Chiều kí ức phủ gai

Có những sự kiện nằm ngoài chính sử lẫn dã sử chỉ người trong cuộc mới nhớ.

Truyện ngắn

Kiến Gia năm thứ 7, Đinh Sửu. Tháng hai có thánh chỉ. Toàn kinh thành trồng gạo gai, ai không theo chém đầu.

Kiến Gia năm thứ 14, Giáp Thân. Trước khi truyền ngôi cho Hinh, vua ra lệnh chặt, đốt toàn bộ gạo gai trong kinh thành. Quạ kêu váng trời. Khói bốc nghi ngút. Từng tảng đen ràn rạt bay đi. Quạ non rơi xuống chết không biết bao nhiêu mà kể. Mùi tanh lộng óc mấy tháng không tan.

Kinh thành Thăng Long ngày đầu tháng Chạp. Cái lạnh xuôi xuống từ phương Bắc nằm im lìm hơn nửa tháng không tan cứa vào da vào thịt. Trong vườn, lá đổ nhiều dù chẳng có gió. Nhịp rơi chậm chạp.

Chiều đến. Tôi vẫn giữ thói quen từ nhiều năm vun lá lại đốt. Lửa ngún vào lá. Cái lạnh hãm bớt lửa bốc lên. Khói bay tựa sương. Những mái điện cong vút đổ ập trong mắt.

Cơ nghiệp hơn hai trăm năm của nhà Lý tan tành. Giang sơn giờ của nhà Trần. Vậy mà hình bóng Hinh trong tôi vẫn là hình bóng vị vua nhỏ nhà Lý, hồn nhiên, véo von mỗi buổi chiều. Tay Hinh hồng nhạt, từng ngón từng ngón nhón chiếc lá gạo khô lên, nâng niu, ngắm, thương, rồi đốt. Chậm chạp gỡ từng mảnh kí ức con trẻ của mình ra vương trên lá. Hinh đốt chiều này sang chiều khác mà vẫn không sao hết được kí ức của tám đời vua trước. Kí ức chất chồng. Hai má đỏ lựng. Ánh mắt trải ra trên ngọn lửa nóng bỏng rẫy vươn lên vặn vẹo đủ hình hài. Từng khuôn mặt của dòng họ hiện lên chằm chằm nhìn Hinh. Buồn có, vui có, cả bi phẫn lẫn hận thù.

Con đường này dẫn đi đâu?

Cuối những buổi đốt lá bỏ lại đằng sau chuồn chuồn kim xanh đỏ, cỏ gà, khói vương vít, Hinh hỏi. Tiếng thở dài kéo đêm về gần sau lưng. Giờ Dậu vuông vắn điểm canh. Tàn vương âm thanh vọng khắp.

Dải đường mờ mờ dẫn từ nội điện ra tràn bụi đỏ…

Lần đầu tiên tôi đốt lá là chiều một ngày giữa hè. Mặt trời nhoi nhoi trên cao, ngày đằng đẵng. Lửa bốc lên chưa nhìn thấy ngọn đã nhòa trong nắng. Thái giám, cung nữ từ điện Long An, Long Thụy chạy sang mắng nhiếc. Hinh nhỏ thó nấp sau lưng thút thít khóc. Tôi im lặng, cắn chặt môi. Mồ hôi từ gáy chảy xuống lưng, theo rãnh xuôi xuống nữa, phía dưới hầm hập.

Vua Huệ Tông say khướt đi qua.

Mọi người tản ra nhanh, tránh vua, không hành lễ.

Vua giống anh hề áo dài trong các vở chèo hát ở sân đình quê tôi. Long bào nhem nhuốc buộc túm trước bụng. Tay giáo, tay mộc vung bốn phía. Cờ xí cắm ở búi tóc trên đầu bay phần phật. Chân vẽ vài bước thẳng, vài bước xiên, rồi ngã. Mộc, giáo văng ra. Thái giám vội vàng cúi xuống nhặt lên dâng vua.

Ta là… thiên tướng… thiên tướng… giáng trần… trần… đây. Ta… ta… xuống giết… giết… hết… bắt hết… đọa địa ngục hết… bọn… bọn… người phản… phản… trắc… tiếm… quyền… quyền… tranh ngôi… đoạt… đoạt… vị. Nào… nào… ma quỷ trốn ở đâu mau ra. Nếu không ra… ta mà bắt được… sẽ đầu một nơi, thân một nẻo lúc ấy đừng trách. Chết đau… chết đớn…

Tôi cuống cuồng quỳ hô vạn tuế. Vua chẳng để ý, chạy lại gần đống lá gạo đang cháy giả làm thiên tướng nhảy qua đống lửa, vung lên, chém xuống. Lửa bén long bào khét lẹt. Hinh mặt mũi tèm nhem, quệt ngang quệt dọc cuống cuồng định chạy vào. Tôi giữ lại.

Tại sao thấy vua cha Hinh không hành lễ?

Hinh sợ vua ôm Hinh mà khóc. Mỗi lần thấy Hinh vua cha đều khóc rất lâu. Hinh dỗ thế nào cũng không nín. Cứ khóc mãi. Nước mặt chảy ướt đầu, ướt mặt.

Tôi buông tay.

Vị thái giám hầu vua có cặp mắt đen láy, sâu thẳm. Góc nắng chênh chếch. Bóng ba người in nhễ xuống sân gạch vẹo vọ. Về sau này khi vua Huệ Tông chết, tôi không còn thấy vị thái giám đó nữa. Có người bảo vị thái giám ấy chết theo vua ở chùa Chân Giáo. Có người bảo đi theo đoàn buôn mất tích trên biển. Tôi nghe, cảm thương. Nhớ đến hồ nước mùa thu nơi làng quê cũ. Ở bên kia hồ sáng sớm thường cất lên tiếng sáo trong văn vắt. Tôi vục nước lên mặt rửa. Vục được cả tiếng sáo. Âm vang vọng. Lẫn cả tiếng lá rơi lẫn tiếng chim.

Vua múa may chán, mệt, vứt toẹt giáo mộc vào lửa, ngồi bệt xuống đất, người thái giám dìu vào bậc tam cấp. Vua gục vào con rồng đá ở bên. Con rồng đá thức dậy khẽ quậy mình, chân đầy vuốt ẩy vua ra rồi lại ngủ tiếp. Tôi bụm miệng sợ hãi. Vị thái giám thản nhiên ngồi xuống lấy người làm chỗ dựa cho vua. Mắt sâu, buốt cứa vào kí ức. Không biết giờ này ở quê bố mẹ, hai đứa em trai tôi đang làm gì? Họ là những người thân duy nhất, dù cái thân thiết ấy chỉ nửa vời, tù túng. Bữa cơm tối đây có cá diếc kho? Từ ngày vào cung chỉ thèm mùi tanh của loài cá nơi thôn dã. Nem công, chả phượng Hinh chẳng ăn, ban cho, lúc đầu ăn ngon nhưng ăn mãi thấy nhạt.

Tiếng ngáy ngắt quãng. Hinh thập thò phía trong cửa ra hiệu hỏi vua có ngủ thật không? Tôi gật. Hinh rón rén vòng qua trước mặt vua ù chạy về phía cổng. Tiếng cười lanh lảnh. Mặt trời trên đầu khuất dạng. Mây đen kéo tới chờm kín.

Tôi vẫn quỳ. Sân gạch nóng ran. Bóng mát cây gạo đầu hồi không tỏa tới chỗ quỳ. Lá vẫn đều đặn rơi, một, hai, ba, bốn, năm lá… Đầu gối đỏ ửng, đau buốt. Mắt hoa lên. Cổ họng bỏng rát. Lá gạo vẫn cứ rơi trước mắt. Không đếm nữa. Vua vẫn ngủ. Thái giám vẫn mơ. Hinh bỏ đi chơi.

Tôi quỳ cho đến khi trước mắt chỉ còn khoảng sáng nhờ vàng. Vua, cây, thái giám, công chúa, rồng đá lẫn vào với nhau. Lịch sử mù mờ. Tỉnh thức là một. Ở quê bố mẹ hẳn đã quên tôi. Họ sống cuộc sống của riêng mình với vài thửa ruộng sứt sẹo. Hai thằng em khi vừa sinh ra đã học được cách chấp nhận cái chết. Chết vì đau bụng cũng không hèn nhát hay vinh quang hơn chết vì hòn tên, mũi đạn.

Ảnh: Phạm Minh Hải

Ảnh: Phạm Minh Hải

Ngày đi mẹ kéo vào buồng, dúi vội cho nắm xôi gấc đo đỏ, vo tròn, còn ấm. Bảo ăn đi. Cúng tổ tiên đấy. Chần chừ. Mẹ giục ăn nhanh lên đừng để hai thằng em mày nhìn thấy lại đòi. Một miệng ăn đã khổ lắm rồi đằng này ba miệng. Tôi cuống cuồng gặm. Nham nham nhở nhở. Nuốt chẳng kịp nhai. Xôi ngòn ngọt. Từ lúc sinh ra đến giờ chẳng có nhiều cơ hội được ăn ngon thế. Nhủ thầm cám ơn tổ tiên dù chẳng biết hình thù thế nào. Xôi dính hai bên mép.

“Ra rửa mặt mũi. Chốc người ta qua đưa đi.”

Giọng mẹ lạnh tanh. Mắt tôi ráo hoảnh. Tay lần hai bên mép nhặt nốt những hạt xôi còn xót lại đưa vào miệng nhai. Nhóp nhép. Nhóp nhép. Mười sáu tuổi vẫn mặc quần thủng đít ra đồng đi cấy. Người gầy dẹt như con đỉa phơi chín nắng. Ngực phẳng lì giống đứa trẻ lên mười. Mông không có gì ăn không nở nang. Gió thổi quần bay phần phật. Rau đưa vào bụng chỉ làm thân thể phát triển về chiều dài, không phát triển bề ngang. Chẳng có tí tình duyên nào trong cái làng chỉ cần lấy người về truyền giống và góp sức lao động với trâu ngựa.

Trong các bữa ăn bố bảo nhà này vô phúc sinh ra đứa không nhan sắc. Đũa bố khua trên đĩa sành cộc cộc. Bốn con cá diếc kho nằm chồng lên nhau, thân phủ dày rau má, giềng thái. Bố gắp cho hai đứa em. Rồi gắp cho mẹ. Con cuối thuộc bố. Tôi nhìn đĩa cá. Chỉ còn lại rau, giềng lót đáy nồi đen đen cùng màu xám nhờ nhờ của đĩa. Nhìn lên mái nhà. Cọng rơm khô đang rơi, nửa chừng mắc vào mạng nhện, bẻ ngang đường bay ánh mắt. Cái nhìn hẫng chạm đất lại đưa lên. Con nhện tong teo khua khoắng mấy cái chân tiến về phía cọng rơm.

Con nhện già rồi không phân biệt được đâu là thức ăn đâu là cọng rơm bố nhỉ ?

Ăn đi, nói lảm nhảm gì đấy. Già thì giết thịt chứ ăn uống gì. Đời này chỉ cần nhan sắc. Mẹ kiếp, cả cái nhà này sao chẳng ai nhan sắc?

Bố trừng mắt nhìn tôi. Tôi nhìn cọng rơm mắc tơ. Bố quay sang nhìn mẹ. Tôi thấy mẹ và miếng cơm thật to. Con cá nằm nguyên trong bát không xê dịch. Bố bao giờ cũng nhan sắc.

Nhan sắc quan trọng đến thế nơi trời Nam này ư?

Chẳng ai trả lời. Tôi chỉ thương con nhện. Quay đi quay lại hai đứa em đã ăn xong. Xương cá cũng không còn. Bố đứng dậy rót nước vối từ trong tích uống. Xúc miệng sùng sục nhổ toẹt xuống đất. Mẹ và nốt miếng cuối. Còn miếng đầu cá gắp nhanh sang bát tôi không để bố nhìn thấy. Cá diếc kho nhừ ăn đầu ngon hơn thân. Tôi ăn cơm không. Miếng cá để lại ăn cuối. Tanh lợm. Muốn nôn. Gắp thêm miếng giềng ăn độn vào nuốt đi. Muối mặn chát. Quáng quàng chạy ra ngoài. Cơm, cá, giềng trôi ộc ra.

Bụng rỗng hoác. Đất đen kịt. Bầu trời rất tím. Chân nhẹ bẫng. Xuôi về phía hồ tiếng sáo mơ hồ thoang thoảng. Mùi thơm ngọt của ổi chín phảng phất. Bình thường vào giữa trưa tiếng sáo không hất lên.

Tiếng sáo gọi tôi.

Tôi xuôi mãi. Cơn mơ xuôi mãi. Chim lanh lảnh hót, nhịp nhịp tươi vui. Lá trên cành xôn xao. Mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá thành muôn hình tròn to nhỏ nhảy múa, chờn vờn. Hàng vạn con mắt đang nhìn. Tôi chạy thật nhanh theo tiếng gọi.

Mặt hồ lấp lánh. Tôi ào xuống. Vục nước lên mặt. Nước mát lạnh. Đợi cho vô vàn vòng nước tan đi. Soi mình xuống. Vẫn là nhan sắc của ngày hôm qua, lúc này và ngày mai nữa. Đứa con gái không xinh đẹp sinh ra trong nhà nghèo thì chỉ có nước đi làm đứa ở cho người ta.

Tiếng sáo nhãng ra, tan đi.

Mày đừng tự lừa dối bản thân làm gì.

Làm đứa ở cho nhà danh giá còn hơn chán vạn lần làm ruộng…

Lâm ơi tỉnh dậy đi. Hinh biết lỗi rồi. Hinh đã cho thái giám đi gọi thái y nhưng mãi không ai đến.

Hinh lay tôi tỉnh dậy. Bóng tối phía ngoài chờm vào. Buổi chiều đã trôi qua. Vua Huệ Tông ngồi ở bàn trước mặt, ngủ gà ngủ gật, miệng nhai nhóp nhép. Nến soi bóng trên tường. Bóng chẳng giống bóng rồng.

Vị thái giám nghe tiếng Hinh gọi giật mình, mở mắt, nhìn quanh ngỡ ngàng rồi đứng dậy mở toang cửa sổ. Tiếng dế ri rỉ vọng vào. Trăng chênh chếch chiếu xiên qua tán lá. Gió lùa lạnh buốt. Tôi khẽ co mình. Chăn đắp trên ngực bị xô kéo xuống ngang bụng. Quá khứ đã qua đi. Lịch sử rất rõ ràng. Lịch sử không đứng về phía nhà Lý nữa. Huệ Tông, Hinh chỉ là những con cờ chậm chạp di chuyển những nước đi cuối.

Tôi nhắm nghiền mắt. Nước mắt chảy xuôi xuống gối. Tôi khóc cho hai cha con vua Huệ Tông. Ngày Hinh ra đời vua Huệ Tông bắt đầu chuỗi ngày dở điên dở dại. Thái úy Trần Tự Khánh nghi nghi ngờ ngờ. Hoàng hậu Trần Thị Dung hy sinh tình nghĩa vợ chồng, cắt đứt tình mẹ con vì lợi ích dòng họ.

Ơ, Lâm ơi, Lâm, tại sao Lâm khóc? Hinh làm Lâm đau à?

Hinh không lay nữa. Mười ngón tay nhỏ nhắn, hồng nhạt vuốt vuốt mái tóc dài, đen của tôi. Ngày đầu tiên vào cung tóc tôi ngắn choằn, xơ xác, vàng cháy như râu ngô. Người cung nữ già nua tắm rửa cho tôi khó chịu nhổ nước bọt mấy lần. Bộ quần áo cũ vứt chỏng chơ bên cạnh. Người ta còn chẳng thèm lau chân. Đó là bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất chỉ mặc mỗi dịp tết.

Và đâu chỉ có bộ quần áo cũ phải vứt đi.

Tôi biết tôi của ngày hôm qua phải nhường chỗ cho một tôi mới. Mất hết hồn nhiên, thiện tính, phải chấp nhận độc ác, thủ đoạn để tồn tại. Mùi bùn đất bám chặt bao năm phai nhạt. Nước nóng dội lên người rát rạt. Hai bàn tay nắm chắc. Răng cắn chặt. Không khóc. Người cứng đờ mặc cho vị cung nữ già vặn vẹo sao thì vặn.

Hoàng hậu Trần Thị Dung ngồi nhìn tôi qua bức rèm hồng nhạt. Bụng to vượt mặt. Hai người cung nữ đứng hầu hai bên có bộ mặt giống nhau. Thoáng buồn. Quạt đung đưa lên xuống. Không gian ngột ngạt. Người cung nữ già mặc cho tôi bộ quần áo mới rồi đẩy ra phía trước.

Tôi vẫn đứng im không đi.

Làm gì mà nghệt mặt ra thế.

Người ta kéo tôi ra, ấn quỳ xuống. Lời của Hoàng hậu Trần Thị Dung lẫn vào lời lịch sử. Tách biệt thế nào cũng vẫn giống nhau.

Mày gan lắm. Chọn được đứa như mày thật không dễ. Muốn làm nên nghiệp lớn phải có gan làm điều mà không ai dám làm. Cứ theo lời ta dặn rồi ta sẽ cho tất cả. Quyền lực, tiền bạc. Và chỗ đứng trong cái kinh đô nhiều mưu toan này.

Con dao bổ cau bén ngọt đích thân hoàng hậu trao.

Tôi cầm hết tay trái lại chuyển sang tay phải. Lòng bàn tay lạnh buốt. Nó được mài từ khi trăng khuyết đến khi trăng tròn. Tiếng quèn quẹt đều đặn vang lên mỗi đêm từ căn nhà cách xa tẩm cung hoàng hậu. Người cung nữ già vẫn sáng sớm vào cung, tối muộn về ngủ. Nét mặt thản nhiên. Tôi biết khi nào bà ta về giữa buổi công việc của tôi sẽ tới. Con dao trong thời gian ấy phải trở thành một phần máu thịt. Vung lên, hạ xuống nhanh gọn. Không mảy may đắn đo.

… nếu nó là con trai.

Tôi nhận mọi tội lỗi. Tru di cửu tộc. Xuất hiện trong chính sử bên cạnh Đỗ Thích, người hành thích vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Đinh Liễn.

Anh hùng của họ Trần?

Tội đồ của họ Lý?

Bố mẹ tôi cùng hai đứa em tôi liệu có tự hào về đứa con không nhan sắc của mình? Nó đã làm một việc lớn. Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng thất bại chết không toàn thây, thành anh hùng của điều không thể. Tôi giết đứa bé trai vừa mới chào đời, tôi thành tiểu nhân của điều có thể.

Giờ này trong cung hẳn tất cả đã sẵn sàng. Chỉ chờ hoàng hậu lâm bồn. Tôi được gọi tới. Tiếng khóc chói tai đồng thời là tiếng trăn trối xé nát quãng ngày đằng đẵng thấp thỏm. Nó không có số làm thiên tử. Vua Huệ Tông điên điên dại dại lúc nào cũng “ta đây là tướng nhà trời/ hôm nay giáng thế cho người sợ oai” bị giữ ở ngoài thành. Khi về thì mọi việc đã rồi. Người mẹ họ Trần chối bỏ giọt máu họ Lý. Thái úy Trần Tự Khánh đi đi lại lại chưa hài lòng với toan tính của mình. Tiếng bước chân lạch bạch gõ xuống nền thúc giục.

… nếu nó là con trai.

Người cung nữ già dằn ngửa đứa bé đỏ hỏn ra. Con dao bổ cau được dùng đến. Một nhát cứa ngang, đằm, nhấn hết sức. Máu bắn lên, loài hoa mang mùi tanh nở bùng. Tiếng khóc lặng thinh. Máu đỏ ối phủ kín những trang cuối cùng trong lịch sử nhà Lý. Quân lính phía ngoài được lệnh thái úy ùa vào. Đầu kẻ phản nghịch bị chặt phăng, treo trước cổng kinh thành.

Giết một sinh mạng có dễ dàng như giết con gián, con chuột?

Cái viễn cảnh tưởng tượng trong chuỗi ngày sắp tới diễn đi diễn lại. Tôi nhiều lần thử dao trên tay mình. Dao bén ngọt. Sẹo theo ngày tháng nối nhau chằng chịt. Người cung nữ già vẫn đi, về.

Tôi ú ớ dứt khỏi kí ức.

Phụ hoàng ơi dậy xem Lâm của con làm sao ấy?

Hinh kéo tay vua Huệ Tông. Vua uể oải miễn cưỡng đứng dậy, vẻ mặt mệt mỏi. Vệt đen của tro còn dính lại trên trán. Vị thái giám ngủ ngồi trong góc nhà, hai tay bó chặt đầu gối, đầu gục xuống. Bức tường bên cạnh xám xịt. Tóc trên đầu tuột ra rủ xuống đung đưa theo gió từ ngoài thổi vào. Con thạch sùng tặc lưỡi tàn canh. Đêm vẫn đang trượt dài trên con đường chuyển dịch về sáng. Thiêu thân lao vào nến nổ lép bép.

Tôi cuống cuồng lật chăn, nhảy vội xuống hành lễ.

Vua Huệ Tông nhìn. Cái nhìn sắc, lạnh.

Ta thấy ngươi quen.

Hạ thần là người được hoàng hậu đưa đến chăm sóc công chúa từ nhỏ.

Ngươi mệt đứng dậy đi.

Hạ thần không dám.

Ta bảo đứng dậy. Ngươi đã quỳ cả buổi chiều rồi. Ta biết. Ở kinh thành này đâu còn ai quỳ trước ta lâu thế nữa. Con dân của ta bỏ ta hết rồi. Họ chờ một cuộc chuyển ngôi mới.

Bệ hạ đừng nói thế, xin người yên lòng.

Yên lòng ư. Muộn rồi.

Vua Huệ Tông xoa đầu Hinh rồi quay lưng bước những bước dài về phía cửa. Đêm dày cô độc. Vị thái giám vẫn say giấc. Thêm một lần ngắn ngủi nữa vị vua thứ tám của dòng họ Lý được tỉnh táo. Lần tỉnh táo cuối cùng của ông là cuộc gặp thái sư Trần Thủ Độ khi đang nhổ cỏ ở chùa Chân Giáo.

…Nếu nó là con gái, nó sẽ được sống.

nhưng tôi tin nỗi đau nó phải mang còn hơn một vết cứa nơi yết hầu.

Kiến Gia năm thứ 8, Mậu Dần, tháng chín.

Thời tiết chuyển từ hè sang thu. Da trời xanh ngắt. Ít gió. Vài tảng mây thay đổi liên tục hình thù lững thững di chuyển chậm chạp từ phía tây sang đông. Không gian oi ả, ngột ngạt. Nắng vàng nhưng không trong vắt giống mọi ngày mà đùng đục. Lúc ấy vừa chớm ngọ. Tiếng trống báo canh được đánh lên chưa lâu. Tôi vẫn đang mài dao ngoài giếng nước. Người cung nữ già đi từ lúc sáng sớm chạy về. Nét mặt hớt hải, tái mét, vấp ngã ở bậc cửa. Trán đập xuống đất sưng vều rớm máu. Giọng khàn khàn.

Lâm ơi Lâm. Mày ở đâu ra đây ngay.

Tôi biết việc mình mong đợi đã đến. Hai tay tôi lúc ấy có tổng cộng bao nhiêu vết cắt tôi không đếm hết. Vết nọ chằng vết kia. Vết mới rớm máu xen vết cũ đã mọc da non. Mỗi lúc mềm yếu tôi lại tự cắt da thịt để cảm thấy mạnh mẽ. Niềm đau thể xác là một xác tín khó tả. Người cung nữ già chưa bao giờ ngăn tôi lại. Tôi biết, bà còn ngầm ủng hộ hành động ấy. Nó chứng minh tôi có thể làm tất cả mọi thứ để đạt được mục đích, kể cả hủy hoại bản thân.

Mím răng, bặm môi, không nhìn. Vết cắt thử cuối cùng loang máu. Khung trời cũ hiện lên. Tôi trở lại hồ nước quê nhà, tiếng sáo mơ hồ vẳng đến. Bên kia hồ có bóng người. Cố nheo mắt nhìn, bóng mờ mờ. Cặp mắt sâu thẳm buông là là mặt nước buồn thảm rồi chìm dần xuống đáy.

Buông tay áo đứng dậy, vừa đi vừa quệt lưỡi dao vào quần cho khô.

Thái úy, hoàng hậu cần có một kẻ gan dạ, không liên quan gì đến mình giúp làm việc lớn. Những bước đi đầu tiên cực kì quan trọng. Ngươi phải lấy thế làm vinh dự. Đừng sợ hãi.

Kiến Gia năm thứ 8, Mậu Dần, tháng chín. Chẳng có cái chết nào xảy ra. Kinh thành nhộn nhịp, giăng đèn kết hoa.

Vị thái giám tỉnh dậy thì vua Huệ Tông đã đi từ rất lâu.

Hinh ngủ. Mái tóc dài đen nhánh buông mãi về phía đêm.

Ngày Trần Cảnh tám tuổi vào cung làm chánh thủ hầu hạ Hinh, tôi được lệnh điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ về lại cung hoàng hậu.

Giữa trưa tôi đi, bên gốc gạo gai đầu hồi Hinh hỏi xin một vật. Tôi hỏi vật gì? Hinh bảo con dao bổ cau vẫn để dưới gối. Tôi hỏi làm gì. Hinh không nói. Ánh mắt dừng lại nơi bắp tay. Tôi biết. Hinh có những nỗi đau khó có người bình thường nào chịu nổi. Tôi cũng biết những vết cắt của Hinh rồi đây còn nhiều, sâu hơn tôi. Tôi im lặng đưa dao cho Hinh. Hinh cất vào tay áo. Tuổi thứ sáu thành tuổi mười sáu. Hinh không còn trẻ con.

Đằng đông có cơn mưa.

Hinh giục tôi đi nhanh không ướt. Tôi chần chừ. Hinh giục lần nữa. Ngoảnh đi ngoảnh lại mặt trời đã bị nuốt chửng. Mây phủ đầy trời, đen kịt. Gió lạnh thốc tới thổi tung lá khô, cát bụi. Long bào vàng rộm rộng hoác bay phần phật. Sấm động đì đùng. Lắc rắc vài hạt mưa rơi. Hinh giục thêm lần nữa. Tôi bảo tôi không đi nữa. Tôi ở mãi với Hinh, đời này, kiếp này để không ai có thể ức hiếp, bắt nạt. Hinh bảo vậy thì cùng chết dưới cơn mưa để máu tưới đẫm hoàng cung. Cho mọi người biết nhà Lý chưa bao giờ hèn yếu, phụ thuộc. Con dao huơ lên cao. Tôi lao tới ôm Hinh. Long bào rộng quá, ôm mãi không hết. Con dao cắm phập vào lưng tôi. Máu hòa mưa loang đỏ khoảng rộng dưới chân. Hinh bật khóc, mím môi, rút dao ra định đâm vào người. Tôi giằng dao vứt ra xa. Máu trên lưng ri rỉ chảy. Một tay chống cây gạo gai, một tay ôm Hinh. Mưa trắng xóa trời. Kinh thành Thăng Long ngập nước.

Con rồng ngày vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long nhìn thấy từ trên trời cao bay vút xuống hòa cùng đất lạnh. Ánh mắt buồn bã. Cơn mưa giã nát vẩy rồng còn lưu lại trên đất.

Trần Cảnh đứng từ trong nhà nhìn ra câm lặng. Cảnh biết rồi sẽ có ngày con dao kia sẽ đắn đo nơi yết hầu mình. Cảnh chấp nhận. Dòng họ Cảnh nợ Chiêu Hoàng một ngôi báu. Một mối thù giết cha. Một mối thù dòng họ. Cảnh không thể trả hết trong kiếp này.

Cơn mưa chưa dứt.

Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ cùng hoàng hậu Trần Thị Dung buông trần những giọt mưa lên người. Mưa uyển chuyển chảy từ góc này sang góc khác trong căn phòng rộng. Lúc cuống lên chảy nhanh, mạnh, lúc lại chậm chạp, kéo dài. Thời gian trộn lẫn vào mưa.

Người cung nữ già đứng nơi cửa vén tay mình lên. Vô vàn vết sẹo lồi lõm, chằng chịt. Bà không nhớ đã tự cứa vào tay bao lần?

Cơn mưa rất cũ.

Nơi chùa Bút Tháp, Huệ Quang đại sư và vua Lý Huệ Tông ngồi cạnh nhau. Một bóng, một hình. Trên tay một rượu, một trà. Mưa theo vệt nứt nơi ngói rỏ xuống. Chạm vào Huệ Quang thành kí ức của ngày tháng cũ. Chạm vào vua Huệ Tông thành những ngày trước mặt. Rơi vào cốc trà, cốc trà bớt đắng. Rơi vào rượu, rượu bớt nồng. Bóng và hình đưa rượu, chè lên môi nhấp. Chẳng có mùi vị gì. Chỉ nhàn nhạt trôi xuống.

Cơn mưa từ ngày xửa ngày xưa.

Vị thái giám có cặp mắt đen láy, sâu thăm thẳm đứng giữa kinh thành. Ngựa xe lại qua nhộn nhịp. Tường Phù cửa Đông, Quảng Phúc cửa Tây, Đại Hưng cửa Nam, Diệu Đức cửa Bắc. Mưa ngày xưa không chọn được con đường đi cho những ngày tháng triền miên sẽ cũ. Buồn bã rút trong tay nải ra cây sáo trúc đưa lên thổi. Sâm cầm bay qua ngập ngừng dừng cánh. Nhan sắc ít ỏi rơi lả tả bên hồ.

Bố mẹ cùng hai em trai không biết đến cơn mưa…

Kinh thành Thăng Long một sáng tháng Chạp. Cái lạnh cuối đông thấu tận gan phổi. Sương vương ướt mái tóc điểm bạc. Chẳng còn lá gạo. Tôi lặng lẽ vun kí ức lại đốt. Lửa âm ỉ cháy. Lúc vàng lúc đỏ.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast