Chơi chữ trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Từ xưa, người Nghệ được tiếng là hay chữ nghĩa. Một trong những nét nổi bật của đặc điểm đó, không chỉ với các ông đồ mà cả với người bình dân khắp mọi vùng, đó là chơi chữ. Đặc điểm ấy cũng được thể hiện rõ trong các sáng tác mang tính truyền miệng của người lao động, đó là thơ dân gian Nghệ Tĩnh.

Chỉ nói về phương tiện được sử dụng, kiểu lựa chọn từ ngữ để chơi chữ trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy là sáng tác mang tính địa phương, nhưng cũng giống thơ dân gian các vùng khác, từ ngữ được sử dụng trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh chủ yếu là từ toàn dân nên trong các hình thức chơi chữ, ngoài việc dùng từ địa phương quen thuộc, người Nghệ cũng có hình thức chơi chữ bằng từ toàn dân.

Chơi chữ trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh ảnh 1

Các tiết mục dân ca ví, giặm được các nghệ nhân biểu diễn tại lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một trong những hình thức chơi chữ mà ta gặp khá nhiều trong các tác phẩm thơ dân gian Nghệ Tĩnh đó là lối đố chữ dựa theo cấu tạo chữ Hán:

- Đấm một đấm hai tay ôm quàng

Thuyền chèo lên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi?

- Lại đây anh hỏi nhỏ nì

Ấy là chữ mật một khi rõ ràng.

(Hát phường vải)

Chữ 密 (mật) trong tiếng Hán được cấu tạo từ 3 chữ: 宀 (miên),必(tất),山(sơn), ở đây, cô gái đã dựa vào hình dáng và ý nghĩa của các bộ mà tạo thành câu đố. Nhiều khi, tác giả dân gian còn dựa vào cả những tri thức liên quan đến nội dung Truyện Kiều để tạo ra tình huống đố chữ Hán. Người đáp có thể thông thạo chữ Hán nhưng nếu không am hiểu Truyện Kiều thì rất khó giải được câu đố. Trường hợp sau đây trong hát phường vải là một dạng rất phổ biến trong cách đố chữ của người Nghệ:

Truyện Kiều anh giảng đã tài

Đố anh giảng được câu này anh ơi:

Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Chàng trai đáp:

Tình chung nào phải ai xa

Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều.

Nếu như câu đố cho thấy, cô gái là người vừa giỏi chữ Hán, vừa thông hiểu Truyện Kiều thì cách trả lời của chàng trai cũng tỏ rõ anh là người không hề thua kém khi đã rất nhanh ý đáp ngay rằng, đó là Kim Trọng. Bởi chữ 鍾 (chung) là do chữ 金 (kim) và chữ 重 (trọng) hợp thành. Hình thức đố chữ của tác giả dân gian Xứ Nghệ khá linh hoạt và đa dạng.

Cũng là hình thức chơi chữ khai thác cấu tạo và nghĩa chữ Hán, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn có một cách thức khác là sử dụng các cặp từ ngữ sóng đôi nhau, giữa Hán Việt với thuần Việt sao cho phải đồng nghĩa trong một dòng thơ. Ở câu đố cũng như câu đáp, về nội dung ngữ nghĩa trên bề mặt, các cặp từ ngữ sóng đôi đó phải tạo được sự phù hợp mang tính logic:

- Mẹ thương con qua cầu Ái Tử

Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu

Chàng mà đối được thiếp làm du (dâu) mẹ thầy

- Lúa ba trăng cấy hồ bán nguyệt

Con hươu sao ăn lá hoàng tinh

Anh đà đối được em thuận tình em nha (nhé).

(Hát phường vải)

Chơi chữ trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh ảnh 2

"Bần đi hát ghẹo" - một hoạt cảnh dân ca ví, giặm sử dụng cách chơi chữ, hát lối đặc sắc, độc đáo của người dân Xứ Nghệ. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Ngoài cách thức sử dụng phổ biến từ toàn dân như trên, tác giả dân gian Xứ Nghệ còn linh hoạt sử dụng phối hợp 2 loại từ toàn dân và từ địa phương, hoặc trong những ngữ cảnh nhất định có thể chỉ dùng một loại phương tiện quen thuộc là từ địa phương khai thác vào mục đích chơi chữ. Chẳng hạn, trong hình thức hỏi đố ở câu hát phường vải sau đây, tác giả dân gian đã dựa vào nghĩa tách rời của từng yếu tố cấu tạo trong từ ghép, sử dụng phối hợp 2 loại từ ngữ để chiết tự, chia tách các yếu tố thành một trường liên tưởng gồm các từ cùng chỉ bộ phận cơ thể tạo nên sự bất ngờ thú vị. Cụ thể, tác giả dựa vào nghĩa của các yếu tố cấu tạo từ “mặt trời”, vờ xem "mặt" như là bộ phận “cơ thể của trời” để hỏi - đố về một từ khác (“trốc” - đầu) theo kiểu kết hợp tương tự:

Em muốn hỏi bạn một lời

Mặt trời ở đó trốc trời ở mô?

Một kiểu chơi chữ khác trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh là khai thác yếu tố đồng âm, bằng cách sử dụng yếu tố địa phương đối lập với nhau hoặc với yếu tố toàn dân khác trong dòng để nói tới yếu tố thứ hai nào đó ngược nghĩa với yếu tố ấy. Kiểu như ví dụ sau trong hát phường vải:

Cây đứng giữa đất trời gọi cây độ (đỗ)

Cây đứng một chộ (chỗ) nói cây trôi

Chàng mà đối được chàng lôi em về.

Trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, “độ” (cây đỗ) là danh từ chỉ cây “đậu”, nhưng “độ” còn là động từ tương ứng nghĩa với “đậu”, chỉ trạng thái đứng yên một chỗ. “Cây trôi” vừa có thể hiểu là "cây bị trôi", lại vừa được dùng để chỉ một loại cây mà ở Nghệ Tĩnh có vùng gọi là "cây trôi", nhưng có nơi lại gọi là “cây xoài” hoặc "cây quéo".

Gần với kiểu chơi chữ đồng âm, khai thác các yếu tố ngược nghĩa như trên, tác giả dân gian Nghệ Tĩnh còn dùng hình thức phối hợp giữa từ đồng âm với đồng nghĩa. Mục đích của cách chơi chữ này, ngoài việc thể hiện nội dung ngữ nghĩa theo mạch cảm xúc, các từ ngữ được lựa chọn còn phải tập hợp thành những trường ngữ nghĩa chỉ sự vật nhất định. Kiểu như:

- Rú, rừng, núi, động, đèo, truông

Ngàn xanh cách trở mây luồng cũng theo.

- Bể, hồ, khe, hói, lạch, rào

Sông su nước lội ước ao kết nguyền.

- Giả đò neo chiếc thuyền tình

Bạn mối lái (lưới) mànhgấp ghe.

(Hát phường vải)

Ở trên, một loạt từ được tập hợp, nghĩa liên quan đến núi rừng, trong đó có các từ địa phương với nghĩa tương tự; loại thứ hai là tập hợp các từ chỉ về sông hồ, trong đó, bể (biển) hói (chỗ nước chảy ra sông, biển trũng sâu, lõm vào ở đất liền), rào (sông nhỏ); loại thứ ba là tập hợp các từ cùng nằm trong một trường chỉ phương tiện vận chuyển trên sông nước và đánh bắt cá.

Tương tự, tập hợp các từ sau đây lại chỉ về con vật:

- Sao chàng vội cáo về mau

Hay là ngận nghĩ mấy câu đã chồn?

- Ngồi ri trơ tráo thêm lâu

Gọi rằng khách địa vài câu biết

(Hát phường vải)

Chơi chữ trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh ảnh 3

CLB Dân ca ví, giặm Trường Lưu thực hành diễn xướng. Ảnh: Công Tường

“Cáo” dùng trong phương ngữ là động từ có nghĩa “lui", “về”, đồng âm với “cáo” là danh từ có nghĩa gọi tên một loại thú ăn thịt; “ngận” là biến âm của “ngẫm" trong “ngẫm nghĩ”, đồng âm với “ngận” cũng trong phương ngữ có nghĩa chỉ một loại “cầy hương"; “chồn” trong tiếng toàn dân là “mỏi", còn tiếng Nghệ Tĩnh là con “cầy". Tương tự, “tráo” trong phương ngữ là chỉ "chim sáo" đi với "khách" (chim khách) và “gà" thành một tập hợp các từ chỉ “chim gà".

Ta bắt gặp kiểu chơi chữ này rất nhiều trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh, nhất là trong thể loại hát phường vải, như các ví dụ sau đây:

- Con kiến đất leo cây thục địa

Con ngựa trời ăn cỏ chỉ thiên

Chàng mà đối được gái thuyền quyên theo về

- Con rắn mà lăn qua

Conmà mổ bông

Chàng đà đối được thiếp phải về hôm nay.

Hình thức đố chữ, đố nghĩa là một kiểu chơi chữ được dùng rất phổ biến khi đối đáp nam - nữ trong hát phường vải.

Đối với văn học viết, do đối tượng phục vụ rộng rãi, lại là sáng tác của cá nhân nhà văn nên từ địa phương được dùng trong các tác phẩm của họ rất hạn chế. Những sáng tác dân gian như vừa khảo sát có thể xem là những tác phẩm mang đặc trưng Nghệ Tĩnh; ở đây, người sáng tác và người thưởng thức là một, đều là nhân dân lao động Nghệ Tĩnh và ngôn ngữ được dùng để sáng tạo cũng chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ. Sự tham gia của từ địa phương trong các hình thức chơi chữ khác nhau như trên không những cho thấy vai trò, khả năng của chúng mà qua đó, ta còn hiểu thêm khía cạnh tâm hồn, tình cảm và ứng xử của người dân Xứ Nghệ.

(Trường Đại học Vinh)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast