Cánh rừng vĩnh cửu

Lúc xem chương trình chuyến dã ngoại, mắt chị dừng lại ở dòng chữ “Khám phá hồ về đêm, ngắm trăng và đón bình minh trên mặt hồ”. Sự mời gọi hấp dẫn khiến chị nhận lời mời tham gia tours vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Trước khi đi, theo yêu cầu của công ty lữ hành, chị đã sắm một số vật dụng: chai thuốc muỗi, chiếc đèn pin, cái áo gió gọn nhẹ cùng mớ hành trang cần có.

Chị cùng những người đồng hành lần lượt rời xe, bước theo con đường mòn dẫn vào rừng. Đó là cánh rừng vừa nguyên sinh vừa trồng mới. Đoàn người như trẻ nhỏ, mắt tròn mắt dẹt, chỉ trỏ, liên tục hỏi người hướng dẫn viên. Hỏi về cây, về chim, về bướm, về hoa. Hỏi về con khỉ con chồn con cáo chắc đang ẩn nấp đâu đó. Hỏi về loài thú chỉ còn được bảo tồn bằng hình ảnh hay ký ức. Hỏi kỹ về những loại lá. Rồi chia từng tốp, men theo bìa rừng, hăm hở hái lá làm rau ăn.

Đoàn người trở về nhà khách, đợi cơm. Bữa ăn với những món nấu với rau rừng được bày biện lên bàn. Các ống kính máy chụp máy quay lập tức châu vào ghi hình. Người đầu bếp nhiệt tình giảng giải tỉ mỉ cách chế biến từng món, đến khi ngồi vào bàn, nâng ly thì đêm đã buông, bầu trời đã nhấp nhánh những ánh sao. Buổi văn nghệ với nhiều giọng hát say sưa của khách và chủ được kéo đến 11 giờ.

Về đến phòng, chị thay ngay bộ đồ ngủ. Leo lên giường, kéo mền tới ngực, tắt đèn, cố chợp mắt. Chị nghe tiếng ngáy của người bạn đồng hành. Lên xe ngồi cạnh nhau, ngủ nằm giường gần nhau nhưng chị và cô gái mới chỉ cho nhau số điện thọai để phòng khi hai người không về phòng cùng một lúc; và nói với nhau vài ba câu, như “Em vào toilet trước đi”, hay “Chị có mang theo dầu gội, em cứ dùng”. Và chị cũng chưa nhìn trọn vẹn gương mặt của cô gái, duy có những ngón tay lướt trên bàn phím chiếc iPad thì chị nhìn khá rõ. Một bàn tay có ngón tay thuôn dài với những cái móng sơn tím nhũ bạc. Những ngón tay di động liên tục, háo hức, có lẽ không chỉ kiếm tìm những thứ hiện ra trên màn hình. Tiếng ngáy có lúc kéo dài, hơi ngáy như không thoát hết, vướng lại đâu đó nơi cổ họng khiến người nghe có cảm giác ngàn ngạt, khó thở. Mấy lần chị định ngồi dậy, bước đến bên giường cô gái, nâng đầu cô đặt lại ngay ngắn trên gối; nhưng rồi chị lại nằm im. Chị sợ cô gái giật mình, không ngủ lại được và biết đâu lại trách chị. Mà trách là cái chắc. Bởi, thói thường, ít ai nghe được tiếng ngáy như mũi khoan siết vào thớ gỗ hay ngửi được mùi mồ hôi khó chịu của mình.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Nhưng với người muốn ngủ mà không thể chợp được mắt thì tiếng ngáy xoáy vào lỗ tai kéo dài vài giờ chẳng khác gì chịu đựng một cực hình. Lúc người hướng dẫn đoàn gõ cửa phòng báo thức, chuẩn bị lên đường cho cuộc khám phá hồ đêm, chị thấy chóng mặt, đầu nhức ong ong. Vừa trở dậy, đi được vài bước, chị mất thăng bằng, vội xoay người, lảo đảo trở lại giường. Cô gái thức dậy, tỉnh như sáo, nhanh nhẹn cho các thứ vào túi xách, rút cục sạc ra khỏi cái iPad, lướt vội những ngón tay lên bàn phím rồi quay sang chị: “Sao chị còn ngồi đó, em đi trước đây!”.

Cô gái đi rồi, đoàn người đi rồi, chị thấy bớt chóng mặt và đỡ nhức đầu. Sau một hồi nằm trong bóng tối vắng lặng, chị ngủ.

Lúc chị thức dậy, nắng vàng trườn đến cửa sổ. Chị bước đến, mở rộng cánh cửa. Từ trên tầng hai nhìn xuống, dưới khuôn viên rộng là thảm cỏ xanh, khóm hoa vàng. Trên lối đi dưới hàng cau đung đưa cành lá, một con chó phèn cong đuôi, dí mõm sục sạo mặt đất rải sỏi. Tất cả thật yên bình, không bóng người, không tiếng nói, chỉ nghe ríu ran tiếng chim.

Ít phút sau chị bước chầm chậm qua lối đi tràn nắng, rồi bước nhanh hơn khi ra con đường nối với tỉnh lộ, con đường đã lác đác xe đạp, xe gắn máy, thỉnh thoảng có vài chiếc xe tải nhỏ chạy qua. Theo con đường về bên tay trái, chị tới cái chợ nhỏ, nơi lúp xúp kẻ bán người mua. Chị vào chợ, lơ ngơ nhìn ngó những quầy hàng bày bán các loại thịt cá rau củ và các vật dụng cần thiết mỗi ngày mà ở bất kỳ chợ quê nào cũng có, và người bán người mua cũng là những gương mặt gồng gánh tần tảo sớm hôm mà chị có thể gặp ở bất cứ nơi nào trên dải đất nhọc nhằn này. Khi chị vừa bước khỏi cái nhà lồng chợ nhỏ như ngôi nhà không xây tường thì thấy một chỗ bán nón, đủ các loại nón. Mặt trời lên cao, nắng bắt đầu chói. Chị dừng lại chỗ bán nón được treo mắc lủng lẳng trên giá và bày trên tấm vải bạt trải trên mặt đất, chọn mua cái nón rộng vành được may bằng loại vải thô có hoa văn rằn ri.

Đội chiếc nón mới lên đầu, chị tạt vào một quán ăn. Sau khi ăn hết tô bún riêu mằn mặn dù đã nặn vào hết bốn lát chanh, chị thả bộ tìm một quán nước bên đường, định sẽ ngồi uống cà phê chờ cho tới khi đoàn người sau khi lênh đênh mặt hồ đêm rồi nhảy xuống tắm khi mặt trời lên và trở về. Đi được một quãng, chị thấy bên tay trái có một tấm bảng sơn xanh nổi rõ dòng chữ trắng là địa danh nơi chị đang lưu lại, Vĩnh Cửu. Không hiểu sao, cái tính từ dành cho một trạng thái dường như không hiện hữu được đặt tên cho một vùng đất cùng những thân phận hiện hữu, lại lôi kéo. Chị tiến về phía đó.

Khi đứng trước hai chữ Vĩnh Cửu, chị lấy iPhone ra khỏi túi xách, điều chỉnh chức năng tự chụp. Chị bấm liên tiếp hai pô ảnh rồi xem lại. Cả hai tấm chị đều không ưng. Ảnh được chụp ở cự ly quá gần, chị thấy gương mặt mình trông ngô ngố, dài dại. Chị đưa camera lên, chưa kịp ấn thêm pô mới thì khựng lại bởi tiếng nói: “Chị đưa tôi chụp cho!”. Quay lại, chị thấy một người đàn ông mặc bộ đồ bộ đội còn mới, đầu đội cái kết cũng còn mới, cái kết cũng cùng loại vải rằn ri như chiếc nón chị đang đội. Anh ta cao to, vóc dáng và gương mặt bảnh trai không thua gì Nguyễn Chánh Tín lúc vào vai Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”. Thoáng ngỡ ngàng nhưng chị cũng đưa điện thoại cho người đàn ông như vừa từ trên trời rơi xuống. Anh ta bấm liên tiếp nhiều pô ảnh rồi đưa điện thoại lại, bảo chị xem ảnh. Chị xem. Vừa ngỡ ngàng vừa phấn chấn. Tấm ảnh nào trông chị cũng trẻ hơn và cũng xinh hơn. Chị ngồi xuống vệ đường, thao tác chia sẻ hình ảnh vừa có được trong một khoảnh khắc trời cho lên facebook. Sau ít giây hình ảnh được tải xong, chị muốn đợi xem ai là người đầu tiên “thích” hình ảnh của mình. Tuy nhiên, khi thấy người đàn ông vẫn còn đứng có ý chờ, chị vội cho điện thoại vào túi xách và đứng lên.

Người đàn ông vẫn đứng chỗ mà mấy phút trước chị đứng và được ghi hình. Hai chữ Vĩnh Cửu lóa nhòa trong ánh nắng xiên xiên. Gương mặt người đàn ông không còn nhìn rõ, như xa như gần. Có lẽ chói nắng. Chữ Vĩnh Cửu nhấp nhới trên cái nền xanh màu da trời. Người đàn ông tiến về phía chị: “Nếu chị thích chụp hình thì theo tôi!”. Anh ta chỉ tay về phía lối đi thẳng tắp dưới bóng mát của hai hàng cây chạy theo con đường kéo dài về phía cánh rừng.

Như thôi miên, chị đi theo người đàn ông. Anh ta im lặng đi bên chị, im lặng chụp cho chị những tấm ảnh dưới ánh nắng loang lổ xuyên qua tán lá.

Lúc người đàn ông cầm máy và chờ đợi những tích tắc ghi được những pô ảnh ưng ý, chị nhận ra anh ta có một bộ ria và hàm râu khá rậm, có lẽ được cạo nhẵn từ vài ngày trước, đang mọc lún phún. Chị chợt nhớ chồng, anh cũng có bộ ria và hàm râu mà chị thích nhìn, thích cái cảm giác ram rám khi sờ đám râu mới mọc và thích được chăm chút bằng cách mỗi lần đi siêu thị hay đi xa về, chị luôn mua cho chồng dao cạo. Nhiều lúc anh la lên: “Anh có một hàm râu mà em mua dao cạo nhiều như cho cả một đại đội!”, khi đó chị chỉ nói: “Tại em thích!”. Với chị, từ “thích” không lý giải, nó hàm chứa cảm xúc, thứ không thể có được bằng sục sạo kiếm tìm hay xê dịch hoặc đổi chác. Tuy nhiên, từ khi gia nhập cộng đồng facebook, chị lờ mờ nhận ra là từ “thích” trong đa số trường hợp sử dụng đã không có được từ cảm xúc mà đến từ sự điều khiển tỉnh táo của cái đầu, từ nỗi sợ mơ hồ: sợ bị bỏ rơi, sợ lãng quên, sợ cô độc, sợ mất tăm tích giữa đám đông. Chị cũng chẳng khác gì họ. Quăng quật, đẩy xô chênh vênh từ giông gió cuộc đời, từ thẳm sâu bản ngã, khiến con người lẻ loi bé nhỏ đã không đủ sức nhắc chân ra khỏi đám đông, thường mắc kẹt trong nhộn nhạo bầy đàn của nó. Nhưng với chị, cái số ít ỏi có được từ những người chị thân quen và cả những người mà chị chưa hề biết mặt từ cái cộng đồng vừa ảo vừa thật đó, đã “thích” tâm trạng chia sẻ của mình, đã là quá đủ, quá đầy so với khoảng trống lúc nào cũng chực chờ, ngay cả khi được ghì siết trong cơn ân ái của chồng.

“Chị biết cây mật nhân không?”, câu hỏi của người đàn ông kéo chị trở lại lối đi mà chị đang đi bên cạnh một người hoàn toàn xa lạ. “Tôi chưa thấy… nhưng có uống rượu được ngâm từ loại cây đó”. “Chị thấy ngon không?”. Chị mới uống hồi đêm, vì làm ra vẻ gan góc từng trải, chị cố gắng nuốt một cái ực cho cạn ly chớ thực ra mùi vị của rượu không thơm nồng. Chị trả lời: “Tôi thấy nhân nhẫn khó nuốt”. Anh ta lại nói: “Chắc chị uống chưa phải là rượu ngâm từ rễ cây mật nhân chính hiệu”. Nhận xét của anh ta khiến chị… lệch hướng. Thật ra, chị chỉ muốn “quẳng gánh”, muốn thoát khỏi những suy tư nhiều khi chỉ tự dày vò, để được thư thái nhẹ nhàng trong hai ngày cuối tuần. Nhưng gương mặt nhìn nghiêng của người đang đi bên cạnh là gương mặt chăm chú của kẻ biết lắng nghe. Có thể anh ta nói đúng. Đó chưa phải là loại rượu được ngâm từ loại cây mật nhân thứ thiệt. Chị lại nhớ một lần tạt vào vỉa hè của một con đường mà mỗi ngày đến công sở chị đều đi ngang qua. Chị mua một lít mật được rót ra từ cái thau hứng dưới “cái tổ”, nơi những con ong đang rút đầu vào đó, còn người ngồi bán mật ong, sáp ong vận trang phục và sở hữu gương mặt đen đúa chất phác của một tộc người ở vùng cao. Khi đem lít mật về đến nhà, chị mới biết đó chỉ là nước đường pha màu vàng của mật. Mà đâu chỉ có lần đó chị mới nhầm lẫn giữa đường với mật. Nhiều lần chị đã phải nếm trải cái vị đắng nghẹn cùng nỗi đau âm ỉ của những vết thương hằn sâu không chỉ ở thịt da bởi sự tráo trở, dối lừa. Tuy vậy, đã không ít lần, dù biết rõ là mình bị dẫn dụ nhưng chị lại không đủ tỉnh táo để thoát khỏi cái mê cung mà ở đó, sự giả trá được điểm trang, được ngụy tạo bởi hình ảnh thật đẹp, thật đời. Nhưng, khi đã gọi là “mật”, có lẽ chỉ trừ mật ong, còn lại, hẳn nhiên là đắng, dù đó là mật cây, mật gấu hay mật người. Ý nghĩ này hiện ra nhưng có cái gì đó khó diễn đạt được bằng lời. Người đàn ông lại nói: “Tôi sẽ tìm và đào cho chị đúng cái rễ của cây mật nhân trăm tuổi”.

Chị bước theo anh ta mà không gặng hỏi, anh đào rễ cây trăm năm bằng dụng cụ gì khi anh ta không cầm dao, giắt lưỡi lê hay khẩu súng. Chị có cái cảm giác dễ chịu khi thấy người đàn ông mặc quần áo quân nhân nhưng lại không mang vũ khí. Đôi mắt anh ta cũng không phải là đôi mắt của người đi săn hay kẻ bị săn. Ánh mắt sáng và ấm như đang vương nắng, ngay cả khi hai người đã đi khá sâu vào con đường tỏa rợp bóng cây.

Lối đi mỗi lúc một hẹp hơn, rừng cây cũng thâm u hơn. Một lần nữa, chị muốn mở miệng hỏi “Có thật là anh đưa tôi đi tìm cây mật nhân?” nhưng rồi âm thanh không thoát ra khỏi cổ họng. Chị bước lặng lẽ bên người đàn ông mà rừng cây đã dần lấy đi ánh sáng trên chiếc mũ, trên áo quần và gương mặt.

Cái hấp lực anh ta kéo chị đi, không hẳn là chiếc mũ và bộ quần áo như lẫn vào lá rừng. Cũng không chỉ là bờ vai đủ sức che chở của một người đàn ông cao lớn điển trai. Và hình như cũng không phải là lời hứa về việc tìm được cái rễ của loài cây mang tên gọi một bộ phận đảm nhiệm chức năng giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể con người. Mà là cái gì đó vừa bí ẩn vừa quyến rũ trong cái cách anh ta đột ngột xuất hiện cùng ánh mắt của một người đàn ông thấu cảm và sẵn lòng chia sẻ. Biết đâu anh ta chính là một tri âm hiếm hoi đã luôn xuất hiện khi chị cần chia sẻ nhưng lại ẩn danh ẩn mặt giữa muôn vàn gương mặt hiện trên facebook mà chị lướt qua mỗi ngày. Chị muốn nói điều này nhưng từ ngữ lại biến mất. Không mở được lời nhưng lòng thấy nhẹ nhàng ấm áp khi chị cảm nhận được sự tin cậy và cả sự thanh khiết đang tỏa rợp quanh mình: người đàn ông biết sẻ chia đang bước bên cạnh, đàn bướm nhiều sắc màu bay rập rờn từng đàn, tiếng chim líu ríu trên cành nghe thật gần, hoa rừng hồn nhiên khoe sắc, rồi tiếng rơi lặng lẽ của những chiếc lá rời cành… Và hình như tiếng bước chân chị và người đàn ông, cũng rất khẽ.

Chị thấy mình dừng dưới một tán cây xòe rộng, thân cây to cỡ nửa vòng ôm, da cây sù sì, dáng cây như được một bàn tay nghệ nhân uốn thành một thứ bonsai khổng lồ.

Tán cây xùm xòe che hết ánh sáng mặt trời. Dưới bóng cây tối sẫm, chị không nhìn rõ gương mặt người đàn ông khi anh ta cúi xuống bên chị. Tuy nhiên, tiếng nói, câu nói của anh ta, chị lại nghe rõ: “Mật càng đắng thì trái tim càng ấm, chị biết không?”. Chị nghe hơi thở anh ta sát vành tai mình.

Trái tim trong lồng ngực ấm lạnh ra sao chị chưa biết nhưng máu từ huyết quản chị dường như đang được nung lên. Tiếng gió, tiếng lá rơi, tiếng chim hót, tiếng côn trùng… tất cả tạo thành thứ hợp âm hỗn độn mà chị không thể tách bạch được nữa.

Hơi thở dồn dập, đầu óc chị trở nên mụ mẫm khi cánh tay to khỏe của người đàn ông choàng kéo chị sát vào tấm thân cường tráng sau lớp vải rằn ri: “Chị lạnh không?”. Cùng với vòng tay ấm là mùi oi oi nồng nồng trùm lấy chị. Chị như không thở nổi trước mùi xạ hương ngất ngây của thịt da, của hơi thở, của khát thèm, của bóng tối, của u mê. Thịt da chị ấm sực và căng tràn trong cơn nuông chiều hối hả của nhục thể. Chị hấp hãi lần tìm đôi môi khao khát. Người đàn ông quắng quíu gắn chặt cặp môi vào đôi môi nóng bỏng của chị.

Chính lúc đó, lúc chị sắp bùng nổ trong cái cảm giác được nâng lên khỏi mặt đất thì chị nghe tiếng chuông điện thoại. Phải mất ít giây chị mới lấy lại được thăng bằng. Và phải mất thêm vài giây nữa chị mới điều khiển được chính mình. Chị vội nghiêng người về bên tay phải, nơi đeo cái túi xách rồi rướn thêm mấy bước, bước ra khỏi gốc cây âm u, tìm thấy chút ánh sáng xuyên qua cành lá rồi dừng chân, lấy chiếc điện thoại ra khỏi túi xách. Thêm một hồi chuông giục giã. Màn hình hiện lên cuộc gọi của “Anh”. Chị vội áp điện thoại vào tai. “Dao cạo em để đâu mà anh tìm không thấy?”. Nghe tiếng chồng, chị thấy như được anh dội cả xô nước mát vào bộ mặt nóng bừng của mình. Bất giác, chị lấy lưng bàn tay quệt bớt đi mớ mồ hôi nhễ nhại nơi vòm mắt. Ngoảnh lại, khi thấy người đàn ông không đuổi theo sau lưng, chị lấy lại bình tĩnh, nói: “Nếu lố dao trong phòng tắm xài hết thì anh mở ngăn tủ đựng đồ lót, ngăn trên cùng”. Nghe xong, cũng như mọi khi, chồng chị cúp máy mà không cần biết vợ đang ở đâu, làm gì, vui hay buồn hay có mối đe dọa nào rình rập. Sự tôn trọng riêng tư, anh thường bảo vậy, đến hờ hững của chồng đã có lúc chị tức tưởi, gào lên “Nếu em có người đàn ông khác, anh sẽ làm gì?”. Chị nhớ lúc đó chồng đang bôi kem cạo râu. Anh vẫn không ngừng cạo. Lưỡi dao trong tay anh kéo một đường cong từ ria xuống cằm, trả lời: “Cắt cổ!”. “Cổ ai?”. “Cả hai!”.

Trái tim cồn lên nơi lồng ngực. Chị ngoảnh lại phía sau.

Người đàn ông đã không còn lựng bựng chỗ gốc cây lúc nãy. Có thể anh ta đã bỏ đi và lẩn khuất vào màu xanh bạt ngàn của rừng cây, lại tiếp tục đi tìm cái rễ của cây mật nhân. Hoặc cũng có thể, anh ta đã trở về đơn vị sau vài giờ phiêu lưu, lại tiếp tục làm nhiệm vụ của một người lính. Điện thoại lại reo, chị vội áp vào tai. Tiếng cô gái cùng phòng: “Em sắp về tới. Chị đang ở đâu?”. Khi chị cho biết là mình đang trên đường về lại nhà khách, còn chìa khóa phòng đã gởi chỗ tiếp tân, cô gái lại nói: “Chị không đi theo đoàn lại hóa hay”. Chị hỏi lại: “Sao lại hay?”. “Vì chị không phải chịu muỗi cắn như em”, cô gái càu nhàu. “Bù lại, em được ngắm trăng và đón bình mình trên mặt hồ”, chị nói. Cô gái lại rên lên: “Nhưng muỗi nhiều quá chị ơi, toàn lũ muỗi đói!”.

Suốt quãng đường mòn men theo cánh rừng đi ngược trở ra đường nhựa để trở về nhà khách, tâm trí chị không dứt khỏi hình ảnh người đàn ông mặc quân phục không mang vũ khí, có vòng tay ấm và nụ hôn thật nồng nàn. Anh ta đột ngột xuất hiện và cùng bước bên chị trong một hành trình kiếm tìm. Trước nhất, là tìm khoảnh khắc ghi những khung ảnh đẹp, tiếp theo là tìm cây mật nhân chính hiệu và bất ngờ lại bắt gặp thứ cảm xúc khó tìm tên gọi. Chị lờ mờ lý giải. Có thể đó là tâm trạng háo hức khó lường trước khát khao kiếm tìm và khám phá. Không đơn thuần như sự háo hức của mấy chục con người trong chuyến du hý khi được hứa hẹn sẽ tìm gặp những kỳ thú nơi mặt hồ lung linh dưới ánh trăng khua. Mà khao khát nơi chị và có lẽ ở cả người đàn ông đồng hành nữa, là khao khát khám phá chính mình trong sự tồn sinh của cánh rừng này, mảnh đất này, cuộc đời này. Tồn sinh bằng sự tiếp nối giữa sự sống và cái chết. Tồn sinh từ cái thế giới vừa nhỏ bé vừa sâu thẳm nơi mỗi con người. Sự tồn sinh trong màu xanh ngút ngàn của cánh rừng, trong màu nâu sẫm của mặt đất, nơi từng là “trận địa giao tranh quyết liệt giữa ta và địch”, như lời người hướng dẫn nói khi đoàn người đặt chân đến vùng đất này; nơi chứng kiến bao ly biệt, khổ đau; nơi chiến tranh đã cướp đi mạng sống nhưng không vùi chôn được niềm khát sống. Nơi sự tồn sinh âm thầm mà mãnh liệt bởi cánh rừng, mảnh đất, dòng sông, lòng hồ đã và đang chở che, bao bọc, cưu mang biết bao sinh linh. Và biết bao sinh linh đã là linh hồn là phù sa cho cánh rừng cho mặt đất vĩnh cửu này.

Nghĩ tới đó, bước chân khựng lại, chị cho tay vào túi xách, lấy cái iPhone ra. Chị vào bộ sưu tập ảnh, tìm lại những tấm ảnh mà người đàn ông đã chụp. Không thấy một tấm nào. Chị tắt điện thoại rồi khởi động và vào lại bộ sưu tập ảnh. Vẫn không tìm thấy những tấm ảnh mà người đàn ông đã chụp. Chị lại tắt và khởi động iPhone một lần nữa. Lại sục sạo tìm những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc mà gương mặt chị trông tươi tắn trẻ trung, đã làm chị háo hức như một cô bé tuổi teen, vội khoe hình ảnh lên facebook. Chị chỉ tìm thấy hai tấm ảnh mà mình tự chụp ở cự ly gần. Trong ảnh, gương mặt chị trông không bình thường. Gương mặt bị kéo lệch về phía Vĩnh Cửu, còn sợi quai nón trễ xuống, lệch sang một bên cằm. Gương mặt chị như dị dạng trong sự xô lệch của khoảng cách và ánh sáng. Còn đoạn dây nón màu lá rừng được thắt gút lại, buông lửng lơ dưới cằm lại hao hao dáng hình một chiếc thòng lọng.

Mặt trời đã lên khỏi rừng cây. Nắng như mang lửa dội xuống mặt đường. Màn hình iPhone lấp lóa. Ánh nắng trổ lên màn hình những chùm pháo hoa chói mắt. Chị kéo vành nón che bớt ánh nắng gay gắt. Mồ hôi bắt đầu túa ra lỗ chân lông. Chị lấy đầu ngón tay rịn mồ hôi ấn vào facebook, hấp hãi kiếm tìm. Tấm ảnh mấy giờ trước chị chia sẻ với bạn bè, cũng biến mất, không để lại dấu vết. Cơn lạnh từ đốt cổ đột ngột chạy dọc xuống sống lưng. Chị vội lấy móng tay phải cào mạnh vào cổ tay trái. Dấu móng tay hằn nơi cổ tay và để lại trên làn da cảm giác đau. Chị bấu vào da thịt mình một lần nữa. Sau cái đau thôn thốn, da thịt chị toát mồ hôi lạnh. Chị rùng mình. Chẳng lẽ chị vừa bồng bềnh trôi vào vùng ảo giác? Hay khao khát ứ tràn đã xô đẩy chị dạt đến một bến mơ với cuộc gặp gỡ liêu trai? Và cuộc gặp gỡ kéo dài suốt mấy giờ đồng hồ đó phải chăng là quà tặng cho nỗi khát khao âm thầm nơi chị? Nếu quả vậy, đó là một món quà vô giá, bởi chị được trò chuyện, được va chạm, được xao xuyến trong khoảnh khắc như vượt thoát khỏi chính mình, ngay trên cái vùng đất mà sự sống và cái chết đã tạo cho nó sự linh thiêng đến ma mị. Và, cái khoảnh khắc mà nhan sắc của tuổi hồi xuân bỗng trở lại trẻ trung xinh tươi khi người đàn ông xa lạ ngắm nhìn và ghi lại được, đã khiến chị có được giây phút sung sướng háo hức khoe khắp thiên hạ, biết đâu đã tồn tại và rồi cũng như làn gió, cái giây phút thăng hoa ngắn ngủi ấy lại lặng lẽ trôi theo “dòng thời gian”, cái dòng thời gian hiện hữu mà chìm khuất. Còn người đàn ông vừa gặp gỡ và song hành cùng chị một đoạn đường, biết đâu anh ta vẫn hiện diện đâu đó trong dòng thời gian vừa hữu hạn lại vừa không cùng này. Bất giác chị quay mặt nhìn lại con đường hun hút phía sau lưng.

Từ phía đó có một chiếc xe gắn máy đang chạy về phía chị. Tim chị đập mạnh. Biết đâu người điều khiển xe lại chính là ngừơi đàn ông đã chụp hình cho chị và choàng tay kéo chị sát vào thân thể trẻ trung cuồng nhiệt của mình, khơi dậy cái mạch ngầm khao khát mà từ lâu chị tưởng đã khô kiệt, dù chỉ trong khoảnh khắc. Điện thoại chợt reo lên. Chị thấy cuộc gọi của chồng. Chị nghe tiếng anh và cả âm thanh ồn ào của quán nhậu. Anh nói lớn: “À, này, nếu chỗ em phượt mà có mật ong rừng thứ thiệt, em nhớ mua ít lít”. Chị đáp vội: “Em sẽ tìm và mua về cho anh”. Chồng chị chỉnh lại: “Không phải mua cho riêng anh mà mua cho cả nhà mình”. Chị vẫn nhỏ nhẹ: “Em biết rồi!”. Chồng chị lại tiếp: “Anh nghe nói cá trạch ở lòng hồ Trị An làm khô ngon lắm…”. Chị cắt ngang: “Được rồi, em sẽ mua!”. Chồng chị vẫn chưa nói hết: “Còn nữa, nhớ mua về mấy chai rượu mật nhân…”. Chị chen vào: “Em nhớ rồi!”. Chồng chị lại dặn: “Em tìm mua đúng loại rượu ngâm rễ của cây mật nhân thứ thiệt, cả mật ong cũng phải tìm mua đúng loại mật thiệt…”. Chiếc xe gắn máy chạy ngang qua mặt chị, bụi vung lên. Chị chỉ kịp nhận ra người đi xe không đội mũ lính mà đội chiếc nón bảo hiểm màu trắng sọc xanh, màu xanh da trời.

Đoạn đường từ đó trở lại nhà khách, chồng chị gọi lại thêm một lần nữa. Anh lè nhè chê trách chửi rủa cái thế giới tham lam dối trá bẩn thỉu mà anh phải hít thở. Chị biết chồng vẫn đang khật khưỡng ở quán nhậu, trong tay anh là ly bia tràn bọt nhưng chị lại hình dung anh đang đứng trong phòng tắm, tay cầm con dao, cạo quanh chiếc cằm đã bôi kem, môi miệng anh cũng đầy thứ bọt trắng như màu mây đang trôi lơ lửng trên đầu chị. Rồi không rõ vì sao, chị lại nghĩ đến chiếc đèn pin và chai thuốc chống muỗi hiệu Soffeu mà mình đã vứt vào va-li như những vật vô dụng chị chưa một lần sử dụng.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast