Bão lạc mùa

Nếu không có gã đàn ông xấp xỉ ngũ tuần, trán ngắn, khuôn mặt to bè, cặp môi mỏng với cái nhìn lúc nào cũng cùm cụp ấy thì chắc chắn tôi chẳng biết Miên là ai, ở đâu dưới gầm trời này.

Truyện ngắn

Người ta bảo "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Tôi không nghĩ mình với Miên có duyên nợ gì. Tất cả là do hoàn cảnh xô đẩy và đặc thù công việc của tôi - một tay phóng viên nhờ trời có tí năng khiếu cộng với may mắn được vài "cây đa, cây đề" trong nghề dìu dắt nên tạo được chút tiếng tăm. Thực ra, trong cõi đời này, có những cuộc hội ngộ không nên xảy ra vẫn hơn, như lần gặp gỡ giữa tôi và Miên…

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Tôi đã không trở lại dốc Vườn Chuối như từng hẹn với Miên. Mùa hạ năm ấy mưa nhiều. Lũ tiểu mãn nhấn chìm cả vùng thượng nguồn sông Ngàn rộng lớn. Con đường từ Lâm trường Sơn Mai về thị trấn bị đất đá vùi lấp. Chuyến đi dự kiến hai ngày của tôi kéo dài ra thành một tuần do phải ngồi bó gối đợi thông đường. Sốt ruột vì thủ tục chuẩn bị cho việc tu nghiệp ở nước ngoài chưa đâu vào đâu, trong khi hạn chót lại đến gần, tôi quyết định thuê người bản địa dẫn đường, cắt rừng ra huyện lị, rồi xuôi thị xã, về Hà Nội. Miên tiễn tôi lên đầu con dốc. Em gầy gò, nhỏ thó trong bộ áo mưa rộng thùng thình. Môi em tím tái, bợt bạt vì lạnh. Duy chỉ có đôi mắt là ánh lên nỗi buồn pha chút ẩn ức khó tả. Miên khóc, những giọt nước mắt của em hòa lẫn với nước mưa chảy dài trên khuôn mặt. Tôi vòng tay ôm em, thì thầm trấn an: "Không sao đâu em ạ. Anh đã nói hết lẽ thiệt hơn với ông Sìu rồi. Anh sẽ trở lại"… Tôi buông tay, khoác ba lô quay bước. Bóng em chênh vênh bên triền dốc, nhỏ dần rồi khuất hẳn trong làn mưa bay mịt mờ. Năm ấy, Miên mười sáu tuổi…

Sìu là cha dượng của Miên.

Nếu không có gã đàn ông xấp xỉ ngũ tuần, trán ngắn, khuôn mặt to bè, cặp môi mỏng với cái nhìn lúc nào cũng cùm cụp ấy thì chắc chắn tôi chẳng biết Miên là ai, ở đâu dưới gầm trời này. Người ta bảo "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Tôi không nghĩ mình với Miên có duyên nợ gì. Tất cả là do hoàn cảnh xô đẩy và đặc thù công việc của tôi - một tay phóng viên nhờ trời có tí năng khiếu cộng với may mắn được vài "cây đa, cây đề" trong nghề dìu dắt nên tạo được chút tiếng tăm. Thực ra, trong cõi đời này, có những cuộc hội ngộ không nên xảy ra vẫn hơn, như lần gặp gỡ giữa tôi và Miên…

Buổi chiều cuối thu. Mưa giao mùa dầm dề, dai dẳng. Thành phố ướt sũng như tấm khăn bông nhúng nước. Ngồi cắn bút ở tòa soạn mãi chẳng ra được ý gì hay ho, tôi xếp tài liệu vào ngăn kéo, định bụng rủ vài người bạn ra quán cà phê giết thời gian. Mưa, nhâm nhi một li đen, ngồi tán chuyện trên trời dưới bể cũng là cái thú. Điện thoại, hẹn hò xong, vừa dắt xe đến cổng tòa soạn thì có khách. Khách là Miên. Gầy gò, nhỏ thó trong bộ áo mưa rộng thùng thình. Cảm nhận đầu tiên của tôi - đó là một cô bé nhỏ hơn so với tuổi mười sáu như em nói. Lúng búng mãi Miên mới dám cất tiếng:

- Dạ… anh cho em gặp chị Diệu Huyền.

Tôi cười:

- Không có chị Diệu Huyền nào cả đâu em ạ. Đó là bút danh của tôi, lấy theo tên một người bạn gái thời đại học.

Miên sững người trong chốc lát rồi lại quay về trạng thái ngại ngần ban đầu.

- Mưa gió thế này, em đến đây chắc phải có việc - Tôi gặng hỏi.

- Dạ… có… nhưng mà… - Miên im lặng, cúi xuống mân mê vạt áo. Mãi sau em mới ngẩng lên, mắt đỏ hoe… Tôi không ngờ, câu chuyện của em lại buồn đến thế. Buồn hoang hoải như ánh nhìn của em và cả cái chiều mưa dầm dề lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau…

- Nhà em ở Lâm trường Sơn Mai - Miên bắt đầu bằng giọng nói nhỏ, đều đều, nặng nhọc, nghe kỹ cứ như pha thêm tiếng thở dài trong đó.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Lâm trường Sơn Mai thì tôi chẳng lạ. Hồi sinh viên, tôi từng đi tình nguyện ở đấy. Một nơi khỉ ho cò gáy. Mở mắt ra chỉ thấy núi và núi. Núi trùng trùng điệp điệp. Núi giăng thành hàng, thành lũy. Tám, chín giờ sáng mới thấy ánh mặt trời xiên qua vách đá. Ba bốn giờ chiều đã bắt đầu tắt nắng. Cứ u u mê mê như trong cõi hồng hoang. Nói là lâm trường nhưng công nhân ở lẫn dân bản địa. Từ khi lâm trường giải thể, chỉ để lại mỗi cái địa danh hành chính, còn thì công nhân với nông dân là một. Tất cả đều dựa cả vào rừng. Miếng cơm manh áo của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái đều từ rừng mà ra. Sống và chết đều ở rừng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in lời ông Giám đốc lâm trường về hưu: "Dân Sơn Mai chín mươi chín phần trăm là "lâm tặc"… Không làm lâm tặc thì lấy gì mà sống hả chú?". Nghe qua thấy đắng chát, nghẹn ứ trong lòng. Nhưng mà đúng sự thật. Thế mới buồn…

- Em sinh ra không biết mặt bố - Miên tiếp - Mẹ em bảo bố em là dân sơn tràng. Mẹ từ dưới xuôi lên làm công nhân. Cả hai đều nghèo, tay trắng gặp nhau. Mẹ mang bầu em bảy tháng, bố đêm nào cũng mất ngủ vì không biết đào đâu ra tiền lo cho vợ vượt cạn, rồi còn con nhỏ, tiền tã, đường, sữa, thuốc thang… trăm thứ bà rằn mà chẳng ai cho không thứ gì. Một đêm, bố gọi mẹ dậy bảo: "Thôi, mình để tôi đi chuyến này, kiếm ít tiền…". Mẹ thở dài, không dám cản nhưng lo đứt ruột vì bấy giờ đang là mùa mưa. Mùa mưa đồng nghĩa với lũ rừng. Mà lũ rừng không nói ra chắc anh cũng biết nguy hiểm nhường nào… Sáng ấy, mẹ tiễn bố đi. Ngày có lũ, bố không về. Nước rút, mẹ hóa điên hóa dại chạy dọc bờ suối gọi tên chồng… Sau cú sốc ấy mẹ sinh non… Em ốm đau, quặt quẹo nhiều lúc tưởng chừng như không sống nổi cũng là vì thế…

Nói đến đấy, Miên dừng lại, tay vén những sợi tóc dài và ướt bay lòa xòa trên khuôn mặt thiếu nữ.

- Mẹ em là một người đàn bà đẹp - Miên thở dài.

Đàn bà đẹp chăn đơn gối chiếc, nuôi con một mình hẳn sẽ trở thành mối quan tâm của nhiều đàn ông. Người chân tình sẻ chia vui buồn ngọt đắng, kẻ chực lợi dụng thân xác thỏa mãn thú vui trần tục. Hoa không có chủ, ong bướm muốn ghé qua âu cũng là lẽ thường tình ở đời. Ấy là phúc nhưng cũng là họa của giai nhân.

Phúc và họa đến với mẹ Miên cùng một lúc, trong gương mặt của một con người. Lão Sìu.

Dân Sơn Mai đồn cái lão lái trâu ấy cả vợ lẫn nhân tình, nhân ngãi xấp xỉ một chục. Được cái lão "cung ứng" đủ cả tình lẫn tiền, lại bố trí mỗi bà một phương nên chưa bao giờ xảy ra cảnh "nồi da xáo thịt" "huynh đệ tương tàn" ở chốn hậu cung.

Lão bước vào cuộc đời của mẹ con Miên trong một đêm mưa gió ngập trời. Miên lên cơn sốt, co giật, tím tái cả người. Mẹ bế cô chạy ra đường, tìm người giúp. Trời xui đất khiến đúng lúc lão Sìu đi qua. Lão đặt hai mẹ con lên chiếc Min "khù khờ", trổ hết khả năng của một tay chạy xe máy đường rừng, chở Miên lên bệnh viện huyện.

Lần ấy, bác sĩ bảo chỉ cần đến chậm dăm, bảy phút Miên khó thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Cái ơn cứu mạng đứa con gái, cộng với hoàn cảnh chăn đơn gối chiếc, cần một chỗ dựa để chống chọi với đời đã khiến mẹ Miên gật đầu chấp nhận về sống với lão Sìu trong một mối quan hệ già nhân ngãi, non vợ chồng. Sòn sòn năm một, Miên có thêm ba đứa em.

Những mùa trăng nối tiếp nhau đi qua trên những đỉnh núi quanh năm mây phủ của vùng Sơn Mai khỉ ho cò gáy.

Miên lặng lẽ lớn lên. Mười ba, mười bốn tuổi, sau làn áo em đã hiện hình những đường cong để bắt đầu thời thiếu nữ. Một bữa trăng suông, lão Sìu đi uống rượu về. Khát nước. Nóng nực. Lão lọ mọ ra giếng. Cái giếng khơi ở cuối vườn nước lúc nào cũng mát lạnh như kem, cho dù đang giữa mùa hè. Lão chết sững. Đứa con riêng của vợ đang tắm. Ánh trăng chảy tràn trên thân thể của cô bé bước sang tuổi dậy thì khiến lão không thể cưỡng lại được. Lão nhào tới, giọng khê nồng:

- Để dượng tắm cho con.

Bàn tay to bè như nải chuối mắn của lão chụp lấy vồng ngực mới nhú của Miên. Cô cố chống cự nhưng lão Sìu, với sức mạnh của con hổ đói đè ngửa Miên ra thềm giếng. Miên với tay, vớ được cái chậu đồng phang thẳng vào khuôn mặt tham lam đang chà xát trên thân thể cô. Lão Sìu kêu ối một tiếng, bật ngửa ra sau. Tiện thể, Miên co chân đạp dúi dụi vào giữa bụng lão bố dượng mất nết rồi co giò bỏ chạy.

Hôm sau lão Sìu bảo vợ là đi uống rượu bị ngã vỡ mặt. Chuyện bên thềm giếng đêm trăng suông ấy chỉ có hai người biết. Miên không nói ra vì sợ mẹ buồn. Hơn nữa, cô nghĩ đó chỉ là hành động bột phát của ông bố dượng trong lúc say không làm chủ được mình. Người say nhất thời sai sót thì cũng nên được bỏ qua một lần.

Nhưng đời đâu đơn giản như cô nghĩ.

Một đêm Miên giật mình thức giấc bởi bàn tay sờ nắn khắp người cô. Miên gào lên kêu cứu. Vô ích. Cửa đóng then cài. Mẹ dẫn các em cô về quê giỗ ông ngoại. Mười lăm tuổi, Miên thành đàn bà. Khi biết chuyện, mẹ cô ngất lên ngất xuống. Nhưng bà cũng chỉ biết buông xuôi. Lão Sìu gằn giọng:

- Tao lỡ… Giỏi thì đi mà báo chính quyền. Tao đi tù thì mẹ con nhà mày rã họng chết đói. Chưa kể, chuyện này ầm lên thì con Miên chỉ có nước ở vậy suốt đời.

Không phải lão nói không có lý.

Cũng chính vì cái lý ấy mà lão cậy thế làm càn, lạm dụng cô thêm mấy lần. Lần nào xong lão cũng ném cho Miên mấy viên thuốc bắt uống rồi cất cái giọng khê nồng bảo yên chí đây là lần cuối.

Nhưng không có lần cuối nên Miên quyết định về tận tòa soạn gặp tôi - nhà báo "Diệu Huyền" - kêu cứu. Sở dĩ có chuyện ấy vì trước đó tôi viết một loạt phóng sự điều tra về nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Câu chuyện của Miên ngay lập tức khiến tôi lên đường. Tôi xác định chuyến đi ấy không phục vụ cho việc viết lách. Tôi gọi lão Sìu ra quán thịt chó, ném cái thẻ nhà báo lên bàn, tiện thể cho lão xem luôn lá đơn tố cáo dài gần bốn trang giấy học trò của Miên. Lão tái mặt. Tôi rành rọt từng chữ:

- Ông chỉ giỏi bắt nạt đàn bà con gái. Từ giờ, nếu ông còn động đến Miên cho dù chỉ là sợi tóc thôi thì tôi thề sẽ làm đến nơi đến chốn chuyện này. Người từng trải như ông, không nói chắc cũng hiểu cơm tù không ngon bằng cơm nhà. Liệu mà sống…

Chỉ bấy nhiêu, tôi đứng dậy. Lão Sìu líu ríu chạy theo, miệng lắp ba lắp bắp:

- Cắn rơm cắn cỏ lạy anh, anh tha cho. Tôi chặt tay xin thề từ nay chừa… chừa hẳn.

Có vẻ lão giữ lời, vì bốn tháng sau buổi nói chuyện ấy, lão không hề đụng đến Miên. Thư em viết: "Ổn rồi anh ạ. Lão không làm phiền em nữa"…

Tôi hoàn thành thủ tục, ra nước ngoài tu nghiệp. Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi hiếm hoi nơi đất khách, nhớ đến em, tôi định viết thư nhưng rồi lại thôi. Phần vì bận, phần nghĩ dù gì đó cũng là một khoảng đời đau đớn của em, cần phải có thời gian để quên đi càng nhiều càng tốt.

Hai năm sau, tôi về nước, trở lại với công việc thường ngày ở tòa soạn. Vẫn canh cánh trong lòng lời hẹn trở lại Sơn Mai. Nhưng rồi muôn vàn việc hữu tích sự lần vô tích sự cứ cuốn tôi đi, mãi vẫn không thực hiện được chuyến đi dự kiến…

Vậy mà chưa cần trở về chốn cũ, tôi vẫn gặp em.

Cuộc hội ngộ diễn ra trong nhà tù, khi tôi đi thực tế lấy tư liệu viết bài về hiện tượng người vị thành niên phạm pháp.

Vẫn biết là trái đất tròn, nhưng không ngờ lại có những vòng tròn oái oăm đến thế.

Buổi chiều ở trại cải tạo, nắng hanh hao vàng trên những ngọn cây. Vừa qua cơn bão lạc mùa, khung cảnh xơ xác, buồn tẻ. Miên ngồi đối diện với tôi qua chiếc bàn nhỏ. Em vẫn vậy, duy chỉ có đôi mắt là khác xưa, buồn nhưng không còn nét ẩn ức ngày trước. Hai chúng tôi như những kẻ lâu ngày lục lại hòm sách báo cũ, bỗng bắt gặp trang nhật ký thất lạc thuở nào, rồi cứ thế lặng im cho kỷ niệm tràn về trong ký ức.

- Em bị kết án tội giết lão Sìu - Mãi sau Miên mới lên tiếng.

Sau lần gặp tôi, lão giữ đúng lời hứa, không đụng đến Miên. Nhưng như thế không có nghĩa là lão từ bỏ thói dê già. Một bữa, Miên đi học về, nghe thấy tiếng thét trong bếp. Cô nhào tới. Lão Sìu trần như nhộng đang ôm chặt con bé hàng xóm lên tám. Miên đẩy lão ngã bổ chửng, mở cửa cho nạn nhân chạy thoát ra ngoài. Hụt mất con mồi, lại bị ngã đau, lão vùng dậy đánh cô túi bụi. Uất ức dồn nén, vớ được con dao gọt hoa quả, Miên nhắm mắt, đâm liên tục…

Lão bố dượng thoát chết nhưng mang thương tật suốt đời.

Miên ra tòa lĩnh án.

Một cái kết thật buồn…

Sáng hôm ấy, khi tôi rời trại cải tạo, sương trắng vẫn giăng mờ trong thung lũng. Không có màn tiễn chân như lần chia tay trước. Một mình tôi ra tỉnh lộ đón xe, lòng nặng trĩu. Hành động bột phát của Miên, giống như cơn bão lạc mùa, đến bất thường, không báo trước nhưng lại có sức tàn phá khủng khiếp và để lại dư chấn lâu dài. Hóa ra thỏa hiệp với cái ác, dù trong hoàn cảnh nào cũng là điều tối kỵ. Thật tiếc, khi tôi hiểu ra điều đó thì tất cả đều đã muộn.

Tôi biết mình nợ Miên, nhiều hơn cả một lời xin lỗi

Nguồn: CAND.com

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast