Chủ nhân giải Man Booker: Đoạt giải nhờ tiểu thuyết dành tặng cha

Nhà văn Australia nổi tiếng Richard Flanagan (53 tuổi) đã vừa đoạt giải văn học Man Booker đầy thanh thế với tiểu thuyết The Narrow Road To The Deep North.

Richard Flanagan là người Australia thứ 3 được trao giải thưởng này.

Một kiệt tác văn học

Tiểu thuyết The Narrow Road To The Deep North được ông đặt tên dựa theo một cuốn sách nổi tiếng của nhà thơ Nhật Bản Basho, kể về những người lính Đồng minh bị bắt làm tù binh chiến tranh và bị ép lao động khổ sai trên tuyến đường sắt Thái Lan – Miến Điện dài 415km trong thời Thế chiến 2. Flanagan đã viết cuốn sách để dành tặng cha đẻ Archie Flanagan, một cựu tù binh từng có 3 năm tham gia xây tuyến đường sắt.

Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết là Dorrigo Evans, bác sĩ đồng thời là một người lính Australia, đã bị bắt làm tù binh tại đảo Java ở Indonesia vào năm 1942. Truyện có những đoạn miêu tả qua lại giữa hai khoảng không gian và thời gian khác nhau. Một bên là cuộc sống ở trại tù binh chiến tranh, nơi Evans đấu tranh để sinh tồn và nhớ lại mối tình với người vợ trẻ tuổi của chú mình. Bên còn lại là đất nước Australia thời hiện đại, khi Evans đã là một ông già.

Nhà văn Australia Richard Flanagan, chủ nhân giải Man Booker 2014 với tiểu thuyết The Narrow Road To The Deep North

Nhà văn Australia Richard Flanagan, chủ nhân giải Man Booker 2014 với tiểu thuyết The Narrow Road To The Deep North

Ban giám khảo giải Man Booker ca ngợi cuốn tiểu thuyết này là một kiệt tác văn học. Ông A.C. Grayling, Chủ tịch Ban giám khảo, nhận định: “Đây không phải cuốn tiểu thuyết chỉ mang đề tài chiến tranh hay tập trung vào những con người chỉ biết bắn giết nhau. Sách xoáy nhiều hơn đến con người và các mối quan hệ của họ, giữa các tù binh trong chiến tranh và những kẻ canh chừng họ. Tiểu thuyết có bối cảnh trong Thế chiến 2, song vẫn chứa đựng các giá trị hợp với thời hiện đại.

Khi nhận giải Man Booker, Flanagan cho biết đây là vinh dự đặc biệt với ông. “Tôi thực sự thấy sốc khi lọt vào danh sách chung tuyển. Tôi vô cùng biết ơn khi nhận được giải thưởng này. Đây là một trong những sự tôn vinh lớn nhất của thế giới văn học” – Flanagan chia sẻ.

Cha là nguồn cảm hứng

Trong một bài viết trên tờ The Sydney Morning Herald hồi năm ngoái, Flanagan cho biết cha đẻ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất để ông viết cuốn tiểu thuyết.

Ông đã viết tới 5 phiên bản khác nhau của cuốn truyện, trước khi cho ra đời bản cuối hoàn chỉnh. Tổng cộng tác phẩm đã trải qua tới 12 năm “thai nghén”. Để có tư liệu viết sách, ông đã tới Thái Lan, đi bộ dọc theo tuyến đường sắt được mệnh danh là “con đường tử thần”. Thi thoảng ông còn vác các khối đá để trải nghiệm cảm giác của các tù nhân. Ngoài ra, Flanagan còn phỏng vấn một số cựu nhân viên từng làm việc trên tuyến đường sắt và có nhiều cuộc trò chuyện với cha mình.

Thật không may, cha Flanagan đã qua đời ngay sau khi ông hoàn thành một phiên bản của The Narrow Road To The Deep North. "Ông không bao giờ hỏi rằng cuốn sách nói về điều gì và luôn tin tưởng tôi sẽ viết ra một câu chuyện ý nghĩa, không khiến những người đã khuất phải xấu hổ" - Flanagan cho biết - "Tôi chỉ nhận ra ý nghĩa của việc cha không hỏi nội dung sách, sau khi ông qua đời. Là một nhà văn, tư tưởng của bạn cần được tự do. Sách không thể là công cụ để thực hiện đạo hiếu."

Muốn ra sách mới vào năm sau

Flanagan sinh ra ở đảo Tasmania (Australia) vào năm 1961. Trước khi viết tiểu thuyết đoạt giải, Flanagan cho ra đời 4 cuốn sách tư liệu và ông gọi đây là những tác phẩm trong “quá trình học nghề” của mình.

Một trong số đó là cuốn tự truyện về John Friedrich, người Flanagan coi là “kẻ bội tín nhất Australia”. Flanagan đã chấp nhận viết hồi ký hộ ông này trong 6 tuần để kiếm tiền viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Tuy nhiên, Friedrich đã tự vẫn khi cuốn sách mới hoàn tất được một nửa. Khi sách được tin, Simon Caterson, cây bút của tờ The Australian, mô tả tác phẩm là “một trong những cuốn hồi ký có độ tin cậy thấp nhất, nhưng lại hấp dẫn nhất trong lịch sử xuất bản Australia”.

Được biết cách đây 2 năm, Flanagan từng nghĩ tới chuyện đi kiếm việc làm ở các khu mỏ tại miền bắc Australia. Ông chia sẻ rằng đã cạn kiệt vốn liếng do dành quá nhiều thời gian để viết cuốn The Narrow Road To The Deep North. Ông dự định sẽ tiếp tục viết sau khi nhận tiền thưởng từ giải Man Booker. Flanagan hy vọng tung ra một cuốn tiểu thuyết mới vào năm sau, dù việc đoạt giải Man Booker có thể làm thay đổi kế hoạch này.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast