Chị tôi

(Baohatinh.vn) - Chị tôi đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn chục năm rồi, thế nhưng tôi thấy chị vẫn luôn ở bên cạnh mình. Nhiều đêm trong mơ tôi gặp chị, được nghe chị nói, được nghe chị cười rôm rả, khiến lúc tỉnh giấc, nước mắt tôi lại trào ra.

Chị tôi ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân thuộc diện khá giả hồi ấy. Gia đình tôi có sáu anh em, tôi là em út, còn chị là chị cả. Sinh tôi được hơn một tháng, mẹ tôi đã ra đồng gặt lúa, chẳng may hôm ấy gặp mưa dông chiều bất ngờ không chạy kịp. Thế là mẹ tôi bị dầm mưa và lâm bệnh hen suyễn từ đó, không đủ sức sản xuất đồng áng nữa. Lúc ấy chị tôi đã về nhà chồng nhưng hầu như tuần nào cũng ghé về thăm nhà một lần. Tôi để ý lần nào chị cũng không chịu về tay không, lúc thì chị cho tôi một cây mía ngọt, lúc thì cắt cho mẹ tôi vài thang thuốc bắc.

Có hôm một mình chị vác cả cây chuối to chặt ở ngoài làng về. Ngõ nhà tôi cao, khi tới nhà cha tôi phải ra giúp chị đỡ mới đưa được cây chuối nhẹ nhàng xuống sân. Thấy chị quan tâm đến cả con lợn nuôi trong chuồng, ông nhẹ nhàng khuyên "Lần sau con không được vác cây to như vậy, sụn xương sống đấy". Chị tôi chỉ cười: "Sức thanh niên mà".

Chị tôi lấy chồng lúc mười sáu tuổi, đến hai mốt tuổi chị mới sinh con. Quãng thời gian về nhà chồng, nếu như người phụ nữ khác rơi vào hoàn cảnh như chị tôi cũng khó mà vượt được, bởi lúc đó chị tôi phải gánh nặng hai vai, vai làm tốt phận dâu nhà chồng, vai đỡ đần gia đình tôi. Về phía chồng cũng đông anh em chẳng kém gì nhà tôi. Anh rể tôi hồi ấy lại làm cán bộ Ty thương nghiệp Hà Tĩnh ở mãi Thị xã Hà Tĩnh, cách nhà gần bảy chục cây số. Bố mẹ chồng chị tôi đều là đảng viên đầu tiên của làng Trị Yên, đặc biệt có tư tuy làm kinh tế rất sớm.

Ông là người nuôi hươu đầu tiên của huyện Hương Sơn, nhưng có ai hiểu rằng người hậu thuẫn giúp gia đình chồng lại chính là chị tôi. Vốn là người con dâu vừa đoan trang hiền hậu nhưng rất lanh lợi và thông minh nên bố chồng đã phó thác cho chị tôi quán xuyến mọi công việc trong gia đình. Từ chuyện theo dõi các o, các chú ăn học đến chuyện răn dạy về đạo đức, rèn đàn em sống có kỷ cương nề nếp. Các o các chú rất sợ khi chị mách với cha mẹ về sự thiếu lễ độ với người chung quanh, về chuyện bỏ đi tắm hói sâu.. bởi bố mẹ biết thế nào cũng bị xơi đòn "roi mây".

Đòn roi mây là "phép" răn dạy con thông dụng của dân Hương Sơn thời bấy giờ. Nhờ chị mà mấy đứa em chồng đều ngoan ngoãn nhất xóm và đặc biệt rất thương rất quý chị dâu. Nếu chị tôi có công việc lớn phải xa nhà chồng vài ngày là o Lợi, chú Thắng đã khóc mếu máo, bắt ông Trị bố chồng phải đi gọi chị về bằng được.

Chị tôi không chỉ được em chồng quý mà bạn bè thanh niên trong làng thưở ấy đều mến và khâm phục chị tôi. Lúc cưới chồng, chị đang học dở lớp 6 Trường cấp hai phổ thông nông nghiệp huyện. Hồi ấy do chiến tranh, nên trường chị sơ tán vào tận xã Sơn Hàm. Giữa thời buổi bom rơi đạn lạc, dân trí thấp nên không ít người khi đã về nhà chồng là "quên sách quên vở" luôn. Ấy vậy mà chị tôi vẫn theo học, chị học một cách say mê, hào hứng bởi cha mẹ chồng và cha mẹ tôi đều khuyên chị nên học. Cứ mỗi tuần chị lại phải mang gạo, cuốc bộ và thuê nhà trọ ở năm ngày để học, một ngày đi lao động xã hội chủ nghĩa. Vất vả thế, học hành và thi cử lại rất nghiêm túc, nhưng chị tôi vẫn giành được mảnh bằng tốt nghiệp lớp 7 với các môn thi đều đạt điểm cao. Chị cầm mảnh bằng về, đám thanh niên làng tới chúc mừng.

Một năm sau đó chị sinh con nhỏ, nhưng có một điều lạ nữa là chị lại được các đoàn viên trẻ tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn. Hồi ấy thanh niên quê tôi hoạt động sôi nổi lắm, vùng đất Sơn Thủy vốn là vùng rốn lũ nên việc sản xuất nông nghiệp vào tháng năm hay tháng tám thường hay gặp lũ về. Thời điểm ấy chị tôi cùng anh Chương, chị Độ, chị Hồng được cấp ủy chính quyền địa phương giao cho nhiều việc. Hưởng ứng phong trào "tiếng loa chống Mỹ", thế là cả nhóm cán bộ đoàn phải thường xuyên đọc báo, nghe đài để kịp thời tổng hợp, cập nhật, tuyên truyền cho đồng bào trong thôn xóm nghe. Tuần nào cũng vậy, đều đặn mỗi tuần ba lần, chị tôi được giao nhiệm vụ biên soạn tin tức và cử một thanh niên có giọng đọc hay nhất trèo lên cây đa cao ở làng rồi dùng loa đọc tin. Hai chuyện cấp thiết nữa là động viên thanh niên lên đường tòng quân đánh Mỹ và làm bèo hoa dâu.

Chuyện cầm súng cứu nước, tuổi trẻ lúc đó ai cũng xung phong, nhưng chuyện làm bèo dâu thì vất vả cũng không kém. Có đợt lũ vào lúc nửa đêm, chị tôi tung chăn bật dậy chạy ra ngoài xóm đánh kẻng để kêu gọi thanh niên ra đồng cứu bèo không lũ cuốn mất. Nhờ tham gia hoạt động phong trào đoàn xuất sắc, chị tôi cùng với bảy đoàn viên khác được cấp ủy địa phương xét cho đi học lớp đối tượng đảng. Cấp ủy địa phương đang có ý định tiếp tục bồi dưỡng chị tôi trở thành đảng viên thì bất ngờ chồng chị về đưa chị đi học lớp đào tạo sơ cấp thương nghiệp 9 tháng để làm nhân viên bán vật liệu cho ngành. Thú thực anh rể tôi lúc đó thương chị ở nhà quá vất vả, nên muốn chị thoát ly, tuy nhiên bố mẹ chồng lại muốn chị ở nhà vì chị là dâu cả. Nếu chị đi sẽ hụt hẫng nhiều thứ. Tuy vậy, cuối cùng anh rể tôi cũng dàn xếp được êm thấm. Lúc đó thằng cháu tôi đã lên ba tuổi, nên chị gửi cho ông bà chăm sóc để tiếp tục học và công tác.

Sau khi tốt nghiệp, chị tôi được Ty thương nghiệp Hà Tĩnh phân công về Cửa hàng vật liệu chất đốt Đức Thọ. Không cần nói nhiều ai cũng hiểu hồi đó chiến tranh, vùng ven đê sông La, máy bay giặc Mỹ ném bom như vãi trấu. Nhưng chị tôi và anh em cán bộ vật liệu thời ấy thật dũng cảm. Đêm cũng như ngày hễ có người thông báo hàng tập kết ngoài bãi sông là ra vận chuyển ngay vào kho.. Chị tôi đã có hàng chục đêm như thế để chuyển nào nứa tre, xi măng, gỗ... vào kho an toàn.

Có bữa vừa kéo được hai bó nứa lên bờ sông thì máy bay ập đến. Một quả bom rơi ngay trước mặt, chỉ cách chị một trăm mét. Lúc ấy chị nằm rạp xuống vào một vũng bùn trong bãi ngô, chị nhắm mắt lại nghe tiếng nổ kinh hoàng và mảnh bom phượt chiu chíu trên đầu mình. Tết năm ấy, chị về quê tặng tôi một chiếc bút máy Hồng Hà, mua cho gia đình hai bên nội ngoại mỗi bên 5 kg cá khô. Cả nhà tôi vui quá vì chị được cơ quan cho về nghỉ tết bốn ngày. Lại càng vui hơn khi chị báo tin cho cha mẹ tôi biết : Chị đã được chi bộ trong đơn vị kết nạp Đảng .

Tôi nhớ lúc đó cha tôi xúc động nói: "Trong chiến tranh ác liệt một mất một còn, con là phận nữ mà phấn đấu thế, họ đưa con vào Đảng là đúng rồi. Không ai đứng mũi chịu sào và dám hy sinh như Đảng mình cả".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast