôi, cũng có nghĩa là tôi phải từ bỏ tất cả?

- Là bạn cũ, tôi thành thật khuyên anh. Anh Dị ạ, đừng có ảo tưởng. Chúng ta không làm gì được người Pháp đâu! Thân phận nhược tiểu da vàng mà, anh!

Mặt Dị thoắt đỏ dần lên:

- Anh nói là Pháp mạnh. Nhưng chúng tôi đang thắng họ ở Điện Biên đấy thôi!

- Không đâu anh! Đây chỉ là mấy “cú” tạm thời ban đầu họ bị bất ngờ. Các anh chưa thấy hết được cái căn cứ quân sự khổng lồ này là đệ nhất Châu Á sau thế chiến thứ hai đấy. Các anh đánh vào đây là sai lầm lớn.

Dị lặng hẳn đi và mặt càng đỏ rực. Cường đã nhận thấy điều đó. Anh ta ngừng lại. Lát sau, Dị mới cất tiếng, giọng anh như trĩu hẳn xuống:

- Anh Cường trố, tôi biết anh nói thực, song anh nói hoàn toàn không đúng. Nhưng thôi, khoan tranh cãi đã. Bây giờ tôi chỉ muốn anh giúp tôi một việc, liệu có được không?

Cường chăm chú. Dị nói thẳng luôn ý muốn của mình.

- Anh hãy thả tôi ra! Anh có thể làm được không anh Cường?

Như có một quả trái phá bất ngờ lao tới, nổ tung ngay giữa chiếc lều vải. Cường như bàng hoàng, choáng váng. Mãi sau anh ta mới ấp úng được:

- Không! Anh Dị, không! Sao lại thế được! Tôi đâu... dám. Tôi không có thẩm quyền...

- Nhưng tôi đang còn ở trong tay anh kia mà!

- Anh Dị! Anh hiểu cho tôi. Thả anh ra, người Pháp sẽ làm gì tôi? Còn vợ, còn con tôi, còn tương lai sự nghiệp cả đời tôi nữa...

Dị nhếch mép cười:

- À, thì ra... anh vẫn thế! Anh vẫn không dám làm một điều gì khác, mặc dầu...

- Anh Dị! - Cường trố như van vỉ - Anh hiểu cho tôi, tôi chỉ là...

Dị lại nhếch mép cười lần nữa. Nhưng lần này giọng anh rít hẳn lại:

- ...Là tay sai, là một lính đánh thuê, có phải không anh?

Đến lượt Cường vụt đỏ mặt. Anh ta đập tay xuống bàn:

- Anh không được nhục mạ tôi. Anh nên nhớ muốn gì thì gì anh đang là tù binh trong tay tôi. Anh cần giữ lễ độ! Tôi đã không muốn làm dữ, làm hại anh thì thôi, anh lại còn...

Dị quay lưng lại. Từ đó anh câm bặt như một tảng đá, mặc cho Cường trố lảm nhảm nói tiếp những điều gì đó.

Sẩm tối, Dị được đưa lên một chiếc xe jeep để vào khu trung tâm Mường Thanh. Một tên thượng sĩ nhảy dù đi áp giải anh. Cường trố cố tình lánh mặt.

Chiếc xe gầm lên, lao trên con đường đất đỏ bụi mù. Lát sau quẹo đi quẹo lại nhiều lần, vượt qua những vị trí dày đặc, chiếc xe dừng lại trước một khu hầm rất lớn trên nóc chất nhiều bao cát. Phía trước khu hầm là một tấm biển gỗ có vẽ một chữ thập đỏ và một dòng chữ: trung tâm quân y.

Dị ngạc nhiên, quay lại phía tên thượng sĩ ngụy ngồi bên:

- Vào đây, chứ không phải vào phòng Nhì, hoặc chỗ Đờ Cátxtơri?

- Vâng! Trung úy tôi bảo đưa ông vào đây để người ta băng bó lại cho ông và chữa chạy cho tử tế đã. Rồi đưa ông sang bên phòng Nhì cũng không muộn.

Dị thở trút ra nhè nhẹ. Rồi chiếc xe jeep quay về. Và ngày mới đêm hôm đó, một tin từ trung tâm quân y bay đi như một dòng điện: tên tù binh Việt Minh đã cả gan lợi dụng tình trạng quá lộn xộn của trung tâm sau hai trận Him Lam, Độc Lập lén trốn mất. Các lực lượng tuần tra đã được lệnh kiên quyết truy tìm, bắt lại bằng mọi giá...

*

* *

Mấy tháng sau, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn thất thủ. Cũng may cho Cường trố, anh ta đã bị thương sau buổi Dị trốn thoát không lâu. Còn may hơn nữa: chiếc máy bay tải thương đưa anh ta cùng hơn tám mươi thương binh cả Pháp, cả ngụy về Hà Nội là chuyến máy bay cuối cùng hạ cánh được xuống sân bay Mường Thanh. Từ đó về sau ba tiếng Điện Biên Phủ như đã đồng nghĩa với: Địa ngục sống.

Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết và quy định bộ đội kháng chiến sẽ vào tiếp quản Hà Nội chính thức từ ngày 10 tháng 10 (năm 1954).

Hà Nội đã trải qua những ngày náo động. Pháp và ngụy tới tấp lo di chuyển vào Nam. Đi hay ở lại? Câu hỏi ấy quay cuồng dữ dội trong không ít gia đình. Với một tâm lý hết sức chán nản và mệt mỏi, Cường đã đi tới một lựa chọn cuối cùng là ở lại. Phải, ở lại và cố quên đi mọi chuyện. Ở lại, và thử làm lại cuộc đời xem sao...

Nhưng không ngờ, ngay giữa ngày 10 tháng 10 năm ấy quyết định của anh ta đã hoàn toàn sụp đổ. Tò mò, đứng lẫn trong đám đông dân chúng để “xem” những người kháng chiến, những người cộng sản trở về, mắt Cường bỗng như lồi hẳn ra. Anh ta không thể lầm được. Hoàn toàn đây không phải là một giấc mơ, hoặc một huyền thoại nào đó về những “tráng sĩ ra đi nay tráng sĩ lại trở về” mà những bà già vẫn kể cho trẻ nhỏ. Đi đầu một tiểu đoàn bộ binh xung kích không phải ai khác mà chính là người mà Cường đã bắt được ở Điện Biên Phủ, người đã yêu cầu anh ta nếu quả là vì tình bạn, còn có tình bạn, thì hãy thả anh ra, mà Cường đã không có đủ can đảm đáp lại... “Thì ra anh vẫn thế” - Anh ấy đã nhếch mép cười khinh bỉ và nói vậy. Có thể hiểu câu ấy là “thì ra ngày thơ bé anh đã hèn yếu, nay anh vẫn hoàn toàn là một tên hèn nhát, không hơn không kém”.

Choáng váng, Cường bỏ đám đông quay về. Có cái gì đó sụp đổ ghê gớm trong lòng anh ta. Đồng thời, một nỗi đắng cay cũng ghê gớm tràn ngập. Thêm cả một nỗi lo sợ. Dù mơ hồ, dù viển vông, nhưng nó cứ âm thầm gặm nhấm, cưa xẻ mãi tinh thần anh ta một cách thảm hại. Hơn một tháng sau, Cường có một quyết định mới: bí mật đưa vợ con xuống Hải Phòng, nơi đó thuộc khu 300 ngày, quân Pháp vẫn chưa rút hết khỏi miền Bắc, để vào Nam...

*

* *

Hai mươi năm sau.

Cường đã là trung tá chỉ huy phó một tiểu khu trên cao nguyên miền Trung.

Mùa xuân 1975, trận Buôn Mê Thuột kinh hoàng đã mở đầu cho sự sụp đổ của toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trong năm đó.

Sau Buôn Mê Thuột, tất cả đã như tan ra từng mảng, như đứng trước một sức mạnh thần bí khủng khiếp, và giờ tận số của định mệnh đã tới không có gì cưỡng lại được nữa.

Cường bị bắt sống trên đường đang tháo chạy cùng một số nhân viên hành chánh địa phương.

Anh ta bị giải tức khắc tới sở chỉ huy nhẹ của một sư đoàn tiến công đang như bão lốc đuổi giặc. Gọi là sở chỉ huy, thực ra chẳng có cái gì hết. Chỉ có một người chỉ huy nhỏ nhắn đeo súng ngắn đang đứng ở bên đường, chân ghếch lên một tảng đá, mặt anh sạm nắng, tấm vải dù khoác sau lưng bay phồng trước gió núi. Bên cạnh anh là một nhóm người, chắc là sĩ quan tham mưu và một tổ điện đài lưu thông.

Cường bị dẫn tới sáp mặt người chỉ huy ấy. Lúc đó anh ta mới nhìn được rõ hơn và kêu lên một tiếng nho nhỏ, gần như giật lùi trở lại, té ngửa...

Người chỉ huy cũng sửng sốt và bước hẳn lên mấy bước:

- Cường trố phải không?

- Trời, anh... à ông Dị, nếu tôi... không lầm.

- Phải, tôi, Dị đây! - A ha! Hay quá nhỉ? Thì ra... là anh!

Dị bật cười vang. Hàm răng của anh vẫn trắng và rất đều đặn như xưa. Tiếng cười thật sảng khoái. Nhưng là tiếng cười ấm. Không thấy vẻ hận thù, hoặc rợn lên sự tàn bạo.

Và thế là, lại như hai mươi năm về trước, ở bên đường truy kích này đã diễn ra cuộc đối thoại giữa hai con người đã một thời là bạn hữu, nay địa vị đã hoàn toàn bị lật ngược. Người bị bắt trước kia nay đã trở thành người chiến thắng, và kẻ tự coi là chiến thắng trước kia, nay lại là kẻ chiến bại hoàn toàn...

Dị ngồi xuống tảng đá. Anh xòe diêm, thong thả mồi một điếu thuốc và đưa cho Cường một điếu. Khi anh cúi xuống, nom lại càng đúng là Dị xưa, “Dị học gạo”, “Dị gầy”, “Cái thằng quanh năm tứ thời một cái quần kaki, một chiếc áo sơmi nhàu nát. Nhưng là một thằng dễ mến, hay giúp đỡ mọi người, và đặc biệt tự trọng, khảng khái...”.

Cường đón điếu thuốc, không hút mà chỉ đứng ngắm nhìn Dị. Và một cái gì đó tựa như một niềm tủi hổ, hơn là nỗi sợ hãi xâm chiếm toàn bộ đầu óc, làm cho hai mắt anh ta bỗng cay cay muốn ứa lệ.

- Ngồi xuống! Phải, tôi cho phép anh ngồi xuống gốc cây đó! Đến lượt tôi hôm nay nói với anh: không ngờ chúng ta lại còn được gặp nhau, và gặp nhau trong cảnh ngộ này. Kỳ lạ thật, phải không anh?

Cường cúi mặt. Nước mắt anh ta ứa ra thật, không sao cầm nổi nữa!

- Không! Tôi không có ý muốn nhục mạ hoặc mỉa mai anh. Nhưng quả thật, tôi không khỏi nhớ lại lần chúng ta gặp nhau ở Điện Biên Phủ. Tôi biết hôm ấy anh không có ý xử ác hoặc làm hại tôi. Và anh đã thành thật khuyên tôi một vài điều nào đó...

Cường ngẩng mặt lên. Bộ mặt anh ta đã như hoàn toàn méo mó. Anh ta muốn gào lên để van xin Dị đừng nhắc lại chuyện cũ nữa. Dị nhìn vào cặp mắt tan rã, đau khổ và tủi nhục của tên tù binh. Anh ngừng lại. Điếu thuốc đã cháy sát hai ngón tay vàng khè. Gương mặt anh chìm sâu trong những suy nghĩ. Rồi anh vẫy mấy chiến sĩ lại:

- Đứng coi người này! Cẩn thận nhé. Tôi đi gặp chính ủy, trao đổi ý kiến một chút.

Dị đi khuất. Cường lo sợ nhìn theo. Anh ta sẽ làm gì mình đây? Anh ta sẽ tra khảo lấy khẩu cung luôn hoặc có thể bắn liền? Tù binh hiện nay rất đông, một cái miệng này đâu có còn giá trị gì nhiều lắm? Làm thế nào để thoát? Làm gì? Làm thế nào bây giờ? Trời, số phận sao mà ghê gớm!...

Rất mau, Dị đã quay trở lại. Anh không ngồi xuống tảng đá nữa, mà đứng xòe diêm tiếp tục mồi một điếu thuốc thứ hai. Nét mặt anh rất khó đoán. Vui vẻ, cởi mở, lẽ cố nhiên là không rồi, nhưng cũng không giận dữ, không hung ác...

- Anh Cường, nghe tôi nói đây! Trước ở Điện Biên tôi có đề nghị anh thả tôi ra. Nhưng anh không dám. Cuối cùng, bây giờ anh đã thấy cuộc sống đã chứng minh con đường nào của chúng ta là đúng?...

Cường lại cúi mặt. Anh ta định nói cái gì đây? Rào đón để rồi sẽ bắt Cường phải làm những điều gì, chịu đựng những gì?

- Nhưng mà thôi, không có nhiều thì giờ để nói với anh đâu, tôi muốn kết thúc cuộc gặp gỡ hôm nay bằng một việc...

Trái tim Cường như đứng hẳn lại.

- ...Tôi sẽ thả anh, mặc dầu anh không dám yêu cầu. Anh ngạc nhiên lắm hả? Phải, tôi nhắc lại: tôi sẽ thả anh. Cho anh được tự do, tìm đường trở về với vợ con anh. Anh ở Sài Gòn ư? Thế thì càng tốt.

- Ôi, anh Dị!... Ông Dị! Có thật không? Tôi xin... Tôi biết làm gì để bày tỏ...

- Thôi, không phải nói gì hết. Các chiến sĩ của tôi sẽ cho anh một bộ thường phục để anh theo dân chúng mà về. Không có điều kiện gì hết. Chỉ mong anh hãy trung thực. Thấy gì ở đây thì nói lại đúng như thế với gia đình và nhất là bạn bè anh. Thế thôi! Và này, không đùa đâu nhé, chúng ta sẽ lại gặp nhau ở Sài Gòn đấy!

Tất cả mọi việc đã diễn ra hoàn toàn như một giấc mơ.

Đôi tay Cường run lên đỡ lấy bộ quần áo thường dân và một số lương khô, đồ hộp. Anh ta không nói nổi một lời nào nữa. Nỗi mừng cuống quýt đến mê sảng.

Về tới Sài Gòn, mà anh ta vẫn chưa thực tin mình còn sống. Và chỉ hai tháng sau, không thể nào tưởng tượng được nổi, câu nói cuối cùng của Dị mà Cường đã quên bẵng đi rồi, nay không ngờ đã trở thành sự thật. Quân Cách mạng thắng như chẻ tre và đã áp sát tới Sài Gòn...

Sài Gòn đã hoàn toàn sụp đổ. Gia đình các sĩ quan, binh lính và những người thân Mỹ giày xéo lên nhau để ra sân bay và bến cảng.

Cường cuống cuồng đưa vợ con tới tòa đại sứ Mỹ và gặp được một sĩ quan CIA quen biết. Tên này kéo được Thanh Tuyền và hai đứa nhóc vào qua hàng rào lính thủy đánh bộ. Cường bị gạt lại. Anh ta tự an ủi: sẽ đi chuyến sau. Nhưng nào ngờ chuyến sau, chuyến sau nữa và cả đến chuyến trực thăng cuối cùng anh ta vẫn không sao chạy thoát được. Ngày hôm sau, toàn thành phố được giải phóng...

Như một người rồ, anh ta đi lang thang, cười cười, khóc khóc, trên các đường phố đang đỏ rực màu cờ. Một mình anh ta trơ trọi giữa căn nhà nay đã trở thành hoang phế, như một hồn ma ai oán giữa một nhà mồ. Cũng may, nhà bên là một gia đình trí thức có mấy cô con gái đang là sinh viên, và họ đều là Phật tử. Với lòng từ thiện, thỉnh thoảng họ bảo nhau chạy sang khuyên giải hoặc nấu cơm, nấu cháo cho người hàng xóm đau khổ.

Và buổi sáng ngày mồng 1 tháng 5, khi lại lang thang như bị ma ám, đi trên các đường phố, anh ta đã bắt gặp một trong những đơn vị của quân Giải phóng diễu hành. Có lẽ anh ta đã gặp lại Dị chăng? Người chỉ huy đơn vị ấy cũng nhỏ nhắn, cũng có cặp mắt thông minh như vậy, cũng nụ cười cởi mở... Có lẽ đúng là Dị rồi! Ôi, kỳ lạ. Nếu vậy, thật kỳ lạ biết bao!... Cứ y như một điều gì đã được định sẵn, bởi một bộ máy vô hình huyền bí, màu nhiệm nào đó. Và đây có phải là sự kết thúc của một cuộc săn đuổi dai dẳng ghê gớm suốt từ đầu đến tận cùng đất nước, hay là sự ngã ngũ bi thảm của sự thách đố lựa chọn một lẽ sống?

Cường quay trở về, tái nhợt như một xác chết. Anh ta run rẩy mở cửa, vào nhà, mở các hộc tủ. Anh ta tiếc không còn giấu lại được một khẩu súng nào. Ngồi rũ xuống một lúc, anh ta đứng dậy, lần mò vào bếp. Một gói thuốc trừ chuột. Đây rồi! Thanh Tuyền đã mua nó từ lâu, vứt xó ở đây...

Anh ta ngửa cổ lên, bàn tay run bắn mở gói giấy... Buổi trưa ấy chính là trưa ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Lúc đó, dưới cầu thang gác, hai cô nữ sinh đang mau mắn bước lên. Họ nhớ tới bữa ăn trưa của ông hàng xóm khốn khổ. Vừa ló đầu vào nhà, hai cô đã nghe thấy rầm một tiếng, rồi một bóng người ngã gục. Hai cô rụng rời cả chân tay. Cô lớn tuổi hơn sớm hiểu ra chuyện gì. Cô lao ra ngoài nhà, thét lên “Có người chết!”. “Có người bị ngộ độc”.

Và xe cấp cứu đã rú còi inh ỏi tức tốc lao tới...

Trong bệnh viện, Cường nằm thiêm thiếp, bên tai anh ta mơ hồ vọng lại mãi những câu hát nào đó, như từ một thế giới hết sức xa xăm nào và không hề có thực. “Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm...” và “Em Giắc ơi, hãy ngủ đi, ngủ đi...”.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast