Chiếc cối xay lúa

(Baohatinh.vn) - Thuở ấy, làng tôi cũng như bao làng quê khác ở miền Trung, nhà nào cũng có chiếc cối giã gạo và chiếc cối xay thóc.

Chiếc cối xay bây giờ không ai dùng nữa, nhắc tới nó, lớp trẻ cứ ngỡ như bố mẹ chúng kể chuyện cổ tích, nhưng đối với những thế hệ được lớn lên từ “hạt gạo” sàng tuyển qua công nghệ thô sơ, “cối xay lúa” vẫn là kỷ niệm thiêng liêng suốt cuộc đời mình.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Trong truyện, trong thơ, không ít nhà văn đã thốt lên: “Chiếc cối xay lúa là linh hồn của quê nhà, linh hồn của người dân nước Việt”. “Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay giã, dần sàng. Đất nước có từ ngày ấy”. Quá trình từ hạt thóc đến bát cơm thường là vậy. Người nông dân lam lũ ngoài đồng ruộng, có bông lúa chín rồi họ lại phải còng lưng xay thóc. Dưới mái nhà tranh bình dị, đầm ấm khói lam chiều, chiếc cối xay vù vù quay, nghe dồn dập như mưa rào. Một nhà xay, hai nhà xay, rồi nhiều nhà khác xay, tạo nên một biển âm thanh không bao giờ ngưng lặng.

Ngay từ buổi đầu tiên tới trường, sách vỡ lòng đã gợi mở những đồ vật thông dụng trong gia đình bằng câu đố: “Sừng sững mà đứng giữa nhà/Hễ ai động đến thì òa khóc lên”. Đằng sau chữ “òa” này chứa đựng bao nỗi vui buồn của những mảnh đời lam lũ, cực nhọc.

Nhắc tới chiếc cối xay lúa, tôi không bao giờ quên hình ảnh ông Hạ, chuyên đi đóng cối xay cho dân làng. Người ta quen gọi là “ông phó Hạ”. Ông Hạ được phong chức “phó cối” từ thuở còn trai tráng. Ông quê ở Nghi Lộc (Nghệ An) nhưng cả cuộc đời mưu sinh bằng nghề làm cối xay ở làng tôi… Thằng Du - bạn học cùng lứa với tôi là con duy nhất được ông Hạ truyền nghề, nó thường tranh thủ gánh đồ nghề theo bố vào những dịp hè.

Hồi ấy, hầu như nhà nào cũng phải nhờ tới “phó Hạ” đóng giúp chiếc cối xay. Tất nhiên, muốn cối xay tốt, chủ nhà phải chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu gồm nứa, tre, cau, rồi một ít gỗ để làm trục quay và giằng xay. Với tác phong nhanh nhẹn, bố con ông Hạ tới đâu là mấy ngày hôm đó không khí gia đình vui vẻ, náo nhiệt hẳn lên.

Hai cha con ông bắt đầu dùng cây mác dài sáng loáng chẻ nứa, tre, cau và chỉ một chốc là biến cả thân nứa, tre, cau thứ thành nan cật, thứ thành que nhỏ để làm cối xay. Ông Hạ dựng hình chiếc cối xay bằng 2 phần: “thớt trên” và “thớt dưới”. “Thớt trên” cao gấp 2 lần “thớt dưới” và “thớt trên” đè “thớt dưới” bằng một trục gỗ tròn, thon thả. “Họng” chiếc cối xay chính là nơi lúa từ “thớt trên” xuống “thớt dưới”. Trục ngang để “giằng” ngoắc vào 2 lỗ tròn thường gọi là “lỗ tai”. Cối xay nào cũng có 2 lỗ tai, người điều khiển xay thóc khi ngoắc vào lỗ tai phải, khi ngoắc vào lỗ tai trái. Mỗi chiếc cối xay lúa, các gia đình thường sử dụng được từ 5-6 năm, tùy theo xay ít hay nhiều.

Làng tôi ngày ấy ai chưa được ông Hạ “phó cối” đóng cối thường phải đội thúng thóc xay nhờ nhà khác và thúng được xếp hàng dãy dưới chân cối xay. Thúng thóc này chuẩn bị cho đám lợp nhà, thúng thóc kia chuẩn bị cho đám cưới dâu người hàng xóm. Rồi thóc thuế nông nghiệp nhà nước, thóc góp vào “hũ gạo tiết kiệm nuôi quân”. Mẹ tôi thường nói: “Nghe nhà có tiếng cối xay đó là nhà có phúc, cả làng đều đổ thóc ra xay thì cả làng ấy phúc to hơn quả núi”. Tôi hiểu ý mẹ, nếu cối xay làm việc nhiều có nghĩa là năm đó được mùa và ngược lại thì nhiều gia đình không có gạo ăn. Ôi! âm thanh của tiếng cối xay còn báo hiệu cho mọi người biết chuyện làm ăn trên đồng ruộng hàng ngày.

Có những đêm canh ba gà gáy, tôi chợt thức giấc, nhìn sang bên kia ngọn đồi thấy ngọn đèn dầu hỏa của nhà bác Đính vẫn đỏ và tiếng cối xay thóc vẫn đều đều phát ra âm thanh. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay để bây giờ, mỗi lúc chiêm bao gặp lại mẹ, gặp bà con cô bác bên chiếc cối xay lúa ngày nào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast