Cái nhìn tự sự đa chiều trong Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự đặc biệt, tự sự đa điểm nhìn hay điểm nhìn nhiều chiều. Theo cặp điểm nhìn thứ nhất, ta thấy, Truyện Kiều vừa giống tiểu thuyết mà nó dùng làm lam bản, lại vừa không giống, bởi vì nó là một truyện thơ.

Và vì nó là truyện thơ cho nên nó đã tích hợp cả một truyền thống thi ca rất phong phú, vừa có ở trong kho tàng thi ca Trung Quốc, vừa có trong kho tàng thi ca và ngôn ngữ Việt Nam. Mới nhìn thoáng qua, hầu như các chi tiết, sự kiện Truyện Kiều đều đã có sẵn, vay mượn từ tiểu thuyết của tác giả Trung Hoa. Nhưng nhìn kỹ, thì tất cả các sự kiện chi tiết ấy đã được nhìn từ nhãn quan thi ca.

Chân dung nhân vật chính là những chân dung thi ca, khác hẳn chân dung văn xuôi của Thanh Tâm Tài nhân. Cô Kiều thì: Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một tài đành họa hai... Còn Kim Trọng: Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời, những hình ảnh rất đẹp, không có chút gì văn xuôi và cũng không có trong nguyên tác.

Cái nhìn tự sự đa chiều trong Truyện Kiều ảnh 1

Tiết mục trò Kiều “Gia đình viên ngoại” do học sinh Trường THPT Nguyễn Du biểu diễn

Nhưng Truyện Kiều không chỉ là thơ, mà còn là tiểu thuyết. Ở đây có cảnh vu oan, bắt người tra tấn, cảnh cướp phá, cảnh bán người, cảnh đánh đập bắt tiếp khách, cảnh báo ân, báo oán với những chi tiết cụ thể. Có cử chỉ vờ vít của Mã, Sở, của Bạc Hạnh, cảnh đánh ghen hiểm ác. Nhưng tự sự cũng rất thơ, không hề văn xuôi, bởi vì đăng đối hô ứng, thi vị. Nó rất nhanh gọn và nhịp nhàng. Ví dụ, việc Kiều nhân cha mẹ và 2 em đi sinh nhật mà sang với Kim Trọng.

Chỉ mấy câu mà kể đủ: Nhà lan thanh vắng một mình/ Gẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay/ Thì trân thức thức sẵn bày/ Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường. Nhưng là cái nhìn thơ và văn xuôi đan bện trong ngôn ngữ kể chuyện, chứ không phải truyện kể văn xuôi xen lẫn với thơ của các nhân vật như một phép cộng giản đơn. Cách kể bằng thơ cũng gọn gàng, nhịp nhàng, rất thú vị. Chẳng hạn, cảnh Kiều thấy Kim lần đầu: Chàng Vương quen mặt ra chào, Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Xem chân dung Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, ai cũng thấy đó là những chân dung có sẵn đâu đó trong văn học trung đại, không mang chút cá tính cụ thể nào. Có thể nói, đó là điểm nhìn tu từ học cổ điển, miêu tả theo lối ước lệ có sẵn. Nhưng nếu dựa vào đó để chê Truyện Kiều thiếu cá tính, thiếu ý thức cá nhân thì lại nhầm to. Nguyễn Du có một điểm nhìn trái ngược với quan điểm tu từ ấy khi miêu tả nhân vật, đó là miêu tả nhân vật từ bên trong, từ điểm nhìn nội tại.

Truyện Kiều kế thừa quan điểm chữ Thân trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, tức là nhìn người theo tấm thân. Thân đây là thân thể, cái phần vật chất sẽ bị thời gian tàn phá, sẽ có thể mua bán, có thể bị giày xéo, hư nát, khổ đau. Truyện Kiều là tác phẩm tự sự theo điểm nhìn chữ Thân. Những người hiểu nhân vật qua chữ tài, sắc, chữ tình, chữ hạnh đều không hiểu gì Truyện Kiều. Những người bám vào câu “tài mệnh tương đố” cũng không hiểu được Truyện Kiều. Bởi Truyện Kiều là tác phẩm kể về một Tấm thân quằn quại vũng lầy, Thân lươn bao quản lấm đầu, kể nỗi đau của Tấm lòng trinh bạch từ nay cũng chừa, Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan. Truyện Kiều là sự phát triển sâu sắc nhất của dòng văn học chữ Thân trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII.

Cái nhìn tự sự đa chiều trong Truyện Kiều ảnh 2

Hoạt cảnh “Kiều báo ân, báo oán” do học sinh Trường THCS Minh Tiến (Thạch Hà) trình diễn. Ảnh: Anh Thư

Truyện Kiều cũng tự sự theo quan điểm chữ Tâm. Chữ Tâm khiến nàng thương khóc Đạm Tiên, nể lời Kim Trọng; chữ Tâm khiến nàng bán mình chuộc cha; chữ Tâm khiến nàng chịu nhẫn nhục, không buông thả theo lối tà dâm, khiến nàng khuyên Từ Hải hàng, lại chết theo Từ Hải. Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì khi hầu rượu Hồ Tôn Hiến, Kiều liếc mắt đưa tình, lung lạc hắn, khác với Kiều Nguyễn Du. Nhìn theo chữ Tâm để kết truyện, có thể nói: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Truyện Kiều là truyện kể vừa tao nhã, quý phái, vừa là thế tục. Nói quý phái, tao nhã khi miêu tả nhân vật với những đường nét cao sang như mai cốt cách, tuyết tinh thần, Kiều xuất hiện khi nào cũng có mùi hương quyến rũ, một điều mà nguyên tác không có. Trang phục nhân vật, hoàn cảnh xung quanh đều sang trọng, như Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng, Một vùng như thể cây quỳnh cành dao, thật là tao nhã, quý phái rất mực.

Gắn với tính chất tao nhã, Truyện Kiều có một hệ thống ngôn ngữ chi tiết rất đẹp, với những thềm hoa, lệ hoa, trướng gấm, buồng thêu, tiếng vàng, giọt ngọc, con người thì mặt hoa, ngọc thốt, nhạc vàng, hài văn, đầy tính trang sức rất cao quý, tao nhã. Cùng với đó là các điển cố cầu lam, chương đài, chim xanh, Trang Chu mộng bướm, Đỗ Quyên khóc máu, hồn mai, giấc hòe, kim mã ngọc đường, tác phẩm như một đồ vật quý khảm vàng bạc, châu ngọc rất quý giá. Nhưng mặt khác, Truyện Kiều dày đặc những lời kể rất Việt Nam. Vui là vui gượng kẻo là, Ai tri âm đó mặn mà với ai. Người yêu ta xấu với người, Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau, đọc lên hết sức gần gũi. Đặc biệt, ngôn ngữ nhân vật trong truyện đều có tính chất cá thể hóa cao độ. Lời kể, lời tả, đều rất dung dị, thiết tha, đau đớn, thấm vào gan ruột người đọc.

Các điểm nhìn mới đó đã làm mới câu chuyện, làm mới hình thức và nội dung tác phẩm, biến một tác phẩm thường thường bậc trung thành một kiệt tác tầm cỡ thế giới.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast