Biển thẳm...

(Baohatinh.vn) - Người làng kể lại rằng: ông Ngừ là kết quả của cuộc tình vụng trộm giữa một anh ngư dân xóm Vạn Chài với cô hàng buôn nước mắm.

Dạo ấy, bão to, thuyền buôn phải nằm lại. Dân Vạn Chài rỗi việc, suốt ngày mui thuyền kéo kín. Con thuyền nhỏ cứ lắc lư theo cái nhịp điệu không phải của sóng, của gió mà là của những cuộc giao hoan cho bõ những ngày ăn đứng, ngủ ngồi, hõm mắt rình rập con mực ngoài khơi. Cô gái xứ Thanh phải lòng chàng trai xứ Nghệ. Bẵng đi một thời gian, thuyền buôn quay lại thì cô gái choáng váng khi biết tin bố của đứa bé trong bụng mình sắp đến ngày sinh đã chết biển, không tìm được xác. Cô như người mất hồn, đếm lẫn cả tiền, bán tháo cho xong rồi một mình bơi cái thuyền thúng tròng trành sang dãy núi Nam Giới, trèo lên cái khe Hao Hao nước trong vắt, tìm lại tảng đá phẳng như chiếc phản gỗ mà thiên nhiên đã kê rất đẹp. Chính tại đây, họ đã tắm nước khe mát rượi và nướng cho nhau ăn những con cua lột vỏ bắt trong hốc đá.

Biển thẳm... ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Cô gái thẫn thờ vuốt nhẹ mép đá, mặt đá, cứ ngỡ đó là da thịt của chàng trai, còn ủ hơi người. Đêm đó, cô không trở về xóm Vạn Chài mà ngồi đăm đăm nhìn ra biển. Gần sáng, cô trở dạ, đứa bé đỏ hỏn được bọc trong miếng vải buồm mà chàng trai xé tặng cô ngày chia tay. Nhúm rau cô ném xuống biển như muốn báo tin cho chàng trai biết: con của anh đã ra đời - một chàng trai biển hẳn hoi! Trưa, chiếc thuyền của cha cô rúc tù và, kéo buồm báo cho đám thủy thủ say rượu trên làng xuống thuyền. Cô vội vã giấu đứa bé bên bụi rậm gần khe đá rồi xuống chiếc thuyền thúng, cứ mặc nó buông trôi. Cô mệt lả, bầu vú căng nhưng nhức. Chiếc thuyền của cha cô vớt cô lên và dong thẳng một mạch về Thanh...

Đứa bé được một chiếc thuyền câu sang lấy nước ngọt đem về nuôi. Cứ thế, nó lớn dần lên bằng các bầu vú của đám đàn bà xóm Vạn Chài đang nuôi con nhỏ. Thằng bé được xóm Vạn Chài nhận làm con nuôi chung và đặt tên là thằng Ngừ. Được cái, nó thấm cái gen của chàng trai làng biển kia nên nhanh chóng trở thành một con sói con. Mới 10 tuổi đã được các bậc kỳ cựu cho cầm lái không bao giờ nhầm lạch, 15 tuổi đã một mình đứng đầu mũi thuyền dùng cước số 8 để câu cá ngừ, có con nặng hàng tạ, người và cá vật lộn với nhau hàng giờ. Thằng Ngừ lì lợm chưa bao giờ bỏ cuộc. Mưa cũng như nắng, nó chỉ đánh độc chiếc quần đùi may bằng vải buồm - cái loại vải giống ngày xưa mẹ nó dùng làm tã lót, được nhuộm nâu thật bền.

Một chiều nọ, Ngừ bỏ chuyến đi biển lên làng xem tuồng. Đội tuồng làng tôi nổi tiếng cả một vùng. Họ bôi mặt, đeo râu, mang gươm oai vệ. Anh chắt Hóa người gầy đét, ốm yếu, thường đi hôi cá, nhưng bù lại, anh có giọng hát tuyệt vời. Ngừ rủ anh chắt Hóa ra quán rượu của ông cụ Mày nạp “xăng” cho anh. Khi anh chắt Hóa lảo đảo đi về phía sân vận động để hóa trang, Ngừ thấy buồn thui thủi, len lén đi ra phía cái điếm canh bỏ hoang trong vạt phi lao. Đến gần, anh bỗng nghe tiếng khóc rấm rứt, một cô gái đang ngồi khóc sưng cả mắt. Cô là dân chợ huyện, chuyên xuống bán rượu cho dân Vạn Chài. Hễ thấy gánh rượu của cô là đám trai làng vây quanh. Cứ thế, tiền trao, rượu múc, họ vừa uống, vừa tán tỉnh nhưng không có ai sàm sỡ. Trong số họ, Ngừ là anh chàng cô mến nhất. Ngừ ít nói, nhưng nói thì có duyên đáo để, nói thật chí lý, ví như: “Không ai làm giàu bằng biển cả, làm giàu bằng biển là có tội”, “Biển ở trong mắt o đó” làm cho cô gái đỏ mặt, rượu sánh ra ngoài ướt cả vạt cát. Chiều đó, cô kể cho Ngừ chuyện mình bị bố mẹ ép lấy một thằng chuyên nghề mổ lợn ở chợ huyện. Thằng đó giàu, mắt lúc nào cũng đỏ kè kè, mặt lì ra. Hễ nhìn thấy nó giơ con dao nhọn, hua lên mấy vòng như múa trước khi chọc tiết lợn, máu phun ra như cần câu, cô đã tái mặt. Cô bỏ làng xuống đây, chờ đêm xuống ra biển trẫm mình. Bởi cô biết, dân biển có tục lệ thiêng liêng: vớt được ai chết đuối cũng làm ma chay, đình đám đàng hoàng, họ xem như đó là một bổn phận.

Ngừ lựa lời mãi cô gái mới yên tâm cùng anh đi xem tuồng. Khi anh chắt Hóa bước ra sân khấu, đám đông nhốn nháo lặng phắc nghe anh đọc bài vè mới ứng khẩu chiều nay. Bài vè kể về một người chết biển. Tự nhiên, Ngừ bưng mặt khóc, khẽ thôi, nhưng cô gái biết. Dòng nước nóng hổi chảy xuống tay cô làm người cô run lên như có một luồng điện chạm vào. Hai người dìu nhau rời khỏi đám đông về cái điếm canh. Họ lót lá phi lao làm ổ. Và trong ánh trăng mờ mờ, Ngừ lần mở từng miếng vải trên người cô…

Ba chục năm sau, ở cửa lạch làng tôi có một chàng trai về gác hải đăng. Chàng trai ít khi sang làng. Khi có việc cần mua gạo, củi thì nhờ thuyền bà chắt Hóa. Bà chắt Hóa chính là cô gái bán rượu chợ huyện. Sau đêm gặp nhau, Ngừ cùng cô gái dạt sang vùng dân làm muối. Hàng ngày đi làm thuê cho nhà buôn Phát Đạt. Nhưng rồi, càng ngày, cô thấy anh càng thẫn thờ. Anh nhớ biển, khao khát trở lại xóm Vạn Chài với một ước vọng: góp tiền mua một con thuyền câu đón hai mẹ con cô về ở với mình. Đêm chia tay, họ nằm bên nhau. Ngừ đưa bàn tay vuốt ve cái bụng phập phồng theo nhịp đập gấp gáp của trái tim cô gái. Anh thầm thì: Chúng mình sẽ có con! Có con! Có con! Nhưng gần đến ngày sinh thì thuyền anh bị bão dạt trôi ngoài đảo. Cô gái mỏi mòn chờ trông. Đêm trở dạ, cô yếu lắm. Cô ngất đi rồi chỉ loáng thoáng nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh và tiếng người nói xôn xao, tiếng giành giật nhau. Mấy ngày sau tỉnh lại thì bên người cô chỉ là một khoảng trống không, lạnh ngắt. Nhà buôn Phát Đạt đã cho người đến bắt trộm đứa con mới sinh để phạt vợ chồng Ngừ không thực hiện đúng hợp đồng làm thuê cho họ. Cô gái như một cái xác không hồn, vật vờ quay trở lại xóm Vạn Chài và ngã gục ngay trước chiếc lều của anh chắt Hóa.

Họ trở thành vợ chồng khi nghe thuyền Ngừ bị nạn. Anh chắt Hóa bỏ nghề đi hôi cá cùng vợ làm nghề đóng đáy trên sông. Từ ngày có ngọn đèn biển, các vụ tai nạn thuyền, bè vào cửa lạch giảm hẳn đi. Có hôm, chàng trai lên cơn sốt, bà chắt Hóa bỏ cả đóng đáy lên chăm sóc, bón từng thìa cháo cho anh. Bà rất thương anh khi nghe nói anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Anh tình nguyện về đây gác hải đăng với mong muốn tìm lại người mẹ thuở xưa mà bố nuôi của anh bảo là người làng gần đây…

Sau tháng bão, Ngừ trở lại xóm Vạn Chài với một lời nguyền trước biển: Không bao giờ lên làng, không bao giờ lấy vợ nữa! Không bao giờ! Không bao giờ!... Sóng biển lấp đi tiếng gào của anh trong một đêm tối trời…

Ông Ngừ thành một con sói biển kỳ cựu nhất xóm Vạn Chài. Chỉ ngửi hơi biển, ông đã biết được luồng cá đang chạy ở đâu. Đánh cá như đánh bạc. Gần đến con nước thời điểm mực ăn nhiều nhất trong năm, ông Ngừ quyết định cho thuyền ra rạo Cồn ở làn nước 18 sải. Ở dưới đáy biển vùng này có một cồn cát sóng lượn bồi đắp lên. Mực đóng ổ xây tổ như con ong. Gặp đêm dông, mực ăn nhiều nhưng chỉ rộ lên một lúc như tằm ăn rỗi ở một độ sâu nhất định, rồi lặn biệt tăm.

Đêm đó quả nhiên có dông thật, thuyền lắc lư, chao đảo. Ông Ngừ bỏ mồi đầu tiên. Bằng sự nhạy cảm đặc biệt ở da tay, ông giật giật sợi cước và thông báo cho các thuyền xung quanh biết mực đang ăn ở làn nước sâu 13 sải tay. Riêng ông cứ rình rập mãi với một con mực chúa. Đến lúc ông thét to: “Ăn rồi”. Mọi người đổ xô lại. Quả nhiên, trong làn nước trong xanh do ánh đèn măng-sông hắt xuống, một con mực ống dài gần một mét mắc lưỡi câu đang trườn lên mặt nước, lừ lừ như một con rắn. Gần đến be thuyền, nó phụt ra một luồng mực đen, mạnh chưa từng thấy vào người ông Ngừ, bắn tung tóe cả những người đứng cạnh. Ông Ngừ lảo đảo, nới lỏng dây câu, hai mắt tối mù. Được đà, con mực quẫy đuôi trốn thoát. Mọi người tản ra mải mê với mực, bỗng nghe tiếng rơi bõm, họ quay lại không thấy ông Ngừ đâu nữa. Đêm đó, tất cả các thuyền trong xóm Vạn Chài quây đi, quây lại như đan lưới vẫn không tìm được xác ông Ngừ.

Ba ngày sau trời mưa bão, thuyền bè về cả, chỉ còn dân đóng đáy bòn con tôm, con cua thì bỗng nhiên tờ mờ sáng, đáy ông chắt Hóa kéo lên thật nặng: một cái xác. Lật người ra, ông chắt Hóa rụng rời: đó là ông Ngừ. Gương mặt chìm trong nước ba ngày mà vẫn tươi tỉnh như lúc còn sống. Ông chắt Hóa hú hồn khấn mãi và lấy rượu miết vào mí mắt vẫn không chịu khép. Xác ông Ngừ được dân xóm Vạn Chài đưa lên bờ cát ngay dưới chân ngọn hải đăng. Chàng trai gác đèn biển nghe tin chạy xuống. Anh thắp một nén hương rẽ đám đông bước lại gần sát ông Ngừ. Mọi người sửng sốt kêu lên. Từ mũi và mồm của ông Ngừ một dòng máu trào ra, anh con trai sững sờ nhìn xác người chết, nén hương trong tay anh bùng cháy. Anh ôm lấy xác ông Ngừ nấc lên:

- Bố ơi!

Khi những giọt nước mắt nóng hổi của anh nhỏ xuống mí mắt của người chết thì bỗng nhiên đôi mắt ông Ngừ từ từ khép lại, đôi môi hình như giật giật, nở một nụ cười mãn nguyện. Biển ở ngoài kia. Biển thẳm...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast