Chung chiêng nhớ núi

Tôi sinh ra ở chân núi. Bao bọc tứ bề là những ngọn núi của dãy Mồng Gà bốn mùa xanh ngắt. Xa hơn chút nữa, huyền hoặc hơn chút nữa là dãy Thiên Nhẫn chập chùng mờ sương giăng. Tuổi thơ tôi quen với tiếng gió vi vút ngàn thông, quen với mùi ngai ngái của những sim, mua, bổi, trện… Và dẫu bây giờ đã đi trăm ngả, tôi cũng chẳng thể nào quên những nỗi nhọc nhằn một thuở mẹ cha...

Tùy bút

Chẳng hiểu sao mỗi độ gần Tết, khi mùi hương trầm bắt đầu vương vấn phố phường, lòng tôi lại chộn rộn nhớ về nơi ấy. Những dãy núi ở làng quê tôi vẫn sừng sững bao đời nay mà sao cứ chung chiêng, chung chiêng trong nỗi nhớ vời xa. Có lẽ bởi đó là nơi khởi nguồn của những nhọc nhằn mưu sinh một thuở cũng là nơi mang đến nhiều sản vật trong dịp Tết cổ truyền. Và thiêng liêng hơn cả là bởi ấy là nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà tôi.

Cha tôi – giảng viên trường Học viện kỹ thuật quân sự xin về hưu trước thời hạn vì hoàn cảnh gia đình. Với cấp bậc trung tá khi ấy, đồng lương hưu ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Và người lại trở về với công việc của một nông dân như trước ngày nhập ngũ. Mẹ tôi lúc ấy công tác ở bệnh viện huyện, vì tình cảm gắn bó nên nhiều bệnh nhân ở vùng Sơn Phúc, Sơn Thủy thường ngỏ ý cho mượn đất đồi để cha mẹ khai khẩn trồng lạc, trồng khoai. Tôi làm sao có thể quên được những ngày nắng chang chang, những chiều mưa rừng xối xả, cha mẹ tôi đạp xe vào vùng Long Thủy khai hoang trồng lạc, trồng khoai. Bàn tay cha tôi vốn đã chai sạn lại càng sần sùi hơn trong mỗi nhát cuốc bổ xuống từng phiến đất cằn. Dáng vóc mẹ tôi vốn gầy gò lại trở nên mong manh hơn sau những lần đạp xe vào xa thẳm núi non cuốc đất, lật cỏ. Núi đồi chẳng phụ lòng người khi cho những mùa thu hoạch bội thu. Chúng tôi được học hành, có ngôi nhà mới để ở là bắt nguồn từ đó. Chẳng thể nhớ nổi cha mẹ trồng lạc, trồng khoai ở đó mấy năm nhưng thời gian cũng đủ để chúng tôi thân thuộc hết những nhà trong xóm. Để đến tận bây giờ mỗi lần có chuyện buồn, chuyện vui nhà nhà vẫn qua lại với nhau rất thân tình.

Tuổi thơ tôi khuyết hao những câu chuyện cổ tích lung linh, huyền bí nhưng lại ăm ắp bao ký ức nhọc nhằn. Nỗi nhọc nhằn in dấu trong ước mơ nhỏ nhoi. In dấu trong cả từng món đồ chơi thơ ấu. Đã lâu lắm rồi nhưng đôi quang gánh đồ chơi cha làm cho tôi bằng phần sắt bảo vệ của chiếc đèn bão bị hư vẫn khiến tôi rưng rưng mỗi lần nhớ đến nó. Đó là thứ đồ chơi đầu tiên tôi có được trong suốt những tháng ngày thơ bé. Và sau này đôi quang gánh cũng trở thành vật dụng gắn bó với tôi trong lao động hàng ngày. Giống như bạn bè cùng trang lứa, tôi lớn lên trong những công việc gắn liền với núi. Khi thì cùng bạn bè chăn bò, khi thì đi lấy củi, nhất là dịp gần Tết, thể nào chúng tôi cũng rủ nhau vào tận đỉnh 5, đỉnh 6 để đào những gốc trện, gốc luồng về chuẩn bị nấu bánh chưng. Tấm lưng trẻ thơ như oằn xuống bởi đôi quang gánh chất đầy củi và bao đôi bàn chân đều to bè ra bởi những lần ngược xuôi qua nhiều đỉnh núi. Sau này, khi đã ý thức được về vẻ đẹp ngoại hình chúng tôi mới ngẫm nghĩ đến điều này. Có một chút tiếc thương, một chút dỗi hờn số phận nhưng hơn cả chúng tôi đều tự hào về những tháng ngày đã sống.

Cùng với nỗi nhọc nhằn, núi cũng mang đến cho chúng tôi nhiều ký ức ngọt ngào. Từ lúc sinh ra, trong tâm trí chúng tôi núi đồi luôn là mảnh vườn chung mênh mông hoa trái. Chúng tôi đã lớn lên với rất ít bánh kẹo nhưng đầy thức quà của núi đồi với khoai mài chống đói, với sim, mua, muồng nhuộm tím tuổi thơ và mít, dứa cùng những quả quýt thơm lừng hương núi... Để đến bây giờ khi đã đi đến nhiều chân trời, thưởng thức bao của ngon, thức lạ vẫn không bao giờ quên đặc ân của núi đồi.

Núi rừng cũng là nơi mưu sinh của rất nhiều người làng tôi. Trong đám trai tráng của làng dạo ấy, anh trai tôi cũng đã ngược ngàn chặt nứa rồi kết thành bè, trầm mình giữa mưa nắng theo dòng Ngàn Phố về xuôi. Những cây nứa bán chẳng được mấy mà thấm trải bao nỗi nhọc nhằn của những đêm luồn núi bị vắt cắn, của những ngày vượt thác, vượt ghềnh về xuôi. Mùa nào thức nấy, núi rừng luôn là nơi có thể mưu sinh. Mùa măng lấy măng, mùa nứa chặt nứa, Tết thì đi lấy lá dong, ống giang… Xa lắm rồi những ngày cực khổ ấy nhưng bây giờ mỗi lần về làng nghe chuyện người này, người kia sắp luồn rừng, luồn núi mưu sinh chúng tôi lại rưng rưng thương nhớ. Nhớ về quãng đời không có tuổi thơ để thương hơn những kiếp đời lam lũ…

Chiều nay, giữa phố thị đông người, tôi như gặp lại bóng núi của mình khi ngang qua hàng lá dong bên góc chợ tỉnh. Tết đang đến rồi. Những sản vật của núi non cũng theo nhau về phố. Và trái tim tôi cũng không nguôi niềm nhớ về những đỉnh núi may mù giăng phủ, về những ngọn đồi bát úp in dấu nỗi nhọc nhằn một thuở...

Đã qua rồi những năm tháng quanh quẩn với mấy loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân những xóm núi quê tôi giờ đã đổi mới tư duy, được hỗ trợ vay vốn, họ mạnh dạn nhận đất trống, đồi trọc khai hoang trồng cam, trồng rừng nguyên liệu. Những vùng sâu thẳm trong lòng núi, nơi trước đây vẫn thường được mệnh danh là “khỉ ho cò gáy” giờ đã được đánh thức với nhiều trang trại trồng cam, nuôi hươu... Không chỉ có cam bù bán trong dịp Tết, vào dịp đầu năm, vùng đất sâu thẳm trong lòng núi còn đón hàng chục lượt du khách đến mua nhung hươu. Và nữa, biết bao khoảnh rừng nguyên liệu xanh thẫm cũng hứa hẹn nguồn thu không nhỏ cho những triệu phú chân đất. Những bàn chân vẫy gọi bàn chân. Thành công của người này là bài học cho người khác. Núi như sâu hơn trong từng nhát cuốc khai hoang, lập trang. Núi cũng như gần hơn bởi những con đường mới mở, dẫn lối khách thập phương về tham quan, mua bán… Núi thành vườn, vườn thành núi là thế…

Chiều nay, giữa phố thị đông người, tôi như gặp lại bóng núi của mình khi ngang qua hàng lá dong bên góc chợ tỉnh. Tết đang đến rồi. Những sản vật của núi non cũng theo nhau về phố. Và trái tim tôi cũng không nguôi niềm nhớ về những đỉnh núi may mù giăng phủ, về những ngọn đồi bát úp in dấu nỗi nhọc nhằn một thuở...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast