Bên kia sông

Tôi ngồi bên một luống hoa cúc vàng trước sân nhà nhìn mặt trời đỏ bầm chếch chếch xuống trên bờ đê lộng gió. Nhà dì ngoảnh mặt ra bờ đê sông la. Mỗi chiều, cứ đi ra ngõ, quanh qua mấy đoạn cúc vàng, bước hơi chùn chân và hơi thở chộn rộn một tí là đã đến bờ đê lộng gió rồi. Xa xa dì thư thả ngồi trên bờ đê một mình từ lúc nào. Áo dì dấp dính đầy nắng trong dáng ngồi mặc nhiên tĩnh tại. Một cảm giác mênh mông diệu vợi và trống trải. Nhưng hình như dì đã quen với cảm giác đó. Nó giống như một sự chờ đợi. Mỗi khi ánh chiều tắt lịm, tôi thấy mắt dì cũng tối lại dần.

Truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga

Hôm đó, tôi về tới nhà dì trời cũng đã chiều như thế này. Dì đang tưới cây cho đám cúc vạn thọ trong vườn. Dì không buồn nhìn tôi. Thật ra tôi đã thấy rất may vì dì không nhìn tôi. Tôi biết, dì có lý do để không cho tôi bày tỏ cảm xúc của tôi lúc ấy. Hẳn thể nào mẹ tôi cũng đã gọi điện để nói chuyện của tôi rồi, thể nào dì cũng biết rồi. Dì xởi xởi lại gốc hoa cúc rồi nói với tôi:

- vào tắm đi cho khỏe, nước đã nóng rồi đó.

Tôi lặng lẽ ngồi một lúc rồi lặng lẽ đi vào. Nhà tắm thơm mùi hoa oải hương, thứ xà bông mà tôi và dì thường dùng màu tím ngát. Tôi nhìn lại mình trong gương. Một gương mặt vô hồn, nhếch nhác. Một đôi mắt bạc trợt vì thiếu ngủ và cả vẻ xám xịt của làn da tố cáo hết thảy những tháng ngày tôi đã trải qua như thế nào. Tôi nuốt ực cảm giác tủi thân vừa chợn lên trong lòng rồi xả nước. Tôi nằm xoài xuống sàn nhà tắm, nhắm mắt hít sâu rồi thở đều, mặc nhiên cho nước chảy tràn lên mặt, lên cổ rồi lên ngực. Từ đây, tôi nhận ra mình trong bộ dạng lõa lồ đang nằm kia, tôi đang cần gì, đang muốn gì.

Tôi bỏ chồng. Đàn bà không con cứ như cây không có lộc, khô khốc và chán nản. Thật ra, quyết định trả tự do cho Hào tôi đã có từ lâu rồi. Nhưng nghĩ đến sự quan tâm ân cần của anh mà tôi không thể nào quyết định nổi. Những năm trước, mỗi lần tôi khóc, Hào thường ôm tôi vào lòng, nói một câu muôn thuở rằng Hào chỉ cần có tôi thôi là đủ. Tôi đã dùng dằng cho đến mấy năm sau vì chuyện đó. Nếu không có một ngày tôi bắt gặp anh đứng thất thần trước cổng của một vườn trẻ. Lúc đó, tôi đã ân hận, đã buồn, đã giận mình đến trăm ngàn lần rằng, tại sao mình lại có thể ích kỉ với Hào đến thế. Trước hôm tôi quyết định điều hệ trọng ấy, tôi đã nghĩ Hào sẽ không đồng ý. Và tôi biết sẽ nói chuyện với Hào như thế nào để anh hiểu được nỗi lòng của tôi. Thế nhưng, tôi đã lầm. Khi tôi can đảm nói được chuyện đó, Hào đón nhận một cách im lặng. Sự im lặng của anh làm tôi bủn rủn. Tôi lặng im như phỗng nhìn con người đó, chồng tôi đang ngồi trước mặt tôi, đang chờ đợi câu nói cuối cùng của tôi, cái câu mà anh đã muốn từ lâu mà không thể nào nói nổi. Giá như anh nổi khùng, hay phản đối, tôi sẽ khóc lóc để van xin anh buông tha cho tôi mà đi tìm cuộc sống mới. Tôi sẽ quỳ xuống bên anh mà xin lỗi đã dẫm đạp lên tình yêu bền bỉ của anh trong suốt một thời gian dài. Vậy mà, bây giờ thì hết rồi, nhìn thái độ của anh thoáng chút day dứt nhưng toại nguyện, tôi chợt hiểu ra, tôi đã nói hộ anh những điều anh mong muốn. Tự nhiên tôi thanh thản, thanh thản như một buổi chiều mùa thu ngào ngạt hương sen đã bắt đầu úa tàn. Ôi hoa sen! Cái loài hoa đến phút cuối cuộc đời, đến tàn rữa rồi vẫn còn ngậm hương ngọt ngào đến thế.

Dì đón tôi nhẹ nhàng ở cửa nhà tắm và trao cho tôi một tấm khăn bông choàng. Tôi quấn khăn quanh người rồi ngồi xoài trên bậc thềm phủ đầy hoa cúc vàng rực rỡ. Dì ngồi bên im lặng, dáng gì mỏng manh và sáng rực nỗi buồn như hoa cúc. Hình như, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi nhận ra mùi mồ hôi của dì cũng ngai ngái như mùi hoa cúc giập gãy mà tôi hít hà không biết chán. Dì vỗ vỗ vào vai tôi thì thầm: "đàn bà mà không biết chế ngự là khổ con ạ, rất khổ".

*

Tôi nằm tựa lưng vào dì thiêm thiếp ngủ. Không cả quần áo, chỉ có một chiếc khăn tắm quấn hờ mà sao thảnh thơi đến thế. Ngày trước, mỗi khi buồn, dì cũng thường có thói quen nằm xoài ra giữa nhà tắm và quấn khăn đi lại trong phòng rồi ngủ rục giữa nhà, đầu tựa vào chiếc ghế xo pha thơi thả. Dì nói, lúc đó, cơ thể mình cần được tự do, đừng khoác lên nó những bộ cánh chật chội, những khuy móc nâng đỡ. Thư giãn tuyệt đối.

Tôi lẩm bẩm mãi cái từ " không biết chế ngự" của dì mà loanh quanh như đứng giữa ngã năm ngã bảy một con đường không biết lối rẽ nào là đúng. Những con đường nghìn ngịt những người và người ngược xuôi. Từ những ngã tư rộng rãi đó, họ túa vào những con đường nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống con đường giống như những chiếc phễu khổng lồ mà những con người lần lượt trôi tuột vào đó. Tôi đang ở đâu? Đang rơi vào chiếc phễu nào hay đang đứng nhốn nháo giữa ngã tư mà không tìm được lối rẽ.

Dì lại cắt đứt dòng suy nghĩ bề bộn của tôi khi mở một đĩa nhạc không lời. Bản nhạc unchained melody mà dì thích nhất. Đã bao nhiêu năm qua rồi, dì tôi vẫn không thay đổi thói quen nghe nhạc không lời mỗi khi kiệm lời không nói lên được nỗi lòng mình nghĩ. Trong tận cùng sự cảm thông, tôi nhận ra sự cô đơn đến tuyệt đối của dì. Nó giống như một ngôi nhà cổ đầy rêu phong u hoài trong xô bồ những tầng kiến trúc hiện đại tối tân với tường kính trong suốt, những cánh cửa cảm ứng và những dây leo bằng nhựa vô hồn rải đầy những thứ quả bằng cao su cũng vô hồn không kém.

Ai cũng nói dì tôi là nhất. Cái nhất đầu tiên của dì là có một người chồng thành đạt, những đứa con như được vẽ ra từ các bức tranh thiên thần cổ. Dì sướng đúng với sắc đẹp và tài năng của mình. Một con người sinh ra chỉ để tô điểm cho cuộc đời những nụ cười trong như suối vỡ và giọng hát để ru ngủ lòng người những lúc chán chường với cuộc sống hàng ngày. Dượng tôi đã có dì như vậy, đã sở hữu dì như vậy và dì vẫn an phận với chính cuộc đời mình như vậy. Vậy sao đôi khi tôi vẫn bắt gặp dì thở dài mỗi khi trời trở gió, vẫn thấy dì thất thần khi gặp dáng hình một người vừa đi qua ngõ.

Tôi là một đứa con gái hay cả nghĩ. Vẩn vơ và hay phán xét mọi chuyện xung quanh bằng chính trực giác của mình. Đôi khi, tôi đem chuyện của dì nói với mẹ tôi, mẹ tôi đã quay ngoắt lại đe nẹt và kìm nén những ý nghĩ đó của tôi một cách khổ sở. Bà nói tôi là kẻ có quá nhiều trí tưởng tượng và có phần hơi điên rồ. Mẹ nói dì tôi đã tự chọn cho mình một cách sống đúng đắn, và tôi nên học theo cách đó. Đàn bà là gì, suy cho cùng đàn bà trên thế gian này là cái xương sườn thứ bảy của đàn ông. Đàn bà là tài sản của đàn ông nên việc chọn cho mình một chỗ yên thân không phải lo nghĩ đến chuyện tiền bạc là được.

Dì tôi là người thừa tiền bạc. Tôi biết điều đó nhưng tôi vẫn thấy dì tôi ủ rũ u buồn. Đáng ra dì phải được sung sướng như chính cuộc đời dì mà mọi người đang nghĩ bây giờ chứ? Tôi đã định nói với dì, ở tuổi 40 của dì, ở thành phố, người ta còn mặc váy ngắn, đi dày cao gót nhún nhảy ở khắp các vũ trường, quán ba và hát những bài bolero ảo não thì dì tôi lại chọn cho mình cuộc sống buồn bã bên sông này nhưng rồi tôi nhận ra mình đã may mắn khi không hấp tấp nói ra những điều mình nghĩ. Tôi đọc được sự thảnh thơi trong dáng dì tôi ngồi hằng đêm bên thềm nhà nhìn vào hồ sen mùa thu chỉ sót lại vào ba bông nở muộn và những chiếc lá cuối mùa vụt lên nổi bập bềnh trên nước cũng đã bắt đầu tàn rữa.

Mỗi người có một cách sống. Dì cũng vậy. Hình như vì đã quá quen với cảnh dì tôi luôn luôn ngọt ngào và nhẹ nhàng đến mức ngọt lạt trước mặt khách khứa đôi khi có phần quá chén của chồng. Hình như dượng tôi không lấy việc đem bạn về nhà bù khú thường xuyên là vấn đề, đến nỗi sau mỗi đêm thức dậy ngà ngà vào lúc 2, 3 giờ sáng dượng vẫn thấy dì tôi còn vật lộn với một đống bát đĩa ngổn ngang mà không mảy may xúc động. Dượng tôi xem đó là việc hết sức bình thường của một người phụ nữ bình thường. Tôi thì không chấp nhận được điều đó, lắm lúc tôi rủa lũ đàn ông như dượng, những kẻ chỉ biết vợ mình như một thứ công cụ làm việc nhà không hơn không kém. Dì tôi vẫn im lặng, hình như trong dì, hình ảnh cô ca sĩ xinh đẹp và dịu dàng hay hát những bản tremolo buồn làm mê đắm lòng người đã là quá vãng. Tôi lấy làm tiếc cho dì tôi, khi phút chốc từ bỏ những đam mê của mình chỉ vì những thứ vật chất tầm thường.

Bây giờ dì đã khác. Tôi nhìn thấy sự kiên quyết trong ánh mắt dì khi nói với dượng tôi, dì muốn về quê để sống. Dượng tôi cười nhạt giọng bỡn cợt rằng để xem không có dượng tôi, không có tiền của dượng liệu dì tôi có thể nào sống nổi. Tất cả đã nhầm. Dì tôi đã cho mọi người thấy được rằng sống và tồn tại khác nhau như thế nào. Đến bây giờ tôi hiểu, dì tôi đã tiết chế ngự cảm xúc của mình như thế nào trong suốt cả một thời tuổi trẻ. Bây giờ, dì đang sống rất tốt. Tôi thấy dì cười và nói chuyện yêu đời nhiều hơn.

Sau mấy chục năm bây giờ tôi mới nghe lại câu chuyện tình yêu của dì thời trẻ. Hồi đó có người nghe phong phanh rằng, dì tôi mê đắm một anh chàng nhạc sĩ. Người đó hay ngồi đệm đàn cho dì hát những bản tremolo buồn. Nhưng anh nhạc sĩ đó đã có gia đình rồi, và dì tôi cũng thế. Một ngày dì bỏ hát, chàng nhạc sĩ cũng thôi không còn quay lại phòng trà kia nữa.

*

Thêm một đêm dài nữa tôi lại không ngủ được, ngồi thu lu trong màn nhìn ra bầu trời sáng rực qua ô cửa nhỏ. Chợt thấy dì tôi đang bày ra đất những con búp bê bằng gỗ, những tấm khăn thổ cẩm rồi xếp đi xếp lại, lau chúng cho đến bóng loáng rồi lại cẩn thận xếp vào một cái rương nhỏ. Tôi lặng yên, thấy dì ôm một tấm áo lên mặt, vai rung lên từng hồi. Tôi bất hồ thấy ngực quặn đau. Thương dì quá, ai nói dì tôi sướng, ai nói dì tôi không biết chế ngự. Dì đã chế ngự đến kiệt sức mình rồi, để bây giờ khóc cũng không còn nghe tiếng nấc nữa. Sương lạnh dần sà xuống đầy đặc phủ đầy tóc dì. Có chút gì vỡ vụn trong ngực tôi đau nhói, tựa hồ như một vết cứa. Tôi lặng lẽ ngồi bên. Nhỏ nhoi như ngày xưa tôi từng theo đợi dì đứng sau cánh gà sân khấu.

Sau cùng chính dì đã nói với tôi về người đánh những bản tremolo buồn bã đó. Ngày hôm đó lạ lắm. Hoa cúc vàng rười rượi đột nhiên rụng nhiều thật nhiều. Dì nói dì và anh chàng nhạc sĩ đó đã yêu nhau thật lòng. Dì đã yêu như chưa bao giờ được yêu. Được sống như chưa bao giờ được sống...nhưng hai người không ai có đủ can đảm để đến được với nhau khi đang còn quá nhiều những điều ràng buộc phía trước. Dì tôi lặng lẽ đi về một hướng. Người đàn ông kia dùng dằng rồi cũng rẽ về một con đường ngược lại. Ấy thế mà vẫn không quên được nhau khi đã trót hẹn thề rằng sau này về già, yên ổn con cái cả rồi sẽ cùng về quê để sống...

Và dì tôi đã chờ đợi. Mỏi mòn chờ đợi mà người đàn ông kia vẫn không quay trở lại.

Tôi rã rời nghe câu chuyện của dì. Không tin nổi một con người đã trải qua bao nhiêu đau khổ cô đơn trong cuộc đời lại có một đức tin hồn nhiên và trong trẻo đến thế. Tôi những định nói với dì tôi những bộ mặt đê tiện và giả dối của đàn ông trên chính thế gian này là như thế nào nhưng không thể. Cổ họng tôi nghẹn cứng. Đột nhiên tôi hồ nghi chính mình, có phải tôi đang giết dần trong tôi niềm tin về cuộc đời bằng những ý nghĩ hằn học của riêng tôi mắc phải?

*

Mẹ tôi gọi điện nạt nộ dì tôi chuyện chứa chấp một kẻ tội đồ như tôi. Tôi đã không nói gì với bố mẹ chuyện phải kết thúc như thế. Tôi biết bố mẹ sẽ rất buồn, nhưng còn buồn hơn nếu tôi cứ chèo kéo một người mà không còn tình yêu dì với mình nữa.

Năm tháng sau khi chúng tôi lặng lẽ ra tòa, Hào lấy vợ, rồi thêm năm tháng nữa, Hào có đứa con đầu lòng. Mẹ vẫn không thèm nhìn mặt tôi. Tôi ương bướng không về nhà thêm một lần nào nữa kể từ khi tiếng mẹ vừa khóc vừa rít lên trong điện thoại khi tôi nói tôi đã ra tòa từ sáng sớm: "Đồ mất dạy". Tôi lặng lẽ buông máy, không hiểu nổi bây giờ tôi đang nghĩ gì. mẹ có hiểu cho tâm trạng tôi lúc này đang như đá lạnh tan chảy hay không hay mẹ đang xấu hổ với làng với xóm về một đứa con không toàn vẹn. Đêm đó, tôi bỏ về với dì tôi. Dì khóc suốt đêm, vỗ về tôi như thời tôi còn bé. Chỉ mình tôi là khô khốc, ráo hoảnh. Với tôi, mọi sự trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Tôi lén dì ra ngoài trời, đêm vằng vặc trăng vàng tưới đẫm cả vạt hoa cúc thành từng đám lấp lánh. Tôi nằm xuống hai rãnh cây, nằm ngửa mặt lên nhìn trăng. Trăng trong trẻo và sáng quá, đất mịn và mát. Tôi cứ nằm thế cho trăng tưới đẫm lên người, đất dưới lưng mát lạnh như vỗ về ru ngủ. Những lúc như thế, tôi lặng yên nghe gió trở mình và hoa cúc rụng đày trên ngực, trên tóc. Tâm hồn tôi như tan vào đất mặc cho nỗi cô đơn tha hồ nhảy nhót, tung tẩy trên má tôi từng giọt, từng giọt.

*

Lạ thật! tôi đã để ý không biết bao nhiêu lần, hễ cứ đến mùa trăng là dì tôi lại không ngủ. Cả đêm ngồi ngửa mặt lên trời, không nhìn trăng, chỉ nhìn vào khoảng không gian vô định ngoài kia. Bầu trời cũng thật lạ, leo lẻo trong không một gợn mây. Chỉ thi thoảng có đôi cánh chim giật mình bay vụt qua rồi biến mất. Đêm đêm dì hay nghe những bản tremolo buồn. Tôi cũng nghe, không hiểu nhiều về thanh nhạc nhưng điệu tremolo luôn làm tôi cảm thấy bất an và bần thần. Dì ngồi gập người trước hiên hăng nồng hoa cúc và thở dài rất khẽ lim dim mắt. Tôi hồ nghi rằng, dì tôi không lắng nghe kĩ thuật của âm thanh mà lắng nghe tiếng thở của người chơi đàn điêu luyện ấy.

Sau cái lần ngồi miết suốt đêm dài đó, dì tôi ốm nặng. Không thở được, hai mắt trũng sâu xuống gò má đã bắt đầu bợt bạt. Tôi gọi điện đưa dì về thành phố gấp. Dì dùng dằng không muốn đi, cố nhoài người ra khỏi cửa kính xe nhìn ra phía bờ đê cao ngút cỏ may dàn dụa nước mắt. Dì quay sang tôi nói nhỏ: " trời chiều rồi Vi ơi, con ở lại chờ người ta dùm dì, thể nào người ấy cũng trở về. Hãy nói với người ấy rằng dì sẽ trở lại ".Dì nói đến đó rồi cười, bàn tay gầy guộc dơ lên lưng chừng rồi rơi xuống.

Tôi bàng hoàng khóc...Thoáng thấy bóng dì tôi cười thật tươi chạy vụt ra cửa, men theo bờ đê ngợp đầy cỏ may vàng óng nắng chiều trong tiếng tremolo tha thiết vang từ phía bờ sông lúc xa, lúc gần vọng lại...

Ơ hay! Hình như có tiếng gọi đò từ bên kia sông...

Hà Tĩnh 1.27 P.M ngày 28.8.2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast