Cánh bướm của tình mẫu tử

Truyện ngắn của NGÔ DIỆU HẰNG

Trong chuyến tàu đời người có bao nhiêu sự gặp lại? Gặp lại người thân, gặp lại một mảng ký ức nào đó bị thất lạc tưởng chừng đã chìm khuất vào dĩ vãng, gặp lại một giọng nói hay một cảnh tượng có thể đã từng xảy ra hay đã vật vờ trong giấc mơ nào đó bây giờ hiện hữu trước mắt. Cái đầu của Quy làm việc không tốt từ bao giờ cô không thể nhớ. Cô dị ứng với những dãy số, quên tên những con đường, những mốc thời gian quan trọng trong quá khứ và cả những cái tên dù khuôn mặt họ vẫn xao xác đâu đó dưới làn tóc nhung. Sự gặp lại giữa Quy và “người đàn ông có mái tóc xoăn” là ga tàu nào trong chuyến tàu cuộc đời cô mà nó vừa quen vừa lạ, như mơ như thực, càng muốn lướt qua lại phải gặp, như khúc ray được mặc định phải dừng ở đó, vô tâm trở thành hữu tâm, buộc phải nghĩ suy, buộc phải kiếm tìm kẻ đứng sau sắp đặt…

Cơ quan của Quy tổ chức tiệc cuối năm tại nhà hàng Cây Me. Kẹt xe, đến muộn. Khi bước vào thì thấy mọi người đã đông đủ và đang chúc tụng nhau, còn có vài vị khách xuất hiện từ trước đó. Cô lễ phép cúi chào, mơ hồ không biết liệu cô đã từng gặp họ hay chưa. Rồi bất ngờ ông hiệu trưởng kéo cô lại gần: “Xin giới thiệu, đây là cô Hà Quy, giáo viên Anh văn”. Tất cả cùng nhau đứng dậy nâng ly. Trong số những vị khách trước mặt cô, có một người đàn ông cao gầy với mái tóc xoăn được buộc gọn gàng ở đằng sau khẽ cất tiếng: “Mời cô Hà Quy!”. Đôi má đổi sắc đào, ánh mắt cũng chuyển màu hoài nghi, cô hắt sang người đàn ông có dáng dấp nghệ sĩ kia những suy nghĩ chất vấn: ông là ai, sao lại biết cái tên “Hà Quy” hay ông quá chén gọi nhầm? Giữa mớ tạp âm của tiếng chúc tụng, tiếng cụng ly “keng keng”, tiếng “ợ”, tiếng chuông điện thoại của ai đó riết giục giã, chẳng ai để ý người đàn ông kia nói gì. Chỉ là một error sound mà thôi, cô nghĩ vậy và đưa tay gắn cốc bia lên miệng đánh “ực” như nuốt trôi luôn cái nhìn kỳ quặc từ người đàn ông lạ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Từ nhỏ Quy đã thích vẽ, lớn lên thì thích xem tranh và không ít lần chính các họa sĩ đã phải gật gù trước sức tưởng tượng có phần đáng nể của cô gái trẻ. Quy có một người bạn thân thiết trong giới hội họa, anh chàng ngày nào suýt tặng cô một “nhát dao tình si” nay đã là chủ nhân một gallery có tiếng nội thành. Cô luôn là khách mời không thể thiếu trong các cuộc triển lãm tranh tại Phong’s Gallery và lần này cũng vậy.

Quy dừng lại trước một bức tranh, một không gian ngập tràn ánh sáng, bộ não người y như thật đang ứa ra thứ gì đó sền sệt, bầy nhầy bên dưới lưỡi dao bén sắc đang lơ lửng chĩa mũi nhọn xuống. Trong lúc đôi mắt đang bị ghim chặt vào đó thì một giọng nói tràn vào tai cô:

- Cô thấy gì ở đó?

- Không gian ngợp quá! Tưởng chừng tràn ra phía sau khung vẽ. Sự thành công của ánh sáng làm nổi bật phần trung tâm. Bộ não be bé đang phọt óc ra kia có vẻ như là của một đứa trẻ, nhưng sao lồi lõm, chằng chịt nhiều đường rãnh quá - Quy trả lời như tự vấn - Bộ não của mình có cần xẻ ra như vậy không? Đại não cũng đang trục trặc về trí nhớ.

- Vậy ai là người đưa lưỡi dao kia vào bộ não của đứa trẻ?

- Có thể là một bác sĩ tâm lý. Giới trẻ ngày nay gặp nhiều vấn đề về tâm lý, có những đứa trẻ sống khép kín, có những đứa lại thích “điên” để hòa hợp với “xu thế”, lớn thêm chút nữa chúng trở nên “gây hại” cho người xung quanh. Đứa trẻ nào sinh ra cũng chỉ là những trang giấy trắng, chính người lớn và môi trường sống đã vẽ lên đó, có thể là một nét vẽ đẹp, cũng có thể là những vết nhơ hủy hoại. Có những ông bố bà mẹ bắt con ngốn hết đống sách vở nặng đến oằn lưng mỗi ngày rồi tôi luyện chúng trong lò bát quái, để rồi phải cuống cuồng mang chúng đến gặp bác sĩ tâm lý để mổ xẻ. Có những người mang danh “bố mẹ” nhưng họ chỉ biết sinh mà không dưỡng, chúng bị bỏ lại bên hè phố, trong công viên... Những đứa trẻ đó sẽ bị xã hội mổ xẻ sau khi đã vấy bẩn bụi đời.

Quy dường như muốn nói thêm nhưng cô chợt nhận ra người đứng bên cạnh cô vẫn im lặng. Chỉ có tiếng bước chân và tiếng rầm rì từ những người đang kéo đến xem tranh. Cô tháo suy nghĩ ra khỏi bức tranh và quay sang chĩa ánh nhìn vào người có giọng nói nam trầm. Người đàn ông cao gầy, da trắng, mắt sâu với mái tóc xoăn cũng đang trượt ánh mắt từ bức tranh xuống và dừng lại trên sống mũi cao cao của cô. Cô nhìn thấy một làn sương mỏng đằng sau hai cánh cửa sổ in vết chân chim trước mặt. Bây giờ thì bộ não bướng bỉnh cũng chịu khó vận động và cô đã nhớ ra lần gặp ông ta tại nhà hàng Cây Me. Quy hơi ngạc nhiên nhưng cũng không mấy bận tâm vì đấy chỉ đơn giản là sự hội ngộ tình cờ của những con người cùng say mê nghệ thuật. Những năm du học đất Ấn, đến thăm Jehangir Art Gallery hay Crystal Gallery, cô còn say sưa thưởng tranh với hàng tá những họa sĩ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế cái đầu lười biếng của cô cũng không cần phải cố nhồi nhét bất cứ thông tin gì về ông ta.

Quy đã xem đó là sự tình cờ và quên luôn cái “error sound” hôm ấy nhẹ như hất một cốc bia vào bụng nếu như cô không chứng kiến sự xuất hiện của ông ta ngay trong nhà mình, ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Xuống khỏi taxi, cô rón rén đi vào nhà muốn dành cho bố mẹ sự bất ngờ. Những giò phong lan treo dọc lối đi cứ ùa ra hớn hở vờn ve đón chào cô chủ. Nhìn qua ô cửa vào phòng khách, cô chết lặng trước một cảnh tượng quá đỗi lạ lùng, đang trò chuyện với mẹ lại là “người đàn ông có mái tóc xoăn” mà cô từng gặp. Rồi bỗng nhiên mẹ cô khóc thút thít trước mặt người đàn ông lạ. Ông ta rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn ân cần đưa cho mẹ đang sụt sùi. Có chuyện gì mà mẹ xúc động thế? Người đàn ông kia là ai mà cứ hết lần này đến lần khác cố tình xuất hiện trong cuộc sống của cô? Mẹ và ông ta có quan hệ gì? Những suy nghĩ ấy cứ quấn lấy đầu cô, như cuộn chỉ rối, càng cố gỡ càng xoắn chặt vào nhau. Cuối cùng, ông ta tiến lại bên mẹ cô, vỗ nhẹ lên vai bà như để ủi an rồi nói thêm một câu gì đó trước khi chào ra về. Người đàn ông bước những bước đi trĩu nặng, chiếc bóng bị hoàng hôn xô nghiêng đổ dài trên nền gạch. Quy thấy lo sợ, cảm giác như có cái gì đó đang vỡ ra.

Bữa cơm tối hôm đó cũng giống như mọi lần, bố mẹ cô không bao giờ giấu nổi niềm hạnh phúc khi con gái về ăn cơm chung. Mẹ cứ ra sức gắp thức ăn rồi thủ thỉ giục con gái lấy chồng. Bố cô lại rầy: “Sao mình cứ khéo lo, để con từ từ phấn đấu hoàn thiện mình đã. Nó đi lấy chồng, ai chạm cốc với bố?”. Nói rồi hai bố con cụng ly cười giòn giã trước sự lườm nguýt đáng yêu của mẹ. Nhìn nụ cười khoan khoái mãn nguyện của bố, cô chợt nghĩ: “Liệu bố có biết người đàn ông tóc xoăn lúc chiều không?”. Rồi cô nhìn sang mẹ, bà vẫn đang tủm tỉm một nụ cười hiền hậu thường ngày. Nhiều lần Quy đã thắc mắc tại sao mình không có anh chị em, mẹ cô lại cười hiền khô: “Mẹ khó sinh nở. Gần bốn mươi tuổi mẹ mới có con. Con không được khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác, bố mẹ muốn vun vén bù đắp cho con. Mẹ không sinh được nữa”.

- Tại sao sau bức ảnh con hồi nhỏ có tên Hà Quy?

Bố cô trông chừng đã mệt, đôi mắt đỏ hoe chống đôi mí sụp lên hắt ra một cái nhìn giận dữ:

- Sao con cứ đay mãi những câu hỏi vô nghĩa ấy? Hà Quy hay Hải Quy thì có gì đáng bận tâm đâu. Nhà mình chỉ có một mình con và con chỉ có một ông bố, một bà mẹ duy nhất, những người luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, luôn bên con và đừng có hỏi thêm những câu vớ vẩn.

Trở về thành phố với bộn bề trong công việc nhưng hễ nghĩ đến người đàn ông lạ xuất hiện trong nhà cùng với mẹ và sự giận dữ kỳ lạ của bố, Quy lại bần thần suy nghĩ và lo lắng. Chủ nhật tới là sinh nhật tròn hai mươi sáu tuổi, cô quyết định sẽ về nhà với bố mẹ. Phải nhanh chóng hàn gắn nếu có nguy cơ rạn nứt hoặc nếu chưa hề rạn nứt thì phải kết dính hơn nữa cái gia đình yêu quý của mình.

Bố nói bữa tiệc sinh nhật sẽ có thêm một người khách. Quy thấy không thoải mái lắm nhưng cũng không sao, những người bạn lúc nghỉ hưu mới là những người bạn quý. Bố cô trước là giám đốc một công ty du lịch, quản lý ba khách sạn lớn, bạn bè không sao đếm xuể, đàn bà chạy theo cũng không kể hết. Nhưng ông luôn thủy chung với người vợ hiền vì một hẹn ước. Đó là cô y tá xinh đẹp, người đã hết lòng chăm sóc chàng trai gặp tai nạn suốt một tháng nằm viện và đóng cả viện phí khi anh ta chưa thể nhớ ra mình là ai. Hai năm sau, chàng trai ấy quay trở lại tìm thì cô y tá kia cũng chưa lấy chồng, tình yêu của họ như tự khúc không lời cứ dìu dặt trong sâu thẳm trái tim mỗi người, thầm yêu và thầm đợi. Mẹ cô khó sinh nở, qua bốn lần phải đưa tiễn những đứa con chưa kịp thành hình, đau thương nối tiếp dằn vặt, rồi niềm vui cũng đến với họ khi cô bé Hà Quy chào đời. Cứ mỗi dịp sinh nhật con, mẹ cô lại kể câu chuyện tình kỳ diệu của họ cho con gái nghe như thêm một lần khắc sâu vào tim nó rằng: họ là một gia đình.

Mọi thứ đã được bày lên bàn. Thức ăn thức uống tự tay hai mẹ con làm đặt cạnh những bông hoa cẩm tú cầu mà Quy và mẹ rất thích. Khi cô bê đĩa thức ăn cuối cùng lên nhà thì vị khách đã ngồi ở đấy đang chuyện trò cùng bố mẹ. Cô vừa kịp nhận ra đó là “người đàn ông có mái tóc xoăn” thì bố cô cũng ngay lập tức đưa lời: “Chào chú đi con. Đây là chú Hà, bạn của bố mẹ vừa từ Pháp trở về”.

- Chào chú!

- Chúc mừng sinh nhật cháu! Rất vui được gặp lại cháu!

Người đàn ông tóc xoăn trao cho Quy một món quà được phủ bởi tấm vải màu lam buông rủ. Cô cúi đầu cảm ơn trong khi đầu óc dường như đang bị xáo trộn, chẳng còn rảnh rang để điều khiển đôi chân và đôi tay nên làm gì. “Chắc hẳn đó là một bức tranh đẹp. Chú ấy là một họa sĩ đấy. Con mở ra xem đi!”, mẹ cô thúc giục. “Họa sĩ ư? Chắc hẳn rất đẹp ư? Mẹ mê ông ta vì ông ta là họa sĩ ư?”, cô lằm bằm ghen tức thay cho bố, nhưng rồi cô cũng nén được nỗi bực dọc và gượng cười trước ánh mắt mong chờ của mọi người. Tấm vải được kéo ra, Quy thấy từ trong đáy mắt của bố và mẹ dâng lên những sợi sóng mênh mang. Cô thận trọng xoay bức tranh về phía mình, một bức sơn mài kỳ công với chú rùa mắc cạn. Ông ta đã tốn đến bao nhiêu thời gian và công sức để làm nên được bức tranh tỉ mỉ đến thế, chừng ấy thôi đủ để gia đình cô nên đón tiếp ông ta một cách lịch sự, đàng hoàng bằng một bữa tiệc ấm cúng. Quy mang bức tranh vào phòng và tạm khóa lại những băn khoăn mỗi lúc một khó hiểu về người đàn ông mà giờ cô đã biết tên: họa sĩ Hà Trương.

Người mà cô nên gặp để dò hỏi thông tin về Hà Trương nên là Phong. Chắc chắn Phong sẽ biết ít nhiều về người họa sĩ tiền bối này. Và Phong cho cô biết, Hà Trương sinh ra ở Cần Thơ, bố là một thương gia sống ở Pháp, ông học hội họa ở Việt Nam, ra trường thì được bố bảo lãnh sang Pháp, sau mười năm tên tuổi của cựu sinh viên này bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các mặt báo. Vợ ông cũng chính là người mẫu đặc biệt nhất của ông, người chỉ thề làm mẫu cho một họa sĩ duy nhất, đó là chồng mình. Bức tranh Hoa bướm (Pensée) - nàng trinh nữ bướm rủ đôi cánh trắng muốt mềm như nhung uốn lượn đôi chân trần trên đồng cỏ ướt như đang e ấp tình yêu vu vơ với chàng họa sĩ, đã từng khiến cho bao người xem phải ngây dại, đờ đẫn trước vẻ đẹp của “nàng bướm”. Họ có với nhau hai thằng nhóc tuyệt đẹp. Những tưởng mọi thứ đều đẹp như tranh, cho đến một ngày Hà Trương chợt nhận ra chính ông đang bị nhốt trong một bức tranh vô hình mà người vẽ lại là “nàng bướm”. Sau một thời gian dài vắng bóng, người họa sĩ một thời tiếng nổi này trở về nước với một tâm thế khác. Hà Trương dường như có một liên hệ nào đó rất sâu sắc tại thành phố này mà ông ấy đang ra sức tìm kiếm.

- Nổi tiếng một thời? - Quy nhìn Phong thắc mắc.

- Anh quen họa sĩ Hà Trương lần ông ấy về thăm lại trường xưa và tặng anh vài lời ngợi khen. Sau đó anh có liên lạc với ông ấy qua email và học hỏi từ ông rất nhiều. Khi anh mở gallery này, mỗi lần về nước ông ấy lại ghé thăm. Vài năm trở lại đây ông ấy dường như không vẽ được gì, do một lần không may bị rơi từ ban công tầng hai xuống. Mỗi khi cầm cọ vẽ hơi lâu tay ông ấy lại bị run. Em biết rồi đấy, còn gì đáng buồn hơn đối với một họa sĩ là mở mắt ra mà không được vẽ. Lần về nước này là lần ông ấy ở lại lâu nhất, khác với mọi lần đi chưa nóng giày đã bị vợ con và công việc thúc giục trở về. Có lần anh gạn hỏi về tai nạn nhưng ánh mắt ông ấy thoáng buồn rồi lảng tránh.

Có lẽ cuộc trò chuyện cùng Phong đã ít nhiều mang lại cho Quy những thiện cảm ban đầu đối với người họa sĩ họ Trương. Cô ngồi bần thần rất lâu trước bức tranh sơn mài với chú rùa mắc cạn rồi cúi xuống nhìn lên vết chàm trên ngực mình, vết chàm màu đỏ thẫm có hình thù tựa một chiếc mai rùa gồ ghề những hòn máu dưới da. Mẹ cô bảo, vết chàm có từ lúc cô mới ra đời và hình ảnh chiếc mai rùa gợi đến chữ Quy trong cái tên của cô. “Tình cờ hay sắp đặt? Hãy trả lời đi chú rùa kia, rồi ta sẽ giúp ngươi quay trở lại mặt nước…”, Quy chất vấn con rùa trong bức tranh như chất vấn chính mình rồi đưa tay giật lon bia cái “khẹt”, ngả cổ uống ừng ực. Một làn gió lạnh thổi qua vuông cửa sổ khiến những sợi lông tơ trên tay cô dựng đứng. Quy bỗng thấy căn phòng chao đảo và mọi thứ trước mắt nhòe đi, có chút gì đó xáo động trong bộ não. Đó là một “ga tàu” cô từng đi qua chừng năm năm về trước. Một không gian mộng ảo có tiếng nhạc bồng bềnh, rồi khung cảnh một quán bar đông đúc nhạc đèn hiện ra. Quy đang vui vẻ cùng đám bạn, người nói, người cười, xô xô đẩy đẩy, rồi nâng ly. Rồi choáng váng nôn nao. Cô đẩy cơ thể nặng nhọc của mình băng qua dãy hành lang tìm chút ánh sáng màu trắng dễ chịu hơn. Cô đâm bổ vào toilet, khỏa nước lên mặt và cố gắng xổ tháo ra ngoài thứ nước chua lòm chát nghẹn. Đầu óc có vẻ dễ chịu hơn nhưng chiếc đầm ôm khít trễ ngực thì không thoải mái chút nào. Cô vội vã quay trở lại quầy bar để mau chóng kết thúc bữa tiệc. Đi được vài bước thì cô thấy toàn thân mình vung lên rồi văng xuống sàn nhà bởi một cú va bất thình lình. Một người đàn ông tóc xoăn chừng trên năm mươi tuổi, ăn mặc lịch sự, đang cuống cuồng đỡ cô dậy và luôn miệng xin lỗi cô. Ông ta ân cần đặt cô lên một chiếc ghế rồi xoa nắn gót chân của cô đến khi nó cảm thấy dễ chịu trở lại. Nếu ông ta đứng lên nhận lời cảm ơn của cô rồi đường ai nấy đi thì mọi sự đã coi như chẳng có gì. Nhưng thay vì như thế, ông ta ôm chầm lấy người cô, đưa tay sờ soạng lên ngực trong khi miệng lắp bắp: “Vết chàm, vết chàm…”. Một cái bạt tai vang lên cùng tiếng cười mỉa mai, chế nhạo của đám người qua lại. Căn phòng đột ngột dừng phắt mọi hoạt động, các hình ảnh mờ dần rồi ẩn chìm thật sâu xuống sau vỏ não. Quy giật mình nhìn vào chữ ký trên bức tranh rùa: Hà Trương là ai?

Cô bắt đầu gắn kết những ga tàu đã đi qua có sự hiện diện của người đàn ông này. Đầu tiên là cái bạt tai tại một quầy bar trước đó năm năm. Cuộc gặp thứ hai là bữa tiệc nhiều thành phần tại nhà hàng Cây Me và ông ta đã gọi cô bằng cái tên “Hà Quy”. Phong’s Gallery, lần thứ ba họ gặp lại và cùng suy ngẫm về một bức tranh. Lần thứ tư, ngay trong ngôi nhà thân yêu, cô thấy ông ta ngồi cùng với mẹ. Thật lạ là ông ta được cả bố và mẹ cô cùng đón tiếp vào dịp sinh nhật và cô được nhận một món quà rất ý nghĩa, chú rùa mắc cạn. Ông ta muốn nói gì qua bức tranh và mục đích của ông ta là gì?

Sự tò mò càng trở nên ám ảnh. Chắc hẳn bố không phải là đồng minh, mẹ lại càng không thể. Vậy câu trả lời sẽ đến từ đâu? Quy mất ngủ vì câu hỏi đó, hết nhìn lên bức tranh rùa lại ngó xuống vết chàm trên ngực: Liệu có mối liên hệ nào chăng?

Rồi chính bức tranh rùa đã giúp cô có câu trả lời. Như mọi khi, lần này Quy lại trở về căn nhà ngoại ô mà không báo trước. Trong nhà vắng vẻ, chỉ có chiếc vô tuyến đang hát những bài dân ca. Cô nhẹ nhàng đi lên phòng và thấy cửa phòng ngủ khép hờ. Cô nghe thấy tiếng bố đang an ủi mẹ. Họ làm gì trong đó? Tại sao mẹ lại khóc? Một khoảng lặng kéo dài bóp nghẹt tim cô. Tiếng mẹ cô run run biến dạng:

- Nhưng ông ta là bố đẻ của con bé. Nếu ông ta cướp đứa con yêu quý mà chúng ta đã nuôi nấng bảo bọc hơn hai mươi năm qua thì sao? Mình ơi, tôi không muốn. Hãy nói đây chỉ là một giấc mơ…

- Quyền quyết định là ở con. Không ai có quyền cướp đi hạnh phúc mà nó lựa chọn. Chúng ta cũng không có quyền xóa đi một sự thật. Nếu sau này con bé biết chúng ta giấu nó, ngăn nó nhận bố đẻ, lấy gì đảm bảo nó sẽ không oán hận chúng ta?

- Nhưng lỡ… Đáng nhẽ tôi và mình không nên gặp ông ta, càng không để ông ấy gặp con bé.

- Mình đừng ích kỉ như thế và cũng đừng tự dằn vặt nữa. Chúng ta đã làm mọi cách: đổi tên họ, chuyển nhà, cố gắng xóa mọi dấu vết nhưng ông trời khéo sắp đặt, bởi họ là máu mủ. Chú ấy đáng thương mà, con bé cũng nên đến thắp cho mẹ nó nén nhang…

Sự gặp lại. Ôi, sự gặp lại này mới choáng váng làm sao. Quy không biết nên vui hay nên buồn khi mọi thứ cô nghĩ là hoàn hảo về gia đình bỗng chốc bị xé toạc. Người mà cô gọi là bố mẹ và chăm sóc cô hơn hai mươi năm qua rốt cuộc chỉ là người dưng. Còn người mà cô tặng một cái bạt tai ngay lần gặp đầu tiên lại là bố đẻ. Họ đang giành giật để có sự lựa chọn từ cô, nên mừng vì gặp được bố đẻ hay là buồn vì những ngộ nhận bấy lâu? Kẻ đứng sau giật dây sắp đặt tất cả sự gặp lại này là ai? Những dòng suy nghĩ miên man cứ đè lên nhau, như những nhánh ray không biết nên rẽ hướng nào, bao nhiêu ngôi sao thắp nến lấp lánh trên bầu trời cũng không đủ soi sáng cho cô một lối đi.

*

* *

Một khúc nhang cháy ngấm khẽ lung lay đổ gãy tung ra làn bụi trắng trước án thờ, một con bướm từ kiếp trước khẽ xòe cánh bay ra. Quy thấy qua ngấn nước mắt rưng rưng con bướm vẫn đang rập rờn đôi cánh trắng. Những giọt lệ vẫn đong đầy khóe mắt, cô đi theo cánh bướm dạo khắp căn nhà mái ngói đẫm mùi mốc meo. Trong một căn phòng tối tăm ẩm thấp, cô nhìn quanh một lượt rồi dừng lại trên chiếc giường đã bạc thếch vì mối mốc và mạng nhện. Một cảm giác ớn lạnh lan ra khắp má, rồi tiếp đến là một dòng khí như luồng điện phát ra từ lòng đất chạy dọc sống lưng ngược lên cổ rồi lên đầu. Trong làn nước mắt long lanh mờ ảo, hình ảnh một người phụ nữ mặc quần áo lao công hiện ra. Người mẹ đang bón cho đứa con ốm yếu bé bỏng những thìa cháo loãng, nét lo âu lộ rõ trên khuôn mặt hiền hậu chưa hết mệt nhọc sau ca làm việc. Trên bức tường phía đầu giường có treo bức tranh một nữ lao công quét rác đang cần mẫn làm sạch những con đường. Người mẹ nhẹ nhàng đưa mắt nhìn lên bức tranh rồi lại nhìn xuống đứa con trìu mến, đôi mắt ngập tràn tình thương yêu.

“Đó là chuyến về nước đầu tiên kể từ khi ta kết hôn. Đêm hôm ấy, khi đang lang thang về khách sạn thì hình ảnh người lao công cần mẫn quét rác trên phố khuya lạnh lẽo chợt khiến ta chạnh lòng đứng lại nhìn. Ta đứng nấp bên gốc cây châm thuốc, khi ngửng lên đã thấy chiếc xe rác khuất xa. Thì ra người phụ nữ quét rác ấy thật can đảm, cô ấy đã dùng chổi tấn công ta vì nghĩ ta là kẻ xấu. Bất ngờ quá nên ta cũng chống cự, nào ngờ làm cô ấy ngã trẹo chân và chảy cả máu. Nhà của cô ấy ở ngay trong hẻm. Ta dìu cô ấy về. Một đêm gió se lạnh, ta tò mò quay trở lại con hẻm và thấy nhà sáng đèn. Thực ra ta đã vẽ tặng người lao công ấy một bức tranh và muốn trao lại trước khi trở về Pháp. Chính là bức tranh con thấy trên tường kia. Cô ấy đã rất cảm kích về món quà và tâm sự hết lòng mình. Khi kể cô ấy vẫn xưng chị vì hơn ta ba tuổi. Mẹ con thực sự rất đáng thương. Thượng đế khi nặn ra Eva đã vô tình làm hỏng khuôn dạng của khe ngọc, khiến nó trở nên xấu xí và thừa thọt. Để rồi, người chồng sắp cưới vội vã bỏ chạy ra khỏi nhà như gặp phải ma trong lần gần gũi đầu tiên. Từ đó, mẹ con không nhận lời bất cứ người đàn ông nào, ngay cả trong giấc ngủ cô ấy cũng bị ám ảnh bởi nét mặt thất vọng, kinh sợ của người chồng xưa. Ta hỏi, ba mươi tám tuổi rồi liệu cô tính ở vậy mãi sao, cũng nên có đứa con để còn có chút ủi an lúc về già chứ? Không ngờ câu hỏi của ta lại là ngọn gió ngu ngơ chạm phải ngọn lửa khát khao vốn âm thầm cháy trong lòng người phụ nữ ấy. Trước ánh mắt đang long lanh ứa tràn nhựa sống mà vài phút trước đó thôi còn u ám một nỗi niềm cô quạnh, ta bỗng thấy tim mình se lại, bốc đồng và thổn thức. Xúc cảm của người phụ nữ muộn màng sắp được nếm mùi vị đàn ông và xúc cảm của một thằng đàn ông xa xứ thèm khát chút hương vị đồng nội cứ nóng níu, rạo rực quấn chặt lấy hai ta. Và rồi…”

- Và rồi sao nữa?

- Mẹ con muốn có một đứa con. Khi ta tỉnh dậy thì mẹ con đã đi làm từ sớm và để lại một lời nhắn: “Xin cảm ơn. Nếu hạnh phúc được đâm chồi thì tôi cũng mãn nguyện vì bố nó là một người tốt. Đừng quay trở lại đây nữa”. Ngày sinh con, ta đã bí mật quay trở lại và lặng lẽ nghe con cất tiếng khóc chào đời. Trên ngực con có một vết chàm trông y hệt chiếc mai rùa, và ta đã xin được đặt tên con là Trương Hà Quy.

- Còn mẹ thì sao?

- Mẹ con ra sức xua đuổi và từ chối nhận mọi sự quan tâm từ ta. Trở về Pháp, công việc và gia đình cứ níu lấy ta. Ta đâu hay, mẹ con phải khổ sở như thế nào để nuôi một đứa trẻ hay ốm đau như con. Rồi buổi tối hôm đó, đáng lẽ mẹ con sẽ đi làm về muộn, sẽ bế con từ nhà hàng xóm về, cho con ăn bữa tối, cùng con nói chuyện, nghe con hát, đọc thơ và kể cho con nghe những mẩu chuyện cổ tích… Nhưng đêm ấy mẹ con đã không về nữa. Một tai nạn giao thông đã vĩnh viễn cướp mẹ con đi, để con phải vào trại trẻ mồ côi khi chưa đầy năm tuổi.

- Sao tôi lại không nhớ gì về tuổi thơ của mình nhỉ?

- Ta luôn thấy có lỗi với con. Khi ta biết tin và đi tìm thì con đã được nhận nuôi và không còn dấu vết nào nữa. Ta dường như u uất trầm trọng với những cơn ác mộng dằn vặt. Và khi ta rơi khỏi ban công, ta không chết, thì ta hiểu rằng chính mẹ con đã cứu lấy mạng sống này. Bà ấy sống khôn chết thiêng, bà ấy luôn phù hộ ta vì bà ấy muốn ta tìm thấy con.

Con bướm từ kiếp trước lại bay rập rờn trước làn khói hương mờ ảo…

Cô bé Hà Quy thấy mình đang nằm trong một căn phòng có nhiều giường xếp chồng lên nhau và rất nhiều hoa giấy. Ai đó dắt nó ra ngoài, nó ngồi trơ trọi giữa một đám trẻ lóc nhóc khóc khóc cười cười. Nó chỉ vẽ. Vẽ ngày vẽ đêm. Nó vẽ một con rùa con có chiếc mai nhỏ nhắn. Rồi một buổi sáng thức dậy, nó được mặc một bộ váy mới màu hồng ngồi đợi trong phòng. Một đôi vợ chồng bước vào ngồi xuống bên cạnh nó. Họ nhìn nó trìu mến, vuốt tóc, thơm má và xem tranh của nó, còn cho nó rất nhiều quần áo đẹp, phát cho bạn bè nó bao nhiêu là quà bánh. Rồi họ bế nó ra khỏi căn nhà có chiếc cổng hình vòm cung ghi hàng chữ “Trại trẻ mồ côi Hy Vọng”.

Con bướm đậu bên chiếc ảnh thờ người phụ nữ có đôi mắt cô quạnh rồi biến mất trong làn khói hương. Quy hoảng hốt đưa mắt tìm kiếm con bướm. Cô chạy như điên vào trong phòng, rồi lại lao sầm ra ngoài. Người đàn ông vội hỏi:

- Con tìm gì thế?

- Con bướm? Con bướm đâu rồi?

- Con bướm nào?

- Con bướm ma. Linh hồn của mẹ. Mẹ đi rồi. Bố ơi, mẹ bay đi mất rồi…!

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast